Bàn Máy Chữ của Cha

Myriam Đào
Chuyển ngữ: Trần Vũ

Lời Người Dịch:

Mang trong mình dòng máu Việt của cha, Myriam Đào tốt nghiệp kiến trúc và làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Các công trình của bà xây cất trên nền trí tưởng của những vùng lãnh thổ đã mất, đặc biệt ở các xứ cựu thuộc địa. Một bộ sưu tập các bức ảnh và bản vẽ về các khía cạnh chưa biết đến của sắc dân Hani ven sông Hồng vừa hoàn tất. Hơn một truy tìm căn cước, Myriam Đào thiết lập những đài quan sát về những thay đổi trong không gian của các dân tộc bị xem là ít quan trọng hoặc văn hóa còn ven lề lịch sử. Thỉnh thoảng bà viết những đoản thiên mà Bàn Máy Chữ Của Cha – Le Clavier (The Keyboard) – là một tùy bút chất chứa nỗi niềm, trong băn khoăn về một sự phân cách. Với tuổi trẻ Việt sinh ra trên lục địa mới, số đông sẽ bắt gặp tâm trạng của chính mình của lần đầu trông thấy chữ viết của cha. Các ký tự chứa bí mật. Tuy nhiên, với độc giả cao niên sẽ là một buồn bã. Myriam Đào đã nhìn cộng đồng Việt lưu vong với nhiều thiên kiến, bên cạnh việc sùng bái quá mức chữ đồ thị Trung Hoa. Quê hương, hay quê nội trong trường hợp Myriam Đào, không chỉ là chữ viết. Một nét bút hay một tuồng chữ, ngay cả khi đánh máy, bằng mẫu tự La-tinh, không chứa hết văn hóa của một dân tộc.

Myriam Đào

Chọn dịch Bàn Phím Của Cha, chính vì tôi cũng có một máy chữ Splendid 33 của hãng Olympia sản xuất cho VNCH với các mẫu tự xếp theo AĐERTY thay vì AZERTY hay QWERTY như trên các bàn phím tiếng Pháp hoặc Anh. Thập niên 80 chưa có Microsoft, tôi viết tay những truyện ngắn đầu tay nhưng rất nhanh tôi biết cần phải có một máy chữ. Người viết truyện nào cũng muốn có một bản thảo tươm tất và sạch sẽ. Nhưng đánh máy bỏ dấu tay khiến văn bản vẫn chưa “chuyên nghiệp”. Một ngày đi ngang một tủ kính, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một máy chữ với các dấu tiếng Việt. Chủ hiệu nói máy chữ này sản xuất cho một quốc gia đột tử, công ty không biết gửi về đâu nên bày ra bán lẻ. Tôi mua chiếc máy ấy với giá ba trăm quan và những truyện ngắn Bên Trong Pháo Đài, Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu, Mùa Mưa Gai Sắc, Pháo Thuyền Trên Dòng Yang-Tsé gõ trên chiếc máy ấy. Đọc Myriam Đào, tôi nghe lại tiếng động của cỗ máy giật lùi sau mỗi hàng gõ, màu đại dương sẫm của giấy than chì với động tác xoay trục rút trang đánh máy vừa hoàn tất. Bản chính gửi cho Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Khánh Trường, bản carbone giữ cho mình… Ngày rời Paris, tôi đã do dự rất lâu trước khi quyết định vất chiếc máy vì hành lý đã quá nặng và cũng vì giống như tivi đen trắng, thời đại của máy đánh chữ đã hết. Chỉ còn hoài niệm và Myriam Đào ghi lại.

[Trần Vũ]

clip_image003

Bàn máy chữ Splendid 33 của hãng Olympia sản xuất cho VNCH với các mẫu tự xếp theo AĐERTY thay vì AZERTY hay QWERTY như trên các bàn phím tiếng Pháp hoặc Anh.

Một vali thật sự, vừa là vật lưu chuyển vừa làm bạn đồng hành, máy đánh chữ của cha là vật có thể đem theo và có thể mường tượng ra dễ dàng cảnh cha rời xứ Bắc, nơi chôn nhau, với chiếc máy chữ cất trong một chiếc rương nhỏ xách tay thanh lịch như hành trang duy nhất.

Một khí cụ chuyển tiếp, vừa có thể ký âm tiếng mẹ của cha, vừa có thể phát ra ngôn ngữ thứ nhì cha đã thâu nhận; đồng thời là một công cụ giúp trao đổi không chỉ giữa thế giới mà cha đã rời đi với thế giới từ đây cha thuộc về – là nước Pháp – mà còn giữa một con người với những con người. Cha đã biết tiên tri.

Tôi vẫn còn nghe thấy thường xuyên âm thanh của cỗ máy lùi lại vang lên, sau vài chục phím gõ mỗi khi cha đánh hết một hàng. Cha đã gõ thư hành chính, các chú giải tử vi và thư viết cho gia đình. Cha có thói quen cất giữ hết thư từ bằng cách sao qua một tấm giấy carbone làm bằng than. Lớp giấy mịn màu đại dương sẫm và rất mỏng này là một bí ẩn đối với chúng tôi khi tấm bé. Chúng tôi bí mật đánh cắp xấp giấy xanh đêm từ hộp các-tông rồi viết đè lên nguệch ngoạc bằng bút chì để in vết mực than chì trên sàn nhà.

Máy đánh chữ của cha rất đặc biệt. Mang hơi hướm lạ của một vật nhiệt đới, tố cáo gốc gác của cha cho dù cha nói tiếng Pháp lưu loát như người Pháp. Chỉ cần nhìn hàng phím trắng vẽ những ký tự không thể phát âm là biết người đàn ông sở hữu chiếc máy ấy đến từ một chốn xa xôi và nói một thứ tiếng không ai biết.

Tôi chăm chú quan sát các mẫu tự được trang trí bằng những dấu hiệu phi thường mà tôi khó khăn tưởng tượng ra giọng điệu. Phụ âm bị vượt qua bởi dấu ngã, nguyên âm đội mũ với dấu phẩy như có rất nhiều lọn tóc và hàng lông mày cong nhíu nghiêm trọng, Ơ có râu hoặc có một nốt ruồi dính dưới cằm, hoặc Ư được trang điểm bằng dấu móc của Ç.

Tất cả kỳ lạ chính vì chiếc máy Olympia Splendid 33 chứa ngữ âm Việt. Cha sinh ra ở một nơi chốn khác, nhưng trong nhà cha nói chuyện hàng ngày bằng một thứ tiếng không là tiếng mẹ của cha. Tôi phải mất nhiều năm trước khi đo lường hết chiều kích lạ lùng của sự trái ngược ấy, vì chừng như việc nghe cha nói tiếng Pháp, đối với tôi, đã vô cùng bình thường tự nhiên.

Cha đã không cố gắng truyền tiếng mẹ của cha cho các con. Hoặc rất ít. Vì đó là một ngôn ngữ mà cha đã gắn liền với quá khứ — một thế giới đã biến mất. Cha đã đi khỏi thế giới ấy, rời ra khỏi quá khứ ấy vào năm 1950, có nghĩa là trước rất lâu chiến thắng của Việt Minh ở cuối chiến tranh Đông-Dương, và như thế, cha không trải qua sự chuyển biến của xứ Đông-Dương trở thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dường như cha đã muốn tự tách rời ra khỏi vùng đất đã chứng kiến cha sinh ra nhưng không tách ra khỏi được chiếc máy đánh chữ.

Là một vật chắc nịch, gần như bị thâu nhỏ, nhưng cồng kềnh nặng nề vô cùng. Tôi đã khó khăn không biết làm sao vận dụng nó, ngay cả khi cha cho chơi với trục máy và dạy cho cách lèn một tờ giấy thật ngay ngắn bằng cách vặn nắm xoay để tờ giấy trồi lên. Vật thể giống như một món đồ chơi.

Làm sao có thể nghiêm trang thao tác với một tạp vật “lai giống” như vậy?

Nếu cha biết viết thư pháp bằng bút lông chấm mực Tàu, tôi đã có thể thấy việc đánh chữ tượng hình trên chiếc máy ấy ít nhục nhã hơn. Cỗ máy chắc chắn sẽ toát ngời thêm vẻ kỳ lạ nhưng ít “ức chế” hơn. Là những gì tôi đổ lỗi cho cỗ máy, rất lâu trước khi đọc Frants Fanon viết về sự bồi đắp văn hóa. Vì sau cùng, chữ “Quốc ngữ”, tên chính thức của thứ chữ viết theo ký tự La Mã của tiếng Việt, không là gì khác ngoài một bảng chữ cái La-tinh tô điểm thêm bằng những âm-tiêu là những dấu phụ. Được mã hóa từ thế kỷ 16 do các giáo sĩ Bồ Đào Nha, chữ Quốc ngữ là thành tích của Sứ-mệnh Truyền-giáo. Khi tôi bắt đầu học tiếng Hoa, viết chữ Hán và nói tiếng Quan Thoại, bàn máy đánh chữ Olympia Splendid 33 đã hiển lộ trong mắt tôi như một nét của sự tự bồi đắp của dân Việt. Tính xác thực của thứ chữ ký âm từ chiếc máy là một phỉnh gạt. Thứ chữ ấy hiện diện chính vì chữ đồ thị nguyên thủy của người Việt đã cúi đầu trước sứ-mệnh khai-trí. Học tiếng Hoa đối với tôi, mới đúng là một “về nguồn” thực sự, quay về gốc gác của văn hóa chữ đồ họa.

Riêng đối với cha, bàn phím AĐERTY là những gì còn kết nối với xứ sở gốc của cha. Sợi dây nối càng thêm duy nhất vì cha đã không thể dùng ngôn ngữ của máy chữ ấy với mẹ, vì mẹ chỉ nói tiếng Pháp, cũng không dùng với chúng tôi, những bé gái được giáo dục theo nguyên tắc phải chịu chấp nhận cho Tây “đồng hóa”.

Dưới đáy cùng của một tủ gỗ, cha chứa thư viết cho những đồng bào mà cha đã lìa bỏ từ nhiều thập niên. Hàng tá túi chứa ngập bản sao của những lá thư cha gửi đi và những cánh thư cha nhận về, với một thứ chữ không ai hiểu. Những phong bì xanh lơ, đóng dấu bưu điện từ những năm đầu của thập niên 50 sang đến thập niên 2000 gửi bằng máy bay, By Air Mail, mỏng và nhẹ hẫng mà chúng tôi cắt ngay tem dán để cho vào bộ sưu tập. Bên trong các phong bì nhẹ tênh ấy, là những trang giấy pelure còn nhẹ hơn nữa, được gấp cẩn thận. Một số với chữ viết của ông nội, chú bác hoặc dì, và cùng gấp kèm với chúng là những tờ giấy được cha đánh máy để hồi âm cho những cánh thư này.

Như thế, bàn phím AĐERTY đã diễn tả ngôn từ của một gia đình di cư từ Bắc vào Nam bên trong một xứ, rồi cũng chính những con người ấy di cư sang Hoa Kỳ. Những biểu cảm của một kẻ lưu vong với những kẻ lưu vong khác. Bàn phím ấy luân chuyển và lưu hành lời nói, những lời bị bắt buộc cách đoạn trong thời gian và địa lý, nên luôn cách xa thực tế. Điều này làm phát sinh các cuộc đối thoại giữa những người điếc, đôi khi do sự chậm trễ trong việc phát thư – tin tức đã lỗi thời – nhưng thường xuyên sự hiểu lầm ấy phát xuất từ khoảng cách giữa trải nghiệm của một người và sự tưởng tượng của người kia. Do đó, những anh em của cha đã tưởng tượng chúng tôi sống trong giàu có ở Pháp, bởi vì cha đã quá tự kiêu không muốn kể cho họ nghe về điều kiện khiêm tốn của chúng tôi, chất đống cả 5 thân xác trong một chu vi 30 thước vuông. Trong lúc cha vẫn cố gắng, với tư cách là anh cả, ban phát những lời khuyên cho anh em của mình, mà không ý thức là những lời khuyên mang âm bội cổ xưa của một Hà Nội thời Đông-Dương trước độc lập, cũng chẳng mấy sát sao với một Sàigòn thời Mỹ, càng thêm xa lạ với một Thành phố Hồ Chí Minh sau thống nhất.

Một vật kỳ quặc. Ngày nay có thể cho rằng chiếc máy Olympia xinh xắn là một vật “tổng hòa”: nó cung cấp một phương thức giao tiếp “phổ quát” nhưng thêm vào dấu nhấn “văn hóa dân gian có tính địa phương”. Bàn máy chữ này sẽ rất thành công trong các địa hạt nghệ thuật sắp đặt. Thật không may, tôi đành phải xa lìa nó. Nó đã truyền tải quá nhiều thất vọng, và nhất là, sau khi cha mất, nó trở nên câm lặng. Thoạt tiên, trước khi tôi kịp nhận ra, giọng điệu của bàn phím AĐERTY thưa thớt dần. Tốc độ trao đổi thư từ tiếng Việt của cha đã giảm đi do bị kiểm duyệt. Cha không còn đánh máy thư cho gia đình đọc mà đánh máy các lá số tử vi trên những tờ giấy gấp sẵn có kẻ 12 cung hoàng đạo. Cha biết “bói toán”. Không do thú tiêu khiển cá nhân nhưng là để kiếm sống. Cha có thiên bẩm từ thuở ấu thời rồi học thêm với các nhà sư trong những ngôi hẻm bên trong phố cổ Hà Nội, vào những năm 30. Chiếc máy Olympia gõ vào trong các ô hàng loạt từ vựng, “Hợi” để chỉ Lợn rừng, “Tuất” là Chó, “Ngọ” là Ngựa, “Tý” là Chuột, “Mão” là Miu, “Sửu” là Trâu, v.v.. Mỗi ô tương quan với một cung “thiên bàn” trên trời mà Cha đã kẻ bằng thước với bút bic, trên một trang giấy tái chế, trước khi luồn qua trục rồi cha lấp đầy các cung bằng những ký hiệu mà phần số đã trao cho kẻ muốn biết quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thật lâu tôi đã nghĩ rằng những cung, can, chi này là một niềm tin cổ lỗ, vì không tìm ra giải thích nào hợp lý. Cuối cùng tôi cũng hiểu. Phải mất nửa thế kỷ tôi mới hiểu là qua thao tác ấy, với cách diễn dịch những vì tinh tú không có thật, có vẻ cổ xưa và ít được phương Tây chú trọng này, là cách cha đã ghi xuống cuộc chiến của bản thân chống lại thời Hiện đại. Là phương thức cha tiếp tục cuộc tranh đấu chính trị của mình. Kiên trì nghề bói toán, trong một thế giới bị khoa học thống trị, là một hành động đề kháng. Bằng ngôn ngữ mà cha là người duy nhất giải mã. Với một thứ chữ ký âm để cha tương tác, không phải với các đồng loại mà với thiên hà. Và để thiết lập tương quan ấy, phương tiện là chiếc máy nhỏ này với một mặt bàn phím đặc biệt. Bàn phím AĐERTY.

MĐ, tháng 11-2016

Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn LE CLAVIER, tháng 2-2020.

clip_image005

Related posts