Trương Văn Dân
Khi nhìn một đóa hoa trôi theo dòng nước, thi hào Nguyễn Du đã viết:
Nước trôi hoa rụng đã yên,
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian.
Thì hôm nay nhìn đường phố trước nhà quạnh hiu như sa mạc thì có lẽ tôi cũng có thể nói là mình vừa nhìn thấy giai đoạn chuyển tiếp cuả một thời.
Ý nghĩ ấy chợt lóe lên trong tôi, như một cách trả lời cho Vivian, mấy hôm trước đã gọi điện thăm và nửa đùa nửa thật: “cậu sẽ nói với con gái đầu lòng của cháu, 8 tháng tuổi, thế nào về corona và cuộc sống?”.
Tôi sẽ nói với Olivia: có lẽ cháu sẽ không còn thấy cái thời đại an lành mà loài người vô tư sống, thoải mái hưởng thụ và ít khi nghĩ đến ngày mai!
Tôi vừa trở lại Milano, sau một chuyến hành trình gian lao, vất vả và đầy nguy hiểm. Milano là một thành phố đẹp, phát triển vào bậc nhất nước Ý và được nhiều du khách trên thế giới yêu thích. Đó là kinh đô của thời trang, của design, của các hội chợ quốc tế, là thành phố từng mang tặng thế giới nghệ thuật trong đó có cả ăn ngon và mặc đẹp. Thế nhưng trong những ngày này, nó còn là kinh đô Âu châu của bệnh dịch Coronavirus, một thành phố thuộc “top” đỉnh cao văn minh của nhân loại, giờ đây đã bị đánh quỵ. Sân thánh đường Duomo ở Milano – nơi hàng triệu du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, chụp ảnh kỷ niệm với chim bồ câu, nay chết lặng, không khí tang thương.
Ngày tôi về đến Ý thì đã có gần 100.000 người bị lây nhiễm và hơn 10.000 người chết. Cái tỉ lệ chết chóc 10% đang làm thế giới rùng mình và kinh hãi. Những cỗ quan tài chen chúc xếp thành hàng trong các nhà thờ vì nhà xác không còn chỗ chứa.
Các dịch vụ công cộng địa phương khủng hoảng, thiếu khả năng ứng phó với số người chết quá nhiều. Các linh mục bật khóc khi mỗi chiều mở cửa nhà thờ nhìn những đoàn xe quân sự vận chuyển thi thể đến các địa điểm hỏa táng ở rất xa thành phố.
Những người chết đó, họ là ai? Phần lớn đều là người lớn tuổi, sinh ra trong thập niên 1930 hay 1940 của thế kỷ trước, nghĩa là trước hay sau thế chiến thứ hai. Tôi gọi đó là thế hệ vàng của nước Ý, những con người bất hạnh sinh ra trong nghèo khổ và lớn lên trong tan hoang, tuy không có điều kiện học hành, nhưng với quyết tâm và lòng yêu nước họ đã làm việc và dựng nên một nước Ý hùng cường và thịnh vượng.
Từ nhỏ, tôi đã thường có những gắn bó với những người lớn tuổi. Không hiểu sao, với họ tôi thường có mối quan hệ mật thiết hơn là với những người đồng tuổi.
Tôi còn nhớ đến thời 19 tuổi, qua Ý chỉ chừng vài tháng. Tiếng Ý nói chưa rành. Một hôm đi dạo, tình cờ gặp một người đàn ông tuổi xấp xỉ 60. Khi biết tôi là người Việt Nam ông liền ôm chầm lấy. Việt Nam! Việt Nam! Đất nước anh hùng, dám chống Pháp để giành độc lập. Sau đó ông mời tôi về nhà ăn cơm. Rất bất ngờ vì tôi biết người Ý thường mời bạn ăn Pizza chứ ít khi mời bạn về nhà. Trong bữa ăn, ông liên tục nói với các con: Nhìn đi, ông bạn trẻ này, đến từ đất nước xa xôi học đại học để sau về tái thiết quê hương. Các con nên lấy đó làm gương, cố gắng học hành.
Cuộc gặp gỡ đầy kỷ niệm với ông Vittorio ấy không ngờ kéo dài đến mấy mươi năm, dù sau này tôi đã dời về thành phố khác, cho đến ngày ông mất.
Một thế hệ vàng đã mất. Họ đang chết hay chết dần trong các bệnh viện. Những con người đã chịu đựng, trải qua bao khó khăn, lúc về già chỉ ước được vui cùng con cháu. Họ nằm đó, không người thân, có ngày cả ngàn người chết cô đơn trong sợ hãi, ra đi mà chẳng một lời từ biệt!
Thật không thể nào tin được!
Lòng tôi nhói đau khi nghe xe cứu thương hụ còi trong thị trấn buồn hiu, hay trĩu buồn trong những buổi chiều nghe tiếng chuông nhà thờ từ phía sau nhà vọng lại, âm thanh rạc rời, chậm rải như lời nguyện tiễn hồn về cõi vô cùng.
Có ai đó đã nói: khi một người già mất đi thì giống như một thư viện bị đốt cháy, thế thì một phần ký ức của nước Ý đang bị biến thành tro bụi.
Bây giờ, trong lúc này đây, tôi nhìn ra cửa sổ, chênh chếch đối diện về phía bên kia đường, nơi cửa hàng thực phẩm của mấy người Ai Cập nhập cư, trước đây vắng vẻ lúc này có cả một hàng dài người đứng xếp hàng. Người này đứng cách người kia chừng một mét. Ai nấy đều mang khẩu trang, có người còn cẩn thận mang cả găng tay, nhưng cũng có vài người tạm che mũi miệng bằng chiếc khăn foulois mỏng dính. Một chiếc khẩu trang, món hàng bình thường vô nghĩa mà giờ đây quý như vàng. Nhiều người có tiền mà không mua được!
Kỳ lạ cái thế giới này! Con người đã bay lên sao Hỏa mà không xây được cái đập chắn thủy triều để nước khỏi ngập tràn thành phố. Mỗi vài tháng xuất xưởng đủ kiểu điện thoại đời mới, TV tân kỳ, xe hơi tốc độ mà không may được khẩu trang. Sân bay nào cũng tràn ngập nước hoa, mỹ phẩm đủ loại mà chai nước rửa tay diệt khuẩn thì vô cùng khan hiếm.
Sau hơn 2 tuần tự cách ly ở nhà, tôi báo với vợ rồi mặc đồ, mang khẩu trang ra ngoài. Đi vài chục mét tôi đến nối đuôi vào cái hàng duy nhất trên đường phố. Tôi kín đáo nhìn mọi người, đàn ông và đàn bà, khuôn mặt ai nấy đều có vẻ đăm chiêu. Bên trên những chiếc khẩu trang tôi còn nhìn thấy tia nhìn của họ giống tia nhìn của những đứa bé vừa bị tước mất đồ chơi.
Phần lớn người trong hàng đều thuộc lứa tuổi trên dưới 60, thuộc hàng con cháu của ông cụ Vittorio, lớn lên sau chiến tranh, học hành, thành đạt. Họ thuộc về giới trung lưu, sung túc, công ăn việc làm ổn định, đầu ít khi nhìn xuống.. thế mà, đùng một cái, tất cả đều không hẹn mà gặp nhau ở một cửa tiệm nhỏ, ngoan ngoãn đứng sắp hàng, người này cách người kia hơn 1 mét, để chờ mua vài ổ bánh mì!
Tôi và họ cùng thế hệ, tuổi trẻ của họ cũng là tuổi trẻ của tôi, chỉ khác biệt là thời du học, chúng tôi chỉ là những sinh viên xa nhà, khốn khó. Những thứ bảy, chủ nhật chúng tôi cặm cụi học hành, đi làm để kiếm sống còn họ thì có những chương trình hội họp, vui chơi. Cha mẹ họ, cái thế hệ đã hy sinh, chịu gian khổ để bù lại cho các con bằng vật chất và thú vui mà đời mình chưa bao giờ được hưởng. Đời sống và việc học hành của lớp con này dễ dàng, tốt nghiệp, thăng tiến trong công việc, vị trí càng lúc càng cao, trách nhiệm tương xứng với điều mà họ cống hiến.
Họ sống tốt, có trình độ và sở hữu nhiều thứ, nhưng có lẽ thiếu một thứ: khả năng thích ứng. Họ chưa bao giờ bị gọng kềm chiến tranh chạm đến, hiếm khi bị những khó khăn từ sự sống còn quật ngã và không bao giờ hỏi mình là ai trong vũ trụ này. Họ hồn nhiên và vô tư sống, ít nhiều cũng đã góp phần vào một lối sống tiêu thụ vô tội vạ và tạo nên một hệ thống kinh tế thực dụng, không cần biết đến ngày mai. Nghĩ đến họ tôi không thể không liên tưởng đến những thanh thiếu niên thế hệ 8x, 9x ở quê nhà.
Và lúc này, ở tuổi 60, bụng đã to và tóc đã bạc, họ đang đứng sắp hàng để mua vài ổ bánh mì!
Trong đám người ấy chắc cũng có một vài du khách đến Milano du lịch hay tham dự tuần lễ thời trang rồi bị kẹt vì lệnh phong tỏa. Do những tình cờ trớ trêu của định mệnh mà họ phải chia sẻ nỗi lo với người Ý trong mùa đại dịch.
Tôi đứng chờ cho đến khi mọi người đã mua được thứ mình cần, hàng chỉ còn 1, 2 người đứng sau tôi và lúc ấy có một chiếc xe của sở y tế địa phương chạy đến để phun thuốc tiệt trùng. Mua hàng xong tôi trở về nhà và ngồi vào bàn viết.
Hơn mười nghìn người chết, hàng trăm nghìn người lây nhiễm … tôi nhớ lại những khuôn mặt đăm chiêu và chợt nghĩ là cái thế hệ có thể nói may mắn của Âu châu giờ này đang là chứng nhân cho một thời sắp đi qua, và họ đã bắt đầu già để có thể hy vọng vào một điều gì sắp đến.
Nhưng tôi biết là họ sẽ không gục ngã. Điều tôi băn khoăn và muốn biết là những xáo động và đổi thay trong lòng họ. Dù muốn hay không họ cũng sẽ nhìn lại những gì đã làm, đã sống như thế nào khi chứng kiến những ngày này rồi có thể tự hỏi sẽ nói gì với các con mình. Tôi mong là họ sẽ dạy con và cháu nên sống và làm việc thế nào để bầu không khí trong lành, biển sẽ trong xanh, ai nấy đều tôn trọng thiên nhiên, chăm lo đến sức khỏe của mình và biết quan tâm đến người khác. Lòng nhân từ, bác ái phải là các đức tính căn bản để xây dựng một xã hội văn minh.
Tôi mong là họ sẽ nói với các con là một nền kinh tế không phải chỉ nhắm đến tăng trưởng, mà phải hướng về sự an toàn và hạnh phúc của con người.
Vì tất cả chúng ta đều thực sự liên đới với nhau, ít nhất theo nghĩa là cùng sống chung trong một môi trường, cùng hít thở một bầu không khí.
Hiểu được thế thì cũng là cách tri ân hàng nghìn người già vừa ra đi trong thầm lặng. Rằng cái chết của một thế hệ đã không vô nghĩa khi đã góp phần vào việc nhắn gửi thông điệp chung của Thiên Nhiên để thức tỉnh lương tâm con người!
Một thời sắp qua, và một thời khác sẽ bắt đầu. Giá trị nào rồi cũng sẽ thay đổi khi con người nhận ra mình là nạn nhân vì hành động của chính mình.
Tất cả chỉ do một con Virus bé tẻo teo.
Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến lễ Phục Sinh. Tôi sẽ nói với cháu Olivia là tuy coronavirus đang gây họa lên toàn thế giới nhưng trước hay sau gì thì con người cũng tìm ra được vắc xin để tự bảo vệ mình. Thế giới rồi cũng sẽ hồi sinh.
Nhưng vấn đề không chỉ là coronavirus! Để cuộc sống của tốt đẹp con người cũng cần chống lại những loài virus khác, như tham lam, đố kỵ hay ngu dốt… mà từ mấy nghìn năm nay chưa ai tìm ra loại vắc xin nào!
Những người cùng thế hệ tôi giờ này đều đã trở về nhà, đã tháo khẩu trang và nhốt cả bầu trời vào trong phòng vì lệnh cách ly. Nhịp sống của họ chậm lại. Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu nhưng rồi sẽ giảm.
Ngày mai… và có lẽ còn nhiều ngày nữa, chắc tôi vẫn còn thấy họ đứng sắp hàng để mua thực phẩm.
Milano 30-3-2020