FDA cấm 65 nhà sản xuất khẩu trang TQ xuất hàng sang Mỹ do không đạt chuẩn
Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hôm 7/5 đã ra quyết định thu hồi phê duyệt xuất khẩu sang Mỹ đối với 65 nhà sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc sau khi kiểm tra phát hiện rằng nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp này không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
FDA hôm 7/5 đã cắt giảm số nhà sản xuất tại Trung Quốc được phê duyệt xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ từ khoảng 80 xuống còn 14 doanh nghiệp. Trước đó, hôm 3/4, FDA đã phê duyệt nhập khẩu khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc mà không cần qua kiểm tra chất lượng để xử lý việc thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân tại Mỹ. Tuy nhiên, một điều kiện trong chính sách này là khẩu trang phải được kiểm tra chất lượng tại các phòng thí nghiệm độc lập. Từ sau ngày 3/4, Mỹ đã nhập hàng triệu khẩu trang từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia (NIOSH), trực thuộc Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) mới đây đã tiến hành kiểm tra khẩu trang xuất xứ Trung Quốc và phát hiện rằng nhiều mẫu khẩu trang này không đáp ứng tiêu chuẩn lọc, nghĩa là không lọc được 95% hạt bụi mịn có kích thước 0,3 micron hoặc lớn hơn, theo FDA.
Trong một bức thư gửi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế Mỹ hôm 7/5, FDA nói rằng một số khẩu trang nhất định xuất xứ Trung Quốc “có thể không cung cấp bảo vệ phù hợp và đầy đủ cho hệ hô hấp của các nhân viên y tế tiếp xúc với COVID-19”.
FDA cho biết họ cũng đang tăng cường kiểm tra khẩu trang nhập từ Trung Quốc và sẽ buộc các chuyến hàng khẩu trang xuất vào Mỹ phải được kiểm tra ngẫu nhiên, theo Bloomberg.
Đầu tháng này, Wall Street Journal đưa tin rằng NIOSH đã kiểm tra 67 loại khẩu trang N95 và KN95 do Trung Quốc sản xuất và phát hiện 60% số khẩu trang được kiểm tra không lọc được 95% hạt bụi mịn. Trong một trường hợp, một khẩu trang loại KN95 Trung Quốc chỉ lọc được chưa đến 15% hạt bụi mịn. Một nhãn hàng khẩu trang Trung Quốc khác có dán logo FDA phê duyệt chỉ lọc được 35% hạt bụi mịn.
FDA quyết định rút giấy phép xuất Mỹ của 65 nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế ngày càng gia tăng phản ứng dữ dội đối với các thiết bị y tế kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất trong đại dịch. Một danh sách ngày càng tăng các nước, từ Phần Lan tới Hà Lan, đã thu hồi hoặc chuyển trả khẩu trang, bộ kit xét nghiệm và bộ đồ bảo hộ cá nhân.
Hồi tháng Tư, chính quyền bang Missouri đã thu hồi hàng nghìn khẩu trang KN95 xuất xứ Trung Quốc mà đã được phân phát cho lực lượng cứu hộ khẩn cấp, sau khi giới chức bang này phát hiện loại khẩu trang này không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Các nhà chức trách liên bang Mỹ cũng đang nỗ lực ngăn chặn khẩu trang giả tràn lan trên thị trường Mỹ. Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ đang hợp tác với các công ty Mỹ gồm 3M, Amazon và Pfizer để xác định các thiết bị y tế chất lượng thấp trôi nổi trên thị trường, theo Wall Street Journal.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Hoàn Cầu Thời báo: Trung Quốc cần phát triển thêm vũ khí hạt nhân để kiềm chế Mỹ
Trung Quốc nên mở rộng kho đầu đạn hạt nhân lên 1.000 để đối phó với những thách thức đến từ Hoa Kỳ, Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc đã đăng trên mạng xã hội Weibo vào ngày 8/5, theo The Epoch Times.
Ông Hu Xijin, Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo, người được cho là có lập trường diều hâu về quan hệ đối ngoại, viết trong một bài đăng trên trang Weibo rằng, kho dự trữ vũ khí của Trung Quốc nên có ít nhất 100 tên lửa chiến lược DF-41 (loại tên lửa liên lục địa mới nhất của Trung Quốc có khả năng tấn công Hoa Kỳ).
Hoàn cầu Thời báo do tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xuất bản. ĐCSTQ vẫn thường “lèo lái” quan điểm của người dân thông qua truyền thông và tờ Hoàn cầu Thời báo được cho là một trong số đó.
Máy bay quân sự Trung Quốc lại tiếp tục bay vào không phận Đài Loan
Theo Taiwan News, vào ngày 8/5, một máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan khiến hòn đảo phải điều một máy bay phản lực phát sóng cảnh báo.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, máy bay quân sự của Trung Quốc trước khi xâm phạm vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan đã được huấn luyện ngoài khơi bờ biển phía tây nam Đài Loan.
Theo Taiwan News, bất chấp đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc vẫn không ngừng các phong trào quân sự gần vùng biển và không phận Đài Loan. Từ ngày 23/1 đến ngày 8/5, tổng cộng đã có 7 lần các vụ việc liên quan đến máy bay quân sự Trung Quốc được báo cáo.
Trump nói ‘không giữ bí mật’ nếu tấn công Venezuela
Vào ngày 8/5, trả lời phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Fox News, Tổng thống Trump nói Mỹ không đứng sau vụ tập kích bất thành nhằm vào Venezuela, khẳng định sẽ công khai nếu ra lệnh tấn công nước này.
“Nếu muốn đến Venezuela, tôi sẽ không giữ bí mật điều đó. Tôi sẽ đi vào và họ sẽ không thể làm được gì. Họ sẽ bị đánh bại. Tôi sẽ không cử một nhóm nhỏ. Không nhé. Đó sẽ là một đạo quân và sẽ được gọi là một cuộc đổ bộ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết.
Trước đó, vào hôm 4/5, Venezuela đã ngăn chặn vụ đột kích, tiêu diệt 8 lính đánh thuê và bắt 17 người khác, trong đó có hai cựu đặc nhiệm Mỹ là Luke Denman và Airan Berry. Giới chức Venezuela cáo buộc lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là người đứng sau vụ đột kích này.
Nga bị nghi tấn công email văn phòng Thủ tướng Đức
Tình báo quân sự Nga bị nghi xâm nhập email văn phòng cử tri của Thủ tướng Đức trong vụ tấn công nhằm vào quốc hội nước này cuối năm 2015.
Reuters dẫn tin từ tờ Der Spiegel của Đức hôm 8/5 cho biết, Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) có thể đứng sau vụ tấn công nhằm vào hệ thống của quốc hội Đức, song không tiết lộ nguồn tin.
Cảnh sát hình sự và cơ quan an ninh mạng liên bang Đức đã tái dựng một phần vụ tấn công, phát hiện hai hộp thư email thuộc văn phòng cử tri của Thủ tướng bị nhắm mục tiêu. Tin tặc được cho là đã sao chép toàn bộ email năm 2012-2015 trong hai hộp thư trên sang một máy tính khác.
Giới chức Đức và Nga chưa có bình luận về thông tin.
Nghị sĩ Hồng Kông ẩu đả giữa cơ quan lập pháp
Theo SCMP, sự việc diễn ra vào ngày 8/5, liên quan tới căng thẳng trong việc chọn lựa vị trí chủ tịch Ủy ban Nội vụ tại cơ quan lập pháp của Hồng Kông.
Các nghị sĩ đã hô lớn và xô đẩy lẫn nhau trong phiên họp của nghị viện. Theo Reuters, một số nghị sĩ thân chính quyền đã tranh cãi, xô xát với các nghị sĩ ủng hộ dân chủ. Cả 2 bên đều cáo buộc nhau lạm dụng quyền lực trong việc ai trong số 2 nghị sĩ Starry Lee Wai-king và Dennis Kwok sẽ được chọn là chủ tịch Ủy ban Nội vụ.
Các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy một nghị sĩ trèo lên tường trước khi bị nhân viên bảo vệ kéo xuống, trong khi, một nghị sĩ khác ngã xuống sàn nhà.
Theo SCMP, vụ xô xát đã dẫn tới việc 10 nghị sĩ phe đối lập bị đưa ra ngoài.
Thêm một tổ chức quốc tế công nhận Đài Loan
Hiệp hội Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (AIPPI) gần đây đã bổ sung tuỳ chọn quốc tịch Đài Loan cho hội viên. Điều này phần nào nói lên rằng, chính sách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Đài Loan đã được quốc tế công nhận.
Tổ chức phi chính phủ quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới (NGO) và Hiệp hội bảo vệ sở hữu trí tuệ quốc tế (AIPPI) có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ cũng đã xác nhận thông tin trên.
AIPPI cho biết, trong quá khứ, các hội viên Đài Loan chỉ có thể tham dự các cuộc họp với tư cách là Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei), điều này khiến mọi người hoàn toàn không biết đến Đài Loan.
Liberty Times đưa tin, Cục trưởng Cục Trí tuệ Đài Loan, Hồng Thục Mẫn (Hong Shumin) trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 7/5 cho biết, đây là một bước đột phá lớn tạo tiền đề khiến Đài Loan trở thành thành viên chính thức.
Hồng Thục Mẫn cũng nhấn mạnh, Đài Loan chưa phải là thành viên chính thức, nhưng thành công của Đài Loan trong việc ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã được thế giới công nhận. Do đó, Cục Trí tuệ Đài Loan sẽ cố gắng hết sức để đưa Đài Loan trở thành thành viên chính thức của AIPPI trong bước tiếp theo.
AIPPI là một tổ chức nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm hàng loạt các bản quyền sáng chế phát minh, quyền thương hiệu, bản quyền tác giả…
Theo Secret China
Bảo Thư dịch
Nghị sĩ Mỹ muốn đổi tên đường trước sứ quán Trung Quốc là ‘Lý Văn Lượng’
Các nghị sĩ Mỹ hôm 7/5 đề xuất đổi tên đoạn đường trước đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, từ “International Place” (Địa điểm Quốc tế) thành “Li Wenliang Plaza” (Quảng trường Lý Văn Lượng).
“Chúng ta sẽ đảm bảo cái tên Lý Văn Lượng không bao giờ bị lãng quên bằng cách đặt cái tên này vĩnh viễn ngoài sứ quán của quốc gia chịu trách nhiệm về cái chết của bác sĩ Lý”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc phát biểu.
Đề xuất này cũng được Thượng nghị sĩ Marco Rubio ủng hộ và đã được trình lên đồng thời ở lưỡng viện.
Lý Văn Lượng là bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Anh là một trong những người đầu tiên cảnh báo trên mạng xã hội về một loại virus đang lây truyền ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, ngay sau đó, cảnh sát đã triệu tập và yêu cầu anh ký vào biên bản thừa nhận “tung tin đồn nhảm” và phải cam kết không được thực hiện thêm bất kỳ hành động “vi phạm pháp luật” nào nữa.
Virus trên sau đó được xác định là virus corona chủng mới, gây ra đại dịch Covid-19. Vào đầu tháng 2/2020, bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời vì chính loại virus này. Cái chết của anh làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân trên khắp Trung Quốc. Dù Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố việc xử phạt bác sĩ Lý là “không đúng đắn”, cảnh sát Vũ Hán đã xin lỗi và rút lại quyết định khiển trách, chính quyền tỉnh Hồ Bắc truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho bác sĩ Lý, nhưng những động thái này cũng không đủ để làm dịu cơn giận dữ của công chúng.
Đây không phải là lần đầu tiên các nghị sĩ Mỹ đề xuất đổi tên đường trước sứ quán Trung Quốc ở Washington. Năm 2014, các nghị sĩ từng đề nghị đổi tên đường theo Lưu Hiểu Ba, nhà văn đoạt giải Nobel bị Bắc Kinh bỏ tù sau khi kêu gọi cải cách dân chủ. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Hạ viện Mỹ bác bỏ sau khi Tổng thống khi đó là Barack Obama nói rằng, ông sẽ phủ quyết đề xuất này vì mục đích hợp tác với Trung Quốc.
Theo AFP
Hải Lam dịch và biên tập
Wechat đang kiểm soát người dùng quốc tế
Một báo cáo nghiên cứu mới cho thấy WeChat đang theo dõi các tài khoản WeChat không ở Trung Quốc, từ đó cải thiện và mở rộng hệ thống kiểm duyệt người dùng ở Trung Quốc đại lục.
Theo RFA, một báo cáo do Citizen Lab thuộc Đại học Toronto Canada công bố ngày 7/5 phát hiện, người dùng WeChat phiên bản quốc tế dù đăng ký bằng số điện thoại không phải của Trung Quốc cũng chịu sự giám sát chính trị của WeChat.
Hơn nữa, WeChat sử dụng dữ liệu giám sát người dùng ở nước ngoài để hoàn thiện cơ chế đánh giá chính trị cho chính quyền Trung Quốc.
“Họ (WeChat) đang sử dụng một cơ sở người dùng khổng lồ bên ngoài Trung Quốc đại lục làm nguồn dữ liệu để giám sát người dùng một cách hiệu quả nhằm triển khai tốt hơn hệ thống đánh giá ở Trung Quốc”, theo Ron Deibert, Giám đốc của Citizen Lab – một trong những tác giả của báo cáo nói với RFA.
1.1 tỷ người dùng WeChat trên toàn thế giới bị theo dõi
WeChat là phần mềm truyền thông thuộc Tencent của Trung Quốc ra mắt vào năm 2011 và hiện có hơn 1,1 tỷ người dùng. Dữ liệu từ năm 2020 cho thấy số người dùng WeChat chỉ đứng sau Whatsapp và Facebook, đứng thứ ba trên thế giới.
Trong vài năm qua, việc kiểm duyệt nội dung văn bản, hình ảnh và video của WeChat đã dần bị chỉ trích, nhưng nghiên cứu trước đây chỉ giới hạn ở người dùng WeChat ở Trung Quốc đại lục.
Các nhà nghiên cứu Đại học Toronto xác nhận, việc giám sát này cũng áp dụng cho người dùng bên ngoài Trung Quốc.
Khi người dùng ở nước ngoài truyền hình ảnh hoặc tệp, chúng sẽ đi qua hệ thống đánh giá của WeChat và WeChat sẽ đánh dấu các hình ảnh hoặc tệp nhạy cảm về mặt chính trị.
Sau khi thử nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sau khi các hình ảnh hoặc tập tin được đánh dấu, người dùng tại Trung Quốc không thể nhận hay chuyển phát chúng đi.
Ron Deibert cho biết: “Người dùng quốc tế phải xem xét đến vấn đề đạo đức. Khi họ sử dụng WeChat, trên thực tế họ đang giúp robot sử dụng thành thạo thuật toán, giúp họ (chính quyền) đàn áp người dùng Trung Quốc”.
Một báo cáo khác từ Citizen Lab vào tháng 3 năm nay cho thấy, kể từ khi bùng phát Dịch viêm phổi Vũ Hán, hệ thống đánh giá tin nhắn trên WeChat đang được tăng cường. Trong hai tuần đầu tiên của tháng 2, hơn 380 tổ hợp từ khóa mới đã được xem xét, bao gồm các cụm từ như “coronavirus + lây truyền từ người sang người + Lý Văn Lượng (Li Wenliang)”.
Theo Secret China
Bảo Thư dịch
Cư dân mạng so sánh 2 nữ phát ngôn viên Đài Loan và Trung Quốc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gần đây đưa ra những tuyên bố mà giới quan sát đánh giá là “thua xa” người đồng cấp Đài Loan.
Tuyên bố gây tranh cãi của bà Oánh được đưa ra hôm 6/5 nhằm đáp trả làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế về trách nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong dịch viêm phổi COVID-19.
Secret China đưa tin, bà Oánh với phong cách ngoại giao “sói chiến”, hôm 6/5 tuyên bố rằng Hoa Kỳ muốn lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để đổ hết trách nhiệm cho Trung Quốc.
Bà Oánh nói: “Phía Hoa Kỳ cần phải cân nhắc kỹ càng, 1,4 tỷ người Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh mẽ như thế nào?”.
Lời hăm dọa của bà Oánh là một ví dụ về cách né tội quen thuộc của Bắc Kinh: Mỗi khi ĐCSTQ bị lên án về một vấn đề nào đó, bộ máy truyền thông và giới quan chức nước này sẽ tuyên truyền như thể nhân dân Trung Hoa bị chỉ trích. Bằng cách khiến người dân Trung Quốc nhầm lẫn khái niệm dân tộc và ĐCSTQ, hơn 1 tỷ dân Trung Quốc dễ dàng trở thành công cụ để Bắc Kính né tránh và phản bác những lời chỉ trích từ thế giới.
Trong dịch viêm phổi Vũ Hán, chính quyền ĐCSTQ bị lên án về tình trạng che giấu dịch bệnh, bưng bít thông tin và đàn áp những người tiết lộ sự thật ra công chúng, khiến virus corona lây lan khắp Trung Quốc và sau đó trở thành đại dịch toàn cầu, trong khi lẽ ra nó đã có thể được khống chế nhanh chóng ở tỉnh Hồ Bắc.
Secret China cho biết, vài ngày trước, bà Oánh hùng hổ tuyên bố: “Việc cáo buộc Trung Quốc che đậy sự thật là một hình thức bắt nạt”.
Trang tin này cho biết “phong cách sói chiến” của bà Hoa Xuân Oánh đã thu hút nhiều bình luận của cư dân mạng trên Twitter, mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc. Trong số những bình luận mà Secret China điểm qua, một số người đã dùng những lời lẽ gay gắt để mô tả về bà Oánh như “đanh đá”, “đầu đường xó chợ”.
Một người viết: “Thím Hoa (Xuân Oánh) có ‘hơi sức’ đến vậy, thế thì xin thím hãy cho chính phủ tà ác của thím trao trả quyền tự do ngôn luận cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đi! Xem xem 1,4 tỷ người đó rốt cuộc là họ sẽ có phản ứng mạnh mẽ như thế nào!”.
Trong khi cư dân mạng chế giễu bà Hoa Xuân Oánh, thì ông Tần Bằng, một nhà phân tích chính trị và kinh tế tại Hoa Kỳ, đã đăng trên Twitter của mình một đoạn video gần đây về nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An.
Ông Tần viết: “Đây cũng là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, và bà Hoa Xuân Oánh cũng là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Một bên thì ưu nhã lịch thiệp, hào sảng phóng khoáng, một bên thì … đều là phụ nữ cả, sao lại khác nhau xa đến vậy?”.
Secret China nhận thấy một cư dân mạng để lại bình luận: “Hoa Xuân Oánh trước hết là đảng viên ĐCSTQ, sau đó mới là một con người”.
Một người khác đề cập đến bà Âu Giang An: “Người ta khí chất cao quý đến vậy, lời nói xuất phát từ tận đáy lòng, tất nhiên người nghe đều sẽ cảm thấy dễ chịu”. Sau đó cư dân mạng này so sánh với bà Hoa Xuân Oánh: “Thím Hoa cả ngày chỉ biết nói dối, lúc nào cũng phải nghĩ công kích người khác thế nào, nói ra những lời trái với lòng mình, tất nhiên phải trông đanh đá rồi”.
Bà Hoa Xuân Oánh là “thế hệ đỏ thứ hai”, nghĩa là có cha mẹ làm quan chức trong ĐCSTQ. Cha bà là cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của huyện Hoài Âm, tỉnh Giang Tô, còn mẹ bà là cựu phó chủ tịch của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc của thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô.
Vũ Dương
Nối tiếp Mỹ và Úc, New Zealand ủng hộ Đài Loan tham gia WHO
New Zealand hôm 7/5 đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan tái tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với tư cách quan sát viên, bất chấp sự chỉ trích từ Bắc Kinh.
“Lập trường của chúng tôi là đứng về phía các nước đang tìm cách đưa họ (Đài Loan) trở lại WHO với tư cách là quan sát viên như năm 2016”, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters phát biểu.
Theo tờ Sydney Morning Herald, ông Peters gọi Đài Loan là “một câu chuyện thành công nổi bật trên thế giới về việc ứng phó với Covid-19”.
“Họ có điều gì đó để hướng dẫn cho phần còn lại của thế giới, và mọi quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, chắc chắn muốn biết bí mật của sự thành công”, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand cho biết thêm.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Tài chính New Zealand, ông Grant Robertson, hôm 8/5 nói rằng: “Đài Loan có gì đó để chia sẻ ở WHO lúc này”.
Tính đến cuối ngày 8/5, Đài Loan mới chỉ ghi nhận 440 ca nhiễm Covid-19 và 6 ca tử vong trong tổng số khoảng 24 triệu dân, dù hòn đảo này ngay gần ổ dịch Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Đài Loan từng tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với tư cách quan sát viên từ năm 2009 đến 2016 khi quan hệ hai bờ eo biển ấm lên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngăn Đài Loan tiếp tục vai trò này tại WHO từ năm 2016, sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối chính sách “Một Trung Quốc” lên nắm quyền.
Hôm 5/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An nói rằng Trung Quốc không thể đại diện cho hòn đảo tại WHO, đồng thời kêu gọi tổ chức này thoát khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh trong đại dịch.
Theo CNA, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6/5 kêu gọi WHO vượt qua áp lực từ Trung Quốc và mời Đài Loan tham gia cuộc họp thường niên của WHA để bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm về đại dịch Covid-19.
Tờ Breitbart đưa tin, một quan chức cấp cao của Úc hôm 1/5 nói rằng một đại dịch toàn cầu cần một phản ứng toàn cầu và nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa WHO và tất cả “giới chức y tế”, trong đó có cả phía Đài Loan.
Hải Lam
Trung Quốc tiếp tục được liệt vào danh sách ‘Quốc gia cần chú ý đặc biệt’
Ngày 28/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) đã công bố báo cáo thường niên năm 2020 về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục được liệt vào danh sách “Quốc gia cần chú ý đặc biệt”.
Nước bị liệt vào danh sách “Quốc gia cần chú ý đặc biệt” về tự do tôn giáo tức là chính phủ của quốc gia đó tham dự hoặc cho phép hành vi bức hại tự do tôn giáo một cách có hệ thống, kéo dài và nghiêm trọng.
Báo cáo của USCIRF cho biết, trong năm 2019, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng đàn áp tôn giáo. Chính quyền nước này đã dựng một nhà nước giám sát công nghệ cao bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để giám sát các nhóm tôn giáo như Kitô giáo, Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo và Pháp Luân Công.
Cụ thể, vào năm 2019, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giam vì từ chối từ bỏ đức tin của họ hoặc do chia sẻ tài liệu liên quan đến việc luyện tập.
Ngoài ra, theo báo cáo, ước tính có khoảng từ 900.000 đến 1,8 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ tại hơn 1.300 trại tập trung ở Tân Cương.
Những người bị đưa đến trại giam chỉ vì để râu dài hoặc từ chối uống rượu, hoặc các hành vi khác mà chính quyền cho là dấu hiệu của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Các tù nhân từng bị giam giữ cho biết họ đã bị tra tấn, hãm hiếp, triệt sản cùng những hành vi lạm dụng khác.
Theo báo cáo, vào năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hàng trăm nhà thờ, phá hủy thánh giá và cấm thanh niên dưới 18 tuổi tham gia các hoạt động tôn giáo. Hình ảnh của Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ Maria cũng được thay thế bằng hình ảnh của ông Tập Cận Bình.
Ông Gary Bauer, thành viên của USCIRF nói với tờ Daily Caller rằng, nhà cầm quyền Trung Quốc là một “chính quyền sợ tôn giáo”.
“Họ không dung tha cho những công dân nào mà có lòng trung thành với bất cứ điều gì cao hơn Đảng cộng sản Trung Quốc”, ông Bauer nói. “Bất kỳ lòng trung thành nào cũng được cho là nguy hiểm và không thể được chấp nhận”.
Nhằm cải thiện tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc, USCIRF đã đưa ra một số đề nghị đối với chính phủ Mỹ như áp các biện pháp chế tài đối với những cơ quan và quan chức chính phủ Trung Quốc vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, đóng băng tài khoản cá nhân hoặc cấm nhập cảnh, không cho phép Thế vận hội mùa đông năm 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh và tăng cường các nỗ lực chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.