Vào ngày 1/2, Sở Y tế công cộng tiểu bang Massachusetts đã công bố ca đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán tại tiểu bang này là một sinh viên của Đại học Massachusetts Boston, người tới từ thành phố Vũ Hán.
Bệnh nhân, một nam sinh viên 20 tuổi, đã đến thành phố Boston của tiểu bang Massachusetts vào ngày 28/1 và cho kết quả dương tính với virus vào ngày 31/1. Đây là bệnh nhân thứ 8 được xác nhận tại Hoa Kỳ.
Mãi đến ngày 2/3, tiểu bang Massachusetts mới phát hiện ra ca nhiễm virus thứ 2. Tuy nhiên, tính đến ngày 26/4, tiểu bang này đã có hơn 54.900 người dương tính với virus và hơn 2.800 người tử vong.
Đại học Massachusetts Boston, nơi có ca nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên của tiểu bang Massachusetts được cho là đã góp phần phát huy sức mạnh mềm ở nước ngoài của chính quyền Trung Quốc thông qua Viện Khổng Tử.
Các Viện Khổng Tử, nơi được cho là truyền bá tư tưởng và hỗ trợ các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, hiện đang phải đối mặt với sự “tẩy chay” ngày càng tăng trên toàn cầu và gần đây, các Viện Khổng Tử trên cả nước Mỹ đã ngừng hoạt động.
Viện Khổng Tử
Vào năm 2006, Đại học Massachusetts Boston đã thành lập Viện Khổng Tử đầu tiên tại tiểu bang Massachusetts, mở đường cho nhiều chi nhánh của Viện Khổng Tử được thành lập trên toàn tiểu bang.
Ngoài ra, Viện Khổng Tử tại Đại học Massachusetts Boston cũng hợp tác với lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Boston để tổ chức các chương trình trao đổi ngôn ngữ và các hoạt động khác, đồng thời đẩy nhanh việc học tiếng Trung tại tiểu bang nhằm thúc đẩy tình hữu nghị Trung – Mỹ.
Trong một bộ phim tài liệu mang tên “Nhân danh Khổng Tử” đã tiết lộ rằng, những giáo viên muốn tham gia dạy tiếng Trung trong Viện Khổng Tử phải vượt qua các đánh giá và điều tra lý lịch của chính quyền Trung Quốc. Hợp đồng lao động ghi rõ các giáo viên này không được ủng hộ hay có cái nhìn tích cực về Pháp Luân Công, một môn khí công theo trường phái Phật gia bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc kể từ năm 1999. Các giảng viên cũng bị cấm thảo luận về các chủ đề mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm như vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Tây Tạng và Đài Loan. Các chương trình học cũng dạy các bài hát ca ngợi chính quyền Trung Quốc trong các lớp học.
Sau khi Viện Khổng Tử tại Đại học Massachusetts Boston bị dẹp bỏ vào tháng 1/2019 thì trường đại học này vẫn duy trì mối quan hệ với các tổ chức thuộc Trung Quốc, ví như trường đã gia hạn biên bản ghi nhớ với Đại học Renmin ở Bắc Kinh vào năm ngoái.
Gian lận visa
Vào tháng 9/2019, công dân Trung Quốc Liu Zhongsan đã bị bắt với tội danh là một phần của âm mưu đưa nhân viên chính phủ Trung Quốc vào Mỹ, dưới vỏ bọc là học giả nghiên cứu trong khi thực tế mục tiêu chính của họ là tuyển dụng các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu của Hoa Kỳ để làm việc cho Trung Quốc.
Từ năm 2017 đến tháng 9/2019, Liu làm việc cho văn phòng New York của Hiệp hội trao đổi nhân sự quốc tế Trung Quốc (CAIEP) với tư cách là trưởng đại diện.
Theo bản cáo trạng của tòa án, CAIEP là một cơ quan chính phủ Trung Quốc tuyển dụng các nhà khoa học, học giả, kỹ sư Hoa Kỳ và các chuyên gia khác có thể hỗ trợ các nhu cầu phát triển kinh tế và công nghệ của Bắc Kinh.
Theo báo cáo tháng 9/2019 của tờ Boston Globe, Liu bị nghi ngờ đã liên hệ với ít nhất 7 trường đại học Mỹ để tài trợ cho chương trình visa “học giả Trung Quốc”. Khi những học giả này đến Hoa Kỳ, họ không tham gia nghiên cứu mà tuyển dụng những tài năng khoa học và công nghệ cho chính quyền Trung Quốc. Năm 2018, Liu đã cố gắng đưa một quan chức chính phủ Trung Quốc đến Hoa Kỳ và liên lạc với một số trường học trong đó có Đại học Massachusetts Boston.
Theo tờ Boston Globe, Sun Baifeng, cựu giám đốc của Học viện Khổng Tử tại Đại học Massachusetts Boston, vẫn đang làm việc tại trường đại học và cũng quan tâm đến việc hợp tác với Liu trong kế hoạch gian lận visa.
Kể từ khi FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) bắt đầu điều tra vụ án, Đại học Massachusetts Boston đã cho Sun nghỉ phép có lương, theo tờ Boston Globe.
Theo các tài liệu của tòa án, vào tháng 1/2018, Liu đã liên lạc với Sun, người nói rằng “sẽ rất dễ dàng đối với chúng tôi” để có được visa “học giả” tại Đại học Massachusetts Boston.
“Nếu anh ấy / cô ấy để hồ sơ ở đây, chúng tôi sẽ không quan tâm nếu anh ấy / cô ấy có mặt ở đây, miễn là anh ấy / cô ấy đến tham gia khi có một sự kiện”, Sun nói, theo tài liệu của tòa án.
Mối quan hệ của quan chức tiểu bang với chính quyền Trung Quốc
Dưới thời cựu thống đốc Deval Patrick, chính phủ tiểu bang Massachusetts đã thúc đẩy mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc.
Ví như, vào tháng 12/2007, trong một dịp đến Trung Quốc, cựu thống đốc Patrick đã nhấn mạnh sự thân thiết giữa Trung Quốc và tiểu bang Massachusetts khi nói rằng, Trung Quốc và tiểu bang có “mối quan hệ thương mại đặc biệt” kéo dài hơn hai thế kỷ.
Tiếp nối Patrick, dưới thời thống đốc Charlie Baker, tiểu bang này còn theo đuổi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn nữa với Bắc Kinh.
Ví như, vào tháng 10/2016, cơ quan lập pháp tiểu bang đã lần đầu tổ chức sự kiện “ngày Trung Quốc” tại Đại sảnh tòa nhà quốc hội tiểu bang Massachusetts.
Tại sự kiện, bà Patricia Haddad, đại diện tiểu bang nói rằng cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy mối quan hệ giữa Massachusetts và Trung Quốc: “từ công nghệ sinh học, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe đến năng lượng… tất cả những điều này đều quan trọng để làm cho thế giới của hai chúng ta tốt hơn”.
Sau đó, các sự kiện “Ngày Trung Quốc” đã được tổ chức hàng năm để củng cố mối quan hệ giữa tiểu bang Massachusetts và Trung Quốc.
Theo Liu Jingye, The Epoch Times
Thiện Lan dịch và biên tập