Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thịt từ bốn nhà cung cấp thịt của Úc trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nước Lệnh đình chỉ diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch đánh thuế 80% đối với sản phẩm lúa mạch Úc, theo AAP hôm thứ Ba (12/5).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt bò số một của Úc, với trị giá hơn 3 tỷ USD mỗi năm. Hội đồng Công nghiệp Thịt Úc đã giải thích nguyên nhân lệnh đình chỉ này là do vấn đề đóng nhãn chưa đúng quy cách.
“Mặc dù không mong muốn, chúng tôi đã đối mặt với các vấn đề kiểu này trước đây, và đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ liên bang để giải quyết,” giám đốc điều hành Hội đồng Patrick Hutchinson nói.
“Đây là một vấn đề mang tính thương mại và tiếp cận thị trường và chúng tôi nhận chỉ đạo từ liên bang”.
Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham tỏ ra bất ngờ trước lệnh cấm. Ông nói với các phóng viên rằng, “Không hề có thông báo nào được đưa ra trước khi lệnh đình chỉ có hiệu lực ngày hôm nay.”
Bộ trưởng đang làm việc với các nhà chế biến thịt có liên quan để khắc phục vấn đề quy trình dán nhãn và xin lại giấy phép xuất khẩu cho họ.
“Chúng tôi lo ngại việc đình chỉ dường như có liên quan đến các vấn đề kỹ thuật ở mức cao, trong một số trường hợp vấn đề tích tồn hơn một năm”, ông nói.
“Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo ngành, đồng nghiệp và các phòng ban để thiết lập một phản ứng toàn diện.”
“Chúng tôi sẽ làm việc với ngành chế biến thịt và cả hai chính quyền Trung Úc để tìm kiếm một giải pháp cho phép các doanh nghiệp này tiếp tục bình thường hóa hoạt động càng sớm càng tốt.”
Quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc đã nhanh chóng xấu đi sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc Covid-19.
Đầu tháng, đại sứ Trung Quốc tại Úc đã cảnh báo người dân Trung Quốc sẽ xem xét lại việc mua thịt bò Úc nếu thủ tướng Morrison tiếp tục kêu gọi điều tra.
Bốn công ty cung cấp thịt – JBS Dinmore, JBS Beef City, Kilcoy và Northern Cooperative Meat Company – chiếm khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu thịt bò của Úc.
Nghị sĩ liên minh Coalition George Christensen muốn triệu tập đại sứ Trung Quốc để yêu cầu trả lời chất vấn của một ủy ban nghị viện về mối đe dọa tẩy chay thương mại.
Ông Christensen cho biết Úc đang ở ngã ba đường và rõ đang đối mặt với khó khăn vì đã “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ – Trung Quốc.”
“Việc móc nối với một chính quyền độc tài đã khiến đất nước chúng ta đứng trước nguy cơ đối diện các vụ tống tiền và tẩy chay kinh tế như của đại sứ Trung Quốc,” ông nói trước Quốc hội Úc.
“Đã đến lúc phải lên tiếng trước sự thâm nhập kinh tế và tống tiền kinh tế của Trung Quốc đối với chúng ta. Vậy là quá đủ rồi! Chúng ta cần phải có lập trường đối với chủ quyền quốc gia mình.”
Tốn tiền vì tật ngồi lê trên Facebook
Trong phiên xử tuần qua (7.5.2020) Thẩm phán của Tòa Trung thẩm NSW đã ra lệnh bị đơn bồi thường cho nguyên đơn số tiền $35,000 vì những thiệt hại đã gây ra cho ông ta trên trang mạng xã hội Facebook.
Đây là tranh chấp giữa hai nhóm cư dân tại khu vực giàu có vào bậc nhất của Sydney là Rose Bay.
Sự việc bắt đầu từ trang “Rose Bay Community – Official Group Page” trên Facebook, do bà Bianca Havas thành lập năm 2012 như là một “thông báo cộng đồng” cho cư dân tại vùng đông Sydney, chủ yếu tập trung tại vùng Rosebay, thu hút 5600 thành viên.
Năm 2019 ông Bruce Goldberg, từng là cựu thành viên của nhóm trên , đưa vấn đêè ra tòa với cáo buộc mạ lỵ, do đó bà Havas phải đóng cửa trang này và điều đình với ông Bruce. \
Trong đơn kiện ra Tòa Trung thẩm NSW District Court, ông Bruce Goldberg trình bày rằngnăm 2017 ông bị các thành viên thuộc phe đảng của bà Havas khai trừ, ông liền thành lập trang Facebook “Rose Bay Community”.
Sau đó ông bị một thành viên của phe kia là bà Alice Voigt mạ lỵ bằng một tin nhắn trên trang “Rose Bay Community – Official Group Page”. Việc này khiến bà Havas tuyên bố đóng với 5,600 thành viên của trang rằng bà đã dàn xếp với ông Goldberg để bãi bỏ vụ kiện, những điều kiện dàn xếp là chuyện bí mật giữa hai người, tuy nhiên có một yêu cầu bà phải nói rõ, đó là đóng cửa trang này.
Vụ kiện xuất phát từ dòng tin của bà Voigt vào tháng 11 năm 2018 mà ông Goldberg cho là đã đã diễn tả ông như một kẻ “thích họa nạt phụ nữ”, một kẻ chuyên “rình rập phụ nữ và có “tâm thần bất ổn đến độ có thể giết phụ nữ”.
Trong hồ sơ biện hộ bà Voigt cho biết đã xóa bỏ tin nhắn trên vào tháng Ba năm 2019, ngay sau khi hay tin rằng bà bị kiện. Bà cũng cho biết là đã liên lạc với ông Goldberg đề nghị bồi thường $5,000 và thanh tóan chi phí luật sự, nhưng ông này từ chối. Sau đó bà Voight tăng số tiền lên $25,000 nhưng ông cũng từ chối nốt.
Sau đó khi tạo ra trang GoFundMe để kêu gọi hỗ trợpháp lý, bà Voigt lại bị ông Goldberg nộp đơn kiện thứ hai, cũng với cáo buộc mạ lỵ.
Lần này ông cho rằng khi kêu gọi phụ nữ góp tiền để mình trang trải chi phí pháp lý, bà ta đã diễn tả rằng “ông Goldberg không ủng hộ quan niệm rằng phụ nữ nên cảm thấy an tòan ở mọi nơi chốn, kể cả trên mạng internet”.
Ông cũng cáo buộc rằng bà Voigt diễn tả mình như là một kẻ “ghiền kiện” (vexatious litigant), đã kiện bà ta chỉ vì bà “Có quan điểm khác mình”.Tư này dùng để chỉ những kẻ thưa kiện gây phiền nhiễu, cái gì cũng kiện được, hở ra là kiện.Đây là những kẻ lạm dụng luật pháp một cách vô lý để làm phiền cho người khác vàkhi bị tòa xác định là “vexatious litigants” thì muốn kiện ai đó họ phải xin phép tòa án trước đã.
Mạng xã hội Facebook giúp con người có thể tương tác với nhau dù sống cách xa vạn dặm., thế nhưng nếu gần nhau, dễ đụng chạm với nhau, Facebook lại khiến họ dễ xung độtvà cuối cùng dắt nhau ra tòa.
Trước khi hai nhóm cư dân tại khu vực giàu có vào bậc nhất của Sydney lại dắt nhau ra tòa này, đã có nhiều vụ xung đội nhau vì Facebook khác tại Úc,
Tháng 10 năm 2018 một nữ nghị viên tại vùng quê NSW đã bị tòa ra lệnh bồi thường thiệt hại cho nạn nhân số tiền $10,000 vì hành vi kêu gọi thiên hạ bấm nút “like” trong lời bình phẩm dưới một tin nhắn mang tính mạ lỵ trên mạng xã hội Facebook. Trong khi đó thì người viết tin để bà ta “like” thì phải bồi thường đến $120,000.
Người thắng kiện là ông Conrad Bolton, nguyên là thị trưởng của thị trấn Narrabri cách Sydney 521 km về hướng đông bắc. Bị đơn phải bồi thường là ông Stephen Stoltenberg, kẻ tự xưng là “nhà hoạt động đấu tranh cho những người đóng lệ phí”.
Theo Tòa Thượng thẩm NSW thì ông Stoltenber đã có hành vi mạ lỵ ông Bolton khi lập ra một trang Facebook mang tên “Narri Leaks Facebook” để tung ra hàng loạt cáo buộc, kết án ông Bolton là kẻ tham nhũng và hung hãn, thường xuyên hăm dọa người khác.
Ông Stoltenberg là nhà quản lý chuyên nghiệp, giữ chức “Giám đốc tổng quản trị” (general manager) của nhiều hội đồng thành phố. Theo hồ sơ tòa án thì ông ta đã sinh lòng thù hận sau khi ông Bolton bổ nhiệm bà Diane Hood làm giám đốc tổng quản trị của HĐTPNarrabri vào tháng 12 năm 2013. Kể từ đó ông ta tiến hành một chiến dịch công kích dai dẳng thông qua trang “Narri Leaks Facebook”.
Đầu tiên ông Stoltenberg cho rằng ông Bolton đã tự ý bổ nhiệm “con mẹ này” mà không thông qua HĐTP, đồng thời tỏ ý nghi ngờ năng lực của “con mẹ ấy” trong việc giải quyết những di sản tệ hại mà cựu giám đốc quản trị để lại.
Năm 2015 ông Bolton nộp đơn kiện ông Bolton ra tòa vì nội dung mang tính mạ lỵ trong 5 tin nhắn và sau đó, khi tòa tiến hành xét xử vào năm 2016, hồ sơ truy tố cập nhật thêm tin nhắn thứ sáu.
Từ hậu quả của vụ kiện này, tháng 9 năm 2016 ông Bolton rút lui, không ra tranh cử sau hơn 10 năm phục vụ như là nghị viên rồi thị trưởng Narrabri.
Ngoài ra ông Bolton còn kiện một nghị viên đương nhiệm khác là bà Ann Loder, kẻ đã bình phẩm và bấm nút “like” vào cáo buộc của ông Stoltenberg. Bà này đắt cử nghị viên vào tháng 9 năm 2016 và đến lúc tòa xét cử vẫn còn tại nhiệm. Theo luật sư của ông Bolt thì khi bà ta “like” và kêu gọi người khác “like” các dòng chữ mạ lỵ của bị đơn chính, bà ta đã ra mặt tán đồng cho lời mạ lỵ này.
Trong phán quyết công bố ngày 14.10.2018 Thẩm phán Anthony Payne tuyên bố ông Soltenbert có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên thẩm phán này cho rằng ông Stoltenbert không phải chịu trách nhiệm về bình phẩm của người khác.
Về việc bà Loder bấm “like” với các tin nhắn mang tính mạ lỵ, viên thẩm phán này cho rằng vẫn chưa đủ để cấu thành hành vi mạ lỵ. Tuy nhiên việc bà Loder kêu gọi người khác bấm “like” dưới một tin nhắn: “Bất cứ ai đồng ý về việc yêu cầu ICAC hay Bộ trưởng phụ trách chính quyền địa phương điều tra cần phải ‘like’ tin nhắn này” là đủ để cấu thành hành vi “tán đồng sự mạ lỵ”.
Thẩm phán Payne ra lệnh ông Stoltenbert phải bồi thường ông Bolton số tiền $120,000 và bà Loder bồi thường $10,000!
Lúc đó Giáo sư David Rolph, chuyên gia về luật mạ lỵ tại Đại học Sydney, nhận định rằng số tiền bồi thường trong vụ này không phải là số tiền lớn nhất trong các vụ kiện mạ lỵ liên quan đến Facebook, tuy nhiên ông cho rằng phán quyết trên sẽ nhắc nhở mọi người rằng luật về hành vi mạ lỵ sẽ áp dụng trên mạng xã hội cũng giống như trên cácphương tiện truyền thông khác.
Úc trên đường bình thường hóa đời sống
Cho đến nay tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ tại Úc công bố lịch trình nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội để từng bước quay trở lại nhịp sống thường nhật. Mới nhất, ngày 12.5.2020, sau một loạt tranh cãi với chính phủ liên bang, tiểu bang Victoria đã công bố lịch trình mở cửa lại trường học.
Trong thông báo ngày 12.5.2020 Thủ hiến Daniel Andrews cho biết từ ngày 26.5.2020 trường học sẽ mở cửa cho các học sinh lớp 1, 2, 11 và 12, sau đó, đến ngày 9.6.2020 thì toàn bộ học sinh sẽ trở lại trường. Để bảo đảm một môi trường học hành an toàn, các giáo viên sẽ được xét nghiệm Covid-19, các nhà trường cũng sẽ bảo đảm các quy định về khoảng cách an toàn đối với giáo viên trong khi chính quyền bang sẽ chi $45 triệu để nâng cao điều kiện vệ sinh tại các trường học.
Như vậy cho đến nay, tất cả các tiểu bang đều có kế hoạch cụ thể đưa học sinh trở lại trường học, trong đó Tây Úc. – là tiểu bang có ít ca Covid-19 nhất — thì học sinh đã đến trường bình thường.
Lộ trình cụ thể cho việc học sinh quay trở lại trường học là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới việc đưa xã hội bước vào giai đoạn hồi phục.
Ngoài lộ trình mở cửa học đường, tất cả các tiểu bang đã từng bước nới lỏng các quy định như gia tăng số lượng người được gặp mặt ở nơi công cộng, cho phép đến thăm nhau với số lượng giới hạn. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, mỗi tiểu bang lại đưa ra các biện pháp nới lỏng phù hợp với tình hình như cho phép thực hiện các hoạt động cộng đồng hoặc mở cửa các dịch vụ. Riêng Tây Úc, tiểu bang gặp “may” trong đại dịch này, đã nới lỏng mạnh nhất khi đến giữa tháng 6, các cơ sở dịch vụ có đông người tham gia như nhà hàng, rạp chiếu phim, các hoạt động thể thao ngoài trời, vườn bách thú….đều được mở cửa trở lại. Trong khi đó Queensland cho phép người dân đi du lịch trong phạm vi 500km. Hai tiểu bang xuất hiện các ổ dịch gần đây như Victoria và Tasmania hay NSW, nơi có số ca Covid-19 nhiều nhất, thì thận trọng hơn để phòng tránh sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
Ngày 13.5.2020 NSW nhận tin vui là không có trường hợp nhiễm Covid-19 mới tính từ 24 tiếng đồng hồ qua. Tuy vậy, giới chức y tế NSW cũng như các tiểu bang khác đều kêu gọi người dẫn tiếp tục thận trọng, duy trì khoảng cách an toàn tại nơi công cộng, rửa tay thường xuyên và đi xét nghiệm khi xuất hiện triệu chứng để không làm dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Chống dịch nhưng không quên cháy rừng
Đầu tuần này (11.5.2020) chính phủ Liên bang đã công bố gói cứu trợ bổ sung trị giá $650 triệu để các cộng đồng phục hồi những thiệt hại trong thảm họa cháy rừng vừa qua, bao gồm các dự án khôi phục cảnh quan, tái tạo môi trường, cải tạo hệ thống viễn thông và tư vấn tâm lý cho cư dân các vùng bị nạn.
Đầu năm nay chính phủ liên bang đã thành lập Cơ quan tái thiết cháy rừng quốc gia với kinh phí lên tới $1.4 tỷ, nay chính phủ bổ sung thêm 650 triệu,
Theo Thủ tướng Scott Morrison thì chính phủ liên bang sẽ chi hơn $2 tỷ cho chương trình tái thiết hậu cháy rừng. Tuyên bố ngày 11.5.2020 ông Morrison cho biết đến nay các địa phương đã thực hiện khoảng 1 phần 3 phần việc dọn dẹp tại các khu vực cháy rừng, trong đó các tiểu bang chịu thiệt hại nặng trong đợt cháy rừng như NSW và Victoria sẽ hoàn tất công việc dọn dẹp trong vòng ba tháng nữa.
Thảm họa cháy rừng bắt đầu từ tháng 9 năm 2019 và kéo dài đến tháng 2 năm nay, khiến 33 người thiệt mạng, thiêu rụi gần 12 triệu ha rừng và giết chết hơn 1 tỷ động vật. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, cháy rừng có thể gây thiệt hại 1% tổng sản phẩm quốc gia, tương đương $20 tỷ nay.
Theo thống kê chính thức thì có hơn 18,600 gia đình và công ty bị ảnh hưởng trong thảm họa cháy vừa qua và đến nay chính phủ liên bang đã chi gần $340 triệu để tài trợ các công ty khôi phục hoạt động.
Cháy rừng đã gây tác động nặng nề đối với kinh tế Australia, nhất là ngành du lịch của các địa phương. Đáng chú ý, cuộc sống của người dân và kinh tế của các địa phương chịu thảm họa kép từ cháy rừng và dịch Covid-19 được cho là sẽ bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng và sẽ cần nhiều năm cũng như nhiều sự tài trợ của chính phủ thì mới có thể phục hồi.