TT Trump ‘rất thất vọng về Trung Quốc’; Bắc Kinh phản đối gia hạn lệnh cấm vũ khí đối với Iran
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm, 14/5 (giờ Washington DC) cho biết ông rất thất vọng về Trung Quốc và cảnh báo ông có nhiều biện pháp để đáp trả Bắc Kinh vì trách nhiệm gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19.
“Tôi rất thất vọng về Trung Quốc”, Tổng thống Trump cho biết trên chương trình FOX Business. “Đáng lẽ họ không bao giờ được để dịch bệnh này xảy ra. Tôi vừa mới ký kết được một thỏa thuận thương mại tuyệt vời, vậy mà giờ thì tôi không cảm thấy như thế nữa. Mực còn chưa ráo thì dịch bệnh đã tới”.
Tổng thống Trump cảnh báo rằng ông có nhiều biện pháp để đáp trả chính quyền Trung Quốc vì trách nhiệm của Bắc Kinh liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Có rất nhiều điều chúng tôi có thể làm. Chúng tôi có thể cắt đứt toàn bộ mối quan hệ” với Trung Quốc, ông Trump tuyên bố. “Nếu bây giờ làm thế thì điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ tiết kiệm được 500 tỷ đô la nếu cắt đứt toàn bộ mối quan hệ này”.
Tổng thống Trump cho biết ông có mối quan hệ tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Nhưng lúc này tôi không muốn nói chuyện với ông ấy. Tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”.
Trước khi ông Trump đưa ra những bình luận trên, thông tin từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết Trung Quốc cố tình trì hoãn cảnh báo thế giới về dịch COVID-19 để có thời gian thu gom vật tư y tế toàn cầu. Khi dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới, nhiều nước lâm vào tình trạng khan hiếm vật tư y tế và buộc phải mua hàng từ Trung Quốc với giá cao.
Bình luận về việc Bắc Kinh không cho phép chuyên gia nước ngoài giúp đỡ khi dịch bệnh mới chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, Tổng thống Trump nói với Fox Business: “Chúng tôi đã đề nghị được tới đó mà họ không cho. Họ không muốn chúng tôi giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng điều đó không vấn đề gì vì họ phải biết mình đang làm gì. Thế nên, đó là sự ngu ngốc, bất tài hoặc cố ý.”
Chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với sự giận dữ của thế giới vì tình trạng bưng bít thông tin, che giấu dịch bệnh, khiến virus corona lây lan từ Vũ Hán tới hơn 200 quốc gia, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người, hàng chục triệu người mất việc làm, hàng tỷ người phải chịu các hình thức hạn chế khác nhau và nguy cơ thụt lùi về kinh tế trên toàn cầu.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ
Hôm thứ Năm, Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn dự luật yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump tăng cường các phản ứng trước cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc, theo Reuters.
Mỹ quan ngại về tình trạng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt kể từ sau báo cáo hồi tháng 8/2018 của Liên Hợp Quốc (LHQ), trong đó cho biết có hơn 1 triệu người Ngô Duy Nhĩ đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương.
Các nhà điều tra lo ngại rằng dân tộc Duy Ngô Nhĩ đang đứng trước nguy cơ trở thành nhóm nạn nhân tiếp theo, sau các học viên Pháp Luân Công, bị chính quyền Trung Quốc biến thành “ngân hàng nội tạng sống” cho ngành cấy ghép tạng phi pháp tại nước này.
Bắc Kinh phản đối gia hạn lệnh cấm vũ khí đối với Iran
Hôm thứ Năm, Trung Quốc đã phản đối kế hoạch của Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc gia hạn cấm vận vũ khí đối với Iran, khi lệnh cấm sẽ hết hạn tháng 11 năm nay. Reuters cho hay, nếu kế hoạch này của LHQ thất bại, rất có thể Hoa Kỳ sẽ tái áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Teheran.
Một quan chức Trung Quốc tại LHQ viết trên Twitter rằng Hoa Kỳ không có quyền nới thêm thời hạn của lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, và nêu quan điểm rằng chỉ có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà chính quyền Trump đã bác bỏ thì mới có thể tiến lên phía trước.
Vào thứ Tư, đặc phái viên của Hoa Kỳ về vấn đề Iran, ông Brian Hook, đã xác nhận việc Mỹ có kế hoạch gia tăng trừng phạt Iran, hai tuần sau khi một quan chức khác của chính quyền Trump tiết lộ Washington đã thông báo với Anh, Pháp và Đức về kế hoạch này.
Cuba sắp trở lại danh sách quốc gia ủng hộ khủng bố
Hoa Kỳ đang xem xét đưa Cuba trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho hoạt động khủng bố, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump nói với Reuters hôm thứ Năm.
Vị quan chức Mỹ cho biết “lý do thuyết phục” khiến Hoa Kỳ cần đưa Cuba trở lại danh sách đen là Havana không từ bỏ việc ủng hộ chính phủ thiên tả Maduro ở Venezuela và nhóm phiến quân ELN ở Colombia.
Vị quan chức yêu cầu giấu tên cho biết thêm, việc đưa Cuba trở lại danh sách đen có thể sẽ được thực hiện vào cuối năm nay, chấm dứt 5 năm quốc gia này được đứng ngoài danh sách.
Bão Vongfon đổ bộ gây thêm rủi ro nhiễm nCoV cho Philippines
Cơn bão mạnh Vongfong đã tấn công miền trung Philippines hôm thứ Năm, khiến hàng chục ngàn người nước này phải sơ tán, nhiều người trong số đó buộc phải lựa chọn những nơi trú ẩn chật chội, khiến nguy cơ lây lan virus Vũ Hán tăng cao, theo AFP.
Bão Vongfong đã phá hủy nhà cửa, làm đổ cây và gây ra mưa lớn khi nó đổ bộ vào đảo Samar của Philippines, khiến người dân ở đây phải sơ tán khẩn cấp.
“Chúng tôi bị mắc kẹt trong một tình huống khủng khiếp khi chúng tôi phải đối mặt [cùng lúc] với mối đe dọa của cơn bão cũng như virus Vũ Hán”, một người dân Philippines nói với AFP.
Chính phủ Hồng Kông yêu cầu cơ quan lập pháp thông qua dự luật hình sự hóa việc nhạo báng quốc ca Trung Quốc
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam
Theo HKFP, chính phủ Hồng Kông đã yêu cầu chủ tịch Ủy ban Hạ viện nối lại phiên làm việc thứ hai của Ủy ban về dự luật quốc ca gây tranh cãi.
Đề xuất dự luật này đã bị công chúng chỉ trích là một nỗ lực nhằm làm xói mòn quyền tự do ngôn luận, bằng cách hình sự hóa việc cố tình thay đổi và biểu diễn xúc phạm bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” – quốc ca Trung Quốc – với án phạt tới 50.000 đô la Hồng Kông và ba năm tù giam.
Phát biểu trước cuộc họp của chính quyền Hồng Kông hàng tuần vào ngày 12/5, đặc khu trưởng Carrie Lam nói rằng Tổng thư ký Matthew Cheung và các quan chức chính có liên quan đã viết thư cho quyền chủ tịch Ủy ban Hạ viện Starry Lee. Họ đã tham khảo ý kiến của Lee – chủ tịch đảng DAB thân Bắc Kinh – về việc ưu tiên thông qua một số dự luật nhất định, như được quy định trong các quy tắc về thủ tục của Hội đồng Lập pháp.
“Tôi nghĩ có tổng cộng 10 dự luật. Hai trong số các dự luật đã bị trì hoãn trong một thời gian rất dài, và chúng là dự luật quốc ca và dự luật (sửa đổi) về bằng sáng chế. Vì vậy, chúng tôi hy vọng hai dự luật này sẽ được ưu tiên trong việc nối lại lần đọc thứ hai của Hội đồng Lập pháp”, bà Lam nói.
Bà Lam nói thêm rằng tám dự luật còn lại có thể được xem xét lần lượt với “hy vọng” được Hội đồng Lập pháp xem xét và thông qua.
Dự luật quốc ca sẽ được trình bày tại Hội đồng đầy đủ từ ngày 27/5, theo thư chia sẻ với các nhà lập pháp từ Cheung.
Dự thảo luật quốc ca đã được trình bày tại cơ quan lập pháp và đã hoàn thành giai đoạn đọc lần đầu. Nó đang chờ nối lại lần đọc thứ hai tại phiên làm việc chung của Hội đồng Lập pháp.
Kể từ tháng 10/2019, Ủy ban Hạ viện – nơi xử lý các vấn đề nội bộ – đã bị tê liệt do không bầu được một chủ tịch và phó chủ tịch mới, dẫn đến sự tồn đọng của các dự luật.
Lee, với tư cách là quyền chủ tịch của Ủy ban Hạ viện, đã nắm quyền kiểm soát phiên họp hiện tại để giải quyết tồn đọng, trước sự phản đối của các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, những người coi chủ tịch thành viên Dennis Kwok mới là người có quyền chủ trì các phiên họp trước cuộc bầu cử chủ tịch mới.
Bắc Kinh đã buộc tội ông Dennis Kwok “có hành vi sai trái và vi phạm lời thề” vì ông đã trì hoãn và ngăn chặn thông qua các dự luật, dẫn đến một vụ ẩu đả trong Ủy ban vào ngày 8/5.
Trước đó, vào tháng 5/2019, chính phủ Hồng Kông đã thúc đẩy cơ quan lập pháp thông qua dự luật dẫn độ, gây ra những cảnh hỗn loạn tương tự trong Ủy ban, và theo sau đó là nhiều tháng bất ổn và biểu tình. Vào tháng 9/2019, bà Lam thừa nhận rằng bà đã “gây ra sự tàn phá không thể tha thứ”.