- Lý Minh Dương
“Để lộ bộ mặt khủng khiếp nhất”, “kẻ thù của nhân loại”, “đi quá ranh giới tối thiểu”… Những từ ngữ miêu tả kinh khủng như thế này chỉ dành cho phần tử khủng bố hoặc tội phạm vô nhân đạo… lại được bộ máy truyền thông cấp cao của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, Nhật báo Nhân dân, Đài truyền hình Trung ương CCTV… chụp cái mũ xấu xí lên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Những ngôn từ gây sốc và chỉ trích mạnh mẽ xuất hiện liên tục với mật độ dày đặc có tính “khuôn mẫu cao” trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc những ngày qua đã khiến tiếng tăm Pompeo “nổi như cồn” không chỉ ở Trung Quốc mà còn trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận quốc tế.
‘Gãi đúng chỗ ngứa’ – vạch trần ‘bộ da vẽ’ của ĐCSTQ
Trước đây, Pompeo đã công khai gọi virus corona là ‘viêm phổi Vũ Hán’. Gần đây ông lại liên tục lên án ĐCSTQ che giấu dịch bệnh trong giai đoạn đầu, nói thẳng vấn đề liên quan với Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán, và còn nhiệt tình hô hào yêu cầu ĐCSTQ bồi thường. Chọc đúng chỗ đau khiến ĐCSTQ vừa tức vừa hận. Nhưng mà kể ra thì các nhân vật nổi tiếng hay quan chức cấp cao quốc tế tham gia lên án và kêu gọi điều tra cũng nhiều không đếm xuể, ví như, Tổng thống Pháp Macron, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Raab, Thủ tướng Úc Morrison và Bộ trưởng Ngoại giao Payne, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và An ninh EU Borrell, Tổng thư ký NATO Stoltenberg… Lại cũng có nhiều khu vực và cá nhân ở các quốc gia trên thế giới đã đệ đơn kiện lên tòa án và yêu cầu ĐCSTQ bồi thường vì những tổn thất nặng nề mà ĐCSTQ đã gây ra. Vậy tại sao ĐCSTQ lại cứ phải nhắm mục tiêu công kích vào Pompeo?
Cũng phải thừa nhận rằng với tư cách là Ngoại trưởng của quốc gia “siêu cường” nhất trên thế giới, chức vụ quan trọng và lập trường cứng rắn của Pompeo chắc chắn cũng là một lý do để ĐCSTQ phải “để mắt tới”. Nhưng quan trọng hơn, Pompeo “dám” trực tiếp vạch trần “tấm da vẽ” khiến ĐCSTQ phải hiện nguyên hình và không còn chỗ trốn. Đây là lý do quan trọng nhất khiến ĐCSTQ phải công kích đáp trả.
Trong các bài phát biểu trước công chúng, ông Pompeo luôn trực tiếp gọi là “ĐCSTQ”, phân biệt rất rõ ràng Trung Quốc và đảng cầm quyền, trong khi các nhà phê bình khác họ thường chỉ nói chung chung là “Trung Quốc”. Đây không đơn giản chỉ là tên gọi như thế nào mà chính là phơi bày rất rõ ràng bản chất núp bóng lợi dụng hình ảnh quốc gia “Trung Quốc” để làm tất cả các việc xấu của ĐCSTQ.
Thủ đoạn thường dùng nhất là cố ý nhập nhằng giữa “ĐCSTQ” và quốc gia “Trung Quốc”. Đối nội là lừa dối người dân trong nước, đem sự chỉ trích của ngoại giới đối với ĐCSTQ biến thành cuộc tấn công vào quốc gia “Trung Quốc”, khơi gợi tình cảm dân tộc tính và kích động thù hận với bên ngoài. “Thế lực phản Hoa” chính là thuật ngữ có sức mạnh được dùng phổ biến nhất. Đối ngoại là gộp hết cả người dân Trung Quốc vào để giương oai sức mạnh, dùng những ngôn từ như “1,4 tỷ nhân dân Trung Quốc không đồng ý”, “lợi ích quốc gia”…để chống lại những quan tâm của các nước phương Tây về vấn đề nhân quyền và sinh kế của người dân, cũng như phản công những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với những hành động “ngược đời”, ngược nhân văn của họ đối với thế giới.
Trên thực tế, ĐCSTQ chưa bao giờ quan tâm đến lợi ích quốc gia. Tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích và duy trì quyền lực chính trị mới là động cơ căn bản của đảng này. Nhìn theo hướng này thì việc lên án “Trung Quốc” chỉ giống như “gãi chân”, vẫn chưa thực sự đụng đến bản chất thực sự của vấn đề. ĐCSTQ vẫn ung dung núp bóng sau “Trung Quốc”, còn có thể vui mừng lợi dụng cơ hội này để tăng cường lừa dối người dân trong nước, khiến cho những người dân không nắm được thông tin lại càng lầm tưởng rằng ĐCSTQ mới là đại diện duy nhất dùng “lời lẽ nghiêm túc, chính nghĩa” , duy hộ “lợi ích quốc gia”.
Do đó, phân biệt rõ ràng giữa “Trung Quốc” và ĐCSTQ có ý nghĩa rất quan trọng. Phát biểu của Pompeo lôi tuột ĐCSTQ ra khỏi “tấm da vẽ”, lấy mất tấm khiên che chở lâu nay, bóc trần bản chất ĐCSTQ. Phát biểu này đồng thời cũng phù hợp với làn sóng chỉ trích và hô hào tan rã ĐCSTQ trên toàn cầu. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của sự giận giữ từ chính quyền Bắc Kinh.
Pompeo đánh trúng tim đen của ĐCSTQ không chút mảy may thương xót. Ngày 30/10/2019, trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson Mỹ, ông Pompeo đã nói: “Tôi phải nhấn mạnh rằng, chính quyền ĐCSTQ ngày nay không tương đương với người dân Trung Quốc”. Trong bài phát biểu này, ngài Ngoại trưởng đã gọi ông Tập Cận Bình bằng “Tổng bí thư” thay vì cách gọi thông thường “Chủ tịch Tập”, điều đó đã thu hút sự chú ý của dư luận. Ngày 31/1/2020, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Raab, ông Pompeo đã chỉ ra rõ ràng: “ĐCSTQ là mối đe dọa cốt lõi nhất trong thời đại này của chúng ta”. Thời báo New York nói rằng đây là ngôn từ mạnh mẽ nhất mà ông từng sử dụng từ trước đến nay.
Các phát biểu và hành động của Ngoại trưởng Pompeo thực sự đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ hiện tại, bao gồm ngày càng nhiều người trong giới chính trị Hoa Kỳ bắt đầu nhận rõ mối đe đọa của ĐCSTQ đối với thế giới tự do, đồng thời tách bạch rõ ràng đảng này và Trung Quốc. Tháng 10/2018, tại Viện nghiên cứu Hudson, trong bài phát biểu về các chính sách quan trọng đối với Trung Quốc, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Pence đã nhiều lần đề cập đến danh từ “Đảng cộng sản Trung Quốc”. Trong báo cáo thường niên cuối năm 2019 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ (USCC), cơ quan giám sát an ninh quốc gia của mối quan hệ Mỹ – Trung, thuộc Quốc hội Hoa Kỳ, cũng kêu gọi dùng chức danh “Tổng bí thư” để gọi ông Tập Cận Bình. Gần đây, tờ USA Today và The Washington Post cũng cho ra lò các bài báo chỉ ra rằng “ĐCSTQ” phải chịu trách nhiệm về tổn thất do dịch bệnh.
Một khi mọi người đều có thể phân biệt rõ ĐCSTQ với Trung Quốc, từ đó nhận ra bản chất thật sự của đảng này, thì đối với ĐCSTQ đây quả là một cơn ác mộng!
Quan điểm chính trị bảo thủ
Ngày 21/5/2018, phát biểu tại Quỹ Di sản The Heritage Foundation, ông Pompeo đã chia sẻ: “Tôi bắt đầu từ một công dân bình thường, sau đó trở thành Nghị viên Quốc hội, cho đến tận hôm nay, Quỹ Di sản đã định hình cho tôi những hiểu biết về các vấn đề quốc tế và cộng đồng.”
Quỹ Di sản có trụ sở tại Washington, là nhóm chuyên gia phái bảo thủ, được công nhận là một trong những nhóm có ảnh hưởng lớn nhất đối với các chính sách của Mỹ. Một ví dụ nổi tiếng, tháng 1/1981, Trước khi Tổng thống Reagan chính thức nhậm chức, Quỹ Di sản đã phát hành “Nhiệm vụ Lãnh đạo” (Mandate for Leadership) – một bản tóm lược với hơn 2.000 đề xuất chính sách bao trùm gần như mọi khía cạnh của chính phủ liên bang. Tổng thống Reagan thực sự rất tâm đắc, ông đã gửi các bản sao đến các thành viên tại cuộc họp Nội các đầu tiên của ông. Theo thống kê, 60% các ý tưởng của bản tóm lược này đã được áp dụng trong năm đầu tiên thời chính quyền Reagan.
Hiện tại, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và những người khác trong nội các Trump là những người đã từng làm việc trong Quỹ Di sản. Thời báo New York cho biết có ít nhất 66 nhân viên hiện tại hoặc cựu nhân viên của Quỹ Di sản làm việc trong Chính phủ Trump.
Trong phần giới thiệu trên trang web của Quỹ Di sản nói “Sứ mệnh của Quỹ Di sản là xúc tiến và phổ biến các chính sách công cộng bảo thủ dựa trên các nguyên tắc: kinh tế thị trường tự do, chính phủ hạn chế, tự do cá nhân, các giá trị truyền thống của Mỹ và quốc phòng mạnh mẽ.”
Thành tích xuất sắc: Tốt nghiệp thủ khoa Học viện quân sự West Point
Pompeo từng là thủ khoa tại Học viện Quân sự West Point. Một người bạn cùng lớp với ông đã nói với phóng viên tạp chí The New Worker rằng để có thể đứng nhất ở West Point là điều không đơn giản, “Thông minh nhất là chưa đủ, đôi giày phải được lau sáng bóng nhất, và kỹ năng thể thao phải là tốt nhất.”
Thời báo Los Angeles đưa tin, ông Pompeo là thủ khoa trong số 973 học viên West Point tốt nghiệp năm 1986, đồng thời ông còn nhận được “Giải thưởng Robert Wood” cho sỹ quan dự khuyết xuất sắc. Công trình quản lý chuyên nghiệp của ông cũng nhận được vinh dự cao nhất “Giải thưởng tưởng niệm tướng Winfield Scott”. Đồng thời, ông Pompeo cũng thể hiện kỹ năng quản lý xuất sắc của mình, trong những năm cuối tại Học viện Quân sự West Point, ông từng là chỉ hủy phi đội (đại đội) và quản lý 120 sinh viên quân đội.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1991, ông Pompeo rời nơi đồn trú của quân đội Hoa Kỳ tại Đức và đến Trường Luật Harvard. Trong thời gian ở đây, ông làm biên tập cho “Tạp chí Luật Harvard” nổi tiếng và “Tạp chí chính sách công & Luật Harvard”. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, ông về làm luật sư cho một công ty luật ở Washington. Đồng thời ông cũng là một doanh nhân thành đạt. Năm 1998, ông cùng với ba người bạn cùng lớp ở Học viện Quân sự West Point thành lập công ty Thayer Aerospace, nơi ông làm Giám đốc điều hành trong hơn một thập kỷ. Năm 2011, ông được bầu vào Quốc hội cho đến năm 2017 được bầu lại đảm nhiệm vị trí Giám đốc CIA. Ngày 26/4/2018, ông chính thức trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Ông Pompeo mang trong mình đức tin về Kitô hữu tương đối bảo thủ. Thời báo New York từng đưa tin, khi đến thăm Trung Đông, ông Pompeo đã công khai tuyên bố rằng ông luôn có một cuốn Kinh thánh trên bàn làm việc, “nhắc nhở ông về Thiên Chúa và giáo huấn của Ngài, và sự tồn tại của sự thật”.
Kết luận
Các chỉ trích của ĐCSTQ nhằm vào ông Pompeo chẳng đáng để đi bác bỏ. Các ngôn từ mang đậm phong cách “Đại Cách mạng Văn hóa”, nhấn mạnh một cách hoang tưởng về sự “công khai và minh bạch” trong xử lý dịch bệnh của ĐCSTQ, đồng thời cũng dày công tìm kiếm những chỉ trích đối với ông Pompeo từ Hoa Kỳ và thế giới. Những tiếng nói khác nhau về quan điểm và chỉ trích chỉ chứng minh cho sự “cởi mở” và “minh bạch” của các nước dân chủ. Nếu ĐCSTQ thực sự “công khai và minh bạch”, tại sao không có tiếng nói khác nhau trong truyền thông đảng? Có phải điều này chỉ chứng minh sự giả dối và ép buộc của ĐCSTQ? May mắn thay, thông qua trận dịch này, ngày càng nhiều người hơn nữa trên khắp thế giới nhìn thấy bản chất xấu xa của ĐCSTQ. Ngày mà người dân Trung Quốc sẽ hoàn toàn gỡ bỏ “tấm da vẽ” của ĐCSTQ không còn xa nữa.
Lý Minh Dương