Trịnh Y Thư
Có người bạn văn email hỏi tôi: Tản văn, Tùy bút và Ký giống, khác nhau chỗ nào. Câu hỏi khá bất ngờ và, kỳ thực, tôi không biết rõ lắm, bèn tìm kế hoãn binh, bảo chị đợi tôi trả lời trong một bài viết, thay vì vài câu email sơ sài cho qua. Nhận lời xong, tôi mới biết mình dại, vì không dễ dàng trả lời cho thỏa đáng câu hỏi này chút nào. Thôi thì, đành cố tới đâu hay tới đó, có chi bất cập, sai trái, mong các bạn góp ý và chỉnh sửa lại cho đúng.
Giữa ba thể loại, có lẽ Ký dễ phân biệt nhất. Ký cũng là một thể loại văn học phổ biến trong văn học Tây phương, nên tôi có nhiều phương tiện tra cứu hơn. Vì thế, xin nói trước về Ký.
Ký là tên gọi chung cho một nhóm thể tài chữ nghĩa văn xuôi nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học, như báo chí, chính luận, ghi chép… Chủ yếu của Ký là ghi chép theo dạng tự sự, miêu tả nhiều hơn là phân tích nội tâm. Ký có nhiều thể loại: Hồi ký, Bút ký, Du ký, Ký sự, Phóng sự, Nhật ký, v.v…
Ký nói chung khác với Truyện ở chỗ Ký không đưa ra một xung động nội tại. Phần khai triển của tác phẩm chủ yếu mang tính miêu thuật. Đề tài và chủ đề Ký trình bày cũng khác, so với Truyện. Trong khi Truyện khai triển tính cách cá nhân con người (bằng cách xây dựng nhân vật) trong tương quan với hoàn cảnh và bối cảnh, thì Ký chỉ chú trọng đến chính bản thân môi trường, mà xem nhẹ tính cách của nhân vật (nếu có) trong đó.
Bởi thế, Ký chủ ý miêu tả tính cách xã hội hoặc dân tộc, nghiêng nhiều về mặt báo chí, chính luận, biểu thị bởi sự quan tâm mang tính thời sự, chính trị. Đặc điểm của Ký là tính tư liệu, tái hiện tính chính xác của sự kiện, của hiện tượng có thực; (Hồi ký chiến tranh Tháng ba gãy súng của nhà văn quá cố Cao Xuân Huy là một thí dụ.) Nội dung của Ký ở đây không hẳn chỉ có những miêu thuật khách quan, mà còn bao gồm những lý giải, đánh giá chủ quan, thậm chí tâm tình riêng của tác giả. Ở đây, Ký giao thoa với Truyện, và bởi thế, có thể xem những tác phẩm như vậy là Ký Văn học.
Bây giờ hãy thử nói đến Tùy bút.
Định nghĩa cơ bản của Tùy bút là một thể tài văn xuôi không đề tài nhất định, theo dòng cảm hứng mà viết, tùy hứng mà phóng bút. Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng, Tùy Bút 隨筆 là “Theo bút mà viết. Lối văn không gò bó ý tứ.” Nói chung là gặp gì viết nấy, nghĩ sao nói vậy, tự do tuyệt đối. Tiền tố “tùy,” tiếng Hán, có nghĩa là “theo,” “thuận theo,” như trong các chữ “tùy nghi,” “tùy cơ ứng biến,” “tùy thế,” v.v… Với định nghĩa này, nếu bạn ra đường đi bộ thấy một hòn đá tầm thường, về nhà viết một bài dài năm nghìn chữ về hòn đá, thì đó là một Tùy bút. (Kỳ thực, viết về một hòn đá mà thú vị, thu hút người đọc thì bạn là thiên tài văn chương chứ chẳng chơi đâu.) Ngoài ra, bạn có thể viết về tiếng ếch nhái, mùi hoa dạ lý, cái ngon của bát phở, mái tóc cô thiếu nữ thanh xuân, cặp đùi thon dài trắng muốt của cô hàng xóm người Mỹ nằm tắm nắng một ngày đầu Xuân, tật hay nhậu nhẹt của ông bạn họa sĩ dở hơi, thậm chí, tật nói nhiều của bà vợ trong nhà, v.v… Nó tựa như nghị luận mà không phải nghị luận, bởi nó tùy hứng và đầy cảm xúc chủ quan chứ không có tính cách biện biệt, phải trái hơn thua. Lô-gích của nó là một lô-gích phi-biện-luận, không cao kỳ, mà hấp dẫn, thân mật như câu chuyện tâm tình giữa hai người tri kỷ.
Suốt thời kỳ Trung đại, văn học Việt Nam chỉ có duy nhất một tập Tùy bút đáng ghi nhận là cuốn Vũ Trung Tùy Bút (Tùy bút trong mưa) của danh sĩ Phạm Đình Hổ [1768-1839].
Vì đề tài phóng túng, tùy cảm hứng mà viết nên Tùy bút rất thích hợp với những tâm hồn văn chương yêu chuộng tự do, không thích cái cương tỏa của hàn lâm, cái chiết tỏa của giáo điều. Ví dụ như Nguyễn Tuân trước Cách mạng Tháng Tám. Cái “ngông” của Nguyễn Tuân đã khiến ông trở thành người viết Tùy bút hay nhất Việt Nam trước 1945.
Nhưng phải đợi đến sau 1954 Tùy bút mới có cơ hội bung nở thành một nghệ thuật dưới ngòi bút tuyệt luân của nhà văn Võ Phiến. Theo tôi, chính ông Võ đã đẩy thể tài Tùy bút đến một cương vực nghệ thuật mới với tài nhận xét tinh tế, miêu thuật sắc bén, dùng chữ tài tình, đúng chỗ, hợp tình. Ngoài ra, giọng văn dí dỏm, nhẹ nhàng cũng khiến Tùy bút Võ Phiến chinh phục biết bao triệu con tim người đọc Việt Nam.
Viết Tùy bút tưởng dễ mà không dễ, bởi nó không phải nơi cho bạn khoe kiến thức. Nó là mối giao cảm tuyệt hảo giữa bạn với sự vật; chỉ khi nào bạn đi vào linh hồn của sự vật thì lúc đó bạn mới có thể thành công trải lòng mình trên trang viết Tùy bút. Võ Phiến viết tùy bút sở dĩ thành công là vì ông đã đi vào linh hồn của sự vật, từ “Ăn uống sự thường,” “Của mắm và người” cho đến “Đô thị hoang sơ,” “Giã biệt mùa nắng,” quy tụ trong hai tập, tập nào cũng trên 300 trang, và bài nào cũng thấm đẫm cái phong vị thấm thía của chữ nghĩa và sự vật ông miêu thuật. Đọc Tùy bút Võ Phiến, bạn chỉ có thể thốt lên một câu rất ư bình dân: Trời, đọc “đã” quá!
Thế còn Tản văn?
Ý nghĩa nguyên thủy của Tản văn là “văn xuôi không có vần,” dịch từ la prose của Pháp hay prose của Anh. Cuốn Từ điển Việt Nam của cụ Lê Ngọc Trụ ghi, “Tản văn (danh từ): Văn xuôi, văn viết không cần ăn vần, cân đối, hay theo một khuôn khổ nào cả.” Từ điển Nguyễn Quốc Hùng thì ghi Tản Văn 散文 là: “Văn xuôi không có vần điệu gì.” “Tản” còn là cách gọi thơ không vần, tự do, gần giống văn xuôi, không theo quy tắc thi pháp chặt chẽ nào. Cụm từ Prose Poem thường được dịch là thơ xuôi, hay “tản thi.” Thời cổ ở Trung quốc có một thể loại thơ gọi là “tản hành” với tính cách không hạn vần và niêm luật, tương tự thơ Tự do hay thơ Tân Hình thức ngày nay.
Nhà thơ Nguyễn-Hòa Trước có một tập thơ xuôi – prose poems – tuyệt vời, nhan đề (gửi) em, mùa xuân sơ sinh, do NXB Văn Học Press xuất bản năm 2018.
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh cũng có một tập thơ tuyệt vời không kém, nhan đề Tản Văn Thi – có thể dịch là prose poems, cũng do NXB Văn Học Press xuất bản năm 2019.
Văn hào Alexander Solzhenitsyn, bên cạnh những tác phẩm tiểu thuyết nghìn trang nặng ký, cũng có một tập Prose Poems, xuất bản đầu thập niên 70.
Xem thế, cái gì không phải thơ nhưng cũng không phải văn thì người ta gọi là Tản văn? Người xưa, cả Đông lẫn Tây, xem trọng văn vần, xem thường văn xuôi, nên chữ “tản” / prose hàm ngụ một ý nghĩa tiêu cực.
Tuy vậy, tôi nghĩ Tản văn, theo thời gian, ý nghĩa có biến đổi phần nào. Ngày nay người ta hiểu Tản văn như một thể tài văn xuôi nghiêng về Tùy bút nhưng phóng túng hơn, có quyền vung bút “lạc đề” thoải mái, và có tính thơ. Yếu tính sau cùng có lẽ quan trọng hơn cả. Nói thế bởi tôi nghĩ đến hai cuốn tản văn Bóng bay gió ơi và Lang thang nghìn dặm của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.
Trong bài “điểm sách” cuốn Bóng bay gió ơi, tôi viết như sau:
“Đọc cuốn tản văn Bóng bay gió ơi của Nguyễn Thị Khánh Minh, chúng ta nên đọc thật chậm. Như đọc thơ. Bởi đấy là thơ. Bởi chị viết văn như làm thơ, chữ nghĩa nuột nà tung tỏa, lôi cuốn như có bùa phép – hay bùa hương, chữ của chị – làm mê hoặc người đọc. Đọc chậm để có thể thẩm thấu tầng chữ nghĩa của văn chương và qua đó họa may chúng ta hòa nhập lên tầng cảm xúc và phần nào nhận ra tâm hồn của tác giả…”
Đó là câu chữ viết về một tập thơ chứ không phải văn xuôi.
Phân biệt giữa Tùy bút, Tản văn, và Ký, điều đó có lẽ không cần thiết lắm đâu, bạn ạ. Cái cần thiết cho chúng ta ngày nay là đôi lúc nên tạm quên cuộc sống bình nhật để tâm hồn lắng đọng, thả lỏng thần trí để thưởng thức nghe một khúc nhạc, ngắm nhìn một bức tranh, hay đọc một áng văn chương, bất kỳ thể tài nào, Truyện, Thơ, Ký, Tùy bút, hay Tản văn. Đó là ý nghĩa muôn đời của cuộc sống, xưa cũng như nay, đơn giản vô cùng mà sao chúng ta gần như quên lãng.
(Cảm ơn chị ND đã giúp tra cứu vài từ tiếng Hán. – TYT)