Cáp quang AAG ở Việt Nam lại bị đứt?
Sau gần 1 tuần gặp sự cố, nhà cung cấp cho biết tuyến cáp quang biển AAG tại Việt Nam lại tiếp tục bị đứt.
Tuyến cáp quang biển AAG lại tiếp tục gặp sự cố, tốc độ truy cập Internet giảm rõ rệt và được cho là tồi tệ hơn những lần trước đây.
Mail tải chậm, Facebook không gửi tin nhắn được! Chị An Khang (quận 3, TP.HCM) nói trên Tuổi trẻ: “Công ty chúng tôi hiện vẫn đang cho mọi người làm việc ở nhà qua mạng, nhưng tốc độ Internet mấy ngày gần đây khiến nhiều cuộc họp không thể thực hiện được. Tốc độ xử lý nhiều công việc từ đó cũng bị trì trệ…”.
Tương tự, anh Duy Tùng (quận Tân Phú, TP. HCM) phản ánh: “Mở Gmail rất chậm, nếu có tập tin đính kèm thì tải về càng lâu hơn nữa. Ngay cả dịch vụ nhắn tin văn bản như Facebook Messenger cũng thường xuyên không gửi đi được. Nhiều dịch vụ đặt máy chủ ở nước ngoài đều truy cập chậm rõ rệt…”.
Theo phản ảnh của nhiều người dùng, tốc độ tải của các dịch vụ kết nối Internet đi quốc tế… đều rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến công việc của nhiều người, nhiều doanh nghiệp nói riêng, lẫn nhu cầu sử dụng Internet của người dùng Việt Nam nói chung.
Chiều 18/5, Hệ thống đo chất lượng truy cập Internet của Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) cho thấy tốc độ của một nhà mạng ghi nhận được chỉ số tải lên (upload) và tải xuống (download) chỉ xấp xỉ 10Mbps. Kết quả với một nhà mạng khác cũng chưa đến 20Mbps. Đây là mức rất thấp so với tốc độ trung bình mạng băng rộng cố định của Việt Nam (61,69 Mbps) do chính VNNIC công bố cuối tháng 4 vừa qua.
Theo đó, có thể thấy tốc độ truy cập Internet của người dùng Việt Nam đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
Trước đó, báo Dân Việt cho biết, vào 15/5, một nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển AAG lại vừa gặp sự cố khiến nhà mạng này mất 50% lưu lượng khiến đường truyền internet đi quốc tế chậm rõ rệt, minh chứng là việc truy cập các dịch vụ như Gmail, YouTube, Facebook,… khó khăn thấy rõ.
Người Trung Quốc ‘lợi dụng kẽ hở’ nắm các khu đất ‘trọng yếu’ ở Việt Nam
Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hecta đất của Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng với 22 trường hợp, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng “biên giới” hoặc “ven biển”, theo báo VOA, Tuổi Trẻ, Thanh Niên.
Bộ Quốc phòng chỉ ra người Trung Quốc dựa vào 2 cách chính để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng.
Cách thứ nhất, họ thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (phần góp vốn của người Việt chủ yếu là giá trị của đất), sau đó tăng vốn và giành quyền điều hành doanh nghiệp, vì vậy, phần tài sản góp vốn là đất của phía Việt Nam trở nên thuộc quyền sở hữu của phía Trung Quốc.
Cách thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho công dân Việt Nam, chủ yếu là người Việt gốc Hoa, để mua đất.
Hoàn thành những dây văng đầu tiên của cầu Thủ Thiêm 2
Phóng sự ảnh của Gia Minh đăng trên báo Người lao động ngày 18/5, cho thấy nhiều hạng mục quan trọng tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 ở trung tâm TP. HCM dần hoàn thành, những dây văng đầu tiên cũng đã thành hình.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 – cầu bắc qua sông Sài Gòn – nối giữa trung tâm TP HCM và Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 5 năm khởi công đang dần hoàn thiện. Công trình này được đánh giá có vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại TP, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu đông – vốn đang ngày càng quá tải.
Quốc hội ‘xem xét’ hồ sơ vụ Hồ Duy Hải
Tại cuộc họp báo chiều 18/5, phóng viên đã đề nghị Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc gần đây một số đại biểu gửi văn bản về vụ án Hồ Duy Hải, trong đó có ý kiến đề xuất giám sát tối cao vụ án này.
Theo ông Phúc, ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án phúc thẩm, xử phạt tử hình với Hồ Duy Hải về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản.
Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài nhiều năm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá trước đã thành lập đoàn giám sát tối cao do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, để giám sát vụ án oan sai.
Đoàn giám sát đã gửi văn bản tới Quốc hội chi tiết vụ án trên. Phía Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng có kiến nghị liên quan.
“Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật”, ông Phúc nói.
Sáng cùng ngày, trả lời ý kiến cử tri TP.HCM đề cập đến quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết đã thông báo, chờ cấp thẩm quyền kết luận vì “chắc chắn kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải không sai”.
Xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với vốn 10.990 tỷ đồng
Hôm nay (19/5), Thủ tướng phê duyệt xây dựng nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với vốn 10.990 tỷ đồng. Dự án trên do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, theo VnExpress.
Ga T3 được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách một năm, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1 đang quá tải.
Dự án nhà ga T3 có nguồn vốn hợp pháp của ACV, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Dự kiến hoàn thành trong 37 tháng, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.