Hôm 2 tháng 3, Bồi Thẩm Ðoàn phiên xử bà Tanya Nelson, tức Phương Thảo Nguyễn, kêu án tử hình cho hung thủ, bị kết tội giết hai mẹ con một người hành nghề bói toán tại Westminster, California, là bà Smith Hà và con gái Anita Võ. Phiên tòa kéo dài hơn một tháng rưỡi, kéo theo sự theo dõi của báo chí Việt ngữ và cả Anh ngữ. Trong khi đó, một người rất im lặng, không bao giờ lên tiếng, lại là người chịu trách nhiệm đầu tiên, và toàn bộ, việc điều tra: Thám tử Tim Vũ của Sở Cảnh Sát Westminster . Sau khi phiên xử chấm dứt, được sự đồng ý của Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Westminster, Mitch Waller, thám tử Tim Vũ dành cho phóng viên Ngọc Lan của Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây.
* ‘Lộ tung tích vì xài tiền của nạn nhân’
Ngọc Lan: là thám tử cho vụ Smith Hà, công việc của ông là gì?
Tim Vũ: Công việc của tôi là điều tra các vụ án mạng. Ngày hôm đó, 22 tháng 4, 2005, tôi vừa điều tra xong một vụ án, thì chỉ ba tiếng sau người ta gọi báo có vụ này ở thành phố Westminster . Là thám tử chịu trách nhiệm chính của vụ này, nhiệm vụ của tôi là phân công, ai sẽ làm gì trong cuộc điều tra.
Ngọc Lan: Ông có thể kể lại những điều ông đã làm từ khi nhận vụ án này không?
Tim Vũ: Khi đến nơi, tôi nhận thấy ngôi nhà bà Smith Hà lạ lắm, có lẽ vì bà là thầy bói. Bước vô cửa, vào trong thấy có rất nhiều bàn thờ, nhiều tượng, rồi những chiếc đèn màu đỏ, nhiều lắm, trên một bàn thờ lớn cỡ một bức tường.
Bước vô, tôi thấy thi hài cháu Anita Võ nằm úp xuống, mặt thì ngửa lên. Ðiều lạ là xác cô ta bị sơn đổ lên và hai tay cũng bị đổ sơn, trông giống như người ta đang mang một đôi bao tay trắng vậy. Thực sự lúc đầu chúng tôi tưởng đó là một cái tượng.
Chúng tôi cứ đi lướt qua. Ðến khi vào trong nhà bếp, nhìn thấy xác của bà Hà, cũng bị như vậy, mặt cũng bị đổ sơn, tay cũng bị đổ sơn. Khi ấy chúng tôi mới nhìn lại và nhận ra đằng kia là xác của Anita.
Khi bắt đầu cuộc điều tra, tôi chỉ đi quan sát trong nhà, quanh nhà và nhận ra rằng ngôi nhà đã bị lục soát. Tôi nói chuyện với hàng xóm của bà Hà xem họ có thấy gì không. Một người hàng xóm nói họ thấy một chiếc xe đậu trước nhà, thấy một người đàn bà Á Châu, và một người đàn ông cũng là người Á Châu đi từ garage ra. Ngày đầu tiên, tôi chỉ có những thông tin đó. Tôi nhờ một người vẽ phác thảo chân dung người đàn ông và người phụ nữ theo mô tả. Cũng chưa biết đây có phải là hung thủ không, hay chỉ là những người tình cờ xuất hiện vào giờ đó.
Sau đó, chúng tôi bắt đầu phỏng vấn tất cả những người quen biết của hai nạn nhân xem họ có thù hằn, nợ nần gì không. Những người chị em của bà Hà cho rằng họ sợ có thể do những người khách hàng của bà Hà đến coi bói rồi không thích nên họ quay lại giết.
Hình ảnh hai thi hài gây nhiều nghi vấn. Nếu chỉ là giết bình thường thì tại sao lại bỏ sơn lên như vậy? Tôi thấy rất lạ. Tôi đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn kẻ giết người có thù hận nạn nhân không? hay chỉ là một vụ cướp thôi? hoặc là những mưu đồ gì khác mà mình không thể biết.
Tôi nói chuyện với nhiều người, cả những chuyên nghiên cứu về văn hóa, để xem chuyện đổ sơn như vậy có ý nghĩa gì trong phong tục văn hóa Việt Nam hay không.
Trong khi nói chuyện với những người quen biết, đã có nói chuyện, đi ăn trưa, ăn tối với mẹ con bà Hà, thì tôi gặp cô Thư Phan, cũng là một khách hàng của bà Hà. Lúc đó Thư nói cho biết là vào ngày mà bà Hà nghi ngờ bị giết, có mấy người khách từ tiểu bang khác bay sang chơi.
Với thông tin đó, chúng tôi bắt đầu tìm xem họ là ai. Cô Thư nói rằng tối hôm đó, cô ta gọi số phone của bà Hà thì thấy có người bắt phone nhưng lại không trả lời. Khi đó cô Thư cũng nghi ngờ có chuyện gì rồi.
Tôi lại bắt đầu tìm kiếm ở những bản báo cáo về các cuộc điện thoại liên quan đến bà Hà. Tối hôm đó, tôi quay lại nhà bà Hà nhưng không tìm thấy điện thoại của bà ta. Khi đó mình nghi là những kẻ giết người đã lấy cái điện thoại. Mình không tìm thấy cái bóp cũng như những giấy tờ ID, thẻ credit card của bà Hà. Mình lại nghi là kẻ cướp đã lấy những thứ này luôn.
Trong khi mình điều tra thêm, chúng tôi tìm thấy trong bình pha cà phê có nữ trang của bà Hà trị giá gần nửa triệu Mỹ kim. Trong máy hút bụi lại có $68,000 tiền mặt, toàn tờ $100. Mấy người lục nhà không để ý đến những thứ này trong khi cả nhà bị lục tung hết. Mình không biết chính xác những thứ gì bị lấy đi, chỉ biết là có thẻ credit card.
Ngọc Lan: Ông bắt đầu lần tìm chứng cứ từ thông tin của cô Thư Phan?
Tim Vũ: Ðúng. Khi đó chúng tôi chỉ còn nhắm vào những người mà cô Thư nói từ Chicago sang. Tôi cho người đi đến tất cả những hotel ở quanh vùng Westminster tìm hiểu, bởi tôi nghĩ nếu họ từ Chicago sang thì họ phải ở khách sạn. Vậy là chúng tôi đến các khách sạn và kéo hết tất cả các tên Việt Nam ra để tìm, bởi mình nghĩ những người coi bói là người Việt Nam nên chỉ tập trung hỏi những cái tên người Việt thôi. Lúc đó tôi không ngờ là hai hung thủ là người Việt dùng tên Mỹ.
Chúng tôi kiểm tra các khách sạn, thẻ tín dụng và điện thoại, xem có ai sử dụng không. Ðồng thời chúng tôi kiểm tra và tìm mọi chứng cớ DNA trong nhà. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ cần thiết phải làm.
Chúng tôi tìm kiếm chứng cứ trong nhà bà Hà suốt bốn ngày, nhưng vẫn không có manh mối nào cho biết hung thủ là ai. Chỉ biết là, có thể họ đến từ Chicago .
Chúng tôi lại tìm từ quyển sổ hẹn khách của bà Hà, thấy trong đó cũng có tên những người từ Chicago . Thế là chúng tôi nói chuyện với họ. Và nhận ra rằng khách hàng rất tin tưởng bà Hà, có người trả cho bà mấy ngàn đồng cho một lần xem bói. Bởi bà Hà quảng cáo là bà ta có thể hàn gắn những mối quan hệ tình cảm đã đổ vỡ, cũng như làm sao để cho công việc kinh doanh phát đạt.
Nói chuyện với những người này cũng không tìm thấy được điểm nghi ngờ gì. Còn lại chỉ là những thẻ credit card. Tôi liên lạc với US Marshal để nhờ kiểm tra giùm những thẻ credit card này. Cũng may mắn là một người chỉ huy của US Marshal là hàng xóm của tôi.
Manh mối của chúng tôi chỉ là những credit card và tập trung vào đó để điều tra. Ngoài ra không còn gì khác.
Ngọc Lan: Ông có thể nói rõ hơn về chuyện hung thủ dùng credit card của nạn nhân như thế nào không?
Tim Vũ: Ngày 23 tháng 4, sau khi giết bà Hà xong, hai hung thủ bay về North Carolina . Ngày 27 tháng 4 họ bay trở lại California . Bà Nelson bắt đầu xài những credit card ở Ross, Target. Lúc đầu bà ta chỉ mua những món đồ ít tiền. Hơn nữa, bà Hà và bà Nelson đều là người Việt Nam, người bán hàng nhìn vào không để ý, đâu có biết, nhìn người Á Châu ai cũng giống nhau.
Khi thấy không ai để ý, bà ta bắt đầu mua nhiều tiền hơn. Trong thời gian đó bà ta đi đến nhiều chỗ, trong đó có Fry’s để mua một computer trị giá mấy ngàn. Cũng không ai để ý bà ta.
Sau đó, bà ta lại bay về Georgia , đến ngân hàng để rút tiền ra. Khoảng hai tuần sau thì người ta phát hiện là những cái credit card bị sử dụng. Khi đó, chúng tôi cũng chưa biết người xài thẻ đó là hung thủ hay chỉ là họ mua lại những cái credit card này.
Chúng tôi bắt đầu liên lạc với ngân hàng. Những hình ảnh quay lại trong các camera cho thấy người rút tiền ở Georgia cũng như xài thẻ credit card đó ở Orange County là một phụ nữ Á đông.
Khi xâu chuỗi lại các sự kiện, người xài thẻ credit card, rồi xài phone ở California và Georgia thì mình bắt đầu nghi ngờ người phụ nữ này. Chúng tôi tập trung vào việc tìm kiếm người phụ nữ này. Có thể đây là người nhúng tay vào vụ giết người, hoặc có thể quen biết với những kẻ giết người.
Tuy nhiên, sau khi bên credit card biết rằng những tấm thẻ đó đã bị đánh cắp, thì họ muốn đóng account đó lại. Nếu họ mà đóng account thì xem như mình mất hết manh mối.
Tôi nói với họ rằng chúng tôi đang điều tra vụ án. Nhưng nhà băng đâu quan tâm chuyện đó. Họ chỉ biết rằng nếu không đóng account thì tiền nhà băng sẽ bị mất. Họ nói nếu cảnh sát Westminster chịu đền bù thiệt hại, họ sẽ không đóng account.
Tôi nói chuyện với cảnh sát trưởng. Ông ta chỉ đồng ý đền bù $100, trong khi số tiền mà bà Nelson rút ra tới mấy trăm đồng, mấy chục ngàn đồng. Khi tôi nói lại với ngân hàng rằng sếp tôi chỉ ‘cover’ đến một trăm đồng thôi thì họ nói ‘no way,’ họ sẽ đóng.
Tôi nói chuyện với người bạn làm ở US Marshal, năn nỉ họ đừng đóng account mà sẽ để theo dõi khi phát hiện ra cái thẻ đó đang xài ở đâu thì sẽ gọi cảnh sát đến ngay để bắt bà này. Họ đồng ý.
Trong thời gian đó, mình tiếp tục điều tra những mối khác.
Ngọc Lan: Nhiều người cho rằng hung thủ đã bị nạn nhân “xui khiến” phải xài thẻ tín dụng của người chết để cảnh sát tìm ra manh mối. Ông nghĩ sao?
Tim Vũ: Tôi không nghĩ vậy. Bà Nelson rất thông minh và đã có kế hoạch hẳn hoi. Bà ta dùng ID của một người tên Tâm Vũ, đã chết do tai nạn, để mở một trương mục điện thoại di động tại tiểu bang Georgia, nơi bà ta từng sống trước đó, trong khi hiện tại thì bà ta ở Carolina.
Mở trương mục điện thoại ngày 23 tháng 3, 2005, nhưng bảy ngày sau đó bà ta mới dùng số đó liên lạc với Hà Smith. Rồi một tháng sau bà ta mới tới California để giết bà Hà. Tôi nghĩ lý do bà ta làm như vậy là vì bà ta có mối quan hệ với bà Hà, nếu bà ta xài phone nhà hay cell phone của bà ta thì cảnh sát có thể tìm ra. Cho nên bà ta đã dùng tên của người chết, đến tiểu bang khác để mở account và dùng phone đó để liên lạc với bà Hà.
Bà ta không xài credit card lúc ở Carolina, mà bắt đầu xài khi trở lại California, bởi bên credit card kiểm tra người xài thẻ, nếu 99% thẻ đang xài ở California mà bây giờ xài ở một tiểu bang khác thì họ sẽ nghi ngờ liền. Bà ta thông minh lắm nên bắt đầu xài ở California , xài từ những việc mua những món ít tiền ở quanh vùng Orange County . Rồi bà ta xài ở Georgia , cũng không ai nghi ngờ bà ta. Bà ta đã làm rất cẩn thận, người ta không nghi ngờ gì hết. Thế rồi bà bắt đầu bất cẩn, xài thẻ ở tiệm của bà ta ở North Carolina , rồi mua vé máy bay.
Khi chúng tôi gọi lại xem có động tĩnh gì về người sử dụng những thẻ credit card không, thì mới biết trong thời gian đó bà Nelson mua năm vé máy bay cho bà ta và bốn đứa con của bà. Bà ta xài tên của Hà Smith, đứa con gái lớn khoảng 14, 15 tuổi của bà xài tên của Anita Võ, còn lại ba đứa kia xài tên thật của chúng. Khi bay qua California, vì Anita đã 23 tuổi, nên bà Nelson cho đứa con gái 14, 15 tuổi của mình trang điểm nhiều lên để nhìn cho lớn hơn.
Khi phát hiện ra bà ta mua năm vé máy bay, tôi nhận ra đây là cơ hội để biết bà ta là ai. Thế là tôi lại năn nỉ bên credit card đừng “reject” cái thẻ, bởi nếu làm vậy, mấy cái vé không đi được, thì xem như mình mất dấu vết. Họ đồng ý.
Trong thời gian ấy, tôi lại phát hiện có ai đó đã đổi tên, địa chỉ của bà Hà Smith và Anita Võ từ California qua một cái P.O Box ở tiểu bang Georgia . Ðồng thời mình cũng biết là những người sử dụng vé máy bay đó cũng bay từ North Carolina , dừng ở Georgia và từ Georgia bay sang Orange County . Chuyến bay đó là ngày 30 tháng Năm. Ðó là một “Memorial Weekend.”
Tôi cho hai người cảnh sát và một người của US Marshal bay về Georgia trước để điều tra P.O. Box xem có liên hệ gì. Sau đó họ sẽ theo cùng chuyến bay để điều tra xem năm người này là ai. Lúc đó chẳng biết họ là ai, lớn hay nhỏ.
Mình tiếp tục theo dõi họ trên máy bay, khi họ đến Orange County, ở khách sạn, rồi đến South Coast Plaza, xem họ liên lạc gì, với ai, để hy vọng tìm ra manh mối xem hung thủ là ở California hay ở tiểu bang khác.
Trong lúc theo dõi thì biết chính xác người xài credit card của Hà Smith tên là Tanya Nelson, và là mẹ của bốn đứa con, chứ chưa hề biết bà ta có phải là hung thủ hay không.
Theo dõi vài ngày, tôi chỉ có thể bắt bà ta với tội xài thẻ tín dụng của người khác và cái thẻ đó được lấy đi từ nhà của bà Hà Smith.
Chúng tôi xin lệnh bắt và xét phòng ở khách sạn bà Tanya Nelson đang ở và xe bà ta đang chạy. Sáng hôm đó, tôi xin lệnh bắt tất cả mọi người trong gia đình bà Tanya Nelson về sở cảnh sát điều tra tiếp.
Khi xét xe thì người ta mang về cho chúng tôi bóp đựng bằng lái xe của bà Hà, của Anita, và khoảng 15 cái credit card mang tên Hà Smith và Anita Võ. Xét phòng thì thấy cái computer đó được dùng để đặt vé máy bay, đặt phòng. Chúng tôi cũng tìm thấy những túi xách vali đắt tiền được lấy đi từ nhà bà Hà mà giờ đây bà Nelson dùng chúng trong chuyến đi của mình.
* Hung thủ là người ‘lạnh lùng’
Ngọc Lan: Ông có nhận xét gì khi lần đầu đối diện với bà Nelson?
Tim Vũ: Khi bắt đầu phỏng vấn bà Nelson, tôi cảm thấy bà ta có điều khác biệt với người khác. Mắt bà ta trông rất lạnh lùng, dường như không điều gì có thể khiến bà ta phải xúc động vậy.
Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ, bà ta và các con của bà ấy xài thẻ của người khác thôi. Tôi cũng nói cho bà ta biết là tôi đang điều tra một vụ giết người. Thông thường khi nghe như vậy thì người ta sẽ nói, đại loại, “à, tôi chỉ xài thẻ thôi, còn vụ giết người, tôi không biết. Ông đi hỏi người này, hay người kia đi.” Ðằng này bà ta không nói gì hết, như kiểu chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì tới bà. Ðiều này cho tôi nghi có điều gì khác hơn chuyện chỉ dùng credit card, có thể bà ta có liên quan đến vụ giết người.
Sau đó tôi mời ông chồng của bà ta vào. Nhìn thấy mấy tấm hình chụp mấy cái xác, ông chồng khóc lên khóc xuống, trong khi bà ta vẫn rất lạnh lùng.
Ðiều lạ nữa, trong khi ông chồng ngồi khóc thì bà ta lại vỗ về ông như một người mẹ, “không sao, không sao.” Bà ta còn hỏi tôi kiểu như một luật sư bảo vệ ông chồng vậy. Tôi chắc rằng bà này phải có một điều gì đó rồi.
Lúc đó, tôi cũng tìm ra được một cuốn sổ bà Nelson đang giữ. Trong đó, bà ta ghi ra hết những số thẻ tín dụng của Hà Smith và Anita Võ, cả “limit” là bao nhiêu. Cả cuốn sổ gần như chỉ có tên của hai người này. Riêng trang cuối có tên Phillipe Zamora. Lúc đó tôi cũng chưa biết Phillipe Zamora là ai.
Tôi hỏi đứa con gái đang dùng tên Anita xem “mẹ em có biết ai tên Phillipe Zamora không,” thì đứa bé nói mẹ nó có chơi thân với bà Van Zamora, sau này tôi biết đó là chị của Phillipe Zamora. Lúc đó tôi cũng chỉ nghi ngờ có thể đây là một người bị bà Nelson hại.
Tất cả cũng chưa đủ bằng chứng để bắt giam bà ta về tội nghi ngờ giết người, mà chỉ bắt về tội ăn cắp thẻ tín dụng thôi.
Ngọc Lan: Bằng cách nào ông xác định được Tanya Nelson là hung thủ?
Tim Vũ: Tối đó tôi cho người bay đến North Carolina để xét nhà bà Nelson. Ở đó, chúng tôi tìm thấy thêm rất nhiều thẻ tín dụng của Hà Smith, Anita Võ và của Dũng, người yêu của Anita. Có thể anh ta cho Anita xài thẻ của mình. Chúng tôi tìm thấy một quyển lịch, trong đó, ngay ngày 21/4, ngày nghi ngờ hai mẹ con bà Hà bị giết, có dòng chữ “horrible sin.” Nghe người của tôi báo lại như vậy, tôi lại có thêm nghi ngờ.
Cũng trong lúc lục soát nhà bà Nelson, họ tìm thấy những tấm vé máy bay có tên Tanya Nelson và Phillipe Zamora bay từ North Carolina sang California trong tuần lễ xảy ra vụ án.
Tôi cho người sang nhà Phillipe Zamora, ở cùng thành phố trên, để điều tra về ông ta.
Lúc đầu ông Phillipe Zamora nói ông ta có đến Orange County để thăm bà chị. Ông ta nói có bay với bà Nelson nhưng không có ở chung với bà ta. Khi cảnh sát mời ông ta về sở cảnh sát để điều tra thêm thì ông ta cũng đi theo.
Bằng các biện pháp của cảnh sát, ngay trong hôm đó ông Phillipe Zamora khai ông ta là người giết bà Hà Smith và Nelson là người giết cô Anita.
Có điều, ông Phillipe Zamora giết người ở California , trong khi ở North Carolina thì ông ta chưa hề có tội gì nên mấy người cảnh sát ở đó không có quyền giam ông ta lại. Thế là ngay tối hôm đó, tôi lại xin tòa lệnh bắt để có thể mang ông Zamora sang California .
Sau khi có lời khai của Phillipe Zamora, thì chúng tôi bắt luôn là bà Tanya Nelson với tội nghi ngờ là hung thủ.
Chúng tôi cũng có được hai con dao dùng để giết hai mẹ con bà Hà. Lý do họ bỏ lại dao, theo tôi nghĩ là sau khi giết hai mẹ con bà Hà, họ bỏ dao vào một cái bao rồi đặt trên cái ghế, và bắt đầu lục soát nhà. Mọi thứ bị bới tung lên hết, nên sau khi bỏ đi, họ đã quên hai con dao. Nhờ hai con dao mà chúng tôi xác định được DNA của ông Phillipe Zamora.
Ngọc Lan: Ông có thể chia sẻ thêm những điều gì mà ông cho là khá đặc biệt trong quá trình điều tra vụ án này?
Tim Vũ: Trong quá trình điều tra, tôi phát hiện thêm mối quan hệ của bà Nelson với Lợi Nguyễn, em chồng bà ta. Bà ta đã có mối quan hệ tình cảm với người em chồng này từ khi Lợi còn ở Việt Nam .
Sau khi Lợi qua Mỹ, bà ta đã làm nhiều cách để chung sống với Lợi ở Georgia . Khi Lợi đi học ở trường, Lợi quen với một cô bạn gái. Hai người nói chuyện với nhau được vài lần. Ðến một hôm, khi Lợi gặp cô ta thì cô ta nói không muốn quen với Lợi nữa. Sau đó mới biết là bà Nelson đã biết mối quan hệ đó nên viết thư cho cô kia nói bà ta là vợ của Lợi. Rồi sau này Lợi quen với một cô nữa, bà Nelson cũng lại làm như thế.
Ðến khi Lợi tách khỏi bà Nelson, và quen với cô Yến thì bà Nelson cho thám tử theo dõi, đợi một ngày họ không có nhà, bà ta đã vào nhà lục lọi, viết những từ ngữ xấu xa về cô Yến lên tường…
Với những tình tiết xảy ra theo đó thì bà ta không hy vọng Lợi Nguyễn sẽ còn quay lại với mình nên bà tìm đến Hà Smith để nhờ làm bùa phép. Lại thêm bà ta đang bị thiếu hụt tiền bạc, bởi khi bà ta còn ở chung với Lợi Nguyễn thì mỗi tháng anh ta đưa thêm cho bà Nelson $500 trả tiền nhà. Khi Lợi dọn đi, không đưa tiền đó nữa thì bà Nelson cũng bị mất nhà.
Tôi lại nghĩ khi ấy nếu bà Nelson và ông Phillipe Zamora chỉ lấy mấy món nữ trang bán đi lấy tiền, bỏ đi những thẻ credit thì có lẽ chúng tôi cũng khó có manh mối.
Cũng may mắn cho tôi là bên credit card họ đã không đóng “account,” nếu không, không biết làm sao tìm.
May mắn nữa là thay vì phải theo dõi thường xuyên để xem mấy thẻ tín dụng đó có “active” không để “reject” thì người làm việc đó lại bận rộn quá nên đến khi tôi hỏi thì ông ta mới kiểm tra và phát hiện bà ta đã mua năm vé máy bay rồi. Nhờ vậy mà mình lần tìm ra manh mối.
Khi phát hiện thấy những thẻ tín dụng được đưa đến P.O Box ở Georgia, chúng tôi tìm đến đó thì biết PO Box là của một người cảnh sát, bạn của bà Nelson, ông ta không phải người Việt. Mình nghi ngờ ông ta biết điều gì nhưng không khai. Sau đó thì ông ta bị đuổi vì một lý do khác.
Lý do ông cảnh sát này quen với bà Nelson là do bà Nelson quen với một người tên là Tâm Vũ, một người thợ nail, đồng thời là người đồng tính. Khi Tâm và viên cảnh sát kia, cũng là một người đồng tính, biết nhau, thì một người không biết nói tiếng Việt, một người không biết nói tiếng Anh, nên Tâm nhờ bà Nelson làm thông dịch mai mối.
Khoảng một năm sau, Tâm chết vì tai nạn. Như đã nói, số cell phone mà bà Nelson sử dụng là do dùng ID của Tâm để mở account. Thành ra khi cảnh sát điều tra số điện thoại thì biết đây là số của một người đã chết.
Ðiều kỳ lạ nữa là ông Phillipe Zamora, một người đàn ông 50 tuổi, có vợ, hai con, chưa bao giờ phạm tội, lại cứ làm theo sự sai khiến của bà Nelson. Ông ta là một người đồng tính. Viên cảnh sát ở Georgia cũng là một người đồng tính. Tâm Vũ cũng là đồng tính. Người mà bà Nelson đến bán nữ trang ở Phước Lộc Thọ cũng là đồng tính luôn.
Bà ta điều khiển hết tất cả những người đó. Những người đàn ông liên quan đến vụ án này mà tôi đã điều tra qua, họ đều giống nhau ở chỗ, đều là người đồng tính, rất nhạy cảm, không phải là những người đàn ông mạnh mẽ, họ rất yếu đuối. Có thể vì như vậy mà bà ta mới có thể điều khiển hết họ.
Thêm nữa, mặc dù mình có DNA của ông Zamora nhưng trước giờ ông này chưa hề bị cảnh sát bắt nên không có một hồ sơ lưu nào hết. Cho nên lúc đó cho dù có DNA, nhưng nếu không từ những cái credit card thì chỉ chờ đến khi nào ông ta phạm một tội gì đó, bị cảnh sát bắt, thì khi đó mình mới mong tìm ra thủ phạm.
Ngọc Lan: Ông đã mất bao lâu cho vụ điều tra này?
Tim Vũ: Thời gian bắt tay điều tra từ ngày 23 tháng 4 năm 2005. Cuối tháng 5 năm 2005 bắt bà Nelson với tội xài credit card đánh cắp. Ngày 1 tháng 6 năm 2005 bắt Phillipe Zamora. Như vậy khoảng năm tuần sau mới có thể có đầy đủ chứng cứ cho vụ bắt hung thủ.
Nếu không có những yếu tố may mắn kia thì có lẽ thời gian sẽ rất lâu mà có khi không tìm ra không chừng. Khi tôi đến ngôi nhà chỉ nhìn thấy có hai cái xác, không có nhân chứng, không có gì hết, tôi những tưởng có thể sẽ chẳng tìm ra hung thủ.
Ngọc Lan: Theo những gì báo chí mô tả thì đây là vụ giết người tàn bạo. Ông có nghĩ vậy không?
Tim Vũ: Tôi cũng nghĩ như vậy. Bà Hà và bà Nelson đã có mối quan hệ trước đó. Nếu bà ta chỉ cướp thì bà Hà sẽ khai cho biết bà Nelson là ai. Nên ngay từ đầu bà ta đã có ý định giết luôn bà Hà và con gái bà ta rồi. Bà ta đã thăm dò trước để biết chắc chắn là nhà chỉ có hai mẹ con, không có người “share” phòng, không có ai khác.
Ngày mà hai mẹ con bị giết thì Anita đang uống cà phê với hai người “cousins” của cô ta ở quán cà phê Dĩ Vãng 2 vào buổi trưa. Anita nói với hai chị em họ là cô ta phải về vì mẹ cô có khách ở nhà và muốn cô về. Tôi nghĩ bà Nelson muốn phải giết luôn Anita, bởi nếu không thì Anita sẽ khai ra là có hai người khách từ tiểu bang khác đến thăm mẹ mình.
Ngọc Lan: Ông còn nhớ cảm xúc của ông khi bước vào ngôi nhà của bà Hà Smith lúc nhận được tin báo không?
Tim Vũ: Hoàn toàn khác cảm xúc trước giờ.
Hai người cảnh sát đến trước, họ đều là người làm lâu hơn tôi, nhưng họ không dám ở trong đó. Tại vì, không biết phải nói sao nữa. Giống như mình xem trên phim, khi mình bước vô, nhìn thấy cách người ta để những cái xác, rồi những ngọn đèn đỏ, những hũ tro đựng hài cốt bị đổ ra, bên cạnh xác là những mẫu xương, rồi những bức tượng, những hình vẽ như bùa, tất cả làm nên một điều gì đó rất kinh khủng, khiến cho những người cảnh sát không muốn ở trong đó.
Những cảm xúc của tôi là “bad feelings.”
Ðiều lạ nữa là trong số những tấm hình mà mình chụp cái nhà, khi xem lại có tấm nhìn vào thấy như có 2 cụm khói phía trước nhà mà không biết từ đâu ra. Ban đầu tôi không để ý, nhưng sau đó có người chỉ vào hỏi, “đây là cái gì?” Chúng tôi thực sự không hiểu nó từ đâu ra và tại sao lại xuất hiện như vậy trên tấm hình! Tôi không hiểu.
Trong phòng của bà ta có một cái bàn thờ, trên đó có những cái lọ đựng cái gì đó, tôi không biết, rồi những tấm hình có vẽ chữ như bùa. Tất cả đều đưa đến những cảm giác rất kỳ lạ.
Ngọc Lan: Ông nghĩ gì về chuyện sơn trắng được đổ lên người nạn nhân?
Tim Vũ: Tôi có hỏi ông Phillipe Zamora lý do đổ sơn lên xác nạn nhân, ông ta chỉ nói là làm theo lệnh của bà Nelson, còn ông không biết gì.
Tôi nghĩ có hai lý do: một là bà ta muốn hủy bỏ các chứng cứ có thể lấy DNA. Lý do thứ hai là bà ta cho rằng bà Hà đã lừa dối bà ta. Ðây cũng là điều mà ông Phillipe Zamora khai. Ông ta nói rằng khi bay từ California về North Carolina, ông hỏi tại sao làm vậy và bà Nelson giải thích, “Hai mẹ con nó xứng đáng bị đối xử như vậy bởi họ đã lừa gạt người ta.” Còn lý do sử dụng sơn trắng là có người nói với tôi rằng đó là một kiểu hành xử của văn hóa Trung Hoa xưa dành cho những kẻ nói dối.
Bà Nelson thì không nói lý do về màu sơn và tại sao lại phải đổ sơn. Bà ta không nói gì hết. Tôi đã nói bà ta rất lạnh lùng.
Ðây là một trong hai vụ án ly kỳ nhất mà tôi đã làm trong 16 năm theo nghề này.
Ngọc Lan: Trong thời gian xử án, ông có theo dõi không?
Tim Vũ: Tôi theo dõi vụ này từ đầu đến cuối, chỉ có ngày người ta đề nghị bản án thì tôi không đến kịp, khi đó tôi đang ở xa.
Ngọc Lan: Ông nghĩ sao về mức án đề nghị?
Tim Vũ: Ðó là một bản án chính xác. Tôi nghĩ điều đó là đúng. Cám ơn những người đã đưa ra bản án này.
Ngọc Lan: Làm thám tử là ước mơ của ông từ nhỏ?
Tim Vũ: Không. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi cũng tưởng là mình cũng theo học để sau này trở thành bác sĩ. Năm đó khi đang thực tập, tôi có nói chuyện với mấy người thám tử. Thấy cũng thú vị. Tôi hỏi họ làm sao để trở thành một thám tử. Họ bảo trước hết phải làm cảnh sát. Thế là tôi theo nghề từ đó. Trước giờ trong gia đình tôi không ai theo nghề này. Nhưng bây giờ thì trong nhà đã có một người cháu theo nghề tôi, đang làm cảnh sát.
Công việc này càng làm càng mê. Nó không giống như sự lặp lại. Mình làm việc với nhiều người, nhiều thứ khác nhau, không cái gì giống cái gì. Ðây là công việc thú vị.
Ngọc Lan: Cám ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.