‘Sẵn sàng xích mích’ với Bắc Kinh, chính quyền Trump công bố báo cáo 20 trang lên án Trung Quốc
Chính quyền Trump hôm thứ Tư (20/5) đã công bố một báo cáo lên án mạnh mẽ hàng loạt hành vi của Bắc Kinh, từ hoạt động kinh tế kiểu cướp bóc đến việc gia tăng quân sự ở Biển Đông.
Báo cáo dài 20 trang của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump “sẵn sàng xích mích lớn hơn trong mối quan hệ song phương” để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, đặc biệt là lợi ích kinh tế và an ninh, theo lời một quan chức Mỹ nói với NBC News.
Hãng tin này cho biết báo cáo này liệt kê các hành vi đe dọa của Bắc Kinh, trong đó có việc Trung Quốc liên tiếp gia tăng quân sự và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cũng như các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Các quan chức chính quyền Trump cho biết báo cáo cũng chỉ ra “những hành vi ác tính” của Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực an ninh, kinh tế.
Hãng tin Associated Press (AP) trích lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm thứ Tư, ngay trước khi Nhà Trắng đưa ra báo cáo: “Việc giới truyền thông tập trung vào đại dịch hiện nay đặt ra nguy cơ bỏ lỡ bức tranh rộng lớn hơn về thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra”.
Ông Pompeo cho biết: “Trung Quốc bị cai trị bởi một chế độ tàn bạo, độc tài, một chế độ cộng sản từ năm 1949. Trong nhiều thập niên, chúng ta đã tưởng rằng chế độ này sẽ trở nên giống chúng ta hơn – thông qua hoạt động thương mại, trao đổi khoa học, tiếp cận ngoại giao, [vậy nên mới] cho phép họ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới với tư cách là một quốc gia đang phát triển. [Tuy nhiên] điều đó đã không xảy ra”.
“Chúng ta đã đánh giá quá thấp mức độ thù địch của Bắc Kinh về mặt tư tưởng và chính trị đối với các quốc gia tự do. Cả thế giới đang thức tỉnh trước thực tế này”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu ngày 20/5/2020.
Cũng hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã phê chuẩn việc bán các ngư lôi hiện đại cho quân đội Đài Loan, một động thái chắc chắn thu hút chỉ trích từ Bắc Kinh, theo AP.
Hãng tin này cho biết, trong 20 năm qua, Hoa Kỳ đã mở rộng thị trường cho Trung Quốc, đầu tư tiền vào Trung Quốc, giúp nước này tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ và đào tạo các sỹ quan quân đội Trung Quốc, với hy vọng rằng những điều này sẽ giúp Trung Quốc tiến tới tự do hóa về chính trị. Tuy nhiên, AP bình luận, chính quyền Trung Quốc thậm chí còn độc đoán hơn kể từ sau vụ quân đội nước này thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và giờ đây thì ĐCSTQ đang thúc đẩy quan điểm chính trị của mình trên phạm vi toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump nhận thức rõ mối đe dọa từ ĐCSTQ và đảo ngược lại quan điểm nhân nhượng của những người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Theo AP, báo cáo của chính quyền Trump tuyên bố Nhà Trắng không nhận thấy “giá trị nào” trong việc gắn bó với Bắc Kinh. Báo cáo viết: “Khi hoạt động ngoại giao thầm lặng trở nên vô ích, Hoa Kỳ sẽ gia tăng áp lực công khai đối với Trung Quốc”.
NBC cho biết, các quan chức Mỹ nói rằng báo cáo này cũng bao gồm một loạt các biện pháp mà chính quyền Trump đang thực hiện để chống lại các hành vi của Trung Quốc, trong đó có các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở những vùng biển mà Bắc Kinh đặt ra yêu sách.
Báo cáo của Nhà Trắng tiếp tục làm nóng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề thương mại, đại dịch viêm phổi COVID-19 và sự ủng hộ của chính quyền Trump đối với Đài Loan. Cũng hôm thứ Tư, cuộc khẩu chiến giữa Bắc Kinh và Washington đặc biệt bùng phát khi Tổng thống Trump công khai lên án “sự bất tài” và đổ lỗi của Trung Quốc trong đại dịch virus corona, hiện đã lây lan tới 213 quốc gia và khiến hơn 300.000 tử vong.
Khẩu chiến Mỹ-Trung bùng phát, ông Trump nói Bắc Kinh ‘bất tài’ và ‘lập dị’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (20/5) đã bày tỏ sự bất bình đối với tình trạng “bất tài” và đổ lỗi của giới chức Trung Quốc trong dịch viêm phổi COVID-19, căn bệnh tới nay đã gây ra cái chết của hơn 300.000 người, với hơn 5 triệu ca lây nhiễm tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông chủ Nhà Trắng viết trên Twitter cá nhân: “Một số kẻ lập dị ở Trung Quốc vừa đưa ra một tuyên bố đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ Trung Quốc về loại virus mà hiện đã giết chết hàng trăm ngàn người. Xin hãy giải thích cho tên ngốc này rằng đó là do ‘sự bất tài của Trung Quốc’, không có lý do nào khác, chính điều đó đã gây ra tình trạng giết người hàng loạt này trên khắp thế giới!”
Hiện chưa rõ Tổng thống Trump ám chỉ “những kẻ lập dị” mà ông nói đến là ai. Tuy nhiên, ông đưa ra bình luận này sau khi một quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ trích ông về cách ứng phó của Mỹ trong đại dịch Vũ Hán.
Vị quan chức này là ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập báo Hoàn Cầu (Global Times) thuộc kiểm soát của tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Hôm thứ Ba (19/5), ông Hồ Tích Tiến đã lớn tiếng chỉ trích Tổng thống Trump dùng “trò phù thủy” để chống dịch.
Ông Tiến tuyên bố trên Twitter, mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc nhưng thường được các quan chức nước này sử dụng để công kích phương Tây: “Tổng thống Trump đang lãnh đạo cuộc chiến của Mỹ chống đại dịch bằng trò phù thủy, kết quả là hơn 90.000 người đã chết. Nếu là ở Trung Quốc, thì Nhà Trắng đã bị thiêu rụi bởi những người dân phẫn nộ”.
Trước đó, Tổng thống Trump đã công khai ủng hộ đề xuất của Australia về việc điều tra dịch COVID-19, trong đó gần như chắc chắn Bắc Kinh là tâm điểm của cuộc điều tra với tình trạng che giấu dịch bệnh và đàn áp những người cảnh báo sớm cho công chúng về virus corona.
Cuộc khẩu chiến giữa giới chức Mỹ – Trung bùng phát hôm thứ Tư không chỉ xoay quanh dịch viêm phổi Vũ Hán, mà còn liên quan đến sự kiện lễ nhậm chức của tổng thống Đài Loan, hay Trung Hoa Dân Quốc.
Hôm thứ Tư, bà Thái Anh Văn đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan nhiệm kỳ thứ hai. Ngoại trưởng của Tổng thống Trump, ông Mike Pompeo đã gửi lời chúc mừng tới bà Thái, đồng thời ca ngợi nền dân chủ Đài Loan là “nguồn cảm hứng cho khu vực và thế giới”.
Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc phản bác những lời chúc mừng của giới chức Mỹ, gọi nền độc lập của Đài Loan là “con đường dẫn đến cái chết”, theo ABC.
The Washington Post trích lời tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng bình luận của ông Pompeo “đe dọa nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai nước và hai quân đội, đồng thời làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Trong khi đó, Văn phòng Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan hăm dọa rằng việc chiếm đoạt Đài Loan là điều không thể tránh khỏi. Tuyên bố viết: “Việc tái thống nhất (Đài Loan) là một tất yếu lịch sử đối với sự trẻ hóa vĩ đại của nhân dân Trung Hoa”.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng chiếm đoạt bằng vũ lực. Khác với các tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Trump thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan bất chấp những lời hăm dọa từ chính quyền Trung Quốc. Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, tỷ phú Trump đã có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, một động thái được cho là xuất sắc và không có mấy nhược điểm trong việc thể hiện sức mạnh của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Chính quyền Hồng Kông hạn chế người dân tưởng niệm ngày Lục Tứ
Không thể tập trung đông người do lệnh cấm, nhưng người Hồng Kông sẽ vẫn thắp nến để tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn diễn ra vào ngày 4/6 cách đây 31 năm, một người tham gia tổ chức sự kiện này nói với Reuters hôm thứ Tư.
Hôm thứ Ba, chính quyền Hồng Kông đưa ra thông báo gia hạn lệnh cấm người dân tụ tập quá 8 người tới hết ngày 4/6. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Hồng Kông không thể tổ chức các cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng chục ngàn người tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn như mọi năm.
Ông Lee Cheuk-yan, Chủ tịch Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước ở Trung Quốc, nói với Reuters rằng ông tin động cơ thúc đẩy nhà cầm quyền nới thêm lệnh cấm tụ tập đông người là vì để “đàn áp chính trị”.
Siêu bão tấn công Ấn Độ và Bangladesh giữa đại dịch
Hàng triệu người ở Bangladesh và Ấn Độ hôm thứ Tư đã phải đương đầu với ‘siêu bão’ Amphan đổ bộ vào bờ biển phía đông Ấn Độ mang theo gió lớn, những cơn mưa xối xả và các mối đe dọa tiềm ẩn của một cơn bão nguy hiểm cùng với nguy cơ lây lan virus Vũ Hán, theo SBS News.
Tổ chức Lưỡi liềm đỏ của Bangladesh thông tin, một tình nguyện viên đã bị chết đuối sau khi giúp người dân di chuyển tới nơi trú ẩn bão. Thuyền của tình nguyện viên này đã bị lật úp sau khi bị gió giật mạnh.
Trung Quốc xây dựng sân bay sát cạnh Đài Loan
Cư dân mạng Đài Loan đã phẫn nộ trước thông tin chính quyền Trung Quốc đang cho xây dựng một sân bay ngay sát bờ biển một hòn đảo thuộc chủ quyền của họ, cho rằng hành vi này của Bắc Kinh lộ rõ âm mưu muốn xâm phạm chủ quyền của Đài Loan, theo Taiwan News.
Liberty Times hôm thứ Tư cho hay, một cư dân của đảo Kim Môn, Đài Loan, đã phát hiện ra việc này và chụp hình công trình xây dựng sân bay của Trung Quốc đưa lên mạng. Bức ảnh nhanh chóng được cư dân mạng Đài Loan chia sẻ trên PTT, một mạng xã hội của Đài Loan, với dòng chú thích: “Sân bay mới ở Hạ Môn đang được xây dựng ngay sát đảo Kim Môn”.
Một cư dân mạng Đài Loan khác đã đăng lại bức ảnh với thông tin bổ sung, sân bay mà Bắc Kinh đang cho xây dựng chỉ cách bờ biển của đảo Kim Môn khoảng 6km và nhận định rằng hành động này của chính quyền Trung Quốc nằm trong âm mưu xâm phạm chủ quyền Đài Loan.
Bắc Kinh đặt hàng đồ bảo hộ y tế nhiều bất thường
Chính quyền Trung Quốc một lần nữa đã quay lại đặt hàng ồ ạt các nhà máy sản xuất đồ bảo hộ và thiết bị y tế, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai, theo bản tin hôm thứ Tư của Fox News.
Doanh nhân Mỹ Moshe Malamud, người đã có thâm niên hơn 20 năm kinh doanh với Trung Quốc, nói với The New York Post: “Tôi đã đặt một đơn hàng lớn hơn với một trong các nhà phân phối lớn hơn [ở Trung Quốc], và họ nói với tôi rằng, ‘Tôi có thể hoàn thành đơn hàng này nhưng sau đó chúng tôi đã được chính phủ Trung Quốc ký hợp đồng sản xuất 250 triệu áo bảo hộ’”.
Ông bình luận: “Chúng ta nghe nói Trung Quốc đã vượt qua dịch bệnh, vậy thì ‘Họ đặt mua 250 triệu áo choàng bảo hộ để làm gì?’”.
Ông Malamud cho biết ông cũng được nghe sự việc tương tự tại một nhà sản xuất nhiệt kế ở Trung Quốc.