Tin thế giới sáng thứ Bảy 23/5: Thủ tướng Johnson yêu cầu cắt giảm sự tham gia của Huawei vào mạng 5G tại Anh

Thủ tướng Johnson yêu cầu cắt giảm sự tham gia của Huawei vào mạng 5G tại Anh

Thủ tướng Boris Johnson đang yêu cầu cấp dưới lên kế hoạch giảm sự tham gia của Tập đoàn Công nghệ Huawei Trung Quốc vào mạng di động 5G Anh Quốc, theo nhật báo Telegraph đưa tin.

Telegraph, trong bài viết đăng vào cuối ngày thứ Sáu 22/5 (giờ địa phương), cho biết Thủ tướng Johnson đã yêu cầu các quan chức chính phủ Anh Quốc lên kế hoạch giảm sự liên quan của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng Anh Quốc xuống mức bằng 0 vào năm 2023.

Động thái này của Thủ tướng Johnson đến vào thời điểm ông chuẩn bị tới Hoa Kỳ dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới. Đây là chuyến công du Washington đầu tiên của Thủ tướng Anh Quốc kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát càn quét khắp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Telegraph nhận định rằng ông Johnson khả năng sẽ sử dụng đòn bẩy chính sách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc làm phương tiện thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Hai nước đồng minh Hoa Kỳ – Anh Quốc đang xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại song phương sau khi London rời khỏi Liên minh Châu Âu.

Vào sáng thứ Sáu (22/5), tờ Times đưa tin Thủ tướng Johnson đã chỉ đạo thuộc cấp lập kế hoạch nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Anh Quốc vào Trung Quốc về các vật tư y tế quan trọng và các mặt hàng nhập khẩu chiến lược khác.

Chế độ Trung Quốc đang bị quốc tế lên án về cách nước này xử lý đại dịch virus corona, đặc biệt trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ các cáo buộc của Hoa Kỳ và đồng minh và luôn khẳng định họ đã minh bạch với thế giới về virus corona.

Telegraph dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết: “Ông (Johnson) vẫn muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc nhưng thỏa thuận với Huawei sẽ bị thu hẹp đáng kể. Ông đã chỉ đạo các quan chức chính phủ Anh Quốc lập kế hoạch giảm sự tham gia của Huawei [vào mạng 5G Anh Quốc] sớm nhất có thể”.

Diễn tiến mới này tại Anh Quốc là sự thay đổi đáng kể về chính sách của họ đối với Trung Quốc so với những tháng đầu năm nay.

Anh Quốc vào tháng Một đã quyết định cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng di động 5G trong 35% hạng mục mà London gọi là không thiết yếu.

Đến cuối tháng Tư, chính phủ của Thủ tướng Johnson một lần nữa đã xác nhận họ cho phép Huawei tham gia vào xây dựng mạng 5G tại Anh Quốc bất chấp cảnh báo từ chính quyền Trump.

Hoa Kỳ vài năm qua đã dấy lên các quan ngại an ninh về thiết bị của Huawei. Washington đã cảnh báo các đồng minh rằng việc sử dụng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng quốc gia gây ra rủi ro lớn về anh ninh và Hoa Kỳ có thể cắt chia sẻ thông tin tình báo có giá trị với các đồng minh sử dụng thiết bị của tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

Reuters cho biết họ đã liên lạc với Văn phòng Chính phủ Anh Quốc và Tập đoàn Huawei để yêu cầu bình luận về thông tin tờ Telegraph đăng tải, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Ngoại trưởng Mỹ lên án luật an ninh Hồng Kông

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Phòng họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, D.C., vào ngày 29/4/2020 (ảnh: Ronny Przysucha/Bộ Ngoại giao Mỹ).

“Mỹ lên án… đề xuất đơn phương và tùy tiện áp luật an ninh quốc gia với Hồng Kông”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong thông cáo ngày 22/5. 

“Washington hối thúc Bắc Kinh xem xét lại đề xuất tai hại của mình, tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng quyền tự trị cao, các thể chế dân chủ cùng tự do dân sự của Hồng Kông, vốn là chìa khóa để đặc khu duy trì vị thế đặc biệt theo luật pháp Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Pompeo.

“Bất cứ quyết định nào liên quan đến quyền tự do và dân chủ của Hồng Kông, vốn được đảm bảo theo Tuyên bố Trung – Anh và Luật Cơ bản (của đặc khu), chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về chính sách ‘Một quốc gia, hai chế độ’ và tình trạng của đặc khu”, ông Pompeo cho biết.

‘Luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông’: Tập Cận Bình không thể chờ thêm 27 năm nữa

Ảnh chụp màn hình video: youtu.be/ISFSNcN5lIc.

Chính quyền Bắc Kinh đưa ra “Luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông”, người sáng lập cửa hàng sách Causeway Bay ông Lâm Vinh Cơ cho rằng người dân Hồng Kông cần sớm đưa ra quyết định có nên rời khỏi Hồng Kông hay không?. “Bởi vì người Hồng Kông không có thời gian, cũng có nghĩa là Tập Cận Bình cũng không có thời gian nữa”.

Đối với dự thảo “Luật An ninh Quốc gia Phiên bản Hồng Kông” do lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra, ông Lâm Vinh Cơ, người sáng lập Nhà sách Causeway Bay, một cửa hàng sách ở Hồng Kông nổi tiếng với việc cung cấp các ấn phẩm liên quan đến chính trị, hôm nay (ngày 22/5) cho biết điều này có nghĩa là Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã “không có thời gian” để chờ thêm 27 năm nữa, ông ta cần phải hoàn thành giấc mộng”thống nhất Trung Quốc” ngay khi ông ta còn nắm quyền lực trong tay.

Ông Lâm đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) vào sáng nay.

Sau khi chủ quyền của Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nhà lãnh đạo quá cố của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Đặng Tiểu Bình đã hứa hẹn với người dân Hồng Kông rằng “50 năm vẫn không thay đổi”, trước năm 2047, Hồng Kông vẫn có thể duy trì thể chế tự trị như ban đầu.

Ông Lâm cho rằng những gì Tập Cận Bình đang làm bây giờ cũng giống như nhà lãnh đạo quá cố ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã làm, “coi thường mọi luật lệ và phép tắc”, người dân Hồng Kông cần phải mau chóng đưa ra quyết định “có nên rời khỏi Hồng Kông hay không?”, “Bởi người dân Hồng Kông đã không có thời gian, điều đó có nghĩa là Tập Cận Bình cũng không có thời gian”.

Ông Lâm Vinh Cơ  đã bị bắt khi ông qua biên giới vào Trung Quốc đại lục ở Thâm Quyến, Quảng Đông năm 2015, khiến dư luận chấn động. Mãi đến tháng 6/2016, ông mới được thả về Hồng Kông dưới điều kiện trao đổi của nhân viên giám sát. Ông đến Đài Loan định cư vào tháng 4/2019, và khởi động lại nhà sách Causeway Bay ở Đài Bắc vào tháng 4 năm nay.

Ông Lâm nói rằng trong quá khứ, không có nhà lãnh đạo nào của ĐCSTQ có thể hoàn thành việc “thống nhất Trung Quốc”. Nếu Tập Cận Bình làm được thế, “thì địa vị của ông ta có thể vượt qua Mao Trạch Đông”. Tập nếu muốn hoàn thành “giấc mơ thống nhất Trung Quốc”, thì ông ta không thể đợi thêm 27 năm nữa vì đến lúc đó ông ta đã là ông lão ngoài 90 tuổi, quyền lực nắm giữ khi đó nhất định sẽ không được như bây giờ.

Ông Lâm đề cập rằng người dân Hồng Kông bây giờ phải quyết định nên ở lại để tiếp tục chiến đấu hay là rời đi. Ông tin rằng trước đây người dân Hồng Kông trong suốt quá trình đối kháng lại ĐCSTQ đã tạo nên sức ảnh hưởng nhất định, “rời khỏi cũng có thể tiếp tục chiến đấu”.

Phiên họp thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 13 đã tổ chức một cuộc họp báo vào tối qua, tuyên bố rằng phiên họp năm nay sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 28/5, chương trình nghị sự sẽ bao gồm việc xem xét “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” đang được dư luận quan tâm.

Theo Miao Zonghan, CNA.tw
Vũ Dương dịch và biên tập

Trung Quốc lần đầu tiên không đề ra mục tiêu GDP

Vào hôm 22/5, chính phủ Trung Quốc đã bỏ mục tiêu tăng trưởng hàng năm (GDP), đây được cho là lần đầu tiên nước này bỏ chỉ số GDP kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố các mục tiêu này vào năm 1990.

Reuters dẫn báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc đặt mục tiêu là tạo ra hơn 9 triệu việc làm mới tại các đô thị trong năm nay, giảm từ mục tiêu đề ra trước đó là 11 triệu vào năm 2019, đây cũng là con số thấp nhất kể từ năm 2013.

Chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu thất nghiệp tại các thành thị ở mức 6%, so với 5,5% trong năm 2019. Đồng thời mục tiêu tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 3,5%, so với mức 3% vào năm ngoái.

Trung Quốc cam kết tiến tới thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ

Trong báo cáo về hoạt động của chính phủ đọc trước quốc hội hôm 22/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ nỗ lực vì tự do hóa thương mại và đầu tư toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để thực hiện thỏa thuận kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ giai đoạn 1”, ông Lý phát biểu.

Thỏa thuận giai đoạn 1 được chờ đợi từ lâu đã được ký kết vào tháng 1 năm nay, sau các cuộc đàm phán kéo dài nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây lại nói rằng, đó không còn là ưu tiên của Washington, và cho biết ông sẽ có các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc do sự che đậy dịch bệnh của nước đã gây ra sự hoành hành của virus corona trên toàn thế giới.

Phi cơ hãng hàng không Pakistan chở 107 người bị rớt ở Karachi

CNN hôm 22/5 cho biết, một phi cơ của hãng hàng không Pakistani International Airlines (PIA) đã rớt ở Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan.

Cơ quan Hàng Không Dân Sự Pakistan nói chiếc phi cơ này loại Airbus A320, xuất phát từ phía Tây thành phố Lahore, chở theo 99 hành khách và tám người trong phi hành đoàn. Sau đó, phi công đã thông báo về một động cơ bị hỏng và nỗ lực hạ cánh nhưng không thành công.

Báo Dawn của Pakistan cho biết trên chuyến bay này có một số nhân vật nổi tiếng, trong đó có giám đốc chương trình của kênh 24 News, Ansar Naqvi, và chủ tịch ngân hàng Bank of Punjab Zafar Masood. Gia đình ông Masood đã xác nhận ông vẫn còn sống sau vụ rơi máy bay.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan viết trên Twitter: “Thật sốc và đau buồn trước thảm kịch rơi máy bay… Việc điều tra đã được tiến hành ngay lập tức. Tôi gửi lời cầu nguyện và chia buồn đến với gia đình các nạn nhân”.

Trung Quốc bỏ từ ‘hòa bình’ khỏi đề cập ‘thống nhất’ Đài Loan

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: CSIC/ Flickr); Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm nay (22/5) đã bỏ qua từ “hòa bình” khi đề cập đến mong mỏi của Bắc Kinh về việc “thống nhất” với Đài Loan. Điều này cho thấy có một sự thay đổi rõ rệt về chính sách khi mối quan hệ Bắc Kinh và Đài Bắc tiếp tục đi xuống.

Theo Reuters, từ “hòa bình” trong cụm từ “thống nhất hòa bình” vốn luôn xuất hiện trong các bài phát biểu của các lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan tại những kỳ họp quốc hội Trung Quốc trong ít nhất 40 năm qua.

Học giả Trung Quốc kêu gọi đa dạng hóa nguồn cung đậu nành hạn chế phụ thuộc Mỹ

Trung Quốc nên đa dạng hóa nguồn cung đậu nành, nhằm ngăn chặn sự phụ thuộc Mỹ quá mức về mặt hàng nông sản, tờ SCMP ngày 22/5 dẫn lời 2 học giả Trung Quốc nói.

Hai học giả Li Wei và Zhao Lan thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc từ lâu đã quá phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu từ Mỹ và Brazil, và mối quan hệ của Bắc Kinh với cả hai nước này đều đang xấu đi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tuyên bố kiểm soát tốt dịch, họp Lưỡng hội quan chức Trung Quốc vẫn đeo khẩu trang

Tuyên bố kiểm soát tốt dịch, họp Lưỡng hội quan chức Trung Quốc vẫn đeo khẩu trang

Mặc dù Bắc Kinh đã tuyên bố kiểm soát được dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng trong phiên họp Lưỡng hội hai ngày 21/5 và 22/5, ngoại trừ những hàng ghế đầu, tất cả các quan chức tới dự đều đeo khẩu trang.

Bill Birtles, phóng viên đài ABC (Úc) ở Trung Quốc, đã chụp lễ khai mạc bằng điện thoại khi phiên họp được phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CTTV) chiều 21/5. Sau đó, ông đã đăng nó lên Twitter, nhấn mạnh “một cảnh tượng khác thường” khi chứng kiến hàng ngàn nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước đeo khẩu trang.

Trong video phát trực tiếp phiên họp ngày 22/5 của hãng tin Bloomberg, có thể thấy hàng ngàn quan chức đeo khẩu trang khi họp. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình không đeo khẩu trang.

Theo Taiwan News, mặc dù giới chức Trung Quốc đã nhanh chóng tuyên bố chiến thắng dịch bệnh, và không ca lây nhiễm nội địa nào vào ngày 18/3, nhưng gần đây đã xuất hiện một số ổ dịch ở Quảng Châu, Thâm Quyến, Hắc Long Giang, Cát Lâm và cả thành phố Vũ Hán. Ngay cả quận Triều Dương của thủ đô Bắc Kinh cũng được liệt vào khu vực có nguy cơ lây lan cao do bùng phát ổ dịch vào cuối tháng 4.

Taiwan News bình luận, “Lưỡng hội” là một bài kiểm tra để biết được rốt cục chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát dịch bệnh đến mức độ nào. Việc tổ chức kỳ họp Lưỡng hội là một dấu hiệu cho thấy, ít nhất trên bề mặt Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 đến mức họ cảm thấy đủ an toàn để tập hợp tất cả các nhà lãnh đạo đất nước cho sự kiện lớn này.

Tuy nhiên, cảnh tượng hàng ngàn quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều đeo khẩu trang cho thấy khả năng lây nhiễm nCov vẫn rất lớn.

Đồng nhân dân tệ Trung Quốc suy yếu sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh mới cho Hồng Kông

Theo Reuters, thị trường chứng khoán thế giới đã bị ảnh hưởng và đồng nhân dân tệ Trung Quốc suy yếu vào thứ Sáu (22/5) khi Bắc Kinh chuyển sang áp dụng một luật an ninh mới đối với Hồng Kông sau những bất ổn do các cuộc biểu tình vào năm ngoái ở đặc khu.

Tài liệu mật: Ở Trung Quốc, tất cả thông tin về Covid-19 đều là ‘bí mật quốc gia’

Tài liệu mật: Ở Trung Quốc, tất cả thông tin về Covid-19 đều là ‘bí mật quốc gia’

Các tài liệu tuyệt mật của chính quyền Trung Quốc gần đây được The Epoch Times thu thập cho thấy giới chức Trung Quốc đang xếp tất cả các thông tin liên quan đến Covid-19 vào dạng “bí mật nhà nước”, đồng thời nghiêm cấm các quan chức tiết lộ chúng ra cộng đồng.

Đáng mỉa may ở chỗ, hãng thông tấn của chính quyền Trung Quốc Tân Hoa Xã, bình luận hôm 8/2 rằng: 

“Vô số kinh nghiệm lịch sử về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm đã cho chúng ta thấy rằng việc chia sẻ thông tin dịch bệnh cho công chúng cũng giống như việc soi ánh nắng mặt trời để tiêu diệt virus gây bệnh. Vì vậy, loại thuốc hiệu quả nhất là công khai minh bạch tất cả thông tin”.

Tài liệu mật

Tờ The Epoch Times đã thu thập được bản sao một tài liệu của chính quyền thành phố Nam Ninh đề ngày 13/2 được phân loại là “tài liệu mật”. Tài liệu này đặt ra các yêu cầu cho tất cả các nhóm chính quyền địa phương trong chính quyền các quận và huyện ở Nam Ninh, được thiết lập để đối phó với Covid-19.

Một tài liệu khác từ tỉnh Hắc Long Giang ở miền bắc Trung Quốc cũng nói rằng các tài liệu liên quan đến đại dịch sẽ được coi là bí mật hàng đầu – có nghĩa là các cấp chính quyền địa phương khác ở Trung Quốc nhiều khả năng nhận được thông báo tương tự.

“Trong suốt thời gian chống dịch, tất cả các loại tài liệu khẩn cấp, thông báo khẩn cấp, sự kiện khẩn cấp …  các thông tin nhạy cảm được chia sẻ nội bộ và bất kỳ thông tin nào mà các nhà lãnh đạo [chính phủ] chưa cho phép tiết lộ cho công chúng” sẽ được xếp vào loại bí mật nhà nước hay bí mật quốc gia, tài liệu cho biết.

Các “bí mật nhà nước” liên quan đến đại dịch này được bảo vệ bởi “bộ luật bảo vệ bí mật nhà nước” được công bố ngày 29/4/2010, chính quyền thành phố cho biết.

Theo luật, bảy loại thông tin được coi là bí mật nhà nước, chẳng hạn như những thông tin liên quan đến các quyết định chính sách lớn về các vấn đề nhà nước, quốc phòng, hoạt động ngoại giao, phát triển kinh tế quốc gia, khoa học và công nghệ, an ninh nhà nước, …

Tuy nhiên, tài liệu này không giải thích làm thế nào thông tin về đại dịch lại được coi là “bí mật nhà nước”, nhưng nó đi sâu vào chi tiết cách thức giữ bí mật thông tin này.

Biện pháp

Tài liệu cho biết tất cả các quan chức nên chuẩn bị, chỉnh sửa và lưu giữ các “bí mật nhà nước” liên quan đến virus chỉ trên máy tính hoặc điện thoại di động không được kết nối internet.

Tất cả các tài liệu liên quan đến virus chỉ có thể được chuyển bằng cách gửi thư tay thông thường. Tất cả nhân viên đều bị cấm chụp ảnh các tài liệu này và chia sẻ chúng. 

Tất cả các quan chức không được phép đề cập đến thông tin này trong các cuộc gọi điện thoại, thông qua tin nhắn văn bản hoặc bất kỳ kênh liên lạc dựa trên internet nào khác. Họ cũng bị cấm đề cập đến thông tin ở nhà.

Các quan chức không thể mang các tài liệu liên quan đến vi-rút, các máy tính, ổ cứng ngoài và phương tiện lưu trữ di động khác có liên quan về nhà hoặc nơi công cộng.

Tất cả các tài liệu này phải được xử lý tại văn phòng trong các tòa nhà chính phủ, sau khi đã đóng tất cả cửa sổ. Khi cần mở cửa sổ, các nhân viên phải chú ý đến tính an toàn, thông báo cho biết.

Khi mỗi cấp chính quyền tổ chức các cuộc họp liên quan đến đại dịch, nhân viên cũng nên đóng tất cả cửa sổ. Nếu cuộc họp diễn ra rất lâu và những người tham dự cần hít thở không khí mới, nhân viên có thể mở cửa sổ nhưng phải đảm bảo các bí mật không bị rò rỉ, tài liệu lưu ý.

Nếu không có giấy phép từ chính quyền thành phố, tất cả quan chức và nhân viên chính phủ, nhân viên y tế tại bệnh viện và các nhân viên liên quan không được nhận lời phỏng vấn. 

Bất kỳ thông tin nào được phê duyệt phát hành công khai phải được công bố theo yêu cầu của chính quyền thành phố.

Báo cáo trước đây của tờ Epoch Times, đã ghi nhận tính thiếu minh bạch của chính quyền Trung Quốc xoay quanh Covid-19 tại đại lục. Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, chính quyền Trung Quốc đã hạ thấp nguy cơ lây truyền từ người sang người ở nơi công cộng, khiến dịch bệnh cục bộ lan ra thành đại dịch toàn cầu.

Chính quyền địa phương cũng liên tục báo cáo hạ giảm số ca nhiễm virus, khiến số ca chẩn đoán nội bộ khác xa dữ liệu công bố chính thức.

Nga báo cáo số người chết vì dịch Covid-19 tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ

Nga báo cáo thêm 150 người chết vì dịch Covid-19, mức tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ, nâng số ca tử vong tại nước này lên 3.249.

Nga đã xác nhận 8.894 ca nhiễm mới nCoV được ghi nhận một ngày qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của nước này lên 326.448, theo The Moscow Times ngày 22/5.

Hôm 21/5, thông tấn Interfax dẫn nguồn tin cho biết, nhà lãnh đạo Ramzan Kadyrov, người đứng đầu nước Cộng hòa Chechen thuộc Liên bang Nga đã phải nhập viện ở một cơ sở y tế ở thủ đô Moscow vì nghi nhiễm nCoV.

Covid-19 tại Pháp: Dân tin người thân hơn Nhà nước?

 Phải chăng do nghe cải chính mãi nên nhàm? Dân Pháp tin người thân hơn Nhà nước? Hiệp hội DataCovid và viện thăm dò Ipsos thực hiện đợt khảo sát ý kiến công luận lần thứ năm từ khi đại dịch siêu vi corona chủng mới xuất hiện. Theo Le Monde, kết quả rất bất ngờ. Thành phần bị mất điểm nhiều nhất so với lần trước là chính phủ, truyền thông và đặc biêt là mạng xã hội.

Trên thang điểm uy tín từ 1 đến 10 thì lời nói của chính phủ đuọc chấm có 4 điểm. Điểm tin cậy ở truyền thông cũng không khá hơn, còn mạng xã hội thì rất thấp, chỉ có 2,7 điểm. Đa số dân Pháp tin vào thông tin từ những người mà họ thân thiết với 5,6 điểm, chỉ thấp hơn giới chuyên gia siêu vi học, dịch tể học 0,1 điểm.

Thái độ của dân Pháp đối với mối đe dọa siêu vi cũng thay đổi dần. Tỷ lệ lo âu từ 74% xuống còn 65%. Điều này mang ý nghĩa là đa số người dân, sau hai tháng sống phong tỏa, luôn ở trong tình trạng đề cao cảnh giác, nay như muốn quên đi để tìm lại lối sống bình thường.

Trong xu hướng này, ý muốn đề cao cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu một mét cũng giảm đến 5 điểm, từ 68% xuống 63%.

Một trong những hệ quả lý thú của biện pháp phong tỏa phải làm việc từ nhà, theo phần đông, là thời gian làm việc thật sự ít đi, có ngày chỉ làm có hơn 5 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích. Trên trang nhất, Le Monde giới thiệu một số khuôn mặt nghề nghiệp độc lập tiêu biểu bị khủng hoảng siêu vi làm cho thất nghiệp: Chuyên viên thẩm mỹ viện, văn phòng luật sư, tài xế taxi… gần như khánh tận.

Vì làm nghề độc lập, họ không có quyền lãnh thất nghiệp, phải sống bằng tiền tiết kiệm trong ba tháng ngưng trệ. Tuy nhiên, không ít nạn nhân bất đắc dĩ của Covid-19, do yêu nghề, vẫn giữ được tinh thần lạc quan, nhất định vượt qua thách thức và tiếp tục làm chủ.

Related posts