Ca nhiễm tăng trở lại, hơn 100 triệu dân đông bắc Trung Quốc lại bị phong tỏa

Các cảnh sát trong trang phục bảo hộ đứng gác bên ngoài ga xe lửa ở Cát Lâm hôm 13-5 – Ảnh: AFP

Trên khắp tỉnh Cát Lâm, chính quyền đã dừng các chuyến xe buýt và tàu hỏa để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, trong khi trường học bị đóng cửa. Hơn 100 triệu dân ở đông bắc Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Hãng tin Bloomberg ngày 18-5 đưa tin khoảng 108 triệu dân ở khu vực đông bắc Trung Quốc đang bị đặt trong các điều kiện phong tỏa một lần nữa khi các ổ dịch mới xuất hiện.
Trái ngược với cảnh mở cửa trở lại ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, các thành phố ở tỉnh Cát Lâm đã dừng các chuyến tàu hỏa và xe buýt, đóng cửa trường học và cách ly hàng chục ngàn người. Các biện pháp khắt khe đang khiến nhiều người dân hụt hẫng vì họ nghĩ rằng thời kỳ tồi tệ nhất của dịch COVID-19 ở nước này đã qua đi.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn

“Người dân đang cẩn trọng trở lại. Trẻ em chơi đùa bên ngoài đều mang khẩu trang và những người trong trang phục bảo hộ đi vòng quanh. Thật nản vì bạn không biết khi nào dịch sẽ kết thúc”, Fan Pai, nhân viên tại một công ty ở Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), nơi cũng đang đối mặt với các biện pháp hạn chế trở lại, cho biết.

Biện pháp phong tỏa được áp dụng trở lại sau khi khoảng 34 ca bệnh COVID-19 mới và một ca tử vong được ghi nhận gần đây ở tỉnh Cát Lâm. Vào khoảng tháng 2 và tháng 3, Cát Lâm thường chỉ ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày ở mức một con số. Tính đến cuối ngày 18-5, tỉnh này ghi nhận tổng cộng 132 ca nhiễm trong cộng đồng địa phương, trong đó có 2 ca tử vong.

Đầu tuần này, các quan chức chính quyền thành phố Thư Lan ở tỉnh Cát Lâm cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp khắt khe nhất để kiềm chế dịch, gồm phong tỏa các khu dân cư có ghi nhận ca nhiễm hoặc ca nghi nhiễm. Chính quyền sẽ chỉ cho phép một người từ mỗi gia đình đi ra ngoài mua nhu yếu phẩm trong hai giờ, cứ hai ngày đi một lần

Hôm 13-5, phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan – người từng dẫn đầu lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19 của Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán – đã có chuyến thăm Cát Lâm. Đến ngày 16-5, bí thư thành ủy Thư Lan Lý Bằng Phi cùng 5 quan chức khác bị cách chức.

Các quan chức y tế Trung Quốc vẫn chưa biết được ổ dịch mới đã bắt đầu ra sao. Tuy nhiên, họ nghi ngờ các bệnh nhân có thể đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh quay về nước từ Nga, một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19. “Mọi người bồn chồn lo sợ. Tôi chưa từng nghĩ tỉnh Cát Lâm sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng khi cả nước giờ đây đang quay lại cuộc sống bình thường”, Wang Yue Mei, một nhân viên nhà máy sản xuất thuốc ở thành phố Thông Hóa thuộc tỉnh Cát Lâm, chia sẻ.

Áp lực kiềm chế dịch bệnh đang tăng lên tại Trung Quốc khi hàng ngàn đại biểu của nước này sẽ có mặt tại Bắc Kinh để bắt đầu họp “lưỡng hội” thường niên tuần này. Ông Vương Bân, một quan chức tại Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cuối tuần trước cho biết số ca nhiễm “nhập khẩu” và các ca nhiễm nội địa tăng nhanh đã tạo ra “áp lực kép” cho Trung Quốc trong chống dịch.

Không ai ra đường vào buổi tối nữa

Theo hãng tin Bloomberg, một số video được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một số học sinh cấp ba đã bật khóc khi các học sinh nhận được thông báo phải rời khuôn viên trường, mất đi khoảng thời gian quý báu để chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào đại học trong 2 tháng nữa.


“Thật không may khi chúng cháu gặp phải dịch bệnh vào thời điểm này. Cháu lo lắng vì cháu không thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi nếu không có sự hướng dẫn và giám sát của giáo viên cho tới phút cuối”, Zhou Han, một học sinh 18 tuổi ở tỉnh Cát Lâm, chia sẻ.

Chốt kiểm soát trên cầu

Trung Quốc dự kiến phải đối mặt sức ép lớn tại hội nghị trực tuyến của Đại hội đồng y tế thế giới (WHA) diễn ra tuần này ở Geneva (Thụy Sĩ), khi ít nhất 122 quốc gia đã ủng hộ điều tra nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.

Related posts