Nhà văn Phạm Thành – tác giả cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo” bị bắt giam
Nhà văn Phạm Thành đã bị côn an Hà Nội ập vào nhà, khám xét, tịch thu máy tính và bắt giam vào sáng ngày 21.05.2020. Côn an đã đọc lệnh bắt theo Điều 117 -BLHS năm 2015: “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Nếu nói đúng hơn thì “tội” của ông là đã tự xuất bản tác phẩm “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” được xem là cuốn sách đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam công khai phê phán lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ.
Ông cũng là tác giả của cuốn Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ và tác phẩm Cò hồn Xã nghĩa.
Theo nhà văn Phạm Thành thì “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” là “một bằng chứng, một dữ liệu về những lời ăn tiếng nói, hành xử của ông Trọng, trong những chính sách đối nội và đối ngoại của ông ấy, đối với Trung Quốc cũng như đối với thế giới. ”
Ông cũng cho biết thêm là kể từ khi ông làm việc trong ban thư ký biên tập của đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 2006 ông đã luôn bám sát và theo dõi những việc làm, phát biểu, thái độ của Nguyễn Phú Trọng để viết về tên đại nghịch bất đạo này.
Kết luận của ông về Nguyễn Phú Trọng là “Cuối cùng, tôi nhận ra rằng ông Trọng là người mà làm tất cả những điều gì mà Trung Quốc muốn.”
Hiện côn an đã chuyển nhà văn, chủ trang blog Bà Đầm Xoè, người công khai phê phán tên “đốt lò vĩ đại” của đảng xuống nhà giam Hoả Lò.
Hải quân Mỹ chuẩn bị bàn giao tàu tuần duyên John Midgett cho Việt Nam
Trang Defense-studies cho biết phù hiệu của tàu USCGC John Midgett vừa được sơn trắng và thay vào đó sẽ là phù hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo trang DVIDS của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, tàu John Midgett sẽ dự kiến được loại biên và bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam vào cuối năm 2020.
Tàu John Midgett dự kiến được loại biên vào tháng 3/2020, nhưng do dịch Covid-19 nên lễ loại biên đã bị hoãn, theo một thông cáo của đại tá Michael Cribbs, chỉ huy tàu.
Đây sẽ là chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai phía Mỹ bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam, theo tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội. Chiếc thứ nhất là tàu Cảnh sát biển 8020, trước đây là tàu tuần tra USCGC Morgenthau, được bàn giao cho phía Việt Nam cuối năm 2017.
Đại sứ quán Hoa Kỳ viết trên Facebook: “Hoa Kỳ cam kết hợp tác cùng Việt Nam nhằm tăng cường năng lực an ninh biển để hỗ trợ cho lợi ích chung của chúng ta trong việc thúc đẩy tự do hàng hải, thịnh vượng kinh tế cũng như an ninh năng lượng, hoà bình và ổn định trong khu vực”.
30 hecta rừng phòng hộ bốc cháy
Báo VnExpress thông tin, khu rừng phòng hộ do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang quản lý bốc cháy, trưa 21/5. Thời tiết khô, nóng kèm gió thổi mạnh khiến lửa lan nhanh, bao trùm cả khu vực.
Đến trưa 22/5, đám cháy được khống chế, song thiệt hại khoảng 30 hecta rừng tràm 3-5 tuổi, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang nói và cho biết khu rừng xảy ra cháy có diện tích hơn 1.000 ha.
Nhiều cột đèn trang trí ở Vinh đổ sau mưa: nhìn thép chân cột thấy hoảng
Báo Tuổi Trẻ chiều 22/5 đưa tin, ông Nguyễn Việt Đức – trưởng Phòng quản lý đô thị TP. Vinh cho biết, đơn vị đã có báo cáo kết quả đánh giá thực trạng, nguyên nhân gãy, đổ của hàng loạt cột đèn trang trí trên tuyến đại lộ Lê Nin và chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thi công lại.
Trước đó, trận mưa dông kèm gió mạnh vào chiều tối 17/5 đã làm nhiều cột đèn trang trí vừa được đầu tư bị hư hỏng nặng.
Kết quả kiểm tra cho thấy 11 cột đèn trang trí bị gãy, đổ là do kết cấu chịu lực của chân cột đèn trang trí yếu, không đủ khả năng chịu lực khi xảy ra dông, lốc lớn.
Được biết công trình này có nguồn vốn xã hội hóa từ một ngân hàng tài trợ với tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ đồng. Do công trình này đang thi công, chưa bàn giao nên đơn vị thi công sẽ phải chịu trách nhiệm làm lại công trình này.
Sinh viên mất tài sản khi ký túc xá thành khu cách ly
Theo báo Pháp Luật ngày 22/5, nhiều sinh viên Đại học Quốc gia bị mất, hư hỏng tài sản trong quãng thời gian dài ký túc xá được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
Trước đó, ngày 9/5, Trung tâm Quản lý ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai bàn giao phòng ở, trả đồ dùng, tài sản cho sinh viên (SV) sau gần hai tháng được trưng dụng làm khu cách ly. Được nhận lại phòng, nhiều SV phát hiện nhiều đồ đạc bị hư hỏng, các tài sản có giá trị thì biến mất.
Trước tình trạng chung của nhiều SV bị thất thoát tài sản, ông Đặng Bá Bính ở Trung tâm Quản lý KTX ĐH Quốc gia TP. HCM xác nhận tình trạng SV bị cạy tủ cá nhân lấy đi các tài sản giá trị, đồ dùng bị hư hỏng, thất lạc là có xảy ra. Không chỉ tài sản, nhiều SV bị mất hoặc thất lạc chưa tìm thấy các văn bằng, chứng chỉ.
Ông cho biết: “Trung tâm Quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ làm việc, đối thoại cùng SV bị mất, hư hỏng tài sản để có mức hỗ trợ đảm bảo quyền lợi tốt nhất”.
Làm thế nào để Việt Nam đón được luồng đầu tư rút khỏi Trung Quốc?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có bài phân tích “Đón luồng đầu tư rút khỏi Trung Quốc” trên trang The Leader ngày 22/5, với nhận định, không phải phần lớn đầu tư của các nước sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc, cũng không phải mọi đầu tư của các nước và của chính Trung Quốc dịch chuyển đi đều phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu từ đầu năm nay đang gây những chấn động ghê gớm cho nền kinh tế thế giới và hầu hết các quốc gia. Nó cũng bồi thêm một đòn trời giáng vào toàn cầu hóa, vốn đã lung lay kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ cách đây hơn hai năm.
Các chuỗi giá trị toàn cầu – công cụ/sản phẩm quan trọng hay biểu trưng của toàn cầu hóa – bị đứt gẫy tứ tung. Mọi thành viên tham gia những chuỗi đó, từ các nền kinh tế, các công ty đa quốc gia đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đều rúng động và phải nhìn nhận bối cảnh mới, điều chỉnh hay thiết kế lại các chiến lược, chiến thuật phát triển cũng như các kết nối và đối tác của mình.
Một trong những xu hướng nổi lên mạnh mẽ trong bối cảnh trên là xu hướng chuyển dịch một số khâu trong các chuỗi giá trị từng rất thành công ra khỏi Trung Quốc để giảm bớt rủi ro do sự lệ thuộc quá mức vào các nguồn cung và cầu của nền kinh tế khổng lồ này.
Xu hướng ấy đã trở thành chính sách được Mỹ, Nhật công bố và đang hình thành ở một số quốc gia phát triển khác.
Ở Việt Nam, đang có sự háo hức chờ đón luồng đầu tư từ Trung Quốc chuyển dịch sang, tạo cơ hội mới trong thu hút FDI, cấu trúc lại thị trường và một số ngành kinh tế, tăng cường nội lực, đẩy mạnh xuất khẩu và từ đó tiếp tục tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng không phải phần lớn đầu tư của các nước sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc (do những lợi thế nổi trội ở đất nước này), cũng không phải mọi đầu tư của các nước và của chính Trung Quốc dịch chuyển đi đều phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của Việt Nam, càng không phải Việt Nam là ứng viên nặng ký nhất giữa bao đối thủ đáng gờm đang chờ đón những luồng đầu tư này.
Kinh nghiệm từ những lần để mất thời cơ trước đây cho thấy rất rõ, chớp được thời cơ hay không chủ yếu là do chính mình, với tư duy, nhận thức, năng lực các mặt có được nâng lên đủ mạnh, đủ tốt để sẵn sàng thích ứng và đón nhận những thời cơ mới – vốn luôn đi cùng với những đòi hỏi mới và cao hơn – hay không.
Theo bà Phạm Chi Lan, để đón luồng đầu tư mới lần này, chúng ta cần làm sớm một số việc.
Một là, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn những cam kết về cải cách luật pháp, chính sách, bộ máy và các quy định thi hành liên quan, đặc biệt về kinh tế và hoạt động đầu tư ở Việt Nam.
Hai là, khẳng định rõ: Việt Nam không chấp nhận mọi dự án đầu tư, mà sẽ chọn những dự án và đối tác phù hợp với lợi ích và yêu cầu các mặt của mình.
Ba là, Việt Nam sẽ xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử ngược, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước của mình.
Bốn là, về các lĩnh vực, trước mắt có thể tận dụng những cơ hội mới cho các sản phẩm y tế, nông sản, công nghiệp và dịch vụ phụ trợ thay thế phần nào hàng nhập khẩu, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…
Năm là, xử lý nghiêm, dứt điểm những dự án đầu tư đã có nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật của Việt Nam về môi trường, lao động, thuế, đất đai, an ninh quốc phòng, về các hành vi gian lận khác như làm chui, núp bóng…
Sáu là, về cách làm, phát huy cách đã giúp chúng ta thành công trong “chống dịch như chống giặc” vừa qua, để “chống tụt hậu như chống giặc” trong thời gian tới.
Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, nhất định chúng ta “không thể để lỡ mất thời cơ thêm một lần nữa”!