Chính trị gia 23 nước lên án Trung Quốc định áp đặt luật ANQG lên Hồng Kông
Cựu Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông thuộc Anh Chris Patten là người khởi xướng cùng gần 200 chính trị gia và nhà lập pháp từ 23 nước phát hành một tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc có kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia của Đại Lục cho Hồng Kông. Tuyên bố chung đã cảnh báo rằng động thái của chế độ Bắc Kinh có thể làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình hơn nữa tại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á và thế giới.
Theo trang tin HKFP, gần 200 chính trị gia và nhà lập pháp của 23 nước ký tên vào tuyên bố chung có cựu Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông thuộc Anh Chris Patten; cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind; 3 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz, Josh Hawley và Marco Rubio; 12 Dân biểu Hoa Kỳ; hàng chục nghị sĩ Anh Quốc, cũng như các nhà lập pháp đến từ Châu Âu, New Zealand, Canada, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Myanmar và Malaysia.
Dự luật An ninh được Trung Quốc đề xuất trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên hôm thứ Sáu (21/5) nhắm vào 4 tội chính: chia rẽ quốc gia, lật đổ chính quyền, hoạt động khủng bố và can thiệp từ nước ngoài. Các điều khoản mới này cũng sẽ cho phép công an, an ninh Trung Quốc Đại Lục được tự do hoạt động trực tiếp tại Hồng Kông, từ đó tiến thêm một bước làm suy yếu luật pháp tại Hồng Kông.
Các quy định an ninh quốc gia do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra sẽ gây nguy hiểm cho những người ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động dân sự , nhà báo, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Hồng Kông đã bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc Đại Lục, bao gồm cả người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người tập Pháp Luân Công, Công giáo La Mã và các Kitô hữu khác.
Dự luật An ninh này sẽ vượt trên luật pháp hiện hành tại Hồng Kông. Luật mới sẽ yêu cầu chính phủ Đặc khu Hồng Kông thành lập các thể chế mới để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và cho phép các cơ quan Đại Lục được hoạt động tại thành phố bán tự trị này khi cần.
Trong tuyên bố chung, gần 200 chính trị gia và nhà lập pháp quốc tế đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc chế độ Bắc Kinh đơn phương giới thiệu luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông.
“Đây là một cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, luật pháp và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông. Tính toàn vẹn của nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ đang bị đe dọa nghiêm trọng”, tuyên bố chung có đoạn viết.
Cựu Thống đốc Hồng Kông Chris Patten nói: “Tuyên bố chung này cho thấy sự phẫn nộ quốc tế ngày càng tăng và lan rộng trước quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc đơn phương áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Quy mô tham gia vào tuyên bố chung này, bao gồm tất cả các đảng phái và từ bốn lục địa, cho thấy cả mức độ nghiêm trọng của tình hình và sự đoàn kết của quốc tế trong việc ủng hộ [duy trì] nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ [tại Hồng Kông]”.
Cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là người bảo trợ cho tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, Sir Malcolm Rifkind cho hay: “Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với người dân Hồng Kông xuất phát từ chính quyền Trung Quốc kể từ năm 1997. Người dân Hồng Kông cần và xứng đáng nhận được sự ủng hộ của chúng ta”.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính hôm thứ Bảy (23/5) đã cam đoan với các đại biểu địa phương tại quốc hội Trung Quốc rằng luật mới sẽ chỉ nhắm vào “một nhóm nhỏ người dân” để khỏa lấp lỗ hổng pháp lý đã bị phơi bày trong các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Hồng Kông diễn ra suốt 7 tháng năm ngoái.
Tuy nhiên, trong tuyên bố chung, các chính trị gia và nhà lập pháp quốc tế khẳng định rằng biểu tình tại Hồng Kông là xuất phát từ sự bất bình thực sự của thường dân hòn đảo này.
“Những luật hà khắc sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng hơn nữa, gây nguy hiểm cho tương lai Hồng Kông với vai trò là thành phố quốc tế mở của Trung Quốc… Nếu cộng đồng quốc tế không tin tưởng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa về Hồng Kông, thì họ cũng sẽ khó mà tin cam kết của Bắc Kinh trong các vấn đề khác. Các chính phủ cùng ý chí phải đoàn kết lên tiếng rằng sự vi phạm trắng trợn Tuyên bố chung Trung-Anh này là điều không thể được dung thứ”, theo tuyên bố chung.
Trước khi có tuyên bố chung của ông Chris Patten và gần 200 chính trị gia, nhà lập pháp tại 23 quốc gia, thì cả giới chức đương nhiệm của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh Quốc, Úc và Canada cũng đã chính thức lên tiếng chỉ trích kế hoạch lập pháp mới của chính quyền Trung Quốc và yêu cầu họ phải tuân thủ Tuyên bố chung Trung-Anh 1984.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 22/5 đã mạnh mẽ lên án kế hoạch của Bắc Kinh muốn áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông, gọi đây là “hồi chuông báo tử” đối với nền tự do vô cùng quan trọng của thành phố đặc biệt này.
“Hoa Kỳ lên án việc đề xuất của Quốc hội Trung Quốc nhằm đơn phương và tùy tiện áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông”, ông Pompeo nói hôm thứ 22/5.
“Quyết định bỏ qua các tiến trình lập pháp đã được thiết lập tỷ mỉ của Hồng Kông và bỏ qua ý chí của nhân dân Hồng Kông sẽ là một hồi chuông báo tử dành cho nền tự trị cao độ mà Bắc Kinh đã cam kết của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung – Anh, một thỏa thuận được ghi nhận tại Liên Hiệp Quốc”.
“Hoa Kỳ mạnh mẽ thúc giục Bắc Kinh tái xét lại đề xuất thảm họa này, thực hiện theo trách nhiệm quốc tế và tôn trọng nền tự do dân sự, các thể chế dân chủ và nền tự trị cao độ của Hồng Kông. Đây là những tiêu chí quan trọng để duy trì quy chế đặc biệt của Hồng Kông theo luật Mỹ. Chúng tôi ủng hộ nhân dân Hồng Kông”, ông Pompeo nói.
“Bất Kỳ quyết định nào làm hại đến nền tự trị và tự do của Hồng Kông, như được đảm bảo trong Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ và địa vị của Hồng Kông”.
Cũng trong ngày thứ Sáu (22/5), Liên minh Châu Âu (EU) đã kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông.
Theo AFP, Bộ trưởng Ngoại giao EU Josep Borrell sau khi tham vấn các đồng nghiệp thành viên trong khối đã phát hành một tuyên bố kêu gọi “bảo vệ quyền tự trị cao độ của Hồng Kông”.
Ông Borrell cho hay: “Liên minh Châu Âu có liên quan rất lớn về sự ổn định và thịnh vượng liên tục của Hồng Kông theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’”.
“EU cho rằng một điều rất quan trọng là phải duy trì quyền tự trị cao độ của Hồng Kông, phù hợp với Luật Cơ bản và các cam kết quốc tế”, ông Borrell nói thêm.
Theo tờ Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông), các ngoại trưởng Anh Quốc, Úc và Canada hôm thứ Bảy (23/5) đã phát đi tuyên bố chung nhấn mạnh Tuyên bố chung Trung-Anh – thỏa thuận được ký kết giữa Anh Quốc và Trung Quốc năm 1984, mở đường cho việc bàn giao Hồng Kông về Đại Lục – vẫn còn ràng buộc về mặt pháp lý.
Cũng trong ngày thứ Bảy (23/5), văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông đã đáp trả chỉ trích của quốc tế về luật an ninh quốc gia mới, gọi đó là “những bình luận vô trách nhiệm”.
Như Ngọc (T/h)
Cố vấn Nhà Trắng ví Bắc Kinh giấu virus giống Liên Xô che đậy vụ Chernobyl
Reuters cho hay, hôm Chủ nhật, cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien đã nêu ra sự tương đồng trong cách Trung Quốc xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán với cách Liên Xô xử lý thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Ông Robert O’Brien nói rằng Bắc Kinh biết về virus xuất phát từ Vũ Hán từ tháng 11/2019 nhưng đã nói dối Tổ chức Y tế Thế giới và ngăn các chuyên gia quốc tế tiếp cận thông tin.
“Họ [Bắc Kinh] đã phát tán một con virus ra thế giới, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ mà chúng tôi phải chi ra để giúp nền kinh tế sống còn và giữ cho người Mỹ sống sót trong thời kỳ dịch bệnh này”, ông O’Brien nói trong chương trình “Meet the Press” của Kênh NBC.
“Việc che giấu virus này sẽ đi vào lịch sử cũng giống như vụ Chernobyl. Chúng ta sẽ xem loạt phim đặc biệt trên HBO về việc này 10 hoặc 15 năm sau”, cố vấn Nhà Trắng nhấn mạnh.
Moscow cũng từng che giấu mức độ nghiêm trọng của vụ Chernobyl được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.
G7 có thể họp trực tiếp vào cuối tháng sau
Cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các lãnh đạo G7 có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh Nhà Trắng cho biết hôm Chủ nhật (24/5), theo Reuters.
Tổng thống Trump hồi tháng 3 đã hủy cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 vì dịch viêm phổi Vũ Hán và dự kiến sẽ tổ chức sự kiện này vào ngày 10/6.
Ông Trump hôm 20/5 nói rằng ông có thể sẽ tổ chức cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 ở một địa điểm gần Washington. Ông cho rằng động thái này sẽ truyền đi một thông điệp rằng thế giới đang trở lại trạng thái bình thường.
Thủ tướng Anh bào chữa cho lỗi sai của cố vấn
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng bênh vực cố vấn Dominic Cummings sau khi ông Cummings vi phạm lệnh phong tỏa chống virus Vũ Hán, theo BBC.
Thủ tướng Johnson nói ông tin rằng ông Cummings “không còn lựa chọn” nào khác ngoài việc phải đi từ London đến vùng Đông Bắc để chăm sóc con cái.
Ông Jonhson cho rằng, “trong mọi khía cạnh, ông ấy đã hành động có trách nhiệm, hợp pháp và với sự chính trực”.
Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng ông Cummings nên từ chức khi một người ở vị trí của ông lại vi phạm lệnh phong tỏa của chính phủ.
Nam Phi: Nới lỏng phong tỏa dù dịch Covid diễn biến xấu
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong dịch Covid-19 bắt đầu từ 1/6, dù ông cảnh báo rằng tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán ở đất nước có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, BBC ngày 25/5 đưa tin.
Thông báo của ông Ramaphosa đưa ra sau khi một công ty khai thác khoáng sản cho biết 164 công nhân của họ đã dương tính với nCoV.
Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Hai (giờ Việt Nam) Nam Phi có thêm 1.240 ca nhiễm bệnh mới, đưa tổng số người nhiễm virus Vũ Hán ở quốc gia này lên 22.583, trong đó 429 người đã tử vong (tăng 22 ca). Quốc gia này hiện đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Phi.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ lan truyền ‘dối gian’ về Covid-19
BBC đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật đã cáo buộc Hoa Kỳ truyền bá thuyết “âm mưu và những lời dối trá” về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Nghị nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã bị nhiễm “virus chính trị” và kêu gọi quốc gia này “ngừng việc lãng phí thời gian và ngừng lãng phí các sinh mệnh trân quý” trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ông Nghị đưa những phát biểu này trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng hơn sau khi Washington liên tục lên án việc Bắc Kinh che giấu sự thật về dịch bệnh khiến thế giới bị động trước loại virus chết người. Chính quyền Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa cho các nhà điều tra quốc tế tìm hiểu nguồn gốc và con đường lây lan của virus Vũ Hán.
Đòi Trung Quốc bồi thường về COVID-19 là ‘nằm mơ giữa ban ngày’, Vương Nghị tuyên bố
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật (24/5) bình luận rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ “nằm mơ giữa ban ngày” nếu theo đuổi các vụ kiện Bắc Kinh liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán COVID-19, theo Reuters.
Là một Ủy viên Quốc vụ và đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị đưa ra bình luận này trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội của Trung Quốc.
Ông Vương tuyên bố: “Thật đáng tiếc, ngoài virus corona đang hoành hành, còn có một loại virus chính trị cũng đang lan rộng ở Hoa Kỳ. Virus chính trị này đang tận dụng mọi cơ hội để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc”
Ông này cáo buộc: “Một số chính trị gia đã bỏ qua những sự thật cơ bản nhất và đưa ra quá nhiều lời nói dối về Trung Quốc và gieo rắc quá nhiều âm mưu”.
Nhà ngoại giao hàng đầu Bắc Kinh tiếp tục: “Nếu các vị muốn xâm phạm chủ quyền và nhân phẩm của Trung Quốc bằng việc kiện tụng bừa bãi, cướp đoạt thành quả làm việc chăm chỉ của nhân dân Trung Quốc, tôi e rằng đây là nằm mơ giữa ban ngày và các vị sẽ chỉ tự làm bẽ mặt mình”.
Mối quan hệ Mỹ – Trung đang tụt dốc nghiêm trọng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trong đó giới chức Hoa Kỳ lên án tình trạng che giấu dịch bệnh và thiếu minh bạch của Bắc Kinh, khiến virus lây lan từ Vũ Hán tới hơn 200 quốc gia và cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người.
Hoa Kỳ đang dẫn đầu làn sóng khiếu kiện chính quyền Trung Quốc về trách nhiệm gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19. Tháng trước, tiểu bang Missouri đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ kiện Bắc Kinh về vấn đề này.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang xúc tiến các đề xuất pháp lý để hỗ trợ các nạn nhân chịu thiệt hại từ virus Vũ Hán nộp đơn kiện chính quyền Trung Quốc tại các tòa án Hoa Kỳ.
Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cho rằng nhóm các nước phát triển G7 có thể sẽ kiện cáo để đòi Bắc Kinh bồi thường ít nhất 4.000 tỷ USD. Tờ báo Bild của Đức công bố một “hóa đơn” yêu cầu Trung Quốc bồi thường Đức số tiền lên tới 149 tỷ Euro (hơn 161 tỷ USD). Báo ABC của Úc có bài viết nhận định Australia có thể đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hơn 58 tỉ USD.
TT Trump cấm người đã ở Brazil trong 14 ngày gần nhất nhập cảnh Mỹ
Chính quyền Trump hôm Chủ Nhật (24/5) đã ra lệnh cấm người đã ở Brazil trong 14 ngày gần nhất nhập cảnh Mỹ, nhưng không áp dụng với công dân Mỹ. Lệnh này nhằm mục đích ngăn chặn virus corona Vũ Hán lây lan.
Theo The Epoch Times, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany hôm Chủ Nhật (24/5) nói rằng Tổng thống Donald Trump “đã hành động quyết đoán để bảo vệ đất nước ta bằng cách đình chỉ những người đã từng ở Brazil trong 14 ngày gần nhất nhập cảnh Mỹ”.
Bà Kayleigh McEnany lưu ý rằng hiện nay Brazil đã có hơn 300.000 ca nhiễm virus corona Vũ Hán và đây là một trong những quốc gia có số người nhiễm loại virus chết người này cao nhất thế giới.
Bà McEnany nói quyết định vừa được Tổng thống Trump ban hành sẽ đảm bảo rằng công dân nước ngoài đã lưu trú tại Brazil gần đây “sẽ không trở thành một nguồn lây nhiễm virus bổ sung” tại Mỹ.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc cũng khẳng định rằng các hạn chế đi lại mới này sẽ không ảnh hưởng đến giao thương hai chiều Mỹ và Brazil.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien trước đó nói trên chương trình “Face the Nation” của kênh CBS rằng Mỹ hy vọng lệnh cấm này sẽ “là tạm thời, nhưng do tình hình tại Brazil, nên chúng tôi sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ”.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã nói rằng ông đang xem xét việc áp đặt các hạn chế đi lại đối với Brazil.
“Tôi không muốn mọi người đến đây và lây nhiễm virus cho người dân chúng ta. Tôi cũng không muốn người dân ở đó bị bệnh. Chúng tôi đang giúp Brazil máy trợ thở. Brazil đang gặp một số rắc rối, không vấn đề gì về điều đó”, ông Trump nói với báo giới hôm 19/5.
Cố vấn an ninh quốc gia O’Brien nói rằng chính quyền Trump cũng sẽ đánh giá tình hình tại các quốc gia khác ở Nam Mỹ để xác định xem liệu có cần phải liệt thêm một số nước nữa vào danh sách cấm đi lại hay không.
Hồi tháng Hai, Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm đi lại đối với hầu hết mọi người đến từ Trung Quốc nơi đầu tiên bùng phát virus corona. Nhiều tuần sau đó, ông Trump cũng đã mở rộng các hạn chế đi lại này lên các quốc gia Châu Âu.
Mỹ và Canada cũng đã đồng ý đình chỉ đi lại không thiết yếu tại biên giới hai nước, gần như đóng cửa 5.500 dặm biên giới giữa hai quốc gia Bắc Mỹ này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 19/5 cho biết lệnh cấm đi lại không thiết yếu sẽ kéo dài cho đến ngày 21/6.
“Đây là một quyết định quan trọng mà nhờ nó sẽ đảm bảo cho người dân của cả hai nước được an toàn”, ông Trudeau nói trong một cuộc họp báo trao đổi về cách thức Canada ứng phó với đại dịch virus corona Vũ Hán.
Thủ tướng Trudeau nói rằng hiện tại chưa thể biết trước liệu lệnh cấm di trú tại biên giới hai nước Canada – Mỹ có tiếp tục được gia hạn sau ngày 21/6 hay không. Ông Trudeau cho biết chính quyền của ông đang ra quyết định ứng phó với dịch bệnh trên cơ sở hàng tuần.
Xuân Thành
Kim Jong-un có thể vẫn ở Wonsan
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể vẫn đang ở Wonsan – thành phố cảng phía đông đất nước – và không trở về Bình Nhưỡng sau khi tham dự lễ cắt băng khánh thành một nhà máy phân bón hồi đầu tháng, các nguồn tin ngoại giao cho biết hôm thứ Sáu (22/5), theo Kyodo News.
Tuy một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc báo cáo Kim đã tiến hành các hoạt động kiểm tra quân sự trong thời gian ở thủ phủ tỉnh Kangwon, lý do chính xác cho sự hiện diện liên tục của Kim tại khu nghỉ mát bên bờ biển vẫn chưa được tiết lộ.
Kim đã không xuất hiện trên truyền thông kể từ 2/5 khi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên KCNA công bố những bức ảnh cho thấy Kim tham gia một buổi lễ cắt băng khánh thành một nhà máy phân bón ở Sunchon, gần Bình Nhưỡng, ngày hôm trước.
Anh muốn loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ lên kế hoạch loại bỏ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc khỏi mạng lưới 5G của Anh do cuộc khủng hoảng Covid-19. Dự kiến sẽ giảm dần xuống mức 0 vào năm 2023, theo The Telegraph.
Thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nghị sĩ Đảng Bảo thủ Bob Seely, chia sẻ với truyền thông địa phương: “Đây thực sự là một tin tức tốt lành. Nó cho thấy một sự đánh giá lại nghiêm túc mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc.
Nói chung, bằng chứng hiện đang áp đảo cho thấy chúng ta cần một cải cách căn bản từ gốc rễ thái độ đối với Trung Quốc”.
Mỹ cảnh báo ‘ngắt kết nối’ Úc xoay quanh thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường đơn phương giữa tiểu bang Victoria với Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với Sky News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo sự tham gia của tiểu bang Victoria vào dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ “ngắt kết nối” với Úc nếu điều này tạo nên rủi ro an ninh viễn thông.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào đối với cơ sở hạ tầng viễn thông của mình, bất kỳ rủi ro nào đối với các yếu tố an ninh quốc gia trong những gì chúng tôi cần làm với các đối tác Five Eyes”, ông nói.
Ông Pompeo cũng cho biết mình không biết chính xác bản chất của những dự án này, nhưng “nếu chúng tác động xấu đến khả năng bảo vệ viễn thông cho người dân, hoặc mạng lưới an ninh cho các cộng đồng quốc phòng và tình báo – chúng tôi sẽ chỉ đơn giản ngắt kết nối, chúng tôi sẽ chỉ đơn giản phân tách ra”.
“Chúng tôi cần phải duy trì uy tín của mạng lưới viễn thông … chúng tôi hy vọng những bạn bè và đồng minh của mình, đặc biệt là các đối tác Five Eyes như Úc, sẽ làm điều tương tự”.
Five Eyes là một liên minh tình báo giữa Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.