Thu Tuyết
Trời cuối thu, mưa nhẹ và buồn. Trong không gian yên lắng, tôi định viết chút gì từ những cảm nhận chung quanh mà tôi được nghe, được đọc và được nhìn thấy; đặc biệt là vụ án Hổ Duy Hải. Một mỗi đau, bức xúc về những mất mát vật chất, những tổn thương tinh thần, những giá trị vô hình bị vùi dập… Chỉ vụ án này thôi, đã có 6 mạng người chết một cách tức tưởi, oan ức. Còn tiếp diễn nữa không? Thảm trạng này đã kéo dài âm ỉ hằng bao tháng năm trên quê hương tôi. Chẳng lẽ có quá nhiều người không chỉ mù mắt mà mù cả lương tâm và trí tuệ đến vậy sao! Họ là những người cầm cân nảy mực cho một nền tư pháp của một đất nước mà hàng trăm triệu tính mệnh con người được giao phó trong tay họ!
Trong lúc tâm trạng chùng xuống với nỗi buồn, thì một người bạn đã gởi đến tôi bức thư của BS Minh Ngọc, người đang làm việc tại NYU Winthrop Hospital, nơi mà vùng tâm dịch của nước Mỹ với những kinh hoàng khi tháng 3 bão táp đi qua; đã làm lòng tôi ấm lại. Dường như thượng đế không cho ai tất cả mà cũng không lấy đi của ai tất cả. Niềm vui và nỗi buồn luôn đan xen và tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Tâm hồn tôi như được sưởi ấm bởi cái nắng hiếm hoi của mùa thu, mặc dầu không gian vẫn xám. Những dòng chữ đi qua như con suối róc rách trong veo nhìn bầu trời xanh ngắt qua kẽ lá của tàn cây. Mắt tôi ướt vì xúc động. Một cảnh tượng hạnh phúc như hiện ra trước tôi:
“Tuần qua là tuần đầu tiên phòng mổ “sạch” đạt 75% số phòng hoạt động. Các anh chị BS Ngoại khoa và điều dưỡng phòng mổ chính thức không còn làm việc ở Cấp cứu và ICU nữa, trở lại với áo mũ dao kéo, BS Gây mê thôi không còn chạy đi cấp cứu đường thở, trở lại với máy móc thuốc men. Mọi người gặp lại nhau trong phòng mổ, mừng mừng tủi tủi nhưng không ôm nhau được (vì còn phải cách 6 feet), điểm danh ai còn ai mất. Trong phòng mổ robotic, tuy tránh không nhắc tới, nhưng ai nấy đều ngậm ngùi cảm thấy sự thiếu vắng…” (1).
Một sự kìm nén hạnh phúc trong những cụm từ “mừng mừng tùi tủi” mà lẽ ra phải ôm chầm lấy nhau oà vỡ theo tiếng khóc. Khóc vì chúng ta còn sống, khóc cho những đồng nghiệp đã ra đi…Khóc vì không còn nhìn thấy sự chết chóc hằng giờ của những con người vô tội…và khóc vì sự “bùi ngùi tiếc nuối”:
“Trở lại với hoạt động bình thường trong bệnh viện, là điều vẫn ao ước hàng ngày khi đang vất vả đối phó với bệnh nhân la liệt khắp nơi, vậy mà lại bùi ngùi tiếc nuối! Nhớ không khí căng thẳng, mọi người tất bật làm việc trong trang phục kín mít, những ánh mắt trao đổi thầm lặng qua kính bảo hộ – lo lắng, hy vọng – khi các chỉ số nhảy lên xuống trên màn hình, gương mặt thất thần của bệnh nhân dán mắt vào các nhân viên như cầu cứu…”(2)
Khi sự sống và cái chết cận kề, con người ta trở về với sự thuần khiết vốn dĩ của nó: “Nhiều chương trình nghiên cứu thử luôn thuốc kẽm, pepcid, sinh tố D… nói chung nghĩ ra được món gì khả dĩ chống được con virus này là thử hết. Bệnh nhân và gia đình bệnh nhân được đề nghị thử thuốc gì cũng gật đầu, biết đâu công hiệu thì sao” (3). Phải chăng cuộc đời chỉ là những tảng băng trôi mà điểm dừng là vô tận, bởi nó sẽ rã tan ngay trên đường đi khi chưa một lần dừng nơi điểm cuối! Vậy mà chúng ta vẫn cứ để nó trôi, trôi trong vô hạn!
Phải chăng Covid 19 đã đánh thức chúng ta cả hai góc nhìn: nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó không chỉ là sự trở lại với những hoạt động bình thường trong bệnh viện là điều họ vẫn ao ước mà còn là những ngày giờ làm việc của họ mang một ý nghĩa cao hơn:
“Từ chỗ hoang mang lo sợ những ngày đầu, mọi người trở nên thuần thục, hăng hái, quên cả nguy hiểm dốc sức cứu chữa từng sinh mạng, tự nhiên cảm thấy những ngày giờ làm việc của mình có một ý nghĩa nào đó, không chỉ là một công việc lãnh lương hai tuần một lần” (4)
Ước gì, phải, ước gì gia đình người thân, bạn bè, người dân Việt và những người đã hết lòng kêu oan cầu cứu… cho vụ án của tử tù Hồ Duy Hải sẽ có một ngày không xa vỡ oà trong tiếng khóc hạnh phúc. Và ước gì có một luồng ánh sáng dẫn đường cho những con người đang mang trên vai một trọng trách không chỉ cho tính mệnh của tử tù Hồ Duy Hải mà cả một dân tộc, một đất nước có chủ quyền, có nền văn hoá lâu đời được trải dài theo những thăng trầm của lịch sử!
Cám ơn bức thư của BS Minh Ngọc đã cho tôi cảm xúc để viết lên suy nghĩ của một người dân bình thường về những nỗi buồn đang dàn trải quê hương yêu dấu của chúng ta.
Melbourne, ngày 21/5/2020