Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ hủy quy chế đặc biệt của Hồng Kông?

Hải Lam

Cảng Hồng Kông được xem như một cửa ngõ kinh tế của Trung Quốc (ảnh chụp màn hình video Steven Mostoviy/Youtube).

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (29/5), tức sáng sớm ngày 30/5 theo giờ Việt Nam đã thông báo “Hồng Kông không còn đủ độc lập” để được hưởng chế độ đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ. Ông cho biết, ông đang chỉ đạo chính quyền của ông bắt đầu loại bỏ những đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông. Vậy điều này sẽ ảnh hưởng tới Mỹ, Hồng Kông và Trung Quốc như thế nào?

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Kông năm 1992, Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông khác với Trung Quốc đại lục về thương mại và nhiều lĩnh vực khác. 

Vào tháng 11/2019, Tổng thống Trump đã ban hành luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, theo đó yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận đặc khu còn duy trì quyền tự chủ hay không, từ đó ra quyết định đặc khu có nên được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ hay không.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia nói với CNBC rằng, nếu Mỹ đối xử với Hồng Kông giống như cách đối xử với Trung Quốc, điều đó sẽ tác động trực tiếp đến thuế.

Vị thế đặc biệt của Hồng Kông

Hồng Kông nổi tiếng là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới. Với một nền kinh tế tự do và một chế độ thuế cạnh tranh, Hồng Kông đã thu hút nhiều công ty đa quốc gia đến nơi đây.

Hồng Kông cũng là một trung tâm thương mại quan trọng. Nhưng tất cả những điều này sẽ đảo lộn nếu Mỹ thay đổi cách đối xử với Hồng Kông.

Hồng Kông hoạt động như một lãnh thổ hải quan riêng biệt với Trung Quốc đại lục. Đặc khu này độc lập về hải quan với Trung Quốc đại lục, sở hữu một cảng biển tự do, có nghĩa là hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đánh thuế.

Những điều kiện này đã giúp Hồng Kông trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu. Nhưng hiện tại, Hồng Kông đang đứng trước nguy cơ bị đối xử giống như Trung Quốc đại lục. Điều đó có nghĩa là hàng hóa của Hồng Kông sẽ phải chịu thuế bổ sung, bao gồm cả những khoản thuế trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

“Hồng Kông có quan hệ thương mại đặc biệt với nhiều loại thuế và quy định, cho phép thành phố giao dịch thương mại tự do, đặc biệt trong các thị trường vốn”, BBC dẫn lời tiến sĩ Rebecca Harding, chuyên gia thương mại của Coriolis Technologies cho biết.

Hồng Kông là một trong những khu vực thương mại hàng đầu thế giới. Năm 2018, thành phố có khối lượng giao dịch cao thứ 7 với tổng giá trị gần 1,2 triệu USD. Nhưng phần lớn số giao dịch đó được tạo ra từ hàng hóa đi qua hoặc xuất phát từ Trung Quốc đại lục.

Năm 2018, 8% hàng xuất khẩu của Trung Quốc đại lục sang Mỹ và 6% hàng nhập khẩu của Trung Quốc đại lục từ Mỹ đi qua Hồng Kông.

Những điều này khiến Hồng Kông như một cửa ngõ giữa thị trường Trung Quốc và phần còn lại của thế giới nhưng các thay đổi về quy chế thương mại sẽ đe dọa vị thế đó.

Tiến sĩ Tim Summers thuộc tổ chức Chatham House có trụ sở tại Hồng Kông bình luận: “Nếu quy chế thương mại mới được áp đặt, các công ty sẽ buộc phải tính toán lại”.

Doanh nghiệp có thể chọn chuyển hàng hóa của họ trực tiếp qua các cảng ở Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, mức thuế tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng.

“Các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng”, Tiến sĩ Summers nói.

Liệu Trung Quốc có lo lắng nếu Hồng Kông bị tước quy chế đặc biệt?

BBC bình luận, có lẽ Bắc Kinh không lo lắng như thời điểm Hồng Kông được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc. Trở lại năm 1997, Hồng Kông đã đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 18% GDP của Trung Quốc.

“Nhưng trong 25 năm qua, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng”, tiến sĩ Summers nói. Hồng Kông hiện chỉ đóng góp 2-3% GDP của Trung Quốc.

“Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách thương mại với Hồng Kông, đặc khu này sẽ lao đao, nhưng đó không phải là đòn chí mạng với Trung Quốc”, tiến sĩ Summers nhận định.

Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn duy trì vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đại lục chọn niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông vì khả năng tiếp cận vốn toàn cầu. Các công ty Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ lĩnh vực dịch vụ tài chính lớn của Hồng Kông.

“Thượng Hải và Thâm Quyến đã có một ngành dịch vụ tài chính phát triển phục vụ người đại lục”, David Webb, cựu giám đốc ngân hàng nói. Tuy nhiên, theo ông, vì chính quyền Bắc Kinh kiểm soát dòng vốn đầu tư ra và vào Trung Quốc, do đó Thượng Hải và Thâm Quyến không thể cạnh tranh với Hồng Kông về nguồn vốn quốc tế.

Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Mỗi năm, hàng hóa và dịch vụ trị giá hàng tỷ đô la được giao dịch giữa Hồng Kông và Mỹ. Theo số liệu từ Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, năm 2018, tổng giá trị giao dịch Mỹ – Hồng Kông đạt gần 67 tỷ USD, bao gồm 17 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Nếu Hồng Kông phải đối mặt với các điều khoản giao dịch giống như Trung Quốc đại lục, người tiêu dùng Mỹ sẽ trả nhiều tiền hơn cho những hàng hóa đó.

Phòng Thương mại Mỹ, đại diện cho các công ty Mỹ tại Hồng Kông, cho rằng những thay đổi sâu rộng với trạng thái đặc biệt của Hồng Kông trong các vấn đề kinh tế và thương mại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả doanh nghiệp Hồng Kông và Mỹ.

Tiến sĩ Summers nhận định, điều này sẽ đặt Washington vào một vị trí khó khăn và mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ bị ảnh hưởng.

Related posts