Ấn Độ hiện đã điều động một lượng khá lớn binh sĩ đến vùng Ladakh trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) để tương xứng với hơn 5000 quân mà Trung Quốc điều đến khu vực.
Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn – Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.
Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa quân lên biên giới để đẩy lùi. Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.
Ví như, vào năm 2014, hơn 200 lính Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực phía tây dãy Himalaya để xây một con đường trước khi bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi. Một sự cố khác diễn ra vào năm 2017, khi công binh Trung Quốc tiến vào xây một con đường trong một khu vực trên cao nguyên Doklam ở vùng Hy Mã Lạp Sơn mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều đòi chủ quyền. Quân đội Ấn Độ đã can thiệp trực tiếp và lực lượng Trung Quốc đã phải rút về bên kia biên giới.
Tuy nhiên, tình hình bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng Năm đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia tây dãy Himalaya. Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28/5, hiện nay chưa rõ nguyên nhân căng thẳng bắt nguồn từ đâu, nhưng chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo lính Trung Quốc hồi đầu tháng Năm, đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.
Theo tờ India Today TV, Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng sự hiện diện quân sự của mình dọc theo Đường kiểm soát Ấn Độ – Trung Quốc (LAC), đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát bằng cách triển khai các đơn vị pháo binh và thiết giáp gần lãnh thổ Ấn Độ. Sự hiện diện quân sự gia tăng trong khu vực có thể giúp quân đội Trung Quốc đến gần các khu vực thuộc Ấn Độ trong một vài giờ.
Các nguồn tin nói với tờ India Today TV rằng, kể từ tuần đầu tiên của tháng Năm, nhiều vòng đàm phán giữa các sĩ quan chỉ huy và Lữ đoàn từ cả hai bên đã không thay đổi được tình hình và bây giờ các cuộc hội đàm cấp tướng sẽ sớm được tổ chức để tìm ra giải pháp.
“Có vẻ như người Trung Quốc đang dành thời gian để xây dựng vị trí của họ ở phía sau vì họ đã mang theo một lượng lớn xe hạng nặng với pháo binh và xe bọc thép cùng quân đội”, các nguồn tin cho biết.
Theo tờ India Today TV, mục đích của binh lính Trung Quốc là tiến hành các cuộc xâm lược sâu hơn nhưng việc triển khai kịp thời trong nhiều lĩnh vực đã giúp phía Ấn Độ ngăn chặn ý định của họ. Cho đến nay, không có bất kì dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc sẽ dừng các hành vi này lại.