Tin nước Úc thứ Ba 2/6: Kích thích kinh tế hậu Covid-19: chính phủ biếu $25,000 để xây nhà mới hay sửa nhà

Kích thích kinh tế hậu Covid-19: chính phủ biếu $25,000 để xây nhà mới hay sửa nhà

Workers on a house being built

Với mục đích lực tạo công ăn việc làm, chính phủ cho biết sẽ tung ra gói kích thích mới, theo đó sẽ tài trợ $25,000 cho những chủ nhà để xây nhà mới hay tân trang, sữa chữa!

Xây dựng và giải trí là hai lĩnh vực nhận được sự hỗ trợ đáng kể trong ngân sách hồi phục kinh tế hậu Covid-19 khi chính phủ chuyển từ các gói kích thích vĩ mô để nhắm vào các kỹ nghệ đang cần sự tiếp sức,

Hôm 1.6.2020  Thủ tướng Scott Morrison xác nhận chính phủ đang xem xét cấp các khoản trợ cấp tiền mặt cho các gia đình để xây mới hay tân trang nhà, qua đó tạo công việc cho giới thợ thuyền tại địa phương cũng như hệ thống sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng. Phát biểu trên Đài phát thanh 2GB vào sáng thứ Hai, ông Morrison nói: “Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến các dự án lớn hơn, việc xây dựng nhà mới, và những thứ tương tự.  Chúng ta đang nhìn thấy sự sụt giảm xảy ra trong các dự án xây dựng nhà cửa. Điều này không hay cho những người thợ và công ăn việc làm.”

Theo TT Morrison thì trong bất kỳ biện pháp giúp đỡ nào dành cho ngành kỹ nghệ xây dựng, điều quan trọng là cần giúp ích cho những người thợ địa phương hơn là cho các nhà thầu lớn.

Đây là gói kích thích kinh tế thứ tư của chính phủ Liên bang trị giá hàng tỷ Úc kim, dự kiến được công bố tuần này, được tạo ra để hỗ trợ tới 400,000 người thợ có nguy cơ mất việc. Chính phủ liên bang cũng chuẩn bị bàn giao $1.75 tỷ cho chính phủ NSW để giúp đẩy nhanh ngày bắt đầu xây dựng công trình dịch vụ xe điện ngầm của Phi trường hai ở miền tây Sydney, có thể tạo ra tới 14,000 công việc.

Từ lâu Lao Động đã chỉ trích chính phủ là không hành động nhiều hơn để giúp ngành nghệ thuật vượt qua khủng hoảng. Phe đối lập đã kêu gọi một gói cứu trợ cụ thể cho nhiều người trong ngành nghệ thuật đã bị lỡ các khoản trợ cấp lương của JobKeeper.

Lên tiếng hôm thứ Hai Thủ tướng Morrison cho biết ông đã trao đổi với các nhân vật quan trọng của kỹ nghệ giải trí cuối tuần qua, ghi nhận rằng hị đang gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn vì họ đã phải thu hẹp phạm vi rất đáng kể,

Tuy nhiên ông Morrison cũng chỉ nói chung chung và Tổng trưởng Kinh tế Josh Frydenberg cho biết sẽ sớm thông báo kế hoạch chi tiết. Ông cho hay chính đang cân nhắc về chuỗi cung ứng dài và liên tục gắn liền với ngành xây dựng: “Đó không chỉ là thợ điện, thợ sửa ống nước và thợ mộc trên công trường, mà còn là nhà máy làm gỗ. Đó còn hãng sản xuất thiết bị cho nhà bếp mới. Còn là những người giúp làm ra các vật liệu dùng trong phòng tắm.”

Tuy nhiên Dân biểu Bill Shorten, có chân trong nội các đối lập, lưu ý trên Sky News: ““Nếu anh cung cấp một khoản trợ cấp miễn phí với mức giá, ví dụ $5000, thì thông thường những gì xảy ra là, chi phí cho bất cứ thứ gì anh cung cấp khoản tài trợ tăng thêm $5000.

Robodebt: Chính phủ sợ bồi thường “tiền bực mình”

A Centrelink sign on a building.

Tuần qua chính phủ liên bang tuyên bố quyết định xuất ra đến $721 triệu để chi trả cho những “con nợ giả” từng bị mình hành tội trong chương trình Robodebt nhưng vẫn không chịu xin lỗi vì sợ phải bồi thường.

Lên tiếng trong cuộc phỏng vấn trên đài ABC sáng 31.5.2020 Tổng trưởng Tư pháp Christian Porter thừa nhận sai sót của chính quyền nhưng không chịu xin lỗi vì lẽ chính phủ đang bị kiện. Ông Porter từng là Tổng trưởng dịch vụ nhân sinh và là người chịu trách nhiệm mở rộng chương trình này, do đó khi bị phóng viên David Speers hỏi dồn, đặt vấn đề là có xin lỗi hay không, ông Porter trả lời: “Hiện đang có một thủ tục kiện tụng và người ta đang quy kết nhiều điều, trong đó có quy kết về hành vi bất cẩn và chúng tôi không đồng ý”.

Càng trả lời, ông Porter – xuất thân là luật sư và là công tố viên tại Tây Úc – càng lúng túng.

Sau đây là cảnh đối đáp:

Speers: “Thiếu sót về pháp lý có ngụ ý bất hợp pháp hay không?”

 Porter: “Không có đủ nền tảng pháp lý!”

 Speers: “Nghĩa là nó ngụ ý bất hợp pháp?”

 Porter: “Anh có thể sử dụng từ đó nhưng đó là một thuật ngữ hình phạm. Về mặt dân sự, nó là bất hợp pháp. Không có nền tảng pháp lý nào cho điều đó!” (You can use that but that’s a criminal term. Civilly, it was unlawful. There was no lawful basis for it.)

Như Việt Luận đã thông tin, kể từ năm 2016 Liên đảng và Lao Động đã đạt đến thỏa thuận cắt giảm chi tiêu $6.3 tỷ để tiết kiệm ngân sách, bao gồm 20 biện pháp cắt giảm các trợ cấp gia đình cũng như ngân sách môi trường. Trong các biện pháp này có chương trình đòi nợ của Centrelink. Cụ thể, những ai nhận trợ cấp của chính phủ quá mức do khai gian hay chỉ là do sơ suất của Centrelink đều bị xem là con nợ, họ phải lo liệu trả lại đúng thời hạn theo yêu cầu, bằng không sẽ bị tính tiền lời 9%. Ngoài ra những “con nợ” này họ sẽ bị cấm đi nước ngoài cho đến khi nào trả hết nợ.

Để đòi nợ, Bộ dịch vụ nhân sinh thực hiện một chương trình điện toán tự động gọi là Robodebt để có thể so sánh số liệu của Centrelink và Cục Thuế Úc (ATO), từ đó nhận ra những kẻ có thu nhập mà vẫn lãnh trợ cấp.

Việc đòi nợ này tiến hành từ tháng Bảy năm 2016 và chỉ sau một năm đã tung ra gần 170,000 “thư đòi nợ”, dẫn đến tình trạng đến hàng ngàn người kêu oan. Bất chấp nhiều người vẫn đang khiếu nại, Centrelink vẫn cứng nhắc tự động rút tiền mà họ cho là các khổ chủ này còn mắc nợ. Trong số các nạn nhân này có cả một khoa học gia từng được lọt vào danh sách chung kết cho danh hiệu “The Australian of the Year”.

Đó là nữ Tiến sĩ y khoa Janet Hammill, lúc đó 76 tuổi, từng được đề bạt vào danh sách chung kết của danh hiệu cao quý “Australian of the Year”. Hiện bà đã nghỉ hưu, sống bằng trợ cấp hưu trí và làm việc thiện nguyện. Trong hai năm 2011 và 2012 bà được chính phủ liên bang tài trợ $26,000 khi tham gia một dự án nghiên cứu nhưng hệ thống của Centrelink lại ghi nhận rằng đó là khoản trợ cấp cho riêng năm 2012, do đó gởi thư đòi lại $7600.

Ông Justin Burns, một người hưu trí sống bằng trợ cấp tàn tật thổ lộ với đài ABC rằng dù mình khiếu nại với số nợ bị đòi, ông ta vẫn bị Centrelink trừ dần mỗi hai tuần số tiền $40 từ khoản trợ cấp ít ỏi của mình, do đó để sống ông ta phải vay mượn cha mẹ và bạn bè!

Các khổ chủ này đã kêu cứu và khiếu nại nhiều nơi, kể cả các dân biểu và nghị sĩ của mình, họ cho biết văn phòng họ “tràn ngập thư cầu cứu của cử tri”. Từ năm 2017 nhiều nghị sĩ và dân biểu đã yêu cầu Giám sát viện Liên bang (Ombudsman) điều tra.

Trong số đó có Dân biểu độc lập Andrew Wilkie. Ông cho biết nhiều nhân viên Centrelink đã viết thư cho ông, cho hay có nhiều người toan tính chuyện tự tử sau khi nhận thư đòi nợ của Centrelink. Một số nhân viên ta thán việc họ bị cấp trên ấn định số chỉ tiêu “thư đòi nợ” và bị thúc giục làm việc ngoài giờ để thu hồi càng nhiều tiền nợ càng tốt.

Theo Dân biểu Wilkie thì Centrelink đã không hề huấn luyện hay huấn luyện rất ít với những nhân viên đảm nhiệm chương trình này!

Lúc đó Dân biểu Linda Burney, Phát ngôn viên đối lập về phúc lợi, thì cho rằng đây là một sai lầm đầy “thảm họa” và mức độ đó đòi hỏi quốc hội phải điều tra: “Chúng ta cần điều tra để nắm tường tận tại sao chính phủ lại sai lầm đến như thế, tại sao công chúng lại bị ảnh hưởng đến như thế và xem xét những gì có thể thực hiện để chỉnh sửa mớ lộn xộn này. Các vị tổng trưởng không thể được phép nhai nhải rằng hệ thống vẫn làm việc tốt. Rõ ràng là nó không hoạt động ổn thỏa. Đó là một sự sụp đổ hoàn toàn”.

Sự việc dẫn đến hai cuộc điều tra riêng biệt của Quốc hội, tại Thượng Viện lẫn Hạ Viện.

Sau đó đó thì Centrelink bị hai nhóm nạn nhân kiện ra toà án liên bang, do Cơ quan trợ giúp pháp lý Victoria (Victoria Legal Aid) tiến hành.

Trong vụ kiện đầu, khi toà chưa xử, Centrelink đã vội vã xoá nợ của các nạn nhân. Tuy nhiên tháng Sáu năm 2019 qua cơ quan này tung ra vụ kiện thứ hai. Vụ này là vụ “cấn nợ hồi thuế”.

Để thu hồi số tiền cho là người dân nợ mình vì nhận trợ cấp “quá tiêu chuẩn”, Centrelink còn trực tiếp phối hợp với Cục Thuế Úc (ATO) để lấy thẳng số tiền hồi thuế mà lẽ ra ATO phải chuyển thẳng đến trương mục của người dân.

Một trong những khổ chủ như vậy là bà Miranda Debeljakovi. Năm 2018 bà bị Centrelink gởi thư thông báo bà nợ số tiền $8,920. Bà lập tức khiếu nại và số tiền sau đó được chỉnh lại hai lần, đầu tiên giảm xuống $2,797 rôi sau đó giảm tiếp còn $2,117.

Món nợ này đã khiến bà mất ăn, mất ngủ. Bà kể trên đài ABC: “Mỗi sáng thức dậy tôi đều nghỉ về món nợ và nghĩ mình phải làm gì với khỏan nợ này”. Sau đó khi hòan tất hô sơ khai thuế, bà nhận ra là tiền hồi thuế của mình đã bị trừ mất $2,117.

Trình bày trên ABC, bà tức giận cho rằng hệ thống tính tóan nợ của Centrelink đầy trục trặc và sai lầm, và trong khi người dân không có trách nhiệm về sai lầm này, chính phủ lại “bán cái” hết cho người dân, buộc họ phải tự mình chứng minh rằng họ không hề thiếu nợ!

Tuy nhiên hành vi này bị một số chuyên gia cho là ngang ngược như mafia. Đài ABC đã dẫn lời ông Terry Carney, nguyên là thẩm phán của Toà tái thẩm hành chánh (Administrative Appeals Tribunal) với 39 năm thâm niên. Theo ông thì cách tuyên bố nợ và trừ nợ của Centrelink là một hành vi “kinh khủng”, là điều mà chúng ta phải nghĩ là “Chỉ có thể diễn ra tại các nước thuộc thế giới thứ ba”. Ông nhận xét: “Nó giống như thể các băng đảng Mafia, khi bọn này tuyên bố: Bọn mày thiếu nợ chúng tao. Chúng tao không cần phải chứng minh rằng mày thiếu nợ tao. Không, bọn tao không cần”.

Một trong những nạn nhân của trò đòi nợ này là bà Pamela Egan, 72 tuổi. Năm 2016 Centrelink thông báo bà mắc nợ $9,305 và do đó trừ dần vào khỏan trợ cấp hưu trí của bà. Bất lực không biết làm gì, bà nhờ đến truyền thông và tháng Bảy năm 2019 phóng viên của chương trình 7.30 report liên lạc với Bộ Dịch vụ nhân sinh, thế là chỉ vài tuần sau số nợ hơn $9,000 này bị hạ xuống chỉ còn $4209, do đó Centrelink phải trả lại số tiền đã thu thừa.

Phát biểu với ABC, bà cụ này giận dữ thắc mắc về cách “tính tóan” của Centrelink: tính làm sao mà đầu tiên bà nợ hơn $9,000 và khi “tính lại” thì giảm hơn $5,000 và bà có quyền nghi ngờ cả kết quả tính lại này!

Chính vì những lý do trên mà ông Porter không dám xin lỗi. Vì nếu xin lỗi các khổ chủ trên có lý cớ để bắt chính phủ phải bồi thường “tiền bực mình”, bồi thường cho những năm tháng mất ăn mất ngủ của họ!

Related posts