Thái Học
Một nhà hoạt động cho rằng tình trạng đàn áp đức tin đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, chúng cũng lây lan và nguy hại như đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay.
Bà Tina Ramirez là chủ tịch và nhà sáng lập của Hardwired Global, một tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp các chương trình giáo dục và đào tạo nhằm bảo vệ quyền tự do lương tâm và đức tin của mọi người. Bà từng là giám đốc nhân sự của tổ chức Tự do Tôn giáo Quốc tế Caucus thuộc Nghị viện Hoa Kỳ.
Trong bài viết đăng trên The Washington Times, bà Tina cho rằng đại dịch Covid -19 đã khiến nhiều người bị cách ly, bị hạn chế tham gia các hoạt động thường nhật của mình, như đi lại, tụ họp, thờ phượng, v.v.
Bà Tina viết: “Chúng ta hy vọng rằng những quyền lợi và nhu cầu cơ bản trong cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào một ngày nào đó. Nhưng đối với hàng trăm triệu người trên thế giới, những người phải chịu cảnh đàn áp và bạo lực về tín ngưỡng, những quyền cơ bản như vậy vẫn là quá xa xỉ đối với họ”.
Bà cho biết: “Những kẻ cực đoan hay chính phủ đã đàn áp, bỏ tù và giết họ mỗi ngày, chỉ vì họ có đức tin khác biệt [với những kẻ đàn áp]”.
“Đáng buồn thay, đại dịch đàn áp tín ngưỡng đang gia tăng – lây lan nhanh hơn và xa hơn qua mỗi năm. Cứ 10 người thì có hơn 8 người phải sống ở trong cảnh bị chính quyền áp đặt những hạn chế nặng nề đối với tự do tôn giáo và tín ngưỡng.”
Bà tiếp tục viết: “Tại Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, chính quyền nước này kiểm soát những điều mà người dân được phép tin và thậm chí cả cách họ thờ cúng. Những người thể hiện ý kiến bất đồng thì bị gửi đi ‘chuyển hoá’, thông qua các trại lao động, nơi họ phải đối mặt với những cuộc tra tấn và mổ cướp nội tạng”.
Bà cũng đề cập đến nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram ở Nigeria, tình trạng bạo lực giữa các nhóm tôn giáo ở Ấn Độ, người Hồi giáo Ro-hin-ja bị áp bức ở Miến Điện, cũng như người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, người theo Kitô giáo và người Yezidi ở Iraq.
Đối với các cuộc bức hại tín ngưỡng, bà Tina cho rằng “chúng ta nên có cách phản ứng tương tự với cách phản ứng một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, như chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa và giáo dục, thay vì chỉ hỗ trợ tiền và quân sự”.
Bà lập luận: “Giáo dục về tự do tín ngưỡng và chống lại chủ nghĩa cực đoan có thể và có tác dụng ngăn chặn virus thù hận. Chúng tôi có bằng chứng về việc đó”.
Bà Tinna cho biết, tổ chức của bà – Hardwired Global – đã triển khai giáo dục tín ngưỡng cho những trẻ em từng sống trong các khu vực bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng.
“Chương trình giảng dạy mà chúng tôi xây dựng và triển khai đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc”, bà cho biết. “Hơn một nửa số học sinh có ý nghĩ bạo lực và chủ nghĩa cực đoan đã từ bỏ quan điểm thù hận của mình.”
Bà Tina cho biết: “Dựa trên việc hợp tác với Bộ Ngoại giao Anh và bộ giáo dục các nước, chương trình đã mở rộng sang Li Băng, Morocco, Kosovo và Jordan, nơi chúng tôi đã thấy có những tác động tương tự với những học sinh tham gia khảo sát”.
Bà Tina ghi rõ, nhiều cuộc nghiên cứu đã kết luận rằng tự do tín ngưỡng có tác dụng thúc đẩy các quyền tự do khác, tăng cường thịnh vượng kinh tế, giảm bớt căng thẳng, giúp xã hội phồn vinh hơn, trong khi những người có đức tin khác nhau cùng chung sống và đóng góp cho cộng đồng.
(Nguồn thumbnail: Foreign & Commonwealth Office / Wikimedia Commons)