Đường sắt Cát Linh- Hà Đông, nói là khúc xương 13km không sai
Một dự án đội từ 552 triệu USD lên 891,92 triệu USD. Chậm tiến độ 10 năm. Đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỉ. Đang bị đòi thêm 50 triệu USD, giao tiền ngay. Chưa rõ ngày vận hành. Và biết chắc sẽ lỗ. Nó là gì nếu không phải là một khúc xương 13 km không thể nuốt!, theo báo Lao động.
Bức ảnh là đường sắt trên cao ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia từng xuất hiện trên báo Lao Động trong một bài viết của Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai.
Dự án này cũng từ Trung Quốc, dài 31,1km, 39 nhà ga. Tốc độ tàu chạy có thể đạt tới 70 km/giờ , vốn đầu tư chỉ 475 triệu USD và hoàn thành sau 38 tháng.
Đại sứ Khai dẫn số liệu Bộ GTVT Ethiopia cho biết, chỉ trong 9 tháng dự án này hoạt động đã tạo ra 13.000 việc làm, lãi 3 triệu USD.
Cũng với tiêu chuẩn tương tự, công nghệ tương tự, nguồn vốn tương tự…Cát Linh – Hà Đông chỉ dài bằng 1/3, nhưng delay (chậm trễ, trì hoãn) cả thập kỷ, vốn đầu tư 868 triệu, tính theo km thì gấp 4 lần.
Con số này khi ấy chưa kể 98,35 triệu USD mà Hà Nội sẽ phải bỏ ra để…vận hành. Chưa tính đến 50 triệu USD mà nhà thầu Trung Quốc vừa yêu cầu chúng ta tiếp tục phải chi.
Còn hiệu quả dự án, tháng 12 năm ngoái, Tổng thầu Trung Quốc cho biết dù chưa hoạt động, song toàn bộ các thiết bị điện trong nhà ga, đường ray phải chi phí với 100 triệu mỗi ngày. Chưa kể khoảng 50 tỉ tiền lương và các chi phí khác cho khoảng 2000 cán bộ Trung Quốc và Việt Nam đang làm dự án.
Chưa kể 14,5 tỷ mỗi năm để kích cầu giá vé. Và, chưa hề tính khoản lãi mẹ lãi con phải trả mỗi năm lên tới hơn 600 tỉ đồng. Nói đó là khúc xương 13 km không sai mảy may.
Yên Bái: Phi công người Nga rơi xuống vực
Chiều 2/6, trao đổi với Thanh Niên, ông Vàng A Chái, Chủ tịch xã Cao Phạ (H.Mù Cang Chải, Yên Bái), cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ tai nạn trong quá trình tham gia chơi dù lượn.
Theo ông Chái, sự việc xảy ra vào chiều 30/5, tại lễ hội dù lượn, tổ chức trên địa bàn. Lễ hội này được rất đông người quan tâm, nhiều người chơi trước đó đều an toàn và phấn khích, tới lượt nam phi công người Nga nhảy thì gặp tai nạn.
“Nam phi công nhảy không đúng kỹ thuật, không đi theo hướng gió. Nhẽ ra phải hướng dù sang phía gió thổi lên, nhưng người này lại hướng dù sang bên gió thổi xuống khiến chiếc dù bị mất kiểm soát, cả người và dù rơi từ độ cao khoảng 20 m. Hiện nạn nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện”, ông Chái nói.
Theo đoạn video ghi lại vụ tai nạn, chứng kiến chiếc dù chao đảo trên không trung, rồi rơi tự do cùng nam phi công xuống ven vực, hàng chục người không giấu nổi sự sợ hãi, la hét thất thanh.
Được biết, Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” năm 2020 được tổ chức tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) nhằm kích cầu, tăng cường quảng bá du lịch Yên Bái đến du khách, diễn ra vào các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từ 30/5 – 15/7.
5 năm chưa xong 2,7 km đường vào cao tốc Trung Lương
Theo VnExpress, đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc Trung Lương dài 2,7 km, tổng đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng, động thổ 5 năm trước nhưng hiện mới xong 3 trụ cầu.
Hình ảnh ngày 2/6 tại khu vực làm dự án thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, không một bóng người và máy móc. Tại nút giao quốc lộ 1, trụ cầu bêtông nằm chơ vơ, ố vàng, tua tủa sắt hoen gỉ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại 2 trụ cầu ở điểm cuối – dự kiến là đường dẫn vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đường Võ Trần Chí).
Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (đơn vị đang thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương) được TP.HCM chọn làm đối tác do “chỉ có đơn vị này quan tâm và trình đề xuất dự án”.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Công ty Yên Khánh dù đã được bàn giao 82% mặt bằng nhưng tổng sản lượng xây lắp của dự án chỉ đạt 140 tỷ đồng (tương đương 12% tổng mức đầu tư) trong khi thời gian thực hiện dự án đã kết thúc. Đơn vị này cũng không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn tài chính và đảm bảo yêu cầu thu xếp đủ nguồn vốn thực hiện dự án đúng quy định.
Được biết, công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh do bà Vũ Thị Hoan (35 tuổi, cháu gái ông Đinh Ngọc Hệ – Út Trọc) làm Tổng giám đốc. Bà này là bị cáo trong vụ án Đinh Ngọc Hệ (cựu lãnh đạo Công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng) và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến.
Bà Hoan cũng là bị can vụ án sai phạm trong đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Cơ quan điều tra xác định, ông Đinh Ngọc Hệ làm chủ Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh nhưng doanh nghiệp này không có vốn, không có cơ cấu tổ chức… lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ cho mục đích cá nhân, kiếm lời.