Em gái của Kim Jong Un cảnh báo Hàn Quốc phải ngăn chặn người đào thoát phát tán truyền đơn chống Triều Tiên
Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lên tiếng cảnh báo Hàn Quốc phải ngăn chặn những người đào thoát rải truyền đơn chống Triều Tiên.
Bà Kim Jo Yong – Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên tuyên bố, khả năng Bình Nhưỡng sẽ hủy một thỏa thuận quân sự song phương Triều Tiên – Hàn Quốc, nếu hoạt động rải truyền đơn vẫn tiếp tục diễn ra.
Trong bài tuyên bố được thông tấn Triều Tiên KCNA công bố hôm thứ Năm (4/6), bà Kim nói đến hàng trăm ngàn tờ rơi chống đảng Lao động Triều Tiên mà gần đây được rải la liệt dọc theo vùng phi quân sự (DMZ) ở trên phần đất Triều Tiên, tài liệu có tiêu đề “Những người đào thoát khỏi miền Bắc”.
Bà Kim Jo Yong cũng cảnh báo Hàn Quốc về việc Triều Tiên sẽ rút khỏi Tuyên bố Panmunjom mà trong đó có các điều khoản và thỏa thuận về quân sự, theo đó cả hai bên đồng ý cấm “các hành vi thù địch” bao gồm phát tán truyền đơn trong các khu vực dọc theo Đường Ranh giới quân sự liên Triều.
Giới quan sát nhận định, Kim Yo Jong, 32 tuổi, đã bước vào trung tâm giới quyền lực Triều Tiên.
Trung Quốc tập trận ‘xâm nhập’ ban đêm giữa căng thẳng biên giới với Ấn Độ
Quân đội Trung Quốc (PLA) ở Tây Tạng đã tổ chức một cuộc tập trận “xâm nhập” – vào ban đêm, trên núi – để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ, trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung – Ấn gia tăng.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin hôm 1/6 rằng một đơn vị trinh sát của PLA gần đây đã được điều động tới một mục tiêu trên dãy núi Đường Cổ Lạp (Tanggula), tọa lạc ở độ cao 4.700m. Họ đã sử dụng thiết bị quan sát ban đêm trên xe để tránh sự giám sát từ các thiết bị bay không người lái drone từ phía “kẻ thù”.
Huawei che giấu hoạt động kinh doanh tại Iran
Gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc đã che đậy mối quan hệ của mình với Skycom Tech Co Ltd, một công ty đã cố bán thiết bị máy tính thuộc diện cấm của Mỹ cho Iran, Reuters ngày 3/6 cho hay, dựa trên các tài liệu thu thập được về Huawei.
Năm 2013, Reuters đã có những báo cáo về mối liên hệ chặt chẽ giữa công ty này và giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu. Tuy vậy Huawei mô tả Skycom chỉ là một đối tác kinh doanh địa phương ở Iran. Nhưng nay, các tài liệu mới được Reuters thu thập được đã cho thấy doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc này trên thực tế đang kiểm soát Skycom. Một phần trong các tài liệu chứng minh mối liên kết đó là loạt hồ sơ công việc nội bộ giữa Huawei và Skycom, bao gồm các biên bản ghi nhớ, thư tín và các hợp đồng thỏa thuận mà Reuters đã được xem.
Ấn Độ đối mặt với cuộc tấn công châu chấu tồi tệ nhất trong 27 năm
Trong khi đại dịch virus Corona Vũ Hán (COVID-19) đang hoành hoành, Ấn Độ lại tiếp tục phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác – cuộc tấn công châu chấu tồi tệ nhất trong gần 3 thập kỷ qua.
Trong một chương trình phát thanh hôm Chủ nhật (31/5), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nhiều vùng của đất nước đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của châu chấu và chính phủ đang nỗ lực nhằm giúp đỡ nông dân giảm tổn thất mùa màng thông qua việc sử dụng các kỹ thuật hiện đại.
Ông Modi nói: “Tôi chắc chắn rằng cùng nhau, chúng ta sẽ không chỉ có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang xuất hiện trên lĩnh vực nông nghiệp mà còn tìm ra cách cứu vãn mùa màng”.
Các bang của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi châu chấu sa mạc là tây bắc Rajasthan, bắc Punjab, tây Gujarat và trung tâm Madhya Pradesh. Một số bang khác cũng như các vùng bao gồm thủ đô New Delhi cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc tấn công của châu chấu có thể xảy ra.
Để phòng tránh “tác động tàn phá đối với cây nông nghiệp và trồng trọt, thảm thực vật, các vườn cây” và các mục tiêu tiềm năng khác, chính quyền địa phương ở khu vực thủ đô New Delhi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và diệt trừ châu chấu. Ngoài ra, chính quyền cũng giúp công chúng và nông dân nhận thức về cuộc tấn công và phun thuốc trừ sâu trên cây trồng.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ấn Độ, mọi người cũng đã sử dụng các chiến thuật như đập dụng cụ và chơi nhạc lớn để xua đuổi các loài gây hại.
Ông Narendra Singh Tomar, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Nông nghiệp và Nông dân Ấn Độ, tuần trước đã rà soát các hoạt động nhằm kiểm soát châu chấu của đất nước trong một cuộc họp cấp cao.
Trong một tuyên bố, chính phủ Ấn Độ cho biết họ chuẩn bị mua 60 máy phun thuốc trừ sâu từ Anh. Họ nói thêm, “máy bay không người lái sẽ được sử dụng để phun thuốc trừ sâu trên cây cao và những nơi không thể tiếp cận để kiểm soát châu chấu hiệu quả, trong khi kế hoạch đang được triển khai là dùng máy bay trực thăng để phun từ trên không.”
Ông Sandip Das, một chuyên gia an ninh lương thực và nông nghiệp, nói với Nikkei Asian Review: “Loại tấn công của châu chấu này thường thấy ở khu vực cận Sahara, đặc biệt là các quốc gia Đông Phi như Kenya và Ethiopia”. Ông nói thêm rằng cuộc tấn công năm nay “dữ dội” hơn nhiều so với năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Das cho biết hầu hết vụ thu hoạch lúa mì ở Ấn Độ đã hoàn tất, với những cánh đồng hiện đang được chuẩn bị để trồng lúa một khi những cơn mưa gió mùa bắt đầu trong tháng này. “Vì vậy, sẽ không có thiệt hại lớn cho các vụ mùa lớn, mặc dù cây ăn trái và rau quả” có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công.
Những đàn châu chấu sa mạc bay qua Ấn Độ từ nước láng giềng Pakistan, nơi châu chấu sa mạc từ Iran đã phá hủy một lượng lớn cây trồng ở hơn 60 quận ở tất cả các tỉnh, bao gồm cả Balochistan ở phía tây nam. Truyền thông Pakistan cũng cho biết nước này đang tăng cường nỗ lực chống lại tai ương bằng các hệ thống kiểm soát dịch hại như máy bay phun thuốc trừ sâu.
Thông thường, đàn châu chấu xâm nhập vào Ấn Độ từ Pakistan để sinh sản vào mùa hè vào tháng 6 hoặc tháng 7 với sự xuất hiện của gió mùa. Nhưng năm nay, các quan chức Ấn Độ cho biết, các bầy châu chấu đã bắt đầu sớm hơn vào tháng 4 vì Pakistan không thể kiểm soát số lượng của chúng vào mùa trước.
Theo tổ chức FAO, châu chấu là một loài côn trùng ăn tạp và di cư, có thể bay hàng trăm km theo bầy đàn và dễ dàng vượt qua biên giới các quốc gia. Ngoài Châu Phi và Châu Á, nó cũng được tìm thấy ở Trung Đông và khoảng 60 quốc gia. Một bầy châu chấu kích thước một km vuông chứa khoảng 40 triệu con, chúng ăn một lượng thức ăn trong một ngày tương đương với khoảng 35.000 người.
Những con châu chấu chưa trưởng thành bay cao và bao phủ một khoảng cách xa vào ban ngày trước khi định cư trên cây vào ban đêm. Khả năng di chuyển linh hoạt của chúng khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.
Ấn Độ từng trải qua cuộc tấn công châu chấu tồi tệ nhất vào năm 1993 khi chứng kiến 172 cuộc xâm nhập của loài này. Theo một tài liệu năm 2014 do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ban hành, “sự hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực từng được cung cấp cho Ấn Độ và Pakistan [vào năm 1993] đã ngăn chặn thành công các bầy châu chấu di cư sang các khu vực khác”. Khi đó, Ấn Độ đã phải xử lý châu chấu trên diện tích lên tới 311.199 ha thông qua các hoạt động trên không và trên mặt đất, trong khi Pakistan là 316.979 ha.
Cuộc tấn công là một tai họa kép đối với Ấn Độ vì nó xảy ra trong bối cảnh sự lây lan của COVID-19. Các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh tính đến ngày 4/6/2020 ở nước này đã tăng lên 216.715 người với 6.088 ca tử vong.
Anh thảo luận với Liên minh ‘Ngũ nhãn’ đón nhận người Hồng Kông nếu họ di cư
AFP hôm nay (3/6) dẫn lời Ngoại trưởng Anh cho biết, ông đã nói chuyện với liên minh “Ngũ Nhãn” (“Five Eyes”) về khả năng chào đón người dân Hồng Kông đến cư trú nếu Bắc Kinh áp luật an ninh mới lên thành phố và gây ra một cuộc di cư trên diện rộng. Thông tin này được đưa ra khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố London sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước số phận của những người dân thành phố cảng đang phải lo lắng trước sự kiểm soát ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Nhóm dân chủ Hồng Kông khiếu nại lên Liên Hợp Quốc vì bị cảnh sát bạo hành
Một nhóm biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông cho biết hôm 2/6 rằng họ đã đệ đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về hành vi bạo hành người biểu tình đang bị giam giữ.
Đảng chính trị ủng hộ dân chủ nổi tiếng Demosisto, có sáng lập viên là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cho biết ba người biểu tình thành viên trong đảng họ đã bị các nhân viên Cơ quan Dịch vụ Cải huấn (CSD) bạo hành thể chất và ngôn từ trong khi bị bắt giam, bao gồm bị đánh và tát ở những nơi không có camera giám sát CCTV.
Hoàng Chi Phong, tổng thư ký Đảng Demosisto, cho biết cách thức đối đãi các tù nhân của cơ quan này có thể được liệt vào dạng thức “tra tấn” theo định nghĩa của Công ước về Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc. Đơn khiếu nại đã được gửi đến Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc .
Ba người biểu tình hiện đang bị giam giữ tại Viện cải huấn Pik Uk dành cho cho các tù nhân từ 21 tuổi trở xuống, nhóm của anh Hoàng nói.
Họ hiện đang bị tạm giam trong bối cảnh Covid-19 khiến hệ thống tòa án phải tạm ngừng. Họ đang chờ phán quyết về cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình.
Cảnh sát Hồng Kông trong quá khứ đã phủ nhận việc sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình, khi tuyên bố rằng họ đã hành động kiềm chế khi đối mặt với tình trạng bất ổn bạo lực.
Tuy nhiên, trái với tuyên bố từ phía cảnh sát, rất nhiều người biểu tình đã cáo buộc lực lượng bảo vệ an ninh thành phố lạm dụng bạo lực quá mức trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm ngoái, thậm chí ngay cả khi không có sự tấn công chủ động từ phía người biểu tình.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo vào ngày 21/6, trong đó có 8 video clip và kết luận rằng việc sử dụng vũ lực của cảnh sát đã vi phạm “các tiêu chuẩn và luật nhân quyền quốc tế”.
Các báo cáo sau đó của Tổ chức Ân xá Quốc tế và các cuộc phỏng vấn với người biểu tình đã cáo buộc lực lượng cảnh sát đã sử dụng bạo lực quá mức, bao gồm cả các cuộc tấn công dùi cui, ngay cả trong trường hợp không có sự kháng cự.
Trong số 21 người được phỏng vấn, 18 người phải nhập viện, trong đó có năm người ở lại trong bệnh viện trong một thời gian dài, theo South China Morning Post.
Điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát Hồng Kông cũng là một trong những yêu cầu của người biểu tình đối với chính phủ Hồng Kông.
Ngày 26/11/2019, tổ chức Giám sát Hồng Kông (Hong Kong Watch), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, cũng đã trình một bức thư thỉnh nguyện được hơn 3.700 học giả trên khắp thế giới ký tên, lên án sự tàn bạo của cảnh sát Hồng Kông đối với người biểu tình. Nội dung thỉnh nguyện yêu cầu bảo vệ sinh viên và tự do học thuật, và điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát Hồng Kông
Mỹ trừng phạt 4 hãng vận tải vì vận chuyển dầu Venezuela
Bộ Tài chính Mỹ cho biết hôm 3/6, họ đã xử phạt 4 hãng vận tải vận chuyển dầu của Venezuela, báo Aljazeera cho hay. Động thái này từ phía Mỹ là nỗ lực leo thang căng thẳng mới nhất của Washington nhằm hạ bệ tổng thống cực tả Nicolas Maduro bằng cách cắt đứt nguồn xuất khẩu dầu thô của quốc gia thuộc khối OPEC này.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các công ty bị trừng phạt bao gồm: Afranav Maritime Ltd, và Adamant Maritime Ltd, đều có trụ sở ở Quần đảo Marshall; và Sanibel Shiptrade Ltd, cùng Seacomber Ltd, có trụ sở ở Hy Lạp; các tàu chở dầu thuộc sở hữu các công ty này đã lấy hàng ở Venezuela từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay. Nhằm đáp trả, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza trong một dòng “tweet” trên Twitter tuyên bố rằng động thái của Mỹ chặn xuất khẩu dầu thô sẽ làm phức tạp hoạt động nhập khẩu thực phẩm và dược phẩm của nước này.
Chứng khoán toàn cầu bật lên mức cao kỷ lục trong 3 tháng khi có những kỳ vọng về sự phục hồi sau dịch Covid-19
Hãng Reuters cho hay, giá trị cổ phiếu toàn cầu đã bật lên mức cao trong gần ba tháng hôm thứ Tư (3/6), khi có những kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế bổ sung cũng như việc nới lỏng những biện pháp hạn chế xã hội trên toàn cầu. Những tín hiệu tích cực này lớn hơn các mối bận tâm từ dịch virus corona lẫn sự gia tăng bất ổn dân sự gần đây ở Mỹ.
CEO của Qatar Airways đề nghị Boeing và Airbus hoãn giao hàng
Giám đốc điều hành (CEO) của Qatar Airways đã kêu gọi hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus SE và Boeing Co. nới lỏng các yêu cầu trong các thỏa thuận bàn giao máy bay mới cho các hãng vận tải hàng không đang gặp khó khăn trong đại dịch.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV hôm 2/3, CEO Akbar Al Baker nói rằng Airbus SE và Boeing Co. nên chấp nhận hoãn giao hàng cho đến ít nhất vào năm 2022. Đề nghị này cho thấy áp lực tài chính đang đè nặng lên vai các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng như Qatar Airways có trụ sở ở vùng Vịnh. Cũng giống các hãng hàng không khác, hoạt động chuyên chở khách du lịch toàn cầu của Qatar Airways đã bị co hẹp bởi virus corona.