Tamar Lê
Hồi tôi ra Huế thi Tú Tài 2, đây cũng là cơ duyên tôi được gặp và nói chuyên với ‘anh Hai’, lần đầu và cũng la lần cuối. Thật sự ra, tôi đã nghe me tôi nói về anh Hai rất nhiều, nhưng vì tuổi tác và kiến thức giữa anh và tôi rất xa nhau, nên nếu gặp anh, tôi cũng không biết nói chi cho ‘tình thắm duyên quê’. Dì An (chị đầu của me tôi và cũng là mẹ của anh Hai) dặn đi dặn lại với tôi là anh Hai rất nóng tính và nghiêm túc, nên tôi cũng rất e dè, không muốn gặp anh.
Một đứa hoc trò làm toán nh2n chia chưa vững, mà gặp 1 giáo sư toán, kiêm khoa trường đại học khoa học Huế, thì giống như Trần Minh Khố Chuối trình diện một quan thần..Thôi thì xin hai chữ ‘bình yên’.
Thế rồi…
Khi biết tôi ra Huế thi Tú Tài 2, anh tìm đến và cho phép tôi tạm trú ở khu đại học Maurin, trước cầu Tràng Tiền, lúc đó có đại học phòng trống vì các giáo sư Saigon đang nghỉ hè. Trái với những gì tôi đã nghe về anh, khi gặp anh rồi thì mới biết ‘người ta nói vậy mà không phải vậy’. Anh rất down-to-earth, ăn nói rất có duyên, và rất là tôn trọng ‘em út’ trong nhà.
Theo nước vận trôi, anh Hai và gia đình qua Mỹ năm 1975 và tôi đã mất liên lạc với anh.
Cách đây vài tháng tôi nói chuyện với một học trò cũ của anh và được biết anh mới qua đời.
Đời thật là oái oăm, hồi nhỏ khi thấy anh, thì rụt rè không dám nói chuyện, khi lớn lên rồi bắt đầu mê nói chuyện với anh thì anh đã …ra đi. .
Hôm nay ngồi đọc những bài viết về anh, tôi thấy nhớ anh nhiều, nên ngồi viết vài hàng về anh chia sẽ với bạn bè trong muâa dịch covid-19.
- – – – – – –
BÀI ‘Tưởng Niệm về Giáo Sư Nguyên Văn Hai, pháp danh Hồng Dương’
Giáo sư Nguyễn Văn Hai, pháp danh Hồng Dương, Giáo sư Toán học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu Phật học, từ trần vào ngày 25-1-2020 (nhằm mùng 1 Tết Canh Tý), tại tư gia ở Yardley, Pennsylvania, Hoa Kỳ, thượng thọ 93 tuổi.
Các chức vụ đã đảm trách: Hiệu trưởng trường Quốc Học, Huế; Giám đốc Học chánh Cao nguyên và Trung nguyên Trung phần, Khoa trưởng Đại học Khoa Học Huế, Khoa trưởng Đại học Sư phạm Huế, Phó Viện trưởng Đặc trách Phát triển Viện Đại học Huế; Giáo sư Đại học Louseville Kentucky, Hoa Kỳ. Đặc biệt, Giáo sư là người sáng tạo mô hình trường bán công và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Bán công tại Huế.
Sau khi nghỉ hưu tại Đại học Louseville Kentucky, Hoa Kỳ, Giáo sư dành trọn thời gian để học, nghiên cứu và viết về Phật học. Những công trình về Phật học của Giáo sư đã được đăng trên các tập san Phật học, báo chí Phật giáo ở nước ngoài, trên các trang mạng. Đặc biệt những sách viết sâu về Phật học, về triết học Phật giáo được in trong nước: Tìm hiểu Trung luận – Nhận thức luận và Không tánh (2001); Luận giải Trung luận Tánh khởi và Duyên khởi (2003); Nhân quả đồng thời (2008).
Khi tuổi đã gần 90 và trên 90 Giáo sư vẫn minh mẫn viết sách về triết học Phật giáo, đã xuất bản trong nước: Tư tưởng Phật giáo trong Triết học Gilles Deleuze (6-2015); Nguyên tắc Lý do đủ – Lý Duyên khởi (9-2017); Đạo Phật là Toán học (3-2018); Ngã – Pháp (4-2019).
Trên cương vị Khoa trưởng Đại học Khoa học Huế kiêm Phó Viện trưởng đặc trách phát triển, sau một chuyến đi khảo sát các Đại học Mỹ năm 1968, Giáo sư về lại và cải cách ngay chương trình học. Trước đây Đại học Khoa học theo mô hình Đại học Pháp: chỉ đào tạo kiến thức mà không đào tạo chuyên nghề, nên sinh viên ra trường không thể làm nghề cụ thể. Để đào tạo ra các sinh viên làm việc được cho xã hội, năm 1969 Giáo sư đã cho mở ba ngành mới: Tạo tác thủy lợi do Kỹ sư Bùi Hữu Lân làm trưởng bộ môn; Thống kê nhân khẩu, do Tiến sĩ Bùi Đặng Hà Đoán (Paris) làm trưởng bộ môn; Sinh hóa ứng dụng do Tiến sĩ Bùi Thế Phiệt (Mỹ) làm trưởng bộ môn. Các chương trình ứng dụng này, tuy mới đào tạo được ba khóa, nhưng các cựu sinh viên đã đóng góp rất tích cực trong nền kinh tế sau năm 1975 không thua gì các kỹ sư tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Sài Gòn hay Hà Nội thời bấy giờ.
“Giáo sư là một trong những người Việt Nam đầu tiên dùng khoa học, toán học để tìm hiểu và phát triển Phật giáo. Với những tác phẩm của Giáo sư về Trung luận, nhận thức luận, Tánh không (hay Không tánh)… những tác phẩm liên hệ Nhân quả đồng thời… giới thiệu cho chúng ta – những người Việt Nam, cũng như Phật tử Việt Nam, một khởi đầu tạo ra một phong trào một hướng mới để nghiên cứu Phật giáo qua nhãn quan mới qua Toán học”. (HT.Thích Nguyên Giác)
NGUỒN: VĂN HÓA» PHẬT GIÁO, 02/02/2020; Giác Ngộ – online.