Sợ Trung Quốc xâm lăng bằng tiền, Úc siết luật đầu tư nước ngoài
Chính phủ Liên bang sẽ ra luật mới để tăng cường việc kiểm tra các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua các tài sản có tính chất nhạy cảm về vấn đề an ninh.
Theo dự định thì luật mới này sẽ đươc thông qua năm nay và có hiệu lực từ đầu năm tới, ảnh hưởng đến những lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, kỹ thuật, cung ứng quốc phòng và dữ liệu. Theo mới thì Tổng trưởng kinh tế sẽ tiếng nói quyết định cuối cùng trong vấn đề này, như áp đặt các điều kiện đối với một thỏa thuận
Theo quy định hiện hành thì các khoản đầu tư của công ty tư nhân có giá trị dưới $275 triệu không chịu sự kiểm tra của Hội đồng Giám định đầu tư nước ngoài của Úc (FIRB). Mức ngưỡng này là $1.2 tỷ đối với công ty đến từ những nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với Úc. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi quy định mới sẽ cho phép chính phủ giám sát các khoản đầu tư quy mô nhỏ trong những lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông, cơ sở hạ tầng thiết yếu và quốc phòng từ 2021.
Tuyên bố về biện pháp mới này vào hôm 5/6/2020, Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh đầu tư tại Úc phải dựa trên các điều kiện, quy định và lợi ích của nước Úc, theo đó chính phủ lie6ne bang có quyền áp đặt các điều kiện, thậm chí là buộc chấm dứt đầu tư trong những trường hợp đặc biệt.
Trong khi đó, Tổng trưởng kinh tế Josh Frydenberg đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia và cho biết mọi nhà đầu tư nước ngoài sẽ đối mặt sự kiểm tra gắt gao hơn khi tham gia đấu thầu mua tài sản nhạy cảm, bất kể quy mô thỏa thuận và người mua là công ty quốc doanh hay tư nhân. Theo ông Frydenberg, những thay đổi mạnh mẽ đối với luật đầu tư nước ngoài sẽ cho phép nước này ứng phó với những rủi ro và diễn biến mới trên thế giới.
Ông Frydenberg khẳng định những cải cách đầu tư trên là quan trọng nhất trong 50 năm qua.
Diễn biến này có thể gây ảnh hưởng xấu hơm đến quan hệ giữa Úc và Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu. Một số thương vụ mua đất canh tác nông nghiệp của Trung Quốc tại Úc đang gây không ít tranh cãi và lo ngại.
Úc phản đối Trung Quốc khuyến cáo người dân không đến đây do phân biệt chủng tộc thời Covid-19
Hôm thứ Sáu (5/6), Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã đưa ra một cảnh báo du lịch cho công dân của mình, khuyến cáo họ không đi du lịch tới Úc do “sự gia tăng đáng kể” trong các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc đối với “người Trung Quốc và châu Á” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo news.com.au.
Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Simon Birmingham đã bác bỏ tuyên bố này, nói rằng Úc là “xã hội đa văn hóa và di dân thành công nhất trên thế giới”.
“Hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã thể hiện niềm tin của họ với Úc là một điểm đến an toàn, thân thiện và tuyệt vời bằng cách đến đây hàng năm, và thường quay trở lại nhiều lần”.
“Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc, vốn không có cơ sở”.
Căng thẳng giữa Úc-Trung Quốc đang gia tăng sau khi Úc kiên quyết thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu đối với nguồn gốc Covid-19 – động thái này đã vấp phải sự trả đũa từ Trung Quốc bằng những lời đe dọa kinh tế, tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Úc.
Úc rút cố vấn ra khỏi Iraq
Tuyên bố ngày 5/6/2020 Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds cho biết sẽ rút quân khỏi Iraq, sau khi hoàn tất công tác huấn luyện quân sự cho Quân đội quốc gia Iraq từ năm 2015.
Bà Reynolds cho hay các đơn vị Úc đã “hoàn thành xuất sắc” các nhiệm vụ tại Iraq và sẽ về nước trong thời gian tới.
Kể từ năm 2015 đến này Úc duy trì một lực lượng 300 người ở Iraq, thực hiện công tác huấn luyện cho quân đội nước sở tại, cùng với New Zealand và một số quốc gia khác.
Tháng Một vừa qua, Mỹ và một số quốc gia đồng minh khác tuyên bố rút quân khỏi Iraq trong bối cảnh xảy ra căng thẳng giữa Washington và Baghdad. Tuy nhiên, lúc đó Thủ tướng Scott Morrison khẳng định nước này vẫn duy trì binh sỹ đang làm nhiệm vụ tại Iraq, theo đuổi cam kết “đảm bảo một Iraq thống nhất và ổn định”.
Biểu tình bất chấp lo ngại về bệnh dịch
Khoảng năm ngàn người đã tuần hành qua các đường phố Sydney rồi tụ tập tại Tòa thị chính Sydney sau khi Tòa tái thẩm NSW (NSW) bác bỏ lệnh cấm biểu tình của Tòa Thượng thẩm NSW.
Ngày 5.6.2020 Tòa Thượng thẩm NSW đã ra lệnh bỏ lệnh cấm biểu tình theo yêu cầu của Cảnh sát NSW viện lẽ lý do dịch tể, theo đó chỉ cần một người biểu tình dương tính với virus Covid-19 thôi, bao nhiên thành quả đã đạt được trong quá trình phong tỏa xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trong thời gian qua sẽ bị trôi sông đổ biển.
Tuy nhiên ra sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng giữa các luật sư của Cảnh sát NSW và luật sư thay mặt cho các nhóm tổ chức biểu tình, lện cấp trên đã bị bác bỏ vào chiều 6.6.2020.
Sau đó 3 giờ chiều cuộc biểu tình đổ ra. Hàng nghìn người đã tuần hành qua các đường phố tại trung tâm thành phố, hô vang khẩu hiệu “Tính mạng người da đen quan trọng” và giương cao các biển hiệu “Tính mạng người da đen quan trọng,” “Chấm dứt cái chết của những người thổ dân bị giam giữ” và “Tôi không thể thở được” trong khi lực lượng cảnh sát cho biết họ cố gắng bảo đảm an toàn cho đoàn diễu hành.
Truyền thông địa phương cho biết, các cuộc diễu hành đều diễn ra trong không khí ôn hòa.
Cảnh sát cho biết họ cố gắng bảo đảm an toàn cho đoàn diễu hành tuy nhiên tại Central Station cảnh sát đã phải xịt hơi cay vào một nhóm quá khích.
Cảnh sát cũng đã áp giải hay hộ tống một thành phần cực hữu đứng kích động giữa đám đông với khẩu hiệu: “Đen- Trắng – Tất cả đều quan trọng”.
Biểu tình đã diễn ra tại hầu hết các thủ phủ của tiểu bang khác, từ Brisbane đến Melbourne, Adelaide và Hobart. Hàng chục ngàn người đã xuống đường trên toàn quốc cho dù các giới chức y tế lên tiếng kêu gọi người dân không tham gia các hoạt động tụ tập đông người trong giai đoạn dịch bệnh để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Tại Victoria, Cảnh sát đã ký giấy phạt cho tất cả thành viên trong ban tổ chức cuộc biểu tình với số tiền $1,652 một người vì đã vi phạm lệnh “giãn cách xã hội” của Giám đốc y tế tiểu bang.
Thỏa thuận hỗ trợ tiếp liệu quốc phòng Úc – Ấn
Úc và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ tiếp liệu quốc phòng trong Hội nghị thượng đỉnh song phương trực tuyến vào ngày 4.6.2020.
Theo thỏa thuận này thì các tàu biển và máy bay quân sự của 2 nước có thể tiếp nhiên liệu và sử dụng các cơ sở bảo trì tại căn cứ quân sự của nhau. Trước đó, Ấn Độ đã từng ký kết một thỏa thuận tương tự với Mỹ. Thỏa thuận lần này với Úc cũng được xem là một bước mở rộng chiến lược quân sự của Ấn Độ trong khu vực.
Thủ tướng Ấn Narendra Modi và Thủ tướng Scott Morrison đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh “online” đầu tiên. Hội nghị được tổ chức vì Thủ tướng Morrison không thể thực hiện chuyến thăm Ấn Độ do dịch bệnh Covid-19.
Theo chương trình làm việc, hai nhà lãnh đạo tiến hành xem xét một khuôn khổ rộng lớn của mối quan hệ song phương và xem xét cách thức mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và quốc phòng, đồng thời cũng sẽ thảo luận các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19.
Trong vòng 18 tháng qua hai ông Modi và Morrison đã gặp nhau 4 lần. Cuộc gặp đầu tiên của họ diễn ra vào năm 2018 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Singapore, sau đó là Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật vào tháng 6 năm ngoái, tiếp đến là vai khách mời trong Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp tháng 8 năm ngoái. Sau đó họ gặp nhau lần nữa bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bangkok vào tháng 11.
Quan hệ Ấn – Úc được nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược” vào năm 2009. Kể từ đó, hai nước đã mở rộng hợp tác trong một loạt lĩnh vực then chốt. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng US$21 tỷ trong tài khóa 2018-2019. Đầu tư lũy kế của Úc vào Ấn Độ là khoảng US$10.74 tỷ trong khi tổng đầu tư của Ấn Độ vào Úc là US$10.45 tỷ.
Quan hệ hai nước khắng khít hơn do những quan tâm địa lý- chính trị. Chính trỗi dậy và những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã khiến cả Úc lẫn Ấn đều lo ngại và do đó tìm đến nhau.
Trong khi Ấn Độ lo ngại về các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng tăng của nước này ở Ấn Độ Dương, Úc lo ngại về căng thẳng gia tăng trong quan hệ Trung-Mỹ và nguy cơ không mong muốn là phải lựa chọn giữa hoặc đồng minh hoặc đối tác thương mại hàng đầu. Cả Ấn Độ và Úc đều không muốn xa lánh Trung Quốc, nhưng cả hai cũng đều không muốn thấy sự xuất hiện của một trật tự do Trung Quốc lãnh đạo ở châu Á.
Trong nhóm “Tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc thì Ấn Độ là quốc gia duy nhất không phải là đồng minh của Mỹ. Từ lâu Ấn cổ súy cho một trật tự “đa cực và công bằng”, dựa trên sự hợp tác chứ không phải là sự thống trị. Với quan điểm này, Ấn Độ dù nghiêng về Mỹ về mặt chiến lược nhưng không chấp nhận vai trò dẫn đầu của Mỹ. Trong khi đó Úc lạo cảm thấy thoải mái với vị trí dẫn đầu của Mỹ.
Hiện cả Ấn Độ và Úc đều muốn thúc đẩy phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “toàn diện” và ủng hộ các sáng kiến ngoại giao như việc Mỹ thúc đẩy nhóm “Tứ giác kim cương mở rộng” với sự tham gia của Nam Hàn, Việt Nam và New Zealand bên cạnh 4 thành viên ban đầu. Việc mở rộng này được cho là sẽ giúp cả New Delhi và Canberra củng cố mối quan hệ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh 2 cường quốc đang tịnh tiến một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.
Nhìn chung, mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Úc đã đạt được đà phát triển trong những năm gần đây. Trung Quốc và Mỹ sẽ chứng kiến Ấn Độ và Úc ngày càng xích lại gần nhau. Tất cả các Thủ tướng Úc trong thời gian qua- từ bà Julia Gillard, ông Tony Abbott cho tới ông Malcolm Turnbull đều đã thăm Ấn Độ, và ông Morrison cũng đã dự kiến chuyến công du New Delhi vào hồi tháng Một năm nay. Chuyến đi sau đó phải hủy bỏ vì nạn cháy rừng và dịch Covid-19.