- Lê Vy
Rất nhiều sản phẩm gia dụng trên thế giới có nhãn “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc), nhưng những câu chuyện đằng sau các sản phẩm này không phải ai cũng biết. Liệu người tiêu dùng sẽ cảm thấy thế nào nếu một số mặt hàng thương hiệu yêu thích của họ không được sản xuất một cách đạo đức? Hoặc nếu các vật dụng sử dụng hàng ngày như tăm và đũa không sạch như họ nghĩ?
Gần đây, Viện Chính sách chiến lược Úc đã công bố một báo cáo về việc người Duy Ngô Nhĩ bị buộc chuyển sang làm việc tại các nhà máy trên khắp Trung Quốc cho “ít nhất 83 thương hiệu nổi tiếng toàn cầu,” như Apple, Gap, Sony, Nike và Samsung.
Theo VOA News, Hiệp hội cho quyền người lao động (Worker Rights Consortium) có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng tiết lộ rằng găng tay của thương hiệu Lacoste cũng được sản xuất trong các nhà máy có người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác
Trên thực tế, thuật ngữ “cưỡng bức lao động” không phải là một chủ đề xa lạ đối với những người đã và đang theo dõi những gì xảy ra ở Trung Quốc.
Ngành công nghiệp lao động nô lệ tại Trung Quốc
Năm 2019, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo điều tra gồm hai phần, trong đó thuật lại chi tiết việc “ngành công nghiệp lao động nô lệ hậu thuẫn bởi nhà nước” đang phát triển mạnh trong các nhà tù, trại lao động và trại giam của Trung Quốc. Những người bị giam giữ thường là những tù nhân lương tâm hoặc thiểu số tôn giáo bị giam cầm cùng với các tù nhân hình sự khác.
Báo cáo đã đưa ra các dẫn chứng về việc tăm xỉa răng và đũa được những người bị giam giữ thường xuyên trong điều kiện mất vệ sinh làm ra – điều mà bất kỳ ngành nào tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức sẽ không bao giờ cho phép.
Một trong những nhóm người nô lệ chính là các học viên thực hành Pháp Luân Công, một môn tu tập dựa trên các nguyên tắc trung thực, từ bi và khoan dung. Hệ thống thiền định ôn hoà này hiện được thực hành tự do trên toàn thế giới, nhưng đã bị cấm ở Trung Quốc bởi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người đã xem nhóm thiền này như một “mối đe dọa” sau khi thấy các giáo lý đạo đức của môn tập trở nên phổ biến và được chào đón hơn cả hệ tư tưởng cộng sản. Theo dữ liệu chính thức của nhà nước Trung Quốc, 70 triệu đến 100 triệu người đã tham gia tập luyện Pháp Luân Công trong vòng 5 năm sau khi được giới thiệu vào năm 1992.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc. Kết quả là nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và đưa đến các nhà tù, trại lao động và trung tâm tẩy não.
“Vật chứa đặc biệt” và những lần đi vệ sinh bị kiểm soát
Báo cáo của WOIPFG đã trích dẫn một ví dụ về Nhà tù nữ ở Nội Mông, nơi các học viên Pháp Luân Công đã nhìn thấy các tù nhân khác đóng gói tăm trong các chậu nhỏ hoặc phân loại Quinoa (cây diệm mạch) bằng một chiếc cốc nhỏ. Đây là các vật dụng được tù nhân dùng để rửa ráy vào ban đêm.
Báo cáo nêu rõ: “Các tù nhân nhận được hai cốc nước mỗi ngày: một vào buổi trưa và một vào ban đêm. Họ sẽ dùng cốc nước vào ban đêm để rửa ráy những vùng kín trong các chậu nhỏ. Vào ban ngày, các chậu nhỏ này được sử dụng để đựng tăm hoặc phân loại Quinoa. Những loại Quinoa này thường chủ yếu dành cho xuất khẩu.”
Báo cáo cho biết việc mất nước thường xuyên xảy ra do lỗi kỹ thuật hoặc do nhân viên trại giam cố tình cắt để tiết kiệm tiền. Do đó, các tù nhân không thể rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Ngoài ra, họ chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh hai lần một ngày trong giờ làm việc. Ngoài thời gian đó, nếu họ không có tiền hối lộ các lính canh để được sử dụng nhà vệ sinh, một số người “có thể đi vệ sinh ngay trong các đống vải lớn mà lính gác không nhận ra.”
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng các công ty may mặc có thể không biết về những hành động như vậy và có thể nghĩ rằng các dấu vết trên quần áo chỉ là những vệt nước, họ không bao giờ nghĩ rằng đó là vệt nước tiểu.
Điều kiện làm việc không hợp vệ sinh
Minh Huệ Net, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ theo dõi cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, cũng đã phát hành một báo cáo tổng hợp gồm ba phần về lao động nô lệ cưỡng bức và điều kiện làm việc mất vệ sinh trong các trại giam, nhà tù ở Trung Quốc. Báo cáo dựa trên lời kể lại của các học viên về những gì họ đã chứng kiến trong các nhà tù trong khi bị giam giữ.
Báo cáo chỉ ra rằng nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh có một xưởng sản xuất quần áo quy mô lớn chuyên xuất khẩu sang các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Canada. Ngoài may quần áo, các tù nhân còn phải sản xuất nhiều loại hàng hóa bao gồm thực phẩm, giày dép, đồ lót và thậm chí cả bông gòn được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc và các nước khác.
Báo cáo lưu ý rằng nhiều tù nhân bị giam giữ trong các nhà tù và trại giam thường mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan, ghẻ, lao, hoặc thậm chí là AIDS, nhưng vẫn bị ép buộc làm việc.
Tại Trung tâm giam giữ thành phố Fushun ở tỉnh Liêu Ninh, nhiều tù nhân không hài lòng với việc bị buộc phải làm việc và trút giận trong khi đóng gói tăm.
“Những chiếc tăm bị vứt trên mặt đất. Một số tù nhân chà xát tăm bằng chân của họ, những người khác còn nhét tăm vào miệng trước khi đóng gói,” báo cáo nêu rõ.
Một số học viên Pháp Luân Công đã trốn thoát khỏi Trung Quốc cũng đã kể lại những kinh nghiệm của họ về công việc lao động nô lệ khi bị giam giữ trong các nhà tù.
Bu Dongwei, hiện đang sống ở California, nói với Radio Free Asia năm 2009 về việc anh bị buộc phải gói đũa trong trại lao động ở một căn phòng nhỏ đông đúc với các tù nhân khác. Anh bị kết án hai năm rưỡi vì tập luyện Pháp Luân Công.
Anh Bu cho biết những chiếc đũa được làm và đóng gói mà không trải qua bất kỳ công đoạn khử trùng nào. Chúng được xuất khẩu để bán trong các nhà hàng ở Mỹ. Anh nhớ lại một lần khi anh dùng bữa ở tầng dưới của Đồi Capitol, Washington, anh đã nhìn thấy loại đũa tương tự.
Mặc dù WOIPFG lưu ý rằng Mỹ đã cấm nhập khẩu hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức vào năm 2016, các nhà tù và trung tâm giam giữ ở Trung Quốc đã có thể tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm đó bằng cách “sử dụng nhiều lớp nhà thầu phụ để che giấu nguồn gốc thực sự của những sản phẩm này.”
Lê Vy (theo The Epoch Times)