Ý đồ của Bắc Triều Tiên khi quyết định cắt liên lạc với Hàn Quốc

Thu Hằng

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (T) bắt tay bà Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trong chuyến công du Seoul đầu năm 2018. YONHAP/AFP/File

Liệu những quả bóng truyền đơn của người đào tẩu Bắc Triều Tiên thả sang miền Bắc nghiêm trọng đến mức Bình Nhưỡng quyết định cắt đứt liên lạc với Seoul? Dù sao đây là nguyên nhân được chế độ của Kim Jong Un đưa ra để khẳng định “không cần phải đối thoại trực diện với chính quyền Hàn Quốc và không còn chủ đề nào để thảo luận”.

Đằng sau tuyên bố cắt đứt liên lạc với “kẻ thù” miền Nam được đưa ra ngày 09/06/2020 có lẽ là sự phẫn nộ, hết kiên nhẫn, xen lẫn lo lắng của Bình Nhưỡng. Các cuộc đàm phán quốc tế về hạt nhân Bắc Triều Tiên không tiến triển. Quốc gia khép kín nhất thế giới này vẫn chịu cấm vận nghiêm ngặt. Giao thương với Trung Quốc gần như bị ngưng trệ vì dịch Covid-19. Bắc Triều Tiên hẳn cũng bị thiệt hại về người và kinh tế do virus corona, dù không có bất cứ thông tin chính thức nào.

Lên gân” để thu hút công luận, huy động người dân Bắc Triều Tiên

Bị cả thế giới “quên” vì ưu tiên chống dịch Covid-19, có thể Bắc Triều Tiên đang cố tiếp tục thu hút chú ý với hàng loạt sự kiện từ đầu năm: Bắt đầu bằng những vụ thử tên lửa, tiếp theo là Kim Jong Un mất tích bí ẩn trong vòng ba tuần và gần đây là những phát biểu đầy khiêu khích nhắm vào chính quyền Seoul.

Theo giới chuyên gia, được nhật báo Pháp Les Echos (09/06) trích dẫn, những lời chỉ trích đầy thù nghịch gần đây nhắm đến Hàn Quốc còn nhằm kích động người dân Bắc Triều Tiên” sát cánh, đồng lòng” thể hiện bất bình của toàn dân trước tình trạng « giậm chân tại chỗ » trong các cuộc đàm phán với Seoul và Washington. Dù đã có nhiều cuộc họp thượng đỉnh, nhưng các biện pháp cấm vận đối với Bắc Triều Tiên vẫn không được giảm nhẹ, mà một trong những lý do được Mỹ nêu lên là Bình Nhưỡng không thực tâm từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia Jean Lee, thuộc Wilson Center, phân tích: “Bình Nhưỡng không bỏ lỡ cơ hội nhắc Seoul về tình trạng thiếu tiến bộ (trong các cuộc đàm phán). Bắc Triều Tiên biết rằng đây là một điểm nhạy cảm đối với tổng thống Moon Jae In, người luôn coi hòa giải với miền Bắc là một trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông”.

Củng cố “gia đình trị”, đẩy Kim Yo Jong phụ trách đối thoại với Seoul

Những chỉ trích gay gắt, những đe dọa hùng hổ và những văn bản chính thức liên quan đến Hàn Quốc trong thời gian gần đây đều có bóng dáng của Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un. Nhiều chuyên gia, được Yonhap (08/06) trích dẫn, cho rằng đó là những bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên có ý định củng cố địa vị chính trị của em gái, để Kim Yo Jong đặc trách sự vụ Hàn Quốc và tham gia vào những quyết định chính trị quan trọng.

Tuyên bố cắt đứt liên lạc với Seoul được đưa ra trong cuộc họp ngày 09/06 mà cả Kim Yo Jong, với tư cách là phó trưởng ban thứ nhất ban Tuyên Truyền Cổ Động Trung ương và ông Kim Yong Chol, phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động Bắc Triều Tiên cùng tham dự. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy em gái của Kim Jong Un có quyền hạn lớn hơn chức danh chính thức, từ lâu được coi là nhân vật số hai và là một trong những cố vấn thân cận của anh trai Kim Jong Un.

Trước đó, vai trò của Kim Yo Jong từng được khẳng định với tư cách là đặc phái viên của Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeong Chang 2018. Kết quả của chuyến đi này là ba lần thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên. Kim Yo Jong còn được dân chúng ủng hộ thông qua những cuộc tập hợp được tổ chức gần đây để phản đối truyền đơn từ Hàn Quốc tung sang, mà theo giới chuyên gia, quy mô các cuộc tập hợp như vậy chỉ dành cho các nhà lãnh đạo.

Vẫn quen với chiến lược đàm phán “vừa đấm vừa xoa”, Bình Nhưỡng hiện đang chuyển sang thế “tấn”. Dường như thời điểm cũng được cân nhắc để có trọng lượng hơn : Hai miền Triều Tiên chuẩn bị kỉ niệm 20 năm “giai đoạn hòa hoãn mới”, được đánh dấu bằng chuyến công du Bình Nhưỡng của tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung vào ngày 13/06/2000.

Related posts