Chủ tịch Thượng viện Séc lên kế hoạch thăm Đài Loan
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil hôm thứ Ba cho biết ông có kế hoạch tới thăm Đài Loan vào cuối tháng Tám tới. Taiwan News nhận định, quyết định này của ông Vystrcil sẽ chọc giận Bắc Kinh.
Nếu chuyến thăm này diễn ra, ông Vystrcil sẽ trở thành chính trị gia cao cấp nhất của Séc thăm Đài Loan. Người tiền nhiệm của ông Vystrcil, ông Jaroslav Kubera, từng lên kế hoạch tới thăm Đài Loan vào tháng Một, tuy nhiên trước đó ông đã qua đời.
Truyền thông quốc tế tiết lộ, trước khi ông Kubera mất, Đại sứ quán Trung Quốc tại Parague đã gửi thư đe dọa tới Tổng thống Séc, tuyên bố rằng “các công ty của Séc có lợi ích kinh tế ở Trung Quốc sẽ phải trả giá cho chuyến thăm Đài Loan của ông Kubera”. Vợ và con gái của ông Kubera cho biết cái chết của ông có liên quan tới các đe dọa và áp lực từ Bắc Kinh.
Mỹ thất vọng về Triều Tiên
Hoa Kỳ thất vọng về những hành động gần đây nhằm cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc của Triều Tiên và đề nghị Bình Nhưỡng nối lại hoạt động ngoại giao với Nam Hàn, Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm thứ Ba, theo Yonhap.
“Hoa Kỳ luôn ủng hộ sự tiến triển trong quan hệ liên Triều và chúng tôi thất vọng về những hành động gần đây của Triều Tiên”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng thông tấn Yonhap.
“Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên quay trở lại [với các hoạt động] ngoại giao và hợp tác”, người phát ngôn tiếp tục. “Chúng tôi vẫn phối hợp chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi trong các nỗ lực liên quan tới Triều Tiên”.
Vào sáng thứ Ba, Triều Tiên đã tuyên bố cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc với Hàn Quốc từ buổi trưa cùng ngày.
Philippines đang tôn tạo đảo Thị Tứ ở Trường Sa
Philippines có kế hoạch chi 1,3 tỷ peso (26 triệu USD) để xây dựng thêm các công trình trên đảo Thị Tứ, hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Philippines kiểm soát trên thực tế từ những năm 1970.
Trang Rappler đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Ba (9/6) tuyên bố nước này đã hoàn thành một đoạn đường nối trên bãi biển của đảo Thị Tứ, người Philippines gọi là đảo Pag-asa, từ đó cho phép vận chuyển các thiết bị xây dựng lên đảo dễ dàng hơn.
Hãng tin Bloomberg dẫn ông Lorenzana phát biểu tại một lễ khánh thành trên đảo Thị Tứ hôm thứ Ba: “Bây giờ chúng ta có thể tiến hành các các dự án khác đã được lên kế hoạch”. Ông Lorenzana nói rằng Philippines sẽ sửa chữa đường băng mà nước này xây dựng trên đảo Thị Tứ. (Chi tiết)
Nga-Trung đang ‘liên thủ’ chống lại Mỹ tại LHQ
Nga và Trung Quốc đang có những động thái phối hợp tại Liên Hợp Quốc (LHQ) để chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, tuyên bố rằng họ có thể bác bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Teheran tại hội đồng LHQ, theo Reuters.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị, đã viết thư cho Hội đồng bảo an 15 thành viên và Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, nói rằng Hoa Kỳ đe dọa phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Bức thư 27 trang của ông Lavrov được công bố trong tuần này nói rằng việc Mỹ trừng phạt Iran là hành động “vô trách nhiệm và nực cười”, trong khi từ lâu Hoa Kỳ cho rằng Tehera là thế lực đen ủng hộ các nhóm khủng bố và gây bất ổn trong khu vực.
WHO: Dễ nhiễm nCoV nhất khi cơ thể bắt đầu mệt mỏi
Các nghiên cứu cho thấy con người dễ lây nhiễm virus Vũ Hán nhất vào đúng thời điểm họ bắt đầu cảm thấy không khỏe, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thông tin hôm thứ Ba, theo Reuters.
Theo WHO, đặc điểm này gây khó cho việc kiểm soát đại dịch Covid-19, nhưng nó có thể được hạn chế thông qua các xét nghiệm và cách ly xã hội đúng cách.
Các nghiên trước đây ở Đức và Hoa Kỳ cho thấy những người cảm thấy mệt ít có thể bị nhiễm virus Vũ Hán trong khoảng từ 8-9 ngày, và những người nặng hơn thì có thể nhiễm bệnh trong thời gian ngắn hơn, bà Maria van Kerkhove, nhà dịch tễ học và chuyên gia hàng đầu của WHO, cho hay.
Thư viện Hà Lan nhận lại sách được mượn gần 40 năm
Hôm thứ Ba, một thư viện ở thị trấn Groesbeek của Hà Lan đã đón nhận sự trở lại của một cuốn sách được một người mượn trong suốt gần 40 năm, DPA đưa tin.
Thư viện nằm gần biên giới với Đức đã đăng một bức ảnh của cuốn sách và thẻ mượn lên Twitter. Tem trên thẻ mượn ghi “Ngày 05 tháng 3 năm 1981”, tính tới thời điểm cuốn sách được trả lại thì bị quá hạn 39 năm, 13 tuần và 5 ngày.
Cuốn sách bị mượn thời gian dài là một cuốn tiểu thuyết ra đời năm 1969 có tên “Terug naar Oegstgeest” của tác giả người Hà Lan Jan Wolkers.
Trung Quốc ra luật hạn chế tịch thu đất của nông dân để tránh nổi dậy
Về nội tình Trung Quốc, tờ La Croix của Pháp cho biết trước khủng hoảng kinh tế và căng thẳng xã hội ngày càng tăng cao, chính quyền đành phải xét lại việc cưỡng chế đất đai, đã gây thiệt hại cho hàng triệu nông dân từ 40 năm qua. Một luật đất đai mới nay đưa ra những quy định rõ ràng hơn.
Nếu chính sách một con từng là một trong những thảm kịch thô bạo nhất hậu mao-ít, việc tịch thu đất canh tác của hàng triệu nông dân là một trong những chủ trương tệ hại nhất trong quá trình hiện đại hóa ba thập niên qua. Phải đợi đến kỳ họp Quốc Hội vừa rồi, 3.000 đại biểu mới thông qua đạo luật nhằm ngăn ngừa nạn cưỡng chế trái phép.
Các nhà nông phải trả cái giá nặng nề cho sự cất cánh kinh tế thần kỳ của Trung Quốc từ năm 1978 : bị tịch thu đất mà hầu hết không bồi thường, để làm dự án địa ốc, kỹ nghệ, cơ sở hạ tầng. Theo giáo sư luật Kiều Sĩ Đồng (Qiao Shitong) của trường đại học Hồng Kông, “hàng năm có khoảng 100.000 đến 500.000 nông dân bị địa phương tịch thu đất bừa bãi, bất chấp quy định Nhà nước”. Và thật ra khó thể ước lượng chính xác số nạn nhân bị mất đất vì đô thị hóa, kỹ nghệ hóa : trong 40 năm qua tại Trung Quốc đã mọc lên 600 thành phố mới trong đó có 90 đô thị hơn một triệu dân.
Rất ít được nước ngoài biết đến, các cuộc nổi dậy của nông dân chống cướp đất chiếm phân nửa trong số 150.000 “sự cố xã hội” trên toàn Trung Quốc hàng năm. Những xung đột này được giải quyết riêng lẻ ở địa phương để không lây lan ra các nơi khác, nhưng sự phẫn nộ của nông dân không giảm xuống vì chính quyền tham nhũng đồng lõa với các đại gia địa ốc. Nữ luật sư Nghê Ngọc Lan (Ni Yulan) do chuyên bảo vệ dân oan đã bị bắt giam, nhà của bà ở Bắc Kinh bị ủi sập năm 2008 nhưng không thể nào kiện được vì tòa án đồng lõa với chính quyền.
Nhằm làm giảm căng thẳng, Tập Cận Bình cho thông qua luật đất đai mới, để giảm bớt sự can thiệp của chính quyền vào tư pháp. Tuy nhiên các thẩm phán luôn phải tuân lệnh của đảng Cộng Sản, như Hiến Pháp quy định. Hơn nữa, luật mới sẽ có hiệu lực từ 01/01/2021, không trừng phạt những kẻ cưỡng chế đất bất hợp pháp. Đối với luật gia Lưu Kiều (Liu Qiao), đại học Hồng Kông, “vấn đề ở Trung Quốc là không ai giám sát, thẩm phán không hành xử theo luật”.
Luật chống khủng bố mới của Philippines gây hoang mang
Còn tại Philippines, Quốc Hội hôm thứ Tư 03/06 đã thông qua một luật chống khủng bố mới gây lo ngại. Những người đối lập với tổng thống dân túy Rodrigo Duterte tố cáo một văn bản quá mơ hồ, khiến có thể bắt giam tùy tiện.
Khoảng mấy trăm người vào thứ Năm 04/06 đã biểu tình tại Manila, nơi có lệnh phong tỏa gắt gao nhất châu Á. Luật mới cho phép giam giữ nghi can đến 24 ngày không cần có trát tòa, và lập ra một Hội đồng chống khủng bố gồm các thành viên chính phủ, có thể ra lệnh bắt những ai bị nghi ngờ. Điều khoản phạt cảnh sát đến 8.500 euro/ngày nếu bắt người bừa bãi, đã bị hủy bỏ trong luật mới.
Chủ tịch tổ chức National Union of Peoples’Lawyers gồm các luật sư nhân quyền và sinh viên luật lo ngại có thể ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và tự do hội họp. Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tố cáo luật này “rất đáng lo ngại”, “trong bối cảnh các tổ chức phi chính phủ tại Philippines thường xuyên bị cáo buộc là khủng bố”. Báo cáo của Cao ủy còn nêu ra việc các NGO và nhà đấu tranh nhân quyền còn bị dán nhãn “cộng sản”, có nguy cơ bị thanh toán như những kẻ buôn ma túy. Năm 2018, bốn nhà hoạt động có tên trong danh sách bị cho là « cộng sản » đã bị ám sát.
Hàn Quốc theo Mỹ nhưng vẫn không muốn va chạm với Trung Quốc
Cũng về châu Á, Le Figaro nhận định “Hàn Quốc tìm chỗ đứng giữa Mỹ và Trung Quốc”. Tổng thống Moon Jae In nhận lời mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của ông Donald Trump vào tháng Chín ở Washington, nhưng vẫn e ngại làm mất lòng Tập Cận Bình.
Tổng thống Hàn Quốc là nhà lãnh đạo đầu tiên chấp nhận lời mời gây tranh cãi của Nhà Trắng. Dạng thức mới G7 mở rộng « có nghĩa là Hàn Quốc trở thành thành viên một hệ thống quốc tế mới được gọi là G11 hay G12 ». Một sự tự hào của nền kinh tế thứ 13 thế giới, một sự trả thù đối với Nhật Bản vốn bất ngờ trước sáng kiến của Mỹ. Seoul dấn bước vào trò chơi địa chính trị dưới cặp mắt lo ngại của Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên việc đi dây không đơn giản, giữa đối tác kinh tế hàng đầu Trung Quốc và người bảo đảm an ninh là Hoa Kỳ.
Ông Moon Jae In không bỏ lỡ dịp nào để lấy lòng ông Donald Trump, chỗ dựa cần thiết để xích lại gần với Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, Mỹ-Hàn còn ràng buộc bằng hiệp ước quốc phòng, với sự hiện diện của 23.000 lính viễn chinh Mỹ. Tuy nhiên ông không muốn chống lại người láng giềng độc đoán Trung Quốc, vẫn để ngỏ biên giới khi dịch bệnh lan tràn ở Vũ Hán, và giữ im lặng trước việc Bắc Kinh bóp nghẹt tự do Hồng Kông và bành trướng trên Biển Đông. Seoul hy vọng tiếp Tập Cận Bình từ nay đến cuối năm.
David Pierre Jalicon, chủ tịch Phòng Thương mại Pháp-Hàn nhận xét, bối cảnh địa chính trị mới, nhất là sự xuống dốc của Hồng Kông « mang lại cơ hội lịch sử cho Seoul để trở thành trung tâm khu vực ». Nhưng vì sợ làn sóng dịch bệnh thứ hai, Hàn Quốc từ ngày 01/06 lại quy định người ngoại quốc có nguy cơ bị rút giấy phép cư trú nếu ra khỏi lãnh thổ, gây bất mãn cho các nhà đầu tư.
Mỹ-Trung giao chiến, Pháp thực dụng
Nhìn chung về địa chính trị, trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Renaud Girard nhận định chúng ta đang bước vào một thế giới mà tuổi thọ các hiệp ước không lâu bền, các cường quốc thương thảo với những đồng minh tạm thời.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 06/06/2020 đã ra một thông cáo nảy lửa, trả đũa việc Bắc Kinh khai thác một cách đáng ghê tởm cái chết của công dân Mỹ da đen George Floyd. Văn bản với lý lẽ chặt chẽ là sự tấn công vào chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng Pháp không muốn theo chân đồng minh lâu đời của mình, mà có thái độ thực dụng với Bắc Kinh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 05/06 đã có cuộc điện đàm, mà theo điện Élysée thậm chí còn nói về « đối tác chiến lược toàn diện » giữa đôi bên. Đó là hợp tác chống đại dịch corona, tài trợ cho châu Phi, vấn đề môi trường (chuẩn bị COP15 về đa dạng sinh học và COP26 về khí hậu).
Một thế giới không còn đa phương, với những quan hệ chồng chéo
Trật tự dựa trên các định chế đa phương nay đã chết, các đại cường quân sự không còn phối hợp với nhau nữa. Phương Tây tiến hành cuộc chiến Kosovo (1999) và Irak (2003) không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc, Nga xâm lấn Gruzia (2008) và Ukraina (2014). Bắc Kinh bất chấp phán quyết trọng tài La Haye (2016) để quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa (2017), và mới nhất là vi phạm hiệp ước về quy chế tự trị của Hồng Kông (28/05/2020).
Trong thế giới mới ngày nay, Anh quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu nhưng vẫn tăng cường quan hệ quân sự với Pháp. Nga gây phiền phức cho Pháp ở châu Phi nhưng vẫn hợp tác chống quân thánh chiến. Ý hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ đồng thời đón chào các bác sĩ Cuba để chống Covid-19. Trung Quốc liên minh với Ấn Độ chống Hồi giáo cực đoan, nhưng lại hỗ trợ Pakistan trong hồ sơ Cachemire. Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga nhưng lại đẩy Matxcơva ra khỏi Libya.
Trong lúc Liên Hiệp Quốc bị tê liệt, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mất uy tín, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) không còn chỉ đạo được ai, Hiệp ước TPP bị bỏ rơi…chừng như đa phương chỉ còn lại nơi Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tại đây cũng có những nước Bắc Âu từ chối chia sẻ nợ nần với các nước Nam Âu, Ba Lan « đánh lẻ » với Mỹ, Đông Âu tham gia khối « 16+1 » với Trung Quốc. Đối với Pháp, cường quốc độc lập vẫn muốn đóng vai trò quốc tế, thử thách là vừa phải linh hoạt lại vừa cứng rắn trong từng hồ sơ.