- Tuyết Mai
Những năm gần đây, ĐCSTQ đang hứng chịu các đòn tấn công xung kích cả trong lẫn ngoài, chính quyền lung lay trong gió bão. Nhiều quan chức ĐCSTQ đã trốn chạy, đưa người nhà cùng tài sản ra nước ngoài với số tiền khổng lồ. Số liệu báo cáo nội bộ từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được đăng tải lên mạng khiến người ta phải giật mình. Có nhân sĩ tiết lộ hơn 85% các quan chức cấp cao của ĐCSTQ sẵn sàng từ bỏ địa vị của mình để đào thoát. Một số chuyên gia miêu tả, nhiều quan chức cấp cao đã lên kế hoạch trước cho “con tàu chìm”, sẵn sàng “nhảy khỏi khoang” trốn thoát bất cứ lúc nào.
Một năm liên tiếp đối đầu với chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, đại dịch virus corona, đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông và Đài Loan, sự hỗn loạn từ làn sóng chống đảng từ trong nước… sóng trước chưa ngơi sóng sau ập tới, chính quyền ĐCSTQ gần như kiệt sức.
Cuối tháng Năm vừa qua, ĐCSTQ thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, phá bỏ cam kết 50 năm của “Tuyên bố Trung – Anh” khiến giới quyền quý trong đảng mất ăn mất ngủ.
Đáp trả hành động “lật mặt” của ĐCSTQ, về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump lập tức đưa ra các tuyên bố tại Nhà Trắng, áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhắm vào các quan chức Trung Quốc và hủy bỏ đãi ngộ đặc biệt đối với Hồng Kông..
Chưa kể, việc ĐCSTQ áp đặt “một quốc gia, một chế độ” lên Hồng Kông cũng khiến giới quyền quý trong đảng mất ăn mất ngủ.
Đấu đá nội bộ liên miên không dứt, đặc biệt là chiến dịch “đả hổ” trong những năm gần đây cũng khiến nhiều quan chức ĐCSTQ đứng ngồi không yên. Nhiều người đã lặng lẽ tuồn tiền sang Hồng Kông, hoặc từ Hồng Kông tản ra nước ngoài. Trước kia, các quan chức còn trông chờ vào chút tự do và tư pháp tương đối độc lập của Hồng Kông, hy vọng tránh được việc bị ĐCSTQ điều tra biển thủ. Giờ đây, thứ đảm bảo này cũng không còn nữa.
Một số quan chức đã sớm đưa người thân đào thoát, qua các hình thức du học, thẻ xanh hoặc quốc tịch nước ngoài. Số này bao gồm cả các vị tiền nhiệm hoặc thậm chí đương chức trong Ủy ban Thường vụ ĐCSTQ. Tuy nhiên, nếu số quan chức này bị trừng phạt thì tài sản ở nước ngoài của họ sẽ bị đóng băng hoặc tịch biên. Người thân của họ ở nước ngoài chắc chắn không thể tránh khỏi bị liên lụy, thậm chí còn phải đối mặt với việc “bị trục xuất” mất thân phận.
Quan chức ĐCSTQ đã tích trữ bao nhiêu “vàng đen”?
Dữ liệu từ một báo cáo chính thức của Hồng Kông sẽ mở ra đáp án cho câu hỏi này.
Năm 2018, Ủy ban điều tiết chứng khoán Hồng Kông (SFC) đã công bố số liệu về quản lý tài sản, tài nguyên Hồng Kông. Trong đó giá trị tài sản được quản lý bởi các tổ chức tài chính ở Hồng Kông lên đến 3,1 nghìn tỷ USD.
Khoản tiền khổng lồ này, có đến 553 tỷ USD được ký gửi dưới dạng Quỹ tín thác. Quỹ tín thác là một cấu trúc pháp lý cho phép chủ sở hữu tài sản giao lại (ủy thác) cổ phiếu, trang sức, bất động sản… cho người khác (gọi là người được ủy thác). Nhưng người được ủy thác sẽ không trở thành chủ sở hữu mới của tài sản. Do đó người ngoài khó có thể truy tìm được số tiền này thuộc về ai.
Tuy nhiên, các tổ chức tài chính khi trình báo cáo lên Ủy ban điều tiết chứng khoán Hồng Kông (SFC) đều báo cáo địa chỉ của chủ sở hữu tài sản (settlors), chính là cá nhân hoặc tổ chức đã thiết lập ủy thác.
Theo trang tin CredereMedia (Đài Loan) trích dẫn nhận xét của Nhà xã hội học Brooke Harrington, số liệu báo cáo điều tra SFC từ các quỹ của Hồng Kông và Trung Quốc là 331 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng số quỹ tín thác 553 tỷ USD ở trên. Như vậy, quỹ tín thác của giới quyền quý Hồng Kông và Trung Quốc tương đương với GDP của Hồng Kông trong một năm.
Trang CredereMedia cho biết, khoản tiền khổng lồ này là còn chưa bao gồm các khoản tiền không được báo cáo, đây đều là tiền “bẩn” có được thông qua tham nhũng, buôn bán ma túy…
Ngoài ra, Tài liệu Panama do Công ty luật Mossack Fonseca công bố năm 2016 cũng cho thấy, một số gia tộc quyền thế có ảnh hưởng lớn về chính trị và kinh tế ở Trung Quốc cũng mở các công ty ở nước ngoài, bao gồm cả các thành viên tiềm nhiệm hoặc đương nhiệm của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Liên quan đến trung tâm bê bối rửa tiền, có 16.300 công ty vỏ bọc ở Hồng Kông đã được thành lập cho những gia tộc quyền quý này.
Tài liệu Panama (tiếng Anh: Panama Papers) là một bộ 11,5 triệu tài liệu mật được tạo ra bởi nhà cung cấp dịch vụ của công ty Panama Mossack Fonseca cung cấp thông tin chi tiết về hơn 214.000 công ty hộp thư, bao gồm cả danh sách của các cổ đông và các giám đốc. Những người và các cơ quan bị nhận diện bao gồm nhiều nhà chính trị và các tổ chức giàu có và nhiều thế lực của nhiều quốc gia.
Trước khủng hoảng của ĐCSTQ, hàng ngàn quan chức đã tẩu thoát ra nước ngoài. Theo dữ liệu khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc năm 2010, tính từ giữa những năm 90, số lượng quan chức trốn khỏi ĐCSTQ có khoảng 16.000 đến 18.000, với số tiền mang theo trên những chuyến bay đã lên tới 800 tỷ Nhân dân tệ.
Giáo sư Lâm Triết tại Trường Đảng Trung Quốc, tiết lộ tại “Lưỡng hội” năm 2010, thống kê từ năm 1995 – 2005, có đến 1,18 triệu “quan chức trần” (đã đem người thân, con cái và tài sản di tản ra nước ngoài) sẽ đào thoát bất cứ lúc nào.
Năm 2012, truyền thông Hồng Kông trích dẫn số liệu thống kê từ các cơ quan chính thức của ĐCSTQ thấy rằng, 90% người thân của các thành viên Ủy ban Trung ương đã di cư ra nước ngoài.
Một chuyên gia trong thể chế Trung Quốc Đại Lục, ông Tần Tử Lăng tiết lộ, một cuộc điều tra được tiến hành trước Đại hội toàn quốc ĐCSTQ khóa 18. Kết quả cho thấy, con cái của các ủy viên trung ương, ủy viên trù bị, thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đại hội toàn quốc ĐCSTQ khóa 17, đã mua nhà định cư ở nước ngoài, số lượng quan chức chuẩn bị bỏ trốn chiếm hơn 85%.
Năm 2016, theo thống kê báo cáo số liệu chuyến bay, vụ mất tích và tự tử của các quan chức ĐCSTQ gây sốc trong nội bộ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã được đăng tải lên mạng (được đính kèm cuối bài viết).
Tháng 11/2016, chuyên gia Bắc Kinh Trần Vĩnh Miêu (Chen Yongmiao) thông qua truyền thông Hồng Kông cho biết, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang che giấu “kế hoạch tàu chìm”. Các quan chức này “giết gà lấy trứng”, vắt kiệt giá trị thặng dư của xã hội, mở đường lui cho chính họ bằng tiền của người dân, sau đó nhanh chóng bỏ trốn.
Bài báo nói rằng chủ nghĩa tư bản quyền quý của chế độ Cộng sản Trung Quốc sẽ biến Trung Quốc thành một quốc gia phát xít, gây ra thảm họa lớn cho quốc gia Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ cũng có kế hoạch “tàu cứu hộ ngày cuối”: hối lộ quốc gia đã nhận xong, rửa tiền cũng đã rửa sạch sẽ, vào ngày cuối cùng đó, lập tức kích hoạt hệ thống tự hủy hồ sơ lưu trữ (mạng lưới quốc gia), triệt tiêu mọi nguy hiểm từ Tài liệu lưu trữ lịch sử, và sau đó toàn bộ gia đình chức sắc rút ra nước ngoài tị nạn, đảm bảo an toàn và giàu có cho mấy đời nhà quan. Người dân Trung Quốc sau đó sẽ chỉ còn là một ngôi nhà bị phá hủy.
Tuyết Mai