- Thiên Bình
Nhân ngày kỷ niệm 31 năm xảy ra thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989, cầu thủ bóng đá nổi tiếng Trung Quốc Hác Hải Đông đã công khai kêu gọi lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đã nhận được hưởng ứng của số lượng lớn người dân Trung Quốc. Hiện nay, Hác Hải Đông đã trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi khắp thế giới.
Đội Bát Nhất (Bayi) bóp chết “giấc mơ du học”
Hác Hải Đông sinh ngày 9/5/1970, là người Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông. Tháng 10/1980, ông được chọn vào đội bóng đá thiếu niên Bát Nhất (Bayi) thuộc quân đội ĐCSTQ, sau đó 6 năm ông gia nhập đội bóng thành niên. Năm 1992, ông được chọn vào đội tuyển quốc gia và tham dự Asian Cup cùng năm. Do Hác Hải Đông sở hữu kỹ thuật chơi bóng xuất sắc, cảm giác vị trí nhạy bén và sức bật nhảy nổi trội nên đã nhanh chóng nổi tiếng trong làng bóng đá Trung Quốc.
Năm 1995, Hác Hải Đông đã có được cơ hội tuyệt vời trong đời: gã khổng lồ của Nam Mỹ là Peñarol ở Uruguay hy vọng có được ông với khoản phí chuyển nhượng 500.000 USD (Đô la Mỹ) và mức lương hàng năm của là 200.000USD. Khi đó, bóng đá Trung Quốc chưa có cầu thủ nào ra nước ngoài thi đấu, lời đề nghị này có thể nói là đặc biệt tuyệt vời, nhưng cuối cùng đã bị đội Bayi từ chối và đã giấu nhẹm thông tin này không cho Hác Hải Đông biết. Vậy là “giấc mơ du học” của ông bị bóp nghẹt mà ông không hay biết.
Sau khi biết tin này ông đã bị sốc. Vào tháng 1/1997, Hác Hải Đông quyết định chuyển đến Vạn Đạt (Wanda) ở Đại Liên. Năm đó tại vòng 17 giải bóng đá quốc gia Jia A League, ông đã ghi 4 bàn trong trận đấu giữa Vạn Đạt Đại Liên và Hồng Nguyên Quảng Đông, giúp đội nhà giành chiến thắng 5-2, cũng là cú hat-trick đầu tiên trong lịch sử giải bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc.
Từng là tiền đạo hay nhất của bóng đá Trung Quốc
Năm 1998, Hác Hải Đông bước vào thời kỳ đỉnh cao ở tuổi 28. Ông không chỉ nhanh mà còn có khả năng đá bóng vào khung thành vừa mạnh lại chính xác, phạm vi hoạt động rất rộng. Là một tiền đạo, ông thường có thể kiềm chế được hai cầu thủ phòng ngự đối phương. Khi đó ông luôn là nòng cốt của đội bóng, dù ở câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia.
Năm 2002, Hác Hải Đông tham gia World Cup đồng tổ chức Nhật Bản – Hàn Quốc. Năm 2004, ở tuổi 34, ông tiếp tục là tiền đạo số một của đội tuyển Trung Quốc tham dự Asian Cup tại Trung Quốc, thời gian này có lúc bị chấn thương nhưng ông vẫn quyết tham gia trận chung kết với Nhật Bản. Năm 2005, Hác Hải Đông giải nghệ. Trong sự nghiệp của mình, ông đã chơi tổng cộng 178 trận, ghi 97 bàn, ghi trung bình 0,54 bàn/trận; chơi 107 trận cho đội tuyển quốc gia, ghi 41 bàn, trung bình 0,38 bàn/trận. Số liệu thống kê này cho thấy ông là một tiền đạo sáng chói, bất kể đối với đội tuyển Trung Quốc hay các nước châu Á khác.
Năm 2005, mặc dù Hác Hải Đông chuyển đến đội bóng Sheffield United của Ngoại hạng Anh với số áo là 39, nhưng ông chưa từng được ra sân, đối với ông chuyến đi chỉ giúp thực hiện được giấc mơ ra nước ngoài.
Nổi tiếng với biệt danh “Hác Đổng” và “Hác Đại Pháo”
Sau khi giải nghệ, Hác Hải Đông không chuyển sang làm huấn luyện viên. Từ cuối năm 2007 đến cuối năm 2012, ông từng là tổng giám đốc của câu lạc bộ bóng đá “Tùng Giang – Thiên Tân”. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, giá trị của ông đã vượt quá tỷ nhân dân tệ, được mọi người tôn là “Hác Đổng”.
Vì nhiều năm qua, Hác Hải Đông thường chỉ trích thực trạng yếu kém và tham nhũng trong Hiệp hội bóng đá Trung Quốc, luôn lên tiếng cho những người thiệt thòi, vì vậy ông còn được ví von là “Hác Đại Pháo”.
Đối với thành tích kém cỏi của bóng đá Trung Quốc, Hác Hải Đông thẳng thừng tuyên bố rằng đó là một vấn đề của hệ thống quản trị. Ông chỉ ra: “Không có ai trong Liên đoàn bóng đá thực sự hiểu bóng đá”, “Những đội bóng họ thành lập đều là đội điền kinh”, “Họ chỉ đang kiếm vốn liếng chính trị”, “Đội tuyển quốc gia dưới sự điều hành mờ ám thì còn hy vọng gì”.
Tiếng vang trong Ngày tưởng niệm thảm họa Thiên An Môn 4/6
Vào ngày tưởng niệm 31 năm biến cố Thiên An Môn 4/6 năm nay, Hác Hải Đông đang sống ở Tây Ban Nha đã công khai đọc “Tuyên ngôn liên bang Trung Quốc mới”, tố cáo rằng “Chế độ độc tài toàn trị của ĐCSTQ không quan tâm nhân quyền, hủy hoại tính người. Lật đổ ĐCSTQ là nhu cầu của chính nghĩa”. Ông kêu gọi mọi người Trung Quốc và trên khắp thế giới “không thể để ĐCSTQ biến mình thành nô lệ”.
Tuyên bố của Hác Hải Đông đã gây tiếng vang cả trong và ngoài nước, thu hút các phương tiện truyền thông nước ngoài như Reuters, New York Times và Tiếng nói nước Đức (DW) đưa tin. Theo tài khoản Twitter “Sự thật Tài chính” (Caijingxiang), lượng tìm kiếm về “Hác Hải Đông” vào ngày 4/6 trong WeChat cao đến 9,87 triệu lượt, so với vào ngày 3/6 là 430.000 lượt, chỉ trong một ngày đã tăng 2195,34%.
Tuy nhiên, sau khi Hác Hải Đông công khai đoạt tuyệt ĐCSTQ thì tài khoản Weibo của ông với gần 7,7 triệu người theo dõi đã bị quản lý mạng internet Đại Lục ngăn chặn. Trên hệ thống internet Đại Lục, các nội dung thảo luận về Hác Hải Đông cũng hiển thị “nội dung bị xóa”. Tất cả các khu vực thảo luận cũng bị cấm thảo luận về Hác Hải Đông. Một số phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc thậm chí thay thế tên đầy đủ của “Hác Hải Đông” bằng “H”.
Vợ của Hác Hải Đông: Trời đã ban cơ hội cho chúng tôi
Ngoài ra, người vợ Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoying) của Hác Hải Đông từng vô địch cầu lông thế giới cũng bày tỏ tâm trạng chán ngán về chế độ toàn trị tại Trung Quốc hiện nay.
Tháng Sáu năm nay bà cũng công khai tuyên bố, “Tôi vui mừng vì tôi và chồng rất thống nhất trong quan điểm chính trị, chúng tôi có chung một lý tưởng: chứng kiến ĐCSTQ tà ác sụp đổ, người Trung Quốc được thực sự sống cuộc sống hạnh phúc có dân chủ, tự do, pháp trị và nhân quyền, tin rằng ngày này sẽ sớm đến.”
Bà cũng nói, “Thực ra sẽ luôn có người đứng lên tố cáo, nếu không phải chúng tôi đứng lên tố cáo cũng sẽ có người khác đứng lên, đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, chúng tôi được Trời trao cơ hội này.”
Thực tế trong quá khứ, việc Diệp Chiêu Dĩnh thu hút sự chú ý của công luận xuất phát từ một sự kiện tại Thế vận hội Sydney 2000, khi đó huấn luyện viên Trung Quốc Lý Vĩnh Ba (Li Yongbo) đã muốn bà thua đồng đội trong trận bán kết, để cho đội Trung Quốc có được cơ hội cao nhất giành huy chương vàng. Về vấn đề này, Diệp Chiêu Dĩnh nói rằng bà buồn nhưng buộc phải nghe lệnh. Cuối cùng đội Trung Quốc đã giành huy chương vàng, nhưng Diệp Chiêu Dĩnh chỉ giành được huy chương đồng. Sau Thế vận hội, bà tuyên bố giải nghệ khi chỉ mới 26 tuổi.
Thiên Bình