THANH PHONG
Trung Tá Bùi Quyền, một sĩ quan QL/VNCH văn võ song toàn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
WESTMINSTER – Cựu Trung Tá Nhảy Dù Bùi Quyền, nguyên cựu học sinh Trường Trung Học Chu Văn An, Thủ Khoa Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Cựu Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, Cựu Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, sinh ngày 30 tháng 4, 1937 tại Hà Nội, từ trần ngày 30 tháng 5, 2020 tại Orange County, California. Hưởng thọ 83 tuổi. Tang lễ được cử hành trưa thứ Tư, 10 tháng 6, tại Peek Funeral Home, 7801 Bolsa Ave, Westminster.
Vì ông Bùi Quyền là một Phật tử có pháp danh Phổ Thế, nên trước khi an táng bà quả phụ Trần Quế Mai và gia đình đã mời Trưởng lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Viện Chủ chùa Liên Hòa, Phó Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới cùng một số chư Tăng, Ni đến nhà quàn làm lễ cầu siêu. Mặc dù còn đang trong đại dịch Covid -19 nhưng ngoài tang gia còn một số đông các cựu giáo sư và học sinh Trường Chu Văn An, các đồng môn khóa 16 Võ Bị, một số đại diện Khóa 17 Võ Bị và các chiến hữu Nhảy Dù cùng thân hữu đã đến tham dự Tang Lễ.
Sau lễ Cầu Siêu, mũ đỏ Vũ Long Sơn Hải điều động một toán quân nhân Nhảy Dù với quân phục chỉnh tề đến trước linh cữu Trung Tá Bùi Quyền, mũ đỏ Vũ Long Sơn Hải tuyên đọc tiểu sử cố Trung Tá và sau đó toán quân danh dự cử hành nghi thức phủ cờ trên quan tài cố Trung Tá Bùi Quyền theo lễ nghi quân cách với tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ.
Sau nghi thức phủ cờ, giáo sư Trần Huy Bích, một người bạn rất thân với cựu Trung Tá Bùi Quyền tiếp tục phụ trách phần còn lại của tang lễ. Giáo sư lần lượt mời các vị đại diện Gia Đình Mũ Đỏ Nam, Bắc Cali, Trung Tá KQ Võ Ý, đại diện Khóa 17 và vị đại diện Mũ Đỏ VNCH toàn thế giới lên ngỏ lời phân ưu với tang quyến. Giáo Sư Trần Huy Bích cũng cho biết, giáo sư Vân Bằng (Trưng Vương) phu nhân ông chánh án Nguyễn Trọng Nho (CVA) đã nhờ giáo sư chuyển lời phân ưu đến tang quyến vì hai ông bà đang ở xa không thể đến tham dự tang lễ.
Tiếp đến, giáo sư Bích giới thiệu anh Bùi Quang, Trưởng Nam của cố Trung Tá Bùi Quyền lên chia sẻ tâm tình của một người con vừa vĩnh viễn phải xa lìa bố. Lời chia sẻ của anh Bùi Quang được giáo sư Bích chuyển dịch sang tiếng Việt. Trong đó, anh Bùi Quang nhắc lại khi hai anh em (Bùi Quang, Bùi Tường) vừa mới 4, 5 tuổi được bố thu xếp cho ba mẹ con ra khỏi Việt Nam trong biến cố 30.4.1975, còn bố ở lại.
Anh Bùi Quang, Trưởng Nam cố Trung Tá Bùi Quyền, chia sẻ tâm tình của một người con vừa phải vĩnh viễn lìa xa bố. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Anh Quang kể, “Lúc đó, là một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình chỉ có người mẹ với những chật vật, khó khăn về tài chánh, con đã không hiểu tại sao một người chồng, một người cha lại có thể hành động như thế. Ý nghĩ ấy đã khiến con vừa buồn vừa hơi giận. Khi lớn thêm, con học được những ý niệm về nghĩa vụ, danh dự và liêm chính, con hiểu biết hơn, và chấp nhận được rằng trong ngày định mệnh ấy Bố không còn lựa chọn nào khác khi đưa vợ và hai đứa con nhỏ lên chiếc máy bay thóat ra khỏi một quốc gia sắp không tồn tại nữa. Con hổ thẹn với những cảm xúc khi còn nhỏ, vì con hiểu được rằng Bố phải ở lại, phải làm tròn nhiệm vụ hướng dẫn những binh sĩ dưới quyền, và bảo vệ một chính phủ Bố đã tuyên thệ sẽ phụng sự.”
Anh Bùi Quang cũng nhắc lại sự kiện hết sức đặc biệt, một kỷ niệm tuyệt vời với bố, đó là khi anh được Đại Tá Masuoka của Không Lực Hoa Kỳ (sau này trở thành bạn thân của gia đình anh) giúp hai anh em anh vào Học Viện Không Lực của Hoa Kỳ U.S. Air Force Academy ở Colorado Springs, tiểu bang Colorado. Khi ra trường anh đậu Á Khoa. Trước ngày mãn khóa, Vị Chỉ Huy Trưởng của trường gọi anh lên và nói, “Anh là người Việt Nam tỵ nạn, mới qua đây mà đã thành công rực rỡ. Anh có nhu cầu gì đặc biệt có thể cho tôi biết, nếu làm được, tôi sẽ cố gắng giúp anh toại nguyện.”
Vị tân sĩ quan phi công trả lời, “Tôi chỉ có một ước vọng duy nhất là được nhìn thấy bố tôi ngồi trên khán đài dự lễ gắn lon của tôi.”
Với một ước vọng khiêm tốn nhưng khó lòng thực hiện vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới thả bố anh ra sau 13 năm “tù cải tạo” với nhiều lần bị biệt giam. Nhưng viên Tướng Hoa Kỳ không ngại khó, ông đã trình lên với Tổng Thống George H.W Bush, vị Tổng Thống thứ 41 của Hoa Kỳ đã làm áp lực buộc nhà cầm quyền CSVN phải cho Trung Tá Bùi Quyền sang Hoa Kỳ dự lễ ra trường của con trai ông. Và ông đã được máy bay đưa từ Việt Nam đến ngay phi trường Colorado Springs.
Tại phòng Khánh Tiết của phi trường, các Tướng, Tá Mỹ có mặt khá đông và lát sau, Tổng Thống Bush tới, bắt tay khen ngợi Trung Tá Bùi Quyền và đích thân gắn lại các huy chương của Hoa Kỳ đã trao tặng và vinh danh cho ông khi ông còn đang chỉ huy Tiểu Đoàn 5 và Lữ Đoàn 3 Dù VNCH. Sau đó, Trung Tá Bùi Quyền tháp tùng Tổng Thống Bush tới dự lễ gắn lon cho con trai ông.
Trong phần cuối lời chia sẻ tâm tình của mình, anh Bùi Quang nói, “Thưa Bố, con rất hãnh diện là con trai của Bố, và chỉ hy vọng rằng con có thể sống một cuộc đời theo đúng những nguyên tắc mà Bố đã sống, và sẽ truyền cái di sản tinh thần trong nghĩa vụ, danh dự và liêm chính ấy cho các cháu của Bố. Di sản tinh thần của Bố trong cộng đồng người Việt rất mạnh và vững chắc. Mọi người gọi Bố là Anh Hùng Mũ Đỏ. Sự kính ngưỡng ấy kỳ diệu biết chừng nào! Con không nghĩ được một từ nào thích hợp hơn để mô tả một người đã sống một cuộc đời thực sự anh hùng.”
Trường Trung Học Chu Văn An, trước kia gọi là trường Bưởi ở Hà Nội, sau 1954 trường di cư vào Saigon và là ngôi trường đào tạo rất nhiều nhân tài cho Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có cựu Trung Tá Bùi Quyền và nhiều, rất nhiều nhân tài khác như Đại Tá Trần Minh Công (Viện Trưởng), Trung Tá Phạm Công Bạch (Phó Viện Trưởng) Học Viện CSQG/VNCH, Trung Tá Trần Đăng Khôi (Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù), nhà văn Song Thao, GS Trần Huy Bích (Giáo Sư Văn Hóa Vụ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam), GS Phạm Văn Quảng (Hiệu Trưởng Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức), nhà văn Nguyễn Tiến Đức, ông Cò Quận Nhì Trần Thụy Ly, v.v..
Trong tang lễ, Đại Tá Trần Minh Công, người bạn thân cùng lớp với ông Bùi Quyền tại Trường Trung Học Chu Văn An lên có đôi lời như sau, “Kính thưa chị Bùi Quyền, thưa hai cháu Quang, Tường và toàn thể tang gia. Trước hết tôi xin được đại diện cho một số người để được chia buồn với chị và các cháu. Trước hết là đại diện cho cựu Đại Sứ Bùi Diễm, ĐS Bùi Diễm năm nay đã 96 tuổi, vì không thể di chuyển được nên không thể có mặt dự tang lễ mặc dầu ông là niên trưởng của gia đình họ Vũ tại hải ngoại. Đại Sứ Bùi Diễm với Bùi Quyền là anh em thúc bá, con chú con bác. Đại Sứ Bùi Diễm đã nhờ tôi chuyển lời chia buồn của ông đến chị và các cháu.
Các chiến hữu Mũ Đỏ cử hành nghi thức phủ cờ trên quan tài cố Trung Tá Bùi Quyền (Thanh Phong/ Viễn Đông)
“Người thứ hai rất thân thiết với anh Bùi Quyền đã từng phục vụ Sư Đoàn Nhảy Dù 10 năm với anh Bùi Quyền và cũng là bạn học cùng lớp với Bùi Quyền đó là y sĩ Trung Tá Vũ Khắc Niệm, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y, Sư Đoàn Nhảy Dù. Người kế tiếp là GS Nguyễn Bát Tuấn học cùng lớp với Bùi Quyền hiện đang ở Úc. Người nữa là anh Đỗ Đăng Cam cùng bạn Võ Bị rất thân cận với Bùi Quyền và cũng đang ở Úc quá xa nên không về tham dự tang lễ được.
“Hai người bạn học thân với Bùi Quyền và chúng tôi khi đang còn học ở Chu Văn An đó là GS Phạm Văn Quảng và nhà văn Song Thao – Tạ Trung Sơn, cả hai vị đang ở Canada. Người kế tiếp cũng thân thiết với Bùi Quyền và cũng đã từng phục vụ Nhảy Dù một thời gian đó là Thiếu Tá Trần Thụy Ly (Khóa 13 Võ Bị Đà Lạt) ở Washington D.C. Kế tiếp là GS Vũ Tường của Đại học Oregon, ông và các giáo sư Hoa Kỳ là những người đã tổ chức các buổi hội thảo về kinh nghiệm , lịch sử chiến tranh VN từ năm 1955 cho đến năm 1975 thuộc các đại học Oregon, Berkeley và Cornell.
“Nhóm của GS Vũ Tường và các giáo sư ở Berkeley và Cornell và ông Hoàng Đức Nhã (cựu Tổng Trưởng Dân Vận), ông Nguyễn Đức Cường (cựu Tổng Trưởng Kinh Tế) có nhờ tôi chuyển hai cuốn sách ghi lại những nỗ lực phát triển và xây dựng Dân Chủ tại VNCH trong thời chiến, trong đó bạn Bùi Quyền có viết một bài rất có giá trị về kinh nghiệm của một chiến binh VNCH trong thời chiến bằng tiếng Anh và họ nhờ tôi chuyển giao hai cuốn sách này cho hai cháu là Quang và Tường cũng là sĩ quan tốt nghiệp trường Không Quân Hoa Kỳ.”
Sau đó, Đại Tá Trần Minh Công đã đọc Thư Phân Ưu của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hải Quân Thuộc Bộ Hải Quân Hoa Kỳ gửi bà quả phụ Bùi Quyền và Tang Quyến. Trong thư, ông Mark E. Fiorey, Phó Giám Đốc Trung Tâm Sử Liệu Hattendorf ngoài lời chia buồn sâu xa nhất gửi đến bà quả phụ Bùi Quyền và tang quyến, ông viết, “Tôi được biết Trung Tá Bùi Quyền trong một thời gian rất ngắn, nhưng dù ngắn ngủi chúng tôi cảm thông ngay. Là sử gia tại Viện Nghiên Cứu về Chiến Tranh của Hải Quân Hoa Kỳ, cuộc chiến Việt Nam luôn là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Qua bao nhiêu năm tôi vẫn thường tự hỏi không biết những cựu chiến binh Việt Nam ở Hoa Kỳ giờ ra sao, biết rằng họ không được nhìn nhận công lao và hỗ trợ như những cựu chiến binh Hoa Kỳ.
“Vì vậy hai năm trước đây tôi đã quyết định nghiên cứu về đề tài này. Sự tìm tòi khắp nơi đã đưa tôi đến Viện Bảo Tàng Việt Nam tại thành phố San Jose, California nơi tôi đã được vinh dự phỏng vấn Trung Tá Bùi Quyền. Lòng tốt và tính thẳng thắn cũng như trí nhớ rất sống động của ông về cuộc đời của một chiến binh Nhảy Dù VNCH cũng như cuộc sống của ông sau cuộc chiến thật là hấp- dẫn và đúng là phong cách của một người chiến binh thực sự.”
Một lá thư Phân Ưu khác ký tên Trung Tá David R.Siry, Giám Đốc Trung Tâm Sử Liệu Phân Khoa Sử Học, Trường Võ Bị West Point gửi ông Bùi Tường cũng được Đại Tá Trần Minh Công chuyển ngữ sang tiếng Việt và ông tuyên đọc: “Tôi rất đau buồn nhận được tin qua đời của thân phụ ông. Tôi thật vui đã được nói chuyện cùng Trung Tá Bùi Quyền hồi tháng Một (January) vừa qua. Tôi đã nghe đi nghe lại cuộc phỏng vấn với ông và tôi thật thán phục ông trong cương vị một cấp chỉ huy tài giỏi tại chiến trường. Tôi vẫn muốn được phỏng vấn Trung Tá Bùi Quyền thêm nữa vì tôi nghĩ rằng mình mới chỉ ghi lại được một phần câu chuyện của ông. Tôi thực sự muốn nghe thêm để có thể biết tại sao thuộc cấp của ông lại tuân phục và kính trọng ông như vậy.
“Tôi được biết Trung Tá Bùi Quyền được nhìn nhận là một cấp chỉ huy lỗi lạc, không những trong Quân Lực VNCH mà còn cả đối với các cấp chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ. Điều này được minh chứng qua các huy chương mà ông đã được trao tặng. Điều đặc biệt nữa mà tôi nhận ra ở ông là ông luôn hãnh diện về gia đình và ngôi trường Võ Bị Đà Lạt nơi đã đào luyện ông thành một sĩ quan Quân lực VNCH. Một lần nữa xin nhận nơi đây lời Chia Buồn của tôi.”
Tiếp đến, cựu Trung Tá Không Quân Lại Quốc Ấn, đại diện các bạn đồng môn Chu Văn An lên chia buồn cùng tang quyến Trung Tá Bùi Quyền.
Sau khi đại diện một số người chia buồn vời bà quả phụ Bùi Quyền và tang quyến, Đại Tá Trần Minh Công đến trao hai cuốn sách Kinh nghiệm Chiến Tranh VN, trong đó có bài viết rất giá trị của ông Bùi Quyền cho hai người con trai ông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Nhà văn Song Thao trong bài viết có tựa đề “Bùi Quyền, Đã Sống Như Thế,” có đọan ông viết: “Quyền là một quân nhân quả cảm, luôn có mặt tại tuyến đầu của các trận chiến ác liệt nhất. Nhưng ít ai biết Quyền là hậu duệ của một dòng dõi văn học nổi tiếng. Anh là con của cụ Bùi Nam, em cùng cha khác mẹ với cụ Bùi Kỷ. Một chị gái của cụ Bùi Nam, bác ruột của Bùi Quyền, kết hôn với cụ Trần Trọng Kim. Hai người không có con trai nên cụ Trần Trọng Kim coi Quyền như con nuôi. Quyền vào quân trường đúng lúc. Khóa 16 là khóa đầu tiên của trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt đổi mới.
“Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ký một sắc lệnh vào ngày 29/7/1959 đổi tên trường thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Chương trình học kéo dài trong ba năm, vừa học văn hóa, vừa tập quân sự. Đây là một thứ West Point Việt Nam. Khi tốt nghiệp, ngoài phần quân sự, các sĩ quan của trường có trình độ Đại Học năm thứ hai. Khóa 16 đổi mới này bắt đầu vào ngày 23.11.1959 với các sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng qua một cuộc thi tuyển. Chuyện chi cũng vậy, khởi đầu thường là thứ khuôn mẫu. Ngày nhập học có 326 khóa sinh nhưng ngày ra trường 22.12.1962 chỉ còn 226 sĩ quan tốt nghiệp. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đích thân tới chủ tọa lễ ra trường và gắn lon Thiếu Úy cho thủ khoa Bùi Quyền.”
Đại Tá Trần Minh Công nói với Viễn Đông, “Với tôi, Bùi Quyền vừa là bạn thân, vừa là người tôi ngưỡng mộ, Bùi Quyền đúng là một sĩ quan QL/VNCH văn võ song toàn. Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Bùi Quyền và Trần Đăng Khôi, hai người bạn cùng học Chu Văn An; một người là Lữ Đoàn Trưởng, một người là Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, cả hai đều có phương tiện bay ra nước ngoài nhưng hai người nhất quyết ở lại bảo vệ thủ đô Saigon để cuối cùng, phải cùng nhau vào tù.
“Anh Bùi Quyền cũng đã viết sách và đi diễn thuyết ở nhiều trường Đại Học Hoa Kỳ để cho chính giới Hoa Kỳ và người Mỹ biết chính xác về cuộc chiến Việt Nam, nhất là về tinh thần chiến đấu anh dũng của QL/VNCH; không như những lời xuyên tạc, bóp méo lịch sử của bọn phản chiến và nhà cầm quyền CSVN. Đó là những người có khí phách, có tinh thần trách nhiệm của người sĩ quan QL/VNCH nên tất cả anh em chúng tôi có mặt khá đông đủ trong ngày tang lễ anh, dù luật lệ vẫn còn hạn chế tụ họp đông người đối với dịch bệnh Covid-19.”
Sau tất cả các nghi thức và lời cảm tạ của gia đình Trung Tá Bùi Quyền, quan tài cố Trung Tá Bùi Quyền được hỏa thiêu lúc 2 giờ chiều thứ Tư trước sự bùi ngùi thương mến của gia đình, bạn hữu và đồng đội.