Tin thế giới sáng Chủ Nhật 14/6

Thụy My

Nước Mỹ hỗn loạn, tổng thống Trump vẫn sẽ chiến thắng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi tiếp các đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại Nhà Trắng, ngày 10/06/2020. © REUTERS/Kevin Lamarque

Trong bài “Donald Trump, tổng thống hạnh phúc với sự hỗn loạn”, L’Express đặt câu hỏi, trong đất nước đầy loạn lạc hiện nay, ông Trump đã bị mất kiểm soát chăng? Tuần san cảnh báo, đừng quên rằng tổng thống đương nhiệm rất thích xung đột.

Các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc tại Mỹ chiếm trang nhất và là hồ sơ chính của nhiều tuần báo kỳ này. Trang bìa của The Economist chạy hàng tựa lớn “Sức mạnh của phản kháng” trên nền đen, với hình vẽ một người da màu mang khẩu trang, trong tư thế quỳ gối. Cũng trên nền màu đen, Courrier International đăng ảnh một người biểu tình, chạy tựa “Nước Mỹ nổi dậy”. L’Obs đưa ảnh chân dung nghệ sĩ da đen Pháp Omar Sy, người đã đưa ra lời kêu gọi chống bạo lực cảnh sát tuần trước. L’Express dự báo “Và rốt cuộc người thắng là Trump”. Riêng Le Point kỳ này là số chuyên đề “Địa ốc: Nên sống ở đâu”.

Hoa Kỳ, đất nước đang trên thùng thuốc súng

Hồ sơ của Courrier International  trích dịch các bài viết của nhiều tờ báo Mỹ và Anh. The New York Times nói về “Một đất nước đang trên thùng thuốc súng”. Thất nghiệp hàng loạt, bất bình đẳng tăng lên do đại dịch, cực hữu không bị ngăn trở và tổng thống thì sẵn sàng đổ dầu vào lửa: tất cả khiến cho nước Mỹ có thể bốc lửa.

Financial Times cho rằng “Bị ám ảnh với việc tái đắc cử, ông Trump thu hút ngọn lửa”: với một tổng thống gây chia rẽ, mùa hè này tại nước Mỹ có thể hỗn loạn. The Atlantic nhận định, phong trào phản kháng sẽ không dừng lại, và có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11. Tờ Star Tribune tả lại đám tang hoành tráng của George Floyd, với sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng, trong bài viết mang tựa đề “Vinh danh một người khổng lồ”. Los Angeles Times kêu gọi một sự thay đổi triệt để trong xã hội Mỹ với bài “Chúng ta sẽ không đi thụt lùi”.


Wall Street Journal đặt câu hỏi, hàng ngàn tỉ đô la đổ ra cho phúc lợi xã hội đã thay đổi được gì? Hầu như không có chuyển biến nào từ năm thập niên qua: nghèo khổ, tội phạm…vẫn phổ biến tại các khu phố đã nổ ra các vụ nổi dậy hồi năm 1968, nơi vẫn do phe Dân Chủ lãnh đạo. Thất bại của mô hình cánh tả khiến họ quay sang tố cáo sự thiếu vắng “công lý”. Chiến lược này đã thành công, với những người biểu tình ở Paris và Berlin giảng bài học đạo lý về phân biệt chủng tộc cho Hoa Kỳ. Người Mỹ dù bất kỳ màu da nào nghĩ gì về các sự kiện mới đây? Không đơn giản là việc chọn lựa giữa Joe Biden và Donald Trump, mà tầm vóc vấn đề đã vượt quá hai nhân vật này.

Donald Trump lỗi hẹn với lịch sử?

L’ Express cho rằng “Donald Trump đã lỡ hẹn với lịch sử”. Sau cái chết của công dân da đen George Floyd vì bị một cảnh sát đè nghẹt thở, tổng thống Hoa Kỳ lẽ ra đã phải đóng vai người tập hợp toàn dân, nhưng ông lại thổi bùng ngọn lửa phản kháng.

Hình ảnh các quân nhân canh gác quanh Nhà Trắng đã gây sốc cho không ít người Mỹ. Ngay cả Franklin Roosevelt sau vụ tấn công bất ngờ của Nhật ở Trân Châu Cảng tháng 12/1941 cũng đã từ chối cho xe tăng trấn giữ Tòa Bạch Ốc, vì không muốn mang lại ấn tượng một nền dân chủ bị bao vây. Nhưng tổng thống đương nhiệm không ngại điều này, vì ông thích hình ảnh một “tổng thống thời chiến”.

Lần này kẻ thù không còn là người tiến hành thủ tục truất phế ông Trump ở Quốc Hội hay Tập Cận Bình, mà là một phong trào không tên nhưng trải rộng trên toàn quốc. Còn 5 tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, ông Trump có thể nhìn nhận “mạng sống của người da đen cũng quan trọng”, và cải cách ngành cảnh sát. Nhưng ông lại hướng về những người ủng hộ trung thành của mình, da trắng và bảo thủ, nhấn mạnh đến “luật pháp và trật tự”, chỉ trích sự yếu kém của các thống đốc Dân Chủ.

Trong lịch sử Mỹ, cử tri không bao giờ thay đổi tổng thống khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh. Ông Lincoln tái đắc cử trong cuộc Nội Hoa Kỳ, Roosevelt khi khởi đầu Đệ nhị Thế chiến và George W.Bush đã đánh bại John Kerry trong cuộc xung đột Irak. Ông Trump hiểu điều này, và hôm 05/05 khẳng định người Mỹ “phải tự coi là những chiến binh”, làm cho những người ủng hộ của ông rất hài lòng.

Tổng thống của sự hỗn loạn luôn sẵn sàng thượng đài

Trong bài “Donald Trump, tổng thống hạnh phúc với sự hỗn loạn”, L’Express đặt câu hỏi, trong đất nước đầy loạn lạc hiện nay, ông Trump đã bị mất kiểm soát chăng? Tuần san cảnh báo, đừng quên rằng tổng thống đương nhiệm rất thích xung đột.

Đối với nhà sử học Nicole Bacharan, “Donald Trump đưa chúng ta ra khỏi lãnh vực chính trị để bước vào tâm lý học”, bởi vì ông sống với sự đối đầu thường trực. Sau vài từ hòa dịu về George Floyd, Trump liền đả kích người biểu tình là nổi dậy, tội phạm, vô chính phủ, chống phát-xít, khủng bố.

Giáo sư tâm lý Dan P.McAdams của trường đại học Northwertern giải thích, vị tổng thống này chỉ sống ở thì hiện tại, mỗi ngày đối với ông là một cuộc chiến mà ông phải chiến thắng bằng mọi phương tiện, kể cả dối trá. Trump thích sự hỗn loạn. Môi trường bất ổn tạo nên sức mạnh của ông: Trump chỉ ngủ có 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và lao vào cuộc chiến trước các đối thủ, mở các mặt trận mới trên Twitter…trước khi địch thủ có thì giờ phân tích tình hình và tìm cách trả đũa. Sống bản năng và hời hợt, nên ông rất khó đoán, gây bối rối cho kẻ thù.

Tuy những tuyên bố gây chia rẽ đã làm một số người ủng hộ phân vân, nhưng giáo sư Steven Levitsky, trường đại học Havard ghi nhận: “Chỉ có những quân nhân về hưu mới dám phản đối tổng thống Trump”. Những ai chưa gì đã đặt dấu chấm hết cho ông là thiếu thận trọng, vì số những người ủng hộ Donald Trump nhiệt thành, chiếm đến 43% cử tri, không hề suy suyển. Ngược với những người tiền nhiệm, Donald Trump chưa bao giờ có tỉ lệ tín nhiệm cao hơn, nhưng cũng chưa xuống thấp hơn.

Theo Levitsky, số này vẫn sẽ bầu cho ông Trump dù từ đây cho đến tháng 11, số nạn nhân Covid-19 có vượt quá 200.000 người và kinh tế vẫn chưa vực dậy nổi. Nhà chính trị học Roger Smith, đại học Pennsylvania cho rằng Donald Trump thất bại trong ba lãnh vực: y tế, kinh tế và trật tự xã hội. Nhưng vị tổng thống không hề biết đến mệt mỏi sẵn sàng thượng đài trở lại, và cuộc tỉ thí còn lâu mới kết thúc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc phớt lờ không đưa tin về lũ lụt 11 tỉnh phía Nam

(Ảnh: secretchina.com).

Theo Secret China ngày 11/6, miền Nam Trung Quốc từ đầu tháng 6 đến nay đang phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng, hiện có khoảng 148 con sông đang ở mức báo động. Người dân 11 tỉnh đang phải chịu đựng mất mát to lớn về người và của, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc lại phớt lờ không đưa tin.

Mưa lũ không ngừng, gây thiệt hại cho 2,62 triệu người dân, 230.000 người bị buộc phải sơ tán khẩn cấp, trong đó có các tỉnh khu là: Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Quý Châu và Vân Nam. Thành phố ngập nước, nhà cửa đổ sụp, đường xá sụt lún, đồi núi sạt lở, mùa màng mất trắng, đến nay tình hình thiên tai vẫn không ngừng lan rộng.

Người dân dấu tên ở quận Dương Sóc, Quảng Tây nói: “Hầu hết tầng một của nhà dân, cửa hàng đều bị ngập hết cả. Thiệt hại quá to lớn rồi, ví như xe cộ, đồ điện đều bị ngâm trong nước hết cả”.

Người dân giấu tên ở Quế Lâm, Quảng Tây, nói: “Giờ trước mắt hẳn là không có chính sách hỗ trợ nào cả, từ những bức ảnh đăng trên mạng có thể thấy được tình trạng nghiêm trọng như thế nào, nhất là thiệt hại về kinh tế, thiệt hại nhiều lắm”.

Một người dân sống ở Quế Lâm nói với các phóng viên rằng nước ở chỗ anh sống đã rút, nhưng với lượng lớn đất đá, bùn cát như vậy, sau khi làm sạch, thiệt hại kinh tế không phải là nhỏ.

Được biết huyện Dương Sóc, tỉnh Quảng Tây là nơi hứng chịu thảm họa nặng nề nhất trong trận lũ lần này.

Trần Hồng (hóa danh), bà chủ nhà trọ tư nhân ở huyện Dương Sóc, Quảng Tây cho hay: “Năm nay lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng, bởi mưa bão kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Mưa lớn mưa nhiều, mưa xối xả, nước từ trên núi đổ xuống. Đây không phải là vấn đề của một nhà, mà rất nhiều nơi của cả huyện bị nước lũ quét qua, cả huyện đều bị ngập hết cả”.

Bà Trần cho biết thêm: “Có rất nhiều ngôi nhà gần như bị ngập đến tầng hai, chỗ tôi không bị ngập, nhưng địa khu phía trước chỗ tôi bị ngập. Giờ đang dọn dẹp làm vệ sinh, công nhân đang khắc phục sự cố mất điện mất nước, vẫn chưa xử lý được. Mưa to suốt mấy ngày liền, mưa như trút nước vậy. Xả lũ đó là sau này mới xả lũ. Hồ chứa nước xả lũ có thể là nước trên sông Ly Giang. Nước lũ chảy ngược đến đây. Con sông này khá hẹp, địa thế hơi thấp, phàm là những nơi địa thế thấp đều bị ngập hết cả”.

Mưa lớn liên tục khiến mực nước tăng vọt, hồ chứa các cấp đều xả lũ khẩn cấp, khiến mực nước của hạ lưu sông Ly Giang dâng cao đột ngột. Huyện Dương Sóc nằm bên bờ sông Ly Giang phải đứng mũi chịu sào, rất mau đã bị ngập trong nước.

Trần Hồng nói: “Hơn 6 giờ chiều ngày hôm qua, hồ chứa nước phía bên tôi vẫn đang xả lũ. Gần chỗ chúng tôi có một hồ chứa đã bị vỡ. Hồ chứa này cũng khá nhỏ, nó ở huyện Dương Châu”.

Nhiều cư dân mạng nhắc nhở người dân gần đó phải chú ý, đặc biệt là những con đập nhỏ được xây dựng trong 20 năm qua, rất nhiều các công trình đều là “bã đậu phụ”, thời gian dài rất là nguy hiểm.

Từ những video được cư dân mạng đăng tải, chúng ta có thể nhìn thấy lượng lớn người dân sống gần đập chứa nước Quế Lâm ở Quảng Tây đã bắt đầu sơ tán, họ lo lắng con đập có thể bị vỡ bất cứ lúc nào.

Lũ lụt miền nam Trung Quốc nghiêm trọng là thế, rất nhiều cư dân mạng không khỏi thắc mắc tại sao truyền thông nhà nước nhất loạt đều không thấy đưa tin. Trên Weibo hầu như không thấy có bản tin nào về điều này. Thành phố bị ngập, đường xá sụt lún, đồi núi bị sạt lở, nhưng tin tức được đăng trên WeChat, tiktok, chỉ thấy khoe khoang thành tích ưu việt của kinh tế vỉa hè được chính quyền cổ súy trong thời gian qua, nào là một gian hàng có thể kiếm được 5000 Nhân dân tệ trong một ngày, vẽ ra khung cảnh tươi đẹp tẩy não người dân ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện thực trước mắt thì có bao nhiêu người dân vùng lũ giờ đây đã trở thành người vô gia cư, không có nhà để về, có không biết bao nhiêu người già và trẻ em bị nước cuốn trôi.

Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã cố tình “nhẹ nhàng hoá” lũ lụt nghiêm trọng như vậy. Cư dân mạng cho biết, trong số 50 bản tin hàng đầu được đăng trên Weibo, chỉ thấy có một bản tin đề cập đến lũ lụt ở miền Nam, hơn nữa đưa tin một cách rất hời hợt, trong khi lại có đến 7 bài hot đưa tin về vấn đề bạo loạn ở Mỹ.

Có người đã đăng đăng tải dòng cảm xúc rằng: “Trên điện thoại di động của tôi, trên mục tin tức của các phương tiện truyền thông nhà nước, các trang web có rất ít tin tức về bão lũ ở miền Nam. Nhìn vào thì thấy như trận lũ đã quét qua nhiều tỉnh và thành phố ở phía nam, gây ngập trên diện rộng, làm vô số thôn trấn và đường phố bị chìm trong nước; khiến đường xá sụt lún, giao thông gián đoạn,… như thể chúng chưa bao giờ xảy ra vậy”.

Có cư dân mạng không khỏi bức xúc: “Sống chết của đồng bào, họ không chút quan tâm, còn sống chết của người Mỹ lại khiến họ đau đớn như chết cha chết mẹ vậy! Đây có phải là ăn cây táo rào cây sung hay không? Tất nhiên là vậy! Tiền họ kiếm là của người dân Trung Quốc, còn điều họ quan tâm lại là chuyện sống chết của người Mỹ! “.

Cảnh sát Pháp không phải là Mỹ

Phong trào chống kỳ thị sắc tộc còn lan sang nhiều nước, đặc biệt là tại Pháp. Le Point trong bài xã luận tỏ ra bất bình khi những người thích gieo rắc hận thù đã thành công trong việc làm người ta tin rằng những trường hợp như George Floyd ở Minneapolis cũng phổ biến như ở Pháp. Họ bất chấp thực tế là tại Pháp, những vụ bạo lực cảnh sát khá hiếm hoi.

Tờ báo phê phán, nếu xu hướng coi chủng tộc là nhân tố quyết định trong các cuộc xung đột trở nên phổ biến, thì tất cả mọi người chỉ còn được đánh giá theo màu da, lịch sử sẽ bị viết lại. Nếu người biểu tình bên Mỹ tấn công vào bức tượng các vị tướng miền Nam trong cuộc Nội chiến, thì tại Martinique (lãnh thổ hải ngoại Pháp), hai bức tượng của Victor Schoelcher, nhà đấu tranh chống chế độ nô lệ năm 1848 đã bị lật nhào. Sai lầm lớn nhất của ông: là người da trắng!

Tuần báo L’Obs khi nhắc đến những vụ câu lưu tùy tiện vẫn nhấn mạnh, không phải tất cả cảnh sát Pháp đều như thế, không có sự “phân biệt chủng tộc cấp nhà nước”  như một số phong trào cực đoan muốn đổ dầu vào lửa. Không, những người cảnh sát được vỗ tay hoan hô sau các vụ khủng bố, giờ đây không phải trở nên “đáng ghét” như những người biểu tình ở Paris đã hô hôm 02/06.

Le Point cho rằng sự so sánh là nguy hiểm. Đành rằng một số hành động quá trớn của cảnh sát phải bị trừng phạt, nhưng Pháp không phải là Mỹ – với chế độ nô lệ bắt rễ suốt mấy thế kỷ. Nhà văn James Baldwin, tác giả cuốn “Lần tới sẽ là ngọn lửa”,  khi tố cáo sự cực đoan của người da trắng lẫn da đen, đã nhấn mạnh “Nếu không nhanh chóng giải quyết, vấn đề sẽ trầm trọng thêm”. Nhưng từ đó đến nay, gần 60 năm đã trôi qua.

Adama Traoré có phải là nạn nhân bạo lực cảnh sát?

Trường hợp Adama Traoré, người thanh niên da đen chết khi bị câu lưu cách đây bốn năm, được nâng lên thành biểu tượng cho bạo lực cảnh sát tại Pháp, Le Point trong bài điều tra khẳng định thực tế phức tạp hơn nhiều.

Ngày 19/07/2016 hiến binh kiểm tra giấy tờ Bagui Traoré, người anh của Adama, một tội phạm nhiều tiền sự đang bị truy tìm vì tội trấn lột, Adama đang ở cạnh liền bỏ chạy. Bị đuổi theo bắt được, rồi được một đồng bọn giải cứu, Adama trốn vào nhà một người dân nhưng cuối cùng cũng bị phát hiện, còng tay đưa lên xe. Trên đường đến trụ sở hiến binh, anh ta bất tỉnh, y tế cấp cứu đến trễ vì đi lạc, Adama đã chết. Pháp y kết luận không có dấu hiệu bạo lực.

Thanh niên này có tiếng là nghiện rượu và ma túy, đã bị kiện vì cưỡng hiếp một bạn tù. Gia đình Adama Traoré không chấp nhận kết quả pháp y, đòi kiểm nghiệm lại nhiều lần. Cô chị Assa Traoré liên tục xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình tố cáo cảnh sát, nói rằng Adama chạy trốn chỉ vì quên đem giấy tờ. Thực tế hiến binh tìm được trên người anh ta một gói cần sa và 1.330 euro tiền mặt, số tiền này đã giao lại cho gia đình.

Tuần trước 20.000 người đã biểu tình ở Paris đòi “công lý” cho Adama Traoré, và hôm nay 13/06/2020 một cuộc biểu tình khác cũng được dự kiến. Trong khi đó chủ nhà nơi Adama ẩn nấp phải dọn nhà đi nơi khác trốn biệt vì sợ gia đình anh ta trả thù, còn nạn nhân vụ cưỡng hiếp bị Bagui Traoré đánh đập tơi tả.

Xe bồn chở dầu nổ tung, văng xa hàng trăm mét khiến 10 người thiệt mạng ở Trung Quốc

Tâm Tuệ

(Ảnh chụp màn hình video).

Theo China Daily ngày 13-6 đưa tin, một xe bồn chở dầu phát nổ trên đường cao tốc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, khiến ít nhất 10 người chết, 117 người bị thương và nhiều phương tiện hư hại.

Tai nạn xảy ra vào khoảng 16h40 (15h40 giờ Hà Nội) ngày 13/6, trên đường cao tốc ngoại ô thành phố Ôn Lĩnh. Vụ nổ khiến một số nhà cửa và nhà máy gần đó bị sập. Ngọn lửa cũng bao trùm nhiều xe hơi, tạo ra đám khói màu đen cuồn cuộn.

Video được truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy quả cầu lửa khổng lồ bắn lên không trung trong tiếng la hét của mọi người. Một mảnh vỡ rơi xuống một số tòa nhà gần đó, trong khi những phần còn lại của xe chở dầu và một số lốp xe tải văng vào một tòa nhà.

Nhiều lối ra đường cao tốc đã bị đóng, theo tuyên bố của cảnh sát địa phương trên mạng xã hội.

Các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những người bị mắc kẹt trong các tòa nhà dân cư và nhà máy, một số trong đó đã bị sụp đổ. Chiếc xe tải chở khí đốt giữa hai thành phố Ninh Ba và Ôn Châu, trên bờ biển phía đông Trung Quốc, và đang ra khỏi đường cao tốc thì vụ tai nạn xảy ra, theo Zhejiang News.

Vụ tai nạn làm tắc nghẽn giao thông trên đường cao tốc đi cả hai chiều. Các video khác cho thấy những chiếc xe gần đó bốc cháy.

Một quan chức địa phương cho biết nguyên nhân vụ tai nạn và vụ nổ đang được điều tra. Hơn 100 nhân viên cứu hộ và 34 xe cứu hỏa đã được gọi tới hiện trường.

Số ca tử vong có thể còn tăng cao vì trong 117 người bị thương, nhiều trường hợp đang nguy kịch. Lực lượng cứu hộ thậm chí đã phải dùng cưa để phá xe ô tô nhằm đưa những người mắc kẹt ra ngoài.

Một phần đường cao tốc đã bị phong tỏa nhằm phục vụ cho công tác cứu hộ. Hiện nhân viên cứu hộ vẫn đang tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân kẹt lại dưới đống đổ nát.

Kinh tế khó khăn, dư luận viên đảng “50 xu” xuống còn “20 xu”?

  • Mộc Lan

“Ngũ mao đảng” (đảng 5 hào, hay đảng 50 xu) tai tiếng là danh từ mà cư dân mạng thường dùng để châm biếm những dư luận viên chuyên “bình luận thuê” có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc “chửi thuê” các bên đối thủ để kiếm thù lao 50 xu cho mỗi bình luận. Tháng trước có tin rằng “50 xu” đã được tăng giá, gần đây lại hạ giá xuống còn “20 xu”. Một số người nhạo báng, có lẽ tình hình dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, nên thù lao cũng bị ảnh hưởng.

Đội quân Ngũ mao đảng “50 xu” tai tiếng, chỉ lực lượng dư luận viên được ĐCSTQ trả tiền để định hướng dư luận qua Internet.
 (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ngày 12/6, “Thời báo Tự do” Đài Loan đưa tin, mạng xã hội Trung Quốc đã đăng chia sẻ tuyển dụng “công việc bình luận bán thời gian”, với chi tiết: “Căn cứ vào mỗi bài đăng để bình luận”, yêu cầu ứng cử viên “xuất sắc đóng nhiều vai trò”, cần “đa chiều và nhiều phong cách”, nộp đơn xin việc cần gửi kèm 10 mẫu bình luận để đánh giá. Thù lao là 0,2 tệ cho mỗi bình luận “với lượng vừa phải 20 từ”, 0,3 tệ cho các bình luận “có chiều sâu tầm 40 từ”, thêm 0,1 tệ nữa nếu có  ảnh minh họa. Đây chính là mẫu rao tuyển dụng lính đánh thuê “Ngũ mao đảng” qua mạng.

“50 xu” giảm chỉ còn “20 xu” (Ảnh chụp màn hình mạng)

Cư dân mạng sôi nổi châm biếm “Ba hào giờ xuống còn Hai, thật là thê thảm!”, “Cộng đồng thật khó khăn”, “Cái gì mà ‘bình luận đa vai trò, đa chiều’ ,’bán thời gian’, thật ra vẫn chỉ là 5 hoặc 2 hào, vui lòng sửa tên lại!”, “Lương thế này còn không đủ để ăn trứng luộc”, “Tình hình dịch bệnh thật quá ảnh hưởng!”.

Đầu tháng Tư năm nay, từng có người dùng internet tiết lộ qua Twitter báo cáo thu nhập nghi là của “Ngũ mao đảng”, trong đó ghi rõ chuyển tiếp một thông điệp tấn công Hoa Kỳ có thể kiếm được 0,7 tệ.

Báo cáo tăng lương cho “Ngũ mao đảng” vào tháng Tư năm nay (Ảnh: internet)

Cũng từng có thông tin rằng, trong đội ngũ lính đánh thuê Ngũ mao đảng, có nhiều người là tù nhân đang thụ án. ĐCSTQ từ cách đây 10 năm đã sớm đào tạo một số lượng lớn tội phạm như trộm cắp, hiếp dâm, giết người…thành các “bình luận viên internet” mà không cần phải chi trả bất kỳ khoản thù lao nào. Nhưng ngược lại, những tù nhân này nếu làm việc tốt sẽ nhận được một trao đổi giảm nhẹ hình phạt. Vì vậy có nhiều người nhận xét rằng “đảng 5 hào” không hoàn toàn là 5 hào, họ thật sự đang vì tự do cá nhân mà phấn đấu.

Mộc Lan

Related posts