Tin thế giới trưa thứ hai

Thủ tướng Áo từ chức sau cáo buộc tham nhũng

Triệu Hằng

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (ảnh: Youtube/DW News).

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã từ chức hôm thứ Bảy (ngày 9/10) để giữ chính phủ liên minh của ông khỏi tiến tới bờ vực sụp đổ, sau khi ông bị điều tra vì tình nghi tham nhũng. 

Ông Kurz phủ nhận các hành vi bị cáo buộc, và động thái từ chức của ông đã làm hài lòng đối tác liên minh của mình, Đảng Xanh, và diễn ra chỉ ba ngày trước một phiên họp đặc biệt của quốc hội, nơi họ đang chuẩn bị ủng hộ bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể buộc ông phải ra đi.

Theo Reuters, việc ông Kurz từ chức chỉ là vấn đề hình thức hơn là thực chất về mặt chính sách. Ông có kế hoạch tiếp tục làm lãnh đạo đảng của mình và trở thành nhà lập pháp hàng đầu của đảng này trong quốc hội, và ông có khả năng sẽ tiếp tục kêu gọi các nỗ lực trong liên minh. 

Trong một tuyên bố với giới truyền thông, ông Kurz nói: “Tôi muốn tạo điều kiện để chấm dứt tình trạng bế tắc, ngăn chặn sự hỗn loạn và bảo đảm sự ổn định”. 

Ông Kurz nói thêm rằng, ông đang đề nghị Ngoại trưởng Alexander Schallenberg, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được đảng của ông hậu thuẫn, đảm nhận chức vụ thủ tướng, người này cũng được Đảng Xanh chấp thuận.

Là một trong số những chính trị gia ở châu Âu nổi tiếng với đường lối cứng rắn về vấn đề nhập cư, ông Kurz, 35 tuổi, đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất của lục địa vào năm 2017, khi ông thành lập liên minh với đảng Tự do cực hữu, liên minh đó đã sụp đổ trong một vụ bê bối năm 2019. Quốc hội đã sa thải ông, nhưng ông đã thắng trong cuộc bầu cử chớp nhoáng diễn ra sau đó. 

Nhà phân tích chính trị Thomas Hofer cho biết: “Việc từ chức này không phải là một sự từ chức thực sự. Việc chính thức lùi xuống hàng thứ hai nhưng có quyền lực trong đảng Nhân dân và nhóm chính phủ đảng này vẫn thuộc về Sebastian Kurz”.

Các công tố viên đã đưa ông Kurz và 9 người khác vào diện điều tra, vì tình nghi vi phạm tín nhiệm, tham nhũng và hối lộ với nhiều mức độ.

Tổng thống Philippines không chúc mừng nhà báo trong nước đoạt giải Nobel hòa bình

Thanh Hải

Nhà báo Philippines Maria Ressa (ảnh: Youtube/CBC News: The National).

Nhà báo Philippines Maria Ressa, người đã chia sẻ giải Nobel Hòa bình năm nay với nhà báo Nga Dmitry Muratov vì đóng góp cho tự do báo chí, đã không nhận được lời chúc mừng từ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tuy nhiên, giải thưởng này đã làm nức lòng các đồng nghiệp trong giới báo chí Philippines, những người đã bị chính phủ đàn áp.

“Cảm ơn, Rodrigo Duterte”, Manuel Mogato, người đã giành giải Pulitzer năm 2018, mỉa mai trên Twitter, “Ông thực sự đã giúp Philippines được đưa lên bản đồ thế giới”.

Bà Maria Ressa đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2021 với tư cách là một nhà báo đã chiến đấu chống lại sự đàn áp tự do ngôn luận của chính phủ Philippines.

Trong khi nhà báo Mogato đã giành được giải thưởng Pulitzer khi đưa tin về hoạt động chống ma túy của ông Duterte. Nhà báo này chỉ ra rằng Tổng thống Duterte và người đồng cấp Vladimir Putin là “anh em ruột thịt”.

Bà Ressa là đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số của Philippines. Bà đã gắn bó với nghề báo hơn 30 năm.

Theo báo cáo của South China Morning Post, quan chức duy nhất trong chính quyền của ông Duterte chúc mừng giải thưởng của bà Ressa là Ngoại trưởng Teodoro Locsin.

Cử tri Séc loại bỏ những người cộng sản khỏi quốc hội lần đầu tiên kể từ năm 1948

Triệu Hằng

Ảnh: Youtube/Al Jazeera English.

Các cử tri Cộng hòa Séc đã trục xuất những đảng viên đảng cộng sản ra khỏi quốc hội vào thứ Bảy. Lần đầu tiên kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các cử tri Séc bỏ phiếu bầu loại bỏ một đảng đã cai trị quốc gia Trung Âu từ năm 1948, cho đến khi Cách mạng Nhung năm 1989 mở ra nền dân chủ. 

Theo Reuters, những người cộng sản Séc đã bỏ tù hàng chục nghìn người trong các trại lao động cưỡng bức vào những năm 1950, và đàn áp dã man những người bất đồng chính kiến, chẳng hạn như Vaclav Havel – một nhà viết kịch sau trở thành tổng thống, nhưng họ vẫn còn ở lại quốc hội sau cuộc cách mạng Nhung.

Trong cuộc bầu cử tuần này, đảng Cộng sản Bohemia và Moravia chỉ dành được 3,62% số phiếu bầu với gần như tất cả các khu vực bầu cử, ít hơn 5% cần thiết để vào quốc hội, và có khả năng đánh dấu chương cuối cùng cho một đảng đã dần bị thu hẹp, khi số lượng thành viên cũ của nó đang giảm dần.

“Nó làm tôi hài lòng, nó làm tôi rất hài lòng. Nhưng nó đến quá muộn”, Jiri Gruntorad, 69 tuổi, một cựu nhà bất đồng chính kiến, người đã ký tuyên bố Hiến chương 77 nói với Reuters. Hiến chương 77 là tên gọi một kiến nghị dành cho những người bất đồng chính kiến, và bị chính quyền cộng sản Séc bỏ tù vì tội lật đổ từ năm 1989 đến năm 1985.

Jiri Gruntorad cho biết: “Đây là một trong những đảng cộng sản cuối cùng trên thế giới, ngoài các đảng của Trung Quốc và Cuba vẫn giữ tên của nó. Các đảng khác ít nhất đã đổi tên và bắt đầu hành xử hơi khác một chút”. 

Sau năm 1989, những người cộng sản Séc đã tìm cách kêu gọi các công dân cao tuổi và tầng lớp lao động Séc, nhưng họ không bao giờ gây được tiếng vang với các cử tri trẻ tuổi và không thể tống khứ được lịch sử của đảng với tư cách là một nhà cầm quyền độc tài đã bóp nghẹt tự do. 

Vojtech Filip, lãnh đạo đảng cộng sản Séc đã từ chức vì thất bại này.

Tài liệu rò rỉ: Trung Quốc chuẩn bị ứng phó đợt bùng phát COVID-19 quy mô lớn có khả năng xảy ra

Alex Wu

Các cơ sở cách ly tập trung đang được xây dựng, tại đây những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 sẽ được đưa vào cách ly ở Thạch Gia Trang, phía bắc tỉnh Hà Bắc, sau khi tỉnh này tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” hôm 16/01/2021. (Ảnh: STR/CNS/AFP/Getty Images)

Chính quyền Trung Quốc đã thông báo cho các chính quyền địa phương để chuẩn bị cho một đợt bùng phát COVID-19 trên quy mô lớn, theo các tài liệu nội bộ bị rò rỉ mà The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ thu thập được.

Một tài liệu nhan đề “Thông báo Tăng cường Hơn nữa Công tác Phòng Dịch” đã được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành và được chính quyền tỉnh Phúc Kiến chuyển đến các chính quyền địa phương hôm 30/09. Một tài liệu khác là “Thông báo Phòng Dịch Ngày Quốc khánh” cũng được Quốc vụ viện ban hành hôm 01/10 và được các quan chức tỉnh Phúc Kiến chuyển đến cho các chính quyền địa phương.

Cả hai tài liệu này đều được đánh dấu là “hỏa tốc.”

Cả hai thông báo đều yêu cầu tăng cường chuẩn bị cho việc ứng phó khẩn cấp khi dịch bùng phát, theo đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra ít nhất hai tiêu chuẩn cho các chính quyền địa phương.

Một là xây dựng các khu cách ly tập trung, trong đó các chính quyền địa phương được yêu cầu xây dựng các cơ sở có không dưới 20 phòng cho mỗi 10,000 người vào cuối tháng 10/2021. Quy mô mỗi khu cách ly phải trên 100 phòng.

Theo dữ liệu công khai, dân số tỉnh Phúc Kiến năm 2020 là 41.54 triệu người. Tính đến ngày 19/09, toàn tỉnh đã thiết lập 35,691 phòng cách ly tại 296 khu cách ly tập trung.

Dựa trên tiêu chuẩn đặt ra trong thông báo này, tỉnh Phúc Kiến sẽ cần xây dựng ít nhất 83,000 phòng cách ly vào cuối tháng 10, tức là khoảng 47,000 phòng trong vòng chưa đầy một tháng.

Theo một chuyên gia, các yêu cầu đối với các khu cách ly COVID-19 tiết lộ tình hình thực sự của đại dịch tại Trung Quốc.

Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), từng là nhà nghiên cứu virus học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Điều này phản ánh mối quan tâm của ĐCSTQ về sự gia tăng của dịch bệnh. Chắc hẳn nhà cầm quyền này đang che giấu dịch bệnh thật sự ở Trung Quốc đại lục, nếu không, họ sẽ không đột ngột ra thông báo toàn quốc về việc sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp như vậy.”

“Thông báo Tăng cường Hơn nữa Công tác Phòng Dịch” yêu cầu thiết lập một hệ thống kiểm soát năm lớp.

Tài liệu này nêu rõ: “Cán bộ ĐCSTQ xã phường, nhân viên mạng lưới cộng đồng, nhân viên y tế cơ sở, cảnh sát và tình nguyện viên phải cùng nhau thực hiện công tác phòng dịch tại cộng đồng,” chẳng hạn như “thực hiện nghiêm túc [việc] phòng chống và kiểm soát tại cộng đồng,” hay phong tỏa các cộng đồng dân cư.

Ông Lâm nói rằng hệ thống kiểm soát thật ra là để thắt chặt quản lý xã hội ở các khu vực địa phương và “mục đích của ĐCSTQ là thắt chặt kiểm soát.”

Tiến sĩ Lâm nói, “Nếu không có việc xét nghiệm acid nucleic, thì tất cả các biện pháp phòng dịch của ĐCSTQ cũng giống như các cuộc vận động chính trị. Chẳng hạn, quý vị có thể bị cách ly bất cứ lúc nào và bị đưa vào một khu cách ly nào đó. Và các khu cách ly đó cũng có thể là nơi tiến hành các cuộc đàn áp chính trị.”

“Bất kể quý vị là ai đi chăng nữa, hễ ĐCSTQ nói rằng quý vị có kết quả dương tính khi xét nghiệm acid nucleic, điều đó sẽ tước bỏ mọi quyền của quý vị. Các khu cách ly của ĐCSTQ thực sự là một hình thức thay thế của trại tập trung.”

Ông Alex Wu là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, tập trung vào xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và các mối liên hệ quốc tế.

Thủy thủ Trung Quốc Đinh Nhất Đa (Ding Yiduo) nói chuyện với The Epoch Times ở Los Angeles, CA hôm 22/09/2021. (Ảnh: Linda Jiang/The Epoch Times) Trung Quốc

Người Trung Quốc ủng hộ dân chủ bị đe dọa sau khi đào thoát sang Mỹ

Hạo Văn biên dịch

Thủy thủ Trung Quốc Đinh Nhất Đa (Ding Yiduo) nói chuyện với The Epoch Times ở Los Angeles, CA hôm 22/09/2021. (Ảnh: Linda Jiang/The Epoch Times)

Một thủy thủ Trung Quốc đã nhận phải những lời đe dọa từ một quan chức chính quyền tại quê nhà của anh vào hôm 27/09 sau khi trả lời phỏng vấn của The Epoch Times Hoa Ngữ.

Người đàn ông này, mang tên Đinh Nhất Đa (Ding Yiduo), đã đào thoát sang Hoa Kỳ vào năm 2020 sau khi bị cảnh sát sách nhiễu vì đã đăng các thông điệp trực tuyến ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một tổ chức khủng bố,” anh Đinh nói với The Epoch Times hôm 22/09/2021. Anh đã bị buộc thôi việc và bị cảnh sát giam giữ sau khi bày tỏ sự phản đối trực tiếp của mình đối với chính quyền Trung Cộng.

“Những bằng hữu tại hải ngoại, xin hãy đóng góp tiền hoặc nỗ lực để lật đổ cái chế độ độc tài, tham nhũng này,” anh đã đăng như vậy chỉ mới hơn hai năm trước vào ngày 30/09/2019, trên ứng dụng nhắn tin WeChat phổ biến nhất của Trung Quốc. Bài đăng của anh được đăng một ngày trước khi ĐCSTQ tổ chức lễ kỷ niệm giành được quyền lực tại Trung Quốc.

Sự doạ dẫm từ cảnh sát và việc xét nghiệm máu

Vài giờ sau khi anh đăng thông điệp ủng hộ dân chủ của mình, cảnh sát đã lệnh cho anh đến đồn [công an] địa phương tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nơi tàu của anh đang neo đậu. Một người bạn của anh làm việc cho một văn phòng cố vấn pháp lý ở Trung Quốc đã khuyên anh rời đi ngay lập tức, nếu không, anh sẽ gặp rắc rối lớn hơn.

Sau khi đến đồn công an, anh Đinh được đưa vào một căn phòng có đề chữ “An ninh Quốc gia” trên cửa.

Cảnh sát đã cho anh xem hàng loạt bản in các cuộc trò chuyện WeChat của anh, bao gồm cả kinh độ và vĩ độ của anh tại thời điểm viết bài. Bạn bè trên WeChat của anh đến từ khắp các quốc gia và khu vực mà anh từng đi du lịch, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Hồng Kông.

“Củ khoai nhỏ anh có quyền gì để bình luận về các vấn đề nhà nước?” Cảnh sát chế nhạo anh. Họ buộc anh phải ký vào một lá thư cam đoan, nói rằng anh sẽ không bày tỏ bất kỳ quan điểm chính trị “sai trái” nào nữa. “Nếu không, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Sau đó, cảnh sát đã đưa anh đến một tòa nhà khác để xét nghiệm máu trước khi để anh ấy rời đi.

“Lúc đó tôi cảm thấy kỳ lạ nhưng tôi không dám hỏi tại sao họ lại muốn tôi làm xét nghiệm máu,” anh Đinh nói. “Sau đó, tôi biết rằng tôi có thể bị thu hoạch nội tạng nếu tôi bị bắt một lần nữa vì đăng những thông điệp như vậy.”

“Tôi biết ĐCSTQ đã giết hàng triệu người trong nhiều cuộc vận động chính trị khác nhau và trong cái gọi là kế hoạch hóa gia đình trong hàng thập kỷ qua,” anh Đinh nói.

Cùng ngày, anh nhận được thông báo bị công ty sa thải từ Tập đoàn Cảng Diêm Điền (Yantian), một công ty nhà nước có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.

Related posts