Luật sư Úc Mark Tarrant: Phải chống lại chế độ độc tài ở Trung Quốc

Hải Lam

Luật sư Mark Tarrant (phải) và anh Drew Pavlou (ảnh: Twitter của Drew Pavlou).

Drew Pavlou, sinh viên trường Đại học Queensland (Úc), thường tham gia các phong trào phản đối vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc và ủng hộ nền dân chủ cho Hồng Kông. Vào năm 2019, anh đã đệ đơn kiện lãnh sự quán Trung Quốc tại Brisbane với cáo buộc gây nguy hiểm cho tính mạng của mình. Luật sư Úc Mark Tarrant, người đại diện cho anh trong vụ kiện này, gần đây đã chia sẻ với trang Bitter Winter về bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như những vi phạm của nhân quyền của chính quyền này.

Vụ kiện của Drew Pavlou

Tờ Bitter Winter cho biết, vào ngày 24/7/2019, Pavlou cùng một nhóm nhỏ sinh viên tổ chức các hoạt động ôn hòa trong khuôn viên trường Đại học Queensland để kêu gọi sự ủng hộ cho nền dân chủ Hồng Kông và các quyền của người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Tuy nhiên, theo ước tính của cảnh sát Queensland, khoảng 500 – 600 “Hồng vệ binh” nghe theo sự chỉ đạo của ĐCSTQ, đã bao vây và tấn công dữ dội vào nhóm sinh viên trong trường.

Drew Pavlou (bên trái) tham gia một sự kiện ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông được tổ chức tại Úc (ảnh: Twitter của Drew Pavlou).

Ngay ngày hôm sau, Thời báo Hoàn cầu đã đăng tuyên bố của ông Hứa Giới (Xu Jie), Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Brisbane, ca ngợi các cuộc tấn công của nhóm sinh viên Trung Quốc nhắm vào với các sinh viên ủng hộ dân chủ là hành động “yêu nước”. Không chỉ vậy, tờ báo còn chỉ đích danh hai nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ, trong đó có Drew Pavlou mang quốc tịch Úc. Ngay lập tức, anh Pavlou nhận được hàng trăm lời đe dọa giết hại. Anh Pavlou cho rằng, ông Hứa Giới phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Vào ngày 14/10/ 2019, Drew Pavlou đã nộp đơn kiện ông Hứa tại Tòa án sơ thẩm ở Brisbane và nộp đơn lên cảnh sát Queensland vào ngày 30/10/2019, khiếu nại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc về hành vi phạm tội có tổ chức. Phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 24/7/2020.

Sự tương đồng giữa ĐCSTQ và chế độ Đức Quốc Xã

Khi luật sư Mark Tarrant được tờ Bitter Winter hỏi về quan điểm của ông về thời báo Hoàn Cầu, ông Tarrant đã trích dẫn lời của giáo sư Geremie R. Barmé, một nhân chứng, chuyên gia trong vụ kiện của Drew Pavlou, mô tả Thời báo Hoàn cầu là “một cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ”.

Ông Barmé nói rằng, với “ngôn ngữ kích động và cách tiếp cận ‘thiếu nhất quán’ trong việc báo cáo và bình luận về xã hội Trung Quốc và các vấn đề toàn cầu”, Thời báo Hoàn cầu “có phần nào khiến người ta liên tưởng tới Der Stürmer, tờ báo tuyên truyền đầy tai tiếng nhưng có tầm ảnh hưởng ở Đức do Julius Streicher xuất bản từ những năm 1920 cho đến khi chế độ Đức Quốc Xã sụp đổ vào cuối Thế chiến thứ hai”.

Ông Mark Tarrant cho rằng, sự tương đồng giữa ĐCSTQ với chế độ Đức Quốc Xã không chỉ thể hiện ở khía cạnh tuyên truyền. Theo luật sư Tarrant, các tội ác của ĐCSTQ hôm nay tương tự với tội các của các thành viên trong chế độ Đức quốc xã trước đây được đề cập trong Bản cáo trạng Nürnberg năm 1946 – 1947.

Tướng Telford TayLor, cố vấn trưởng của Mỹ tại Tòa Án Nürnberg, đã đề cập đến các hoạt động thương mại trước chiến tranh của Đức Quốc Xã và các hoạt động công nghiệp “được thiết kế cẩn thận để làm suy yếu nước Mỹ – quốc gia đóng vai trò là một kho vũ khí của nền dân chủ”, bằng cách duy trì sản xuất tại Mỹ một số sản phẩm chiến lược nhất định, bao gồm cả thuốc lưu huỳnh, tiền chất của kháng sinh hiện đại.

“Sử dụng các hoạt động kinh doanh bất chính gần giống với các hoạt động của Đức Quốc Xã trước chiến tranh, Trung Quốc hiện kiểm soát hầu hết các sản phẩm chiến lược của thế giới và xâm nhập vào các quốc gia dân chủ thông qua Huawei. Có người cho rằng ĐCSTQ đã nghiên cứu các chiến lược trước chiến tranh của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa và biến chúng thành của riêng mình”, luật sư Mark Tarrant nói với Bitter Winter.

Luật sư Tarrant nói, như ông Telford Taylor đã giải thích, các hoạt động tội phạm của Schutzstaffel, tổ chức vũ trang của Đức Quốc Xã, rất phổ biến và được thực hiện ở quy mô lớn đến mức nước Đức và thế giới đều biết đến. Tuy nhiên, rất ít người dám lên tiếng. Sự tàn bạo của chính quyền Đức Quốc Xã hiện đang được thấy ở Trung Quốc ngày nay.

Thu hoạch tạng sống

Trong cuộc phỏng vấn với Bitter Winter, ông Mark Tarrant cũng đề cập đến tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Theo luật sư người Úc, từ “thu hoạch” (harvest) thường đi cùng những hình ảnh tích cực như: thu hoạch một vụ mùa mang lại lợi ích cho cộng đồng, lễ tạ mùa (harvest festival)… Tuy nhiên, ĐCSTQ lại thu hoạch nội tạng, giết chính người dân của đất nước để kiếm tiền.

Một tòa án độc lập về vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại London, Vương Quốc Anh đã đưa ra phán quyết vào ngày 1/3 rằng, chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mổ cướp nội tạng sống đối với các tù nhân lương tâm và bán cho thị trường cấy ghép tạng sống để kiếm lời.

Luật sư Mark Tarrant nói rằng, trong suốt 70 năm ĐCSTQ cai trị đất nước, chính quyền này đã gây ra cái chết cho 70 triệu người vô tội. Sau khi phá hủy nhân quyền trên khắp Trung Quốc đại lục, ĐCSTQ đang cấp tốc hủy diệt nền văn minh của phương Tây từ trong ra ngoài. Một trong những trụ cột của nền văn minh phương Tây là nền dân chủ, điều mà ĐCSTQ không thể tiếp nhận.

Alexander Bowe, nhà phân tích chính sách tại Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ (USCC) giải thích rằng ĐCSTQ chỉ định các nhà hoạt động dân chủ là một trong “5 nhóm độc hại” đe dọa sự cai trị của đảng. 4 nhóm khác bị ĐCSTQ bôi nhọ là những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, những người ủng hộ độc lập Đài Loan và các học viên Pháp Luân Công, môn khí công theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn có hơn 100 triệu người tập tại nhiều quốc gia.

Tại sao trường hợp của sinh viên Pavlou lại quan trọng?

Ông Mark Tarrant cho rằng, với hệ tư tưởng đầy thù hận, ĐCSTQ đang cố gắng phá hủy nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở các trường học của Úc. Tuy nhiên, không phải ai cũng khuất phục trước chế độ giết người này, trong đó có anh Drew Pavlou. Anh cũng không ngại chỉ trích ngôi trường anh theo học vì chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh và bảo vệ các quyền thiêng liêng của nước Úc. Cuối tháng 5, Pavlou thông báo mình đã bị đình chỉ học 2 năm mà “không có lý do” nào được đưa ra. Sinh viên người Úc này cho biết anh còn bị đe dọa sẽ phải chịu hậu quả nếu “vi phạm tính bảo mật của quyết định của trường”.

Luật sư Tarrant tiếp tục trích dẫn lời của Giáo sư Barmé rằng Úc được coi như một thí nghiệm của Bắc Kinh. Bắc Kinh sử dụng những hành vi quốc tế này để đo lường xem chính sách quốc gia ngày càng hung hăng của chế độ này có thể tiến xa đến đâu trong thế giới phương Tây.

Luật sư cho rằng giới chức Úc cần chú ý tới việc các sinh viên Trung Quốc và những người khác đang hùa theo những lời kích động của chính quyền và bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ, đe dọa bạo lực đối với công dân Úc và các sinh viên khác ở Úc.

“Nếu chính phủ và giới chức Úc không bày tỏ quan ngại sâu sắc hoặc công khai phản đối những động thái đó, thì các tổ chức pháp lý độc lập và phương tiện truyền thông tự do của chúng ta chắc chắn phải lên tiếng”, ông Tarrant kết luận.

Related posts