Tuệ Minh
Tập đoàn Jetstar (Úc) và Vietnam Airlines sau nhiều tháng tích cực đàm phán, đã đi đến thống nhất chính thức. Hãng hàng không Jetstar (Úc) chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam và bàn giao lại vốn góp của hãng tại Jetstar Pacific Airlines cho cổ đông lớn là Vietnam Airlines.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 15/6, hãng hàng không Vietnam Airlines phát đi thông cáo chính thức dẫn lời, lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Qantas, Tổng giám đốc hãng Jetstar (Úc), ông Gareth Evans: “Trước sự ngưng trệ nghiêm trọng của ngành hàng không do dịch Covid-19 và một thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam, chúng tôi cho rằng đã đến lúc tận dụng lợi thế và tiềm lực của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa”.
Như vậy, sau 13 năm hoạt động kinh doanh không hiệu quả, Tập đoàn Jetstar (Úc) chính thức rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Hàng loạt các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines và thay đổi hệ thống bán vé sang về tập đoàn Vietnam Airlines.
Khi nào Jetstar Pacific hoạt động chính thức với tên gọi mới là Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ ngày 30/6 hãng Jetstar (Úc) sẽ không còn nhân sự, kỹ thuật, quản trị hay đặt chỗ liên quan đến Pacific Airlines và sẽ được Vietnam Airlines vận hành 100% nhằm đồng bộ hóa mạng bay.
Trong suốt 15 năm hoạt động kinh doanh của Jetstar Pacific Airlines (JPA) trong vai trò hãng hàng không giá rẻ chưa bao giờ suôn sẻ. Với định hướng phát triển hãng không giá rẻ thị trường nội địa, Tập đoàn Qantas đã mua lại 30% cổ phần từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 cùng với đội tàu bay cũ trên 15 năm tuổi dẫn đến chi phí nhiên liệu bay ngày càng tăng và hạn chế về tổ chức hoạt động nên hãng JPA liên tục lỗ, tổng lỗ lũy kế từ 2005-2011 của JPAlên đến 2.100 tỷ đồng.
Cuối năm 2011, JPA ngập trong khó khăn, nguy cơ trên bờ vực phá sản, mất khả năng thanh toán khi lỗ lũy kế xấp xỉ 2.500 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 600 tỷ đồng.
Năm 2012, Vietnam Airlines được giao nhiệm vụ tiếp nhận và tái cơ cấu toàn diện JPA. Theo đó, tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại SCIC từ đầu 2012 và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai. Theo đó, với vai trò cổ đông lớn Vietnam Airlines đã tham gia tái cấu trúc trên định hướng “hàng không truyền thống đi kèm với hàng không giá rẻ”. JPA phải chi 355 tỷ để chuyển đổi và chi phí tái cấu trúc đội bay.
Sau khi cấu trúc, hiệu quả của hãng JPA dần được cải thiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020 hãng tiếp tục lỗ 1.200 tỷ đồng.