Tổng thống Trump ký sắc lệnh cải cách ngành cảnh sát
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (16/6) đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm theo dõi các hành vi sai trái của các nhân viên thực thi pháp luật và thúc đẩy các đơn vị cảnh sát cải thiện hoạt động của mình.
Trong một bài phát biểu trước báo giới tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng “luật pháp và trật tự phải được khôi phục trên toàn quốc”, và chính phủ liên bang sẵn sàng thực thi, cũng như trợ giúp điều đó.
Tổng thống Trump bày tỏ sự đồng cảm với các gia đình có thân nhân thiệt mạng trong các cuộc tương tác có liên quan đến cảnh sát. Ông nói: “Những người thân yêu của các bạn sẽ không chết trong vô vọng. Chúng ta là một quốc gia. Chúng ta đau buồn cùng nhau, và chúng ta hàn gắn cùng nhau”.
Ông Trump cũng thể hiện rõ quan điểm của ông về việc không nên cắt ngân sách hay giải thể các sở cảnh sát, một đề xuất do các đảng viên Dân chủ đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát đang diễn ra tại nhiều nơi.
“Tôi phản đối mạnh mẽ những nỗ lực cực đoan và nguy hiểm nhằm cắt ngân sách, gỡ bỏ và giải thể các sở cảnh sát của chúng ta, đặc biệt là bây giờ khi chúng ta đạt được tỷ lệ tội phạm thấp nhất trong lịch sử gần đây”, Tổng thống Trump phát biểu. “Người Mỹ biết sự thật: Không có cảnh sát, thì có sự hỗn loạn; không có luật pháp thì có sự hỗn loạn; và không có an toàn, thì có thảm họa.”
Ông Trump nói tiếp: “Người Mỹ tin rằng chúng ta phải hỗ trợ những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm mặc áo xanh đang làm nhiệm vụ cảnh sát trên các tuyến phố của chúng ta và giữ cho chúng ta được an toàn. Người Mỹ cũng tin rằng chúng ta phải nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng tính minh bạch và đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc đào tạo cảnh sát, tuyển dụng và gắn kết với cộng đồng”.
“Giảm tội phạm và nâng cao tiêu chuẩn không phải là các mục tiêu trái ngược nhau, chúng không loại trừ lẫn nhau; chúng vận hành cùng nhau”, Tổng thống Trump tuyên bố. “Đó là lý do tại sao hôm nay tôi sẽ ký một sắc lệnh hành pháp khuyến khích các sở cảnh sát trên toàn quốc áp dụng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao nhất để phục vụ cộng đồng.”
The Guardian đưa tin, các đề xuất cải cách cảnh sát cũng đang nổi lên trong Nghị viện Mỹ. Các nghị sỹ Dân chủ đang xây dựng một dự luật nhằm hạn chế các hành vi tác nghiệp của cảnh sát và cấm kĩ thuật kẹp cổ từ phía sau để bắt giữ nghi phạm. Trong khi đó, đảng Cộng hòa dự kiến sẽ công bố một dự luật vào thứ Tư (17/6) về việc hạn chế kẹp cổ và các hành vi khác của cảnh sát.
Những động thái cải cách xuất hiện sau vụ việc một nghi phạm da màu, ông George Floyd, tử vong vì ngạt thở khi bị một cảnh sát da trắng dùng chân kẹp cổ trên đường phố. Các cuộc biểu tình sau đó diễn ra tại nhiều thành phố của Mỹ để phản đối hành vi lạm dụng của cảnh sát. Một số cuộc biểu tình đã xuất hiện tình trạng bạo lực, cướp bóc, bị nghi ngờ có sự kích động từ nhóm cánh tả Antifa.
Theo Fox News, dù Tổng thống Trump đã đưa ra sắc lệnh này, và Nghị viện cũng mong muốn đưa ra dự luật để cải cách lực lượng thực thi pháp luật, nhưng việc cải cách cảnh sát chủ yếu là vấn đề địa phương, trong đó các tiểu bang, các thành phố có chức năng giám sát và quyền lực nhất định trong khu vực của mình theo Hiến pháp. Điều đó có nghĩa là những động thái cải cách có thể nhìn thấy được sẽ còn tùy thuộc vào ý chí chính trị ở cấp địa phương, Fox News bình luận.
Tổng thống Donald Trump thông báo giảm mạnh quân số Mỹ ở Đức
Ngày 15/06/2020, tổng thống Donald Trump khẳng định muốn giảm hơn phân nửa số lính Mỹ đồn trú tại Đức. Giới quan sát nghi ngờ nguyên thủ Mỹ dường như đang sử dụng lá bài an ninh châu Âu như là một đòn bẫy cho các cuộc thương lượng thương mại sắp tới với Berlin.
Trước giới báo chí, nguyên thủ Mỹ khẳng định rằng 52.000 binh sĩ hiện đang đóng tại Đức, chủ yếu nằm trong các lực lượng của NATO. Theo ông, “đây là một khoản đóng góp quá lớn đối với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ phải giảm quân số, xuống còn 25,000”.
AFP trích dẫn số liệu chính thức do Lầu Năm Góc công bố, số lính Mỹ được triển khai thường trực tại Đức chỉ ở mức 34.674 người trong tháng 3/2020. Nhưng con số này có thể tăng đột biến đến 52.000 quân trong mỗi lần điều binh luân phiên hay có tập trận.
Các căn cứ quân sự Mỹ ở Đức chủ yếu được dùng như điểm trung chuyển cho các lực lượng được triển khai tại châu Âu, châu Phi và Trung Đông, nên có thể làm thổi phồng số quân lính Mỹ.
Sự hiện diện của lính Mỹ tại Đức có tầm quan trọng mới trước tham vọng quân sự trỗi dậy của Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin. Nhưng tổng thống Trump giải thích quyết định cắt giảm quân số vì nước Đức đóng góp không nhiều cho ngân sách của NATO.
Ông nói : “Nước Đức còn nợ tiền, họ nộp thiếu tiền từ nhiều năm qua và họ nợ NATO đến hàng tỷ đô la, họ cần nộp trả. Chúng tôi bảo vệ nước Đức trong khi họ không đóng góp đủ tiền, thật là lạ đời”.
Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng còn chê trách cường quốc kinh tế hàng đầu này của Liên Hiệp Châu Âu là “cư xử rất tệ” với Hoa Kỳ trên phương diện thương mại. “Chúng tôi đang thương lượng với Đức về hồ sơ này nhưng tôi không hài lòng với bản thỏa thuận mà họ đề xuất. Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ bị thiệt thòi hàng trăm tỷ đô la trong trao đổi thương mại, điều đó gây thiệt hại cho chúng tôi về thương mại và cả cho khối NATO nữa”.
Nguyên thủ Mỹ cáo buộc Đức lợi dụng sự hiện diện lính Mỹ trên phương diện tài chính. “Những người lính này được trả lương. Họ sống ở Đức, họ chi tiêu hàng tấn tiền tại Đức. Khắp nơi xung quanh các khu căn cứ này, đều là những khu vực giầu có. Nước Đức đã lợi dụng việc này.”.
Theo AFP, những thông tin đầu tiên được đăng tải trên tờ Wall Street Journal về dự án giảm quân số Mỹ tại Đức của chính quyền Trump đang khiến cho chính quyền Berlin lo lắng ngay từ đầu tháng 6/2020.
Dù rằng số lính Mỹ đã giảm đi nhiều ngay từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Đức vẫn là nước tiếp đón nhiều lính Mỹ hơn bất kỳ một nước châu Âu nào khác, một sự tiếp nối tình trạng chiếm đóng của đồng minh sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Bắc Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc với Hàn Quốc tại Kaesong
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng với việc Bắc Triều Tiên hôm nay, 16/06/2020, đã phá hủy văn phòng liên lạc với miền Nam, đặt tại Kaesong, thành phố nằm ở biên giới liên Triều, theo thông báo của Seoul.
Phát ngôn viên của bộ Thống Nhất Hàn Quốc, tức bộ đặc trách về quan hệ liên Triều, ra thông cáo ngắn gọn một dòng : « Bắc Triều Tiên đã cho nổ sập văn phòng liên lạc ở Kaesong vào lúc 14 giờ 49 phút ( 6 giờ 49 phút, giờ quốc tế ) ». Trước đó vài phút, hãng thông tấn Yonhap cho biết đã nghe một tiếng nổ và thấy khói bốc lên từ khu công nghiệp Kaesong, nơi đặt văn phòng liên lạc giữa hai miền.
Cũng hôm nay, hãng tin chính thức KCNA khẳng định quân đội Bắc Triều Tiên “hoàn toàn sẵn sàng” hành động chống Hàn Quốc. Cụ thể, theo KCNA, bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên thông báo đang vạch ra một “kế hoạch hành động” để “biến giới tuyến thành pháo đài”. Kế hoạch này bao gồm việc gởi quân đến tái chiếm vùng phi quân sự nằm giữa hai miền.
Từ đầu tháng đến nay, chế độ Bình Nhưỡng liên tục đe dọa Seoul, đặc biệt là về việc những người Bắc Triều Tiên đào thoát vào miền nam thả truyền đơn ra miền Bắc quá giới hạn của vùng phi quân sự. Vào tuần trước, Bắc Triều Tiên đã thông báo đóng toàn bộ các kênh liên lạc về chính trị và quân sự với “kẻ thù” miền nam Triều Tiên. Theo hãng tin AFP, một số chuyên gia nghĩ rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách gây ra một cuộc khủng hoảng với Hàn Quốc vào lúc đàm phán về hạt nhân với Hoa Kỳ đang bế tắc.
Thông tín viên Frédéric Ojardias Từ Seoul tường thuật như sau: Một tiếng nổ lớn vang lên và một đám khói xám bốc lên từ khu vực biên giới giữa hai miền Triều Tiên : chế độ Bình Nhưỡng đã dùng chất nổ để phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều, được xây dựng từ tháng 09/2018 tại thành phố biên giới Kaesong, trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Văn phòng liên lạc này được xem như là một tòa đại sứ không chính thức của Hàn Quốc. Từ tháng Giêng đến nay không có ai làm việc ở đây do tình hình dịch Covid-19. Phía Seoul đã xác nhận vụ phá hủy văn phòng này. Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, vào thứ Bảy tuần trước đã dọa sẽ phá hủy tòa nhà mà bà xem là « vô dụng ». Phía miền Bắc cũng đã dọa sẽ dựng lại các đồn biên phòng, đã bị giải tỏa năm 2018 sau khi hai bên ký thỏa thuận về phi quân sự hóa.
Từ nhiều ngày qua, chế độ Bình Nhưỡng đã làm cho căng thẳng thêm trầm trọng, viện cớ phản đối việc những người tị nạn Bắc Triều Tiên dùng bong bóng gởi các truyền đơn chống chế độ ra miền Bắc. Dường như Bình Nhưỡng muốn đạt được những nhân nhượng từ phía Seoul hoặc muốn dùng những căng thẳng liên Triều để đoàn kết người dân chống một kẻ thù chung, nhằm làm cho họ quên đi những khó khăn kinh tế của Bắc Triều