Tốc độ, hướng đi của tàu cho thấy chưa có dấu hiệu Hải Dương Địa Chất 4 sẽ rời khỏi vùng biển của Việt Nam.
Dựa trên số liệu từ dịch vụ theo dõi vị trí tàu biển, tọa độ của tầu Hải Dương Địa Chất 4 cập nhật vào lúc 1h30 sáng 18/6 cho thấy, tầu này tiếp tục đi sâu vào vùng biển của Việt Nam, hiện nằm hoàn toàn trong vùng 200 hải lý từ bờ biển của Việt Nam.
So với vị trí tàu vào lúc 16h45 ngày 17/6 mà chúng tôi đã cập nhật, tới rạng sáng nay, Hải Dương Địa Chất 4 đã tiến sâu hơn về phía bờ biển Việt Nam khoảng 24 hải lý (tương đương 44km). Hiện tại tàu đang cách đảo Phú Quý của Việt Nam 122 hải lý (tương đương 227km), và cách Mũi Né 165 hải lý (tương đương 306km).
Vào lúc 1h30, mũi tàu đang quay về phía Tây – Tây Nam, hướng tới bờ biển Việt Nam. Trong tối ngày 17/6, có lúc tàu hướng lên phía Tây Bắc, nhưng sau đó lại quay đầu về phía Nam và vòng về phía Tây-Tây Nam.
Chiều và tối ngày 17/6, tàu Hải Dương Địa Chất 4 tiến sâu vào vùng biển Việt Nam với tốc độ khá cao, trung bình trên 16 hải lý/giờ. Theo cơ sở dữ liệu có ít nhất 1 tàu Việt Nam bám rượt theo chuyển động của tàu Hải Dương Địa Chất 4, nhưng tàu này chỉ đi với vận tốc chừng 7 hải lý/giờ, bằng một nửa so với vận tốc tàu Hải Dương Địa Chất 4.
Tại thời điểm 1h30 ngày 18/6, Hải Dương Địa Chất 4 di chuyển rất chậm, với tốc độ chưa đến 1 hải lý/giờ và mũi tàu vẫn đang hướng về thầm lục địa Việt Nam, cho thấy sự di chuyển của tàu không đơn thuần là đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách bình thường như được cho phép theo luật quốc tế. Xu hướng di chuyển cho thấy tàu chưa có ý định rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) kéo dài 200 hải lý từ bờ biển của một quốc gia mang lại cho quốc gia đó quyền duy nhất để khám phá các tài nguyên cũng như thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn, quản lý các nguồn tài nguyên này.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao Trung Quốc điều tàu Hải Dương 4 vào vùng biển của Việt Nam.
Căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng. Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần trước đã phản đối việc Trung Quốc lắp đặt cáp viễn thông dưới biển giữa các đối tượng tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa, khẳng định đó là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Cũng trong tuần trước, một tàu cá của Việt Nam báo cáo đã bị một tàu Trung Quốc đuổi theo gần quần đảo Hoàng Sa.
Vào nửa cuối năm 2019, Trung Quốc cũng đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh vào quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô dầu khí 06-01 trong liên doanh giữa Việt Nam với công ty Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính.
Theo Benarnews, việc Hải Dương 4 vào vùng biển Việt Nam lần này có thể liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính. Trung Quốc cũng đã từng đe doạ Việt Nam trong những hoạt động khoan thăm dò dầu khí trước đây với công ty Repsol của Tây Ban Nha hồi năm 2017 và 2018.
Cũng theo Benarnews, hôm 13/6 công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã chuyển nhượng các cổ phần của công ty này ở 3 lô dầu khí ngoài khơi phía Đông Nam Việt Nam cho PetroVietnam với lý do không thể khoan trong khu vực sau khi chịu áp lực của Trung Quốc vào năm 2018.
Không chỉ với Việt Nam, Trung Quốc cũng đang làm tương tự với Malaysia. Từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, Hải Dương 8 đã thực hiện một cuộc khảo sát ở vùng biển Malaysia, theo Benarnews đây có vẻ như là hành động nhằm gây áp lực cho West Capella, một máy khoan có hợp đồng của Malaysia được điều hành bởi một công ty có trụ sở tại London. West Capella cuối cùng đã rời khỏi khu vực.