Tin thế giới chiều thứ Năm 18/6

Trung Quốc: Hơn 600 triệu người sống chỉ với 140 USD/tháng trong năm 2019

Năm ngoái, khoảng 600 triệu người dân Trung Quốc chỉ có có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng ở mức 140 USD.

công nhân Trung Quốc; xưởng may
Có học giả cho rằng, trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, người dân Trung Quốc đứng cùng mặt trận với Mỹ và đối lập với chính quyền Trung Quốc. (Ảnh minh họa từ Getty Images)

Theo dữ liệu từ điều tra về thu nhập và chi tiêu hộ gia đình hàng năm của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 15/6, có hơn 40% dân số nước này, tương đương khoảng 600 triệu người, chỉ kiếm được 957 NDT (140 USD hay 3.400.000 VNĐ) mỗi tháng trong năm 2019.

Con số trên tăng nhẹ so với mức 866 NDT năm 2018, với cùng nhóm người điều tra.

Dữ liệu trên được trích dẫn trong bản tóm tắt kỷ yếu thống kê năm 2019 chưa xuất bản, đã xác nhận tuyên bố của Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường tại cuối phiên họp Đại hội Nhân dân toàn quốc hồi tháng Năm.

“Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới. Mức thu nhập của phần lớn cư dân vùng nông thôn và khu vực miền trung và miền đông còn thấp. Nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo và khởi sắc nền kinh tế cho những khu vực này còn nhiều khó khăn,” NBS cho biết.

Tuy nhiên, NBS cho hay, “cũng cần ghi nhận là nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục phát triển, ngày càng nhiều các nhóm thu nhập thấp và thấp hơn mức thu nhập trung bình sẽ được chuyển lên nhóm thu nhập trung bình. Thị trường nội địa của Trung Quốc có tiềm năng to lớn và có khả năng phát triển vô hạn.”

Trong khi đó, năm 2019, 20% hộ gia đình ở nhóm thu nhập cao có số tiền trung bình hàng tháng là 6.376 NDT (899 USD).

Dữ liệu thu nhập mới đã cho thấy mức độ bất bình đẳng ở Trung Quốc còn rất lớn. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát có thể khiến khoảng cách chênh lệch còn lớn hơn, đặc biệt khi virus corona tác động mạnh tới các nhóm thu nhập thấp, các chủ doanh nghiệp tự doanh và công nhân thời vụ.

Trong khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét trên sức mua tương đương (PPP – purchasing power parity), tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người vẫn tụt xa các nước phát triển, một phần bởi phân bổ thu nhập “chảy về chỗ trũng”, tức nhà nước, dẫn đến tình huống thường được gọi là “nước giàu, dân nghèo.” Khoảng cách thu nhập giữa cư dân nông thôn và  thành thị còn làm bức tranh phức tạp hơn. 

Hệ số Gini – thước đo sự bất bình đẳng trong dân số, đã tăng 3 năm liên tiếp gần đây tại Trung Quốc kể từ năm 2015, đạt mức 0,468 điểm trong năm 2018, trước khi giảm nhẹ xuống 0,465 điểm năm 2019, theo số liệu chính phủ. (Giá trị con số càng tiệm cận bằng 0 càng biểu thị sự bình đẳng trong xã hội, còn giá trị con số gần tới 1 chỉ ra sự bất bình đẳng).

G7 đề nghị Bắc Kinh ngừng áp luật an ninh cho Hồng Kông

Người biểu tình Hồng Kông đang hát bài “Vinh quang Hồng Kông” một bài hát được xem là quốc ca riêng của họ

G7 đề nghị Bắc Kinh ngừng áp luật an ninh cho Hồng Kông

Reuters đưa tin, các ngoại trưởng của nhóm G7 hôm thứ Tư đã ra một tuyên bố kêu gọi Trung Quốc hủy kế hoạch áp luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.

“Luật an ninh quốc gia có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng nguyên tắc ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ và mức tự trị cao của Hồng Kông”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Đại diện cấp cao của EU nêu quan điểm trong tuyên bố.

“Chúng tôi rất mong muốn chính phủ Trung Quốc xem xét lại quyết định này”, tuyên bố nhấn mạnh.

image.png

Người Hồng Kông có thể bị dẫn độ theo luật an ninh mới

Nếu người Hồng Kông vi phạm luật an ninh quốc gia, đặc biệt trong trường hợp có liên quan tới sự can thiệp của nước ngoài, thì có thể bị dẫn độ sang Đại lục để xét xử, Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất cho người Hồng Kông tại quốc hội Trung Quốc đề nghị, theo bản tin tối hôm thứ Tư của SCMP.

Đề nghị của ông Yiu-chung được phát triển từ ý kiến của ông Deng Zhonghua, Phó Giám đốc Văn phòng Nội vụ Hồng Kông và Ma Cao. Ông Zhonghua quả quyết rằng Bắc Kinh có thể xử lý tội phạm ở các đặc khu “trong những hoàn cảnh rất đặc biệt” khi áp dụng luật an ninh quốc gia mới.

Ông Yiu-chung nói: “Nếu Bắc Kinh thấy cần thiết rằng vụ án không nên để các tòa án Hồng Kông thụ lý, thì dẫn độ có thể là một lựa chọn”.

Tổng thống Trump gia hạn lệnh trừng phạt Triều Tiên thêm 1 năm

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (17/6) đã gia hạn các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn thêm 1 năm, với lý do chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục gây ra “mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng”, theo Yonhap.

Trong một thông báo gửi tới Nghị viện, Tổng thống Trump cho biết ông tiếp tục duy trì “tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề Triều Tiên” được ban bố lần đầu vào ngày 26/6/2008, theo sắc lệnh hành pháp 13466. Sắc lệnh 13466 cho phép Washington trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề Triều Tiên sẽ tự động chấm dứt nếu Tổng thống không gia hạn trong vòng 90 ngày trước ngày 26/6 hàng năm.

“Sự tồn tại và rủi ro của việc phổ biến vật liệu phân hạch có thể dùng trong vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và các hành động cũng như chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục đặt ra mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”, Tổng thống Trump viết, giải thích lý do gia hạn tình trạng khẩn cấp trước ngày 26/6.

Trong một bức thư đính kèm gửi Nghị viện, ông chủ Nhà Trắng cho biết các chính sách và hành động của Bình Nhưỡng là “gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên và các lực lượng vũ trang, đồng minh cùng các đối tác thương mại trong khu vực”.

Cụ thể, Tổng thống Trump đề cập đến việc theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa, cùng các hành động và chính sách “khiêu khích, gây bất ổn và đàn áp” khác của chính quyền Triều Tiên.

Ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau ba lần trong 2 năm để cố gắng đạt được một thỏa thuận là Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, đổi lại, Washington sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán gần như đã ngưng trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Việt Nam hồi tháng 2/2019.

Động thái của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Hàn Quốc – Triều Tiên leo thang trong những ngày gần đây. Hôm 16/6, Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở thành phố biên giới Kaesong. Một ngày sau, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ cho quân đội trở lại các đơn vị ở khu vực biên giới phi quân sự giữa hai nước. Hôm nay (18/6), tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng bài viết tuyên bố việc phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều mới chỉ là “bước khởi đầu”, đồng thời đe dọa có thể có các động thái khác “vượt ngoài sự tưởng tượng” nhằm đáp trả Hàn Quốc.

Ông Moon họp với cựu quan chức về quan hệ liên Triều

Hôm thứ Tư, Tổng thống Moon Jae-in đã thảo luận với các cựu Bộ trưởng thống nhất về những rắc rối nghiêm trọng đang diễn ra trong quan hệ liên Triều, Yonhap dẫn thông tin từ văn phòng Nhà Xanh.

Trong cuộc họp kéo dài hai giờ tại Nhà Xanh, ông Moon đã lắng nghe ý kiến của các cựu bộ trưởng về mối quan hệ giữa hai miền, theo phó phát ngôn viên Nhà Xanh Yoon Jae-kwan.

Ông Yoon không tiết lộ chi tiết nội dung thảo luận khi Triều Tiên đang leo thang căng thẳng trên bán đảo với một loạt các đe dọa và khiêu khích, bao gồm việc phá hủy văn phòng liên lạc chung giữa hai miền ở thành phố biên giới Kaesong.

Ông Pompeo đã gặp quan chức Trung Quốc tại Haiwaii

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư cho biết ông Mike Pompeo đã gặp ông Dương Khiết Trì, quan chức hàng đầu của chính quyền Trung Quốc tại Hawaii.

Theo Reuters, hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết về cuộc gặp này. Cuộc họp giữa ông Pompeo và ông Dương được cho là để làm dịu căng thẳng Mỹ – Trung sau hàng loạt xung đột liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các vấn đề về Hồng Kông và Đài Loan.

Tuy nhiên, cùng ngày với cuộc họp này, Tổng thống Trump đã ký ban hành đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc có liên quan tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Giới quan sát nhân định động thái này có thể khiến mối quan hệ Mỹ – Trung thêm phần căng thẳng.

Mỹ đang xúc tiến cải cách WTO

Chính quyền Trump sẽ thúc đẩy việc cải tổ “các quyết định về thuế đã lỗi thời” gây bất công với Hoa Kỳ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, cho biết hôm thứ Tư, theo Reuters.

“Nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn và phát triển nhận được mức ưu đãi thuế rất cao, vượt xa mức thuế mà Hoa Kỳ phải chịu”, ông Lighthizer nói về quy định biểu thuế hiện tại của WTO trong một cuộc họp chuẩn bị cho phiên điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ.

Phát biểu của ông Lighthizer đưa ra trong bối cảnh Tổng giám đốc hiện tại của WTO, ông Robert Azevedo, sẽ mãn nhiệm vào tháng Tám tới đây. Đại diện thương mại Mỹ nói rằng Washington sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ cho các đề xuất của mình và lãnh đạo mới của WTO sẽ có thể bắt đầu thực hiện đề xuất này. Ông Lighthizer cho biết thêm, Hoa Kỳ sẽ phủ nhận tất cả những ứng viên có xu hướng chống Mỹ đang muốn thay thế ông Azevedo.

Ổ dịch Bắc Kinh: Cá hồi bị nghi mang virus, dư luận nói đây là ‘đổ oan và bắt nạt’

Chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á Tân Phát Địa, Bắc Kinh đã trở thành ổ dịch viêm phổi Vũ Hán mới ở Bắc Kinh. Mầm bệnh đã được phát hiện trên thớt dùng thái loại cá hồi nhập khẩu ở chợ…

Sau đó, nhiều siêu thị và cửa hàng ở Bắc Kinh đã mau chóng loại bỏ tất cả cá hồi khỏi gian hàng. Theo nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc, ngày 12/6, sau khi tin cá hồi có mang mầm bệnh, nhiều chuỗi siêu thị lớn ở Bắc Kinh như Wumart, CSF Market và Carrefour đã gỡ bỏ tất cả cá hồi khỏi gian hàng ngay trong đêm. Ngày 13/6, nhiều nhà hàng Nhật Bản ở Bắc Kinh đã ngừng bán tất cả các sản phẩm cá hồi hoặc tất cả món ăn sashimi cá hồi khác. Nhiều chủ cửa hàng phản ánh rằng công việc kinh doanh của cửa hàng đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Đồng thời, thị trường bán buôn của trung tâm nông sản Thành Đô cũng tuyên bố loại bỏ tất cả sản phẩm cá hồi khỏi gian hàng, thời gian tiêu thụ phải chờ quyết định từ phía chính quyền.

Sau khi tin tức được đưa ra, nhiều cư dân mạng không đồng ý với cách làm cứng nhắc này, cho rằng đây là “bắt nạt và đổ oan cho cá hồi”.

Có người nói: “Các quán ăn đã làm việc trở lại từ lâu rồi. Nhà hàng Nhật Bản và nhà hàng hải sản tiêu thụ cá hồi nhiều nhất, hơn nữa người mua cá hồi không phải là ít. Nhiều người còn thích ăn sống. Nếu xảy ra chuyện thì đã xảy ra chuyện từ lâu rồi, nguồn gốc mầm bệnh rất có thể không phải là cá”.

“Là cá hồi mang virus vào, hay là người mang bệnh khiến virus dính trên tấm thớt, cái nào hợp lý hơn?”.

“Lệch khỏi trọng điểm rồi: ‘Tấm thớt’ đáng được quan tâm hơn ‘cá hồi’ mới phải! Kiến nghị chỉ loại bỏ sản phẩm tại nơi phát hiện có virus, điều tra dây chuyền thương mại có nhập hàng sản phẩm. Nhưng cần lưu ý rằng không chỉ giới hạn trong cá hồi, các sản phẩm thủy sản khác được chế biến trong cùng một cửa hàng cũng cần được chú ý!”.

Một chuyên gia nghiên cứu virus giấu tên nói với trang Yicai.com rằng vật chủ của virus viêm phổi Vũ Hán là loài động vật có vú, không phải loài hải sản như cá hồi, virus trong phổi người thường không truyền sang cho cá, cũng như virus trên mang cá không thể truyền sang người được. Ông nói rằng cho đến hiện tại vẫn chưa phát hiện mầm bệnh chung giữa người và cá.

Trang Jiemian.com thì trích dẫn một bài luận văn nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu (UCL) của trường đại học London: “Protein gai SARS-CoV-2 về cơ bản sẽ tạo thành các phức hợp ổn định với các chỉnh hình protein thụ thể của vật chủ từ động vật có vú, không phải là từ cá, chim hay bò sát”.

Bài viết này đã phân tích tác dụng của sự tương đồng sinh học giữa các chuỗi protein của 215 loài động vật có xương sống với virus viêm phổi Vũ Hán, cuối cùng kết luận rằng virus viêm phổi Vũ Hán rất khó lây nhiễm cho các loài bò sát, chim và cá.

Đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông báo nói rõ nguồn gốc virus trên sản phẩm hải sản như cá hồi. Phó Giám đốc Trung tâm trao đổi thông tin Thực phẩm và Dinh dưỡng Kexin, Chung Khải, khuyên công chúng tạm thời không nên ăn cá hồi sống. Phòng Thương mại Thực phẩm và Đồ uống Nam Kinh hôm 13/6 cũng đưa ra bản kiến nghị liên quan đến phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, kiến nghị tất cả các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống ở Nam Kinh chế biến thực phẩm chín kỹ, tạm thời ngưng cung ứng gia súc, gia cầm, hải sản và thủy sản tươi sống các loại.

Related posts