Tân Ngoại trưởng Anh David Cameron thăm Ukraine

Ông David Cameron. (Ảnh: Tom Evans/ Wikimedia)

Tân Ngoại trưởng Anh David Cameron đã đến Ukraine, gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Cameron trên cương vị Ngoại trưởng Anh, theo hãng tin Reuters.

Trong đoạn video do Văn phòng Tổng thống Ukraine đăng tải ngày 16/11, ông Cameron đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Chính phủ Anh đối với Ukraine. Ngoại trưởng Anh khẳng định London sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt tinh thần, ngoại giao và trên hết là hỗ trợ quân sự. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh nói thêm rằng London sẽ hợp tác với các nước đồng minh nhằm đảm bảo trọng tâm chú ý là Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky cảm ơn động thái trên của Chính phủ Anh, trong bối cảnh ông cho rằng cuộc xung đột ở Trung Đông dường như khiến thế giới không còn quá tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tuyên bố của Ukraine không nêu thời gian diễn ra cuộc gặp giữa tân Ngoại trưởng Anh và Tổng thống Zelensky. Cựu Thủ tướng Anh Cameron vừa được bổ nhiệm là Ngoại trưởng nước này trong cuộc cải tổ nội các ngày 13/11 vừa qua.

Việc cựu Thủ tướng Anh David Cameron trở lại chính trường với tư cách là ngoại trưởng là một quyết định kịch tính và bất ngờ hơn bao giờ hết.

Sau khi vận động không thành công trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 để người Anh bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu, ông Cameron đã từ chức ngay lập tức và rời khỏi chính trường kể từ đó.

Ông thậm chí không phải là một nhà lập pháp. Việc ông trở lại vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ với tư cách là thành viên không được bầu chọn từ Hạ viện Anh là điều hiếm gặp và làm dấy lên lo ngại về tính trách nhiệm.

Phát biểu trước phóng viên ngày 13/11, cựu Thủ tướng Cameron nói: “Tôi biết việc một thủ tướng trở lại theo cách này là không theo lẽ thường, nhưng tôi tin vào dịch vụ công”.

Cuộc cải tổ nội các lớn cùng ngày do Thủ tướng Rishi Sunak công bố cho thấy ngoài ông Cameron, một số cựu thủ tướng Anh khác cũng quay trở lại chính phủ nhưng với vai trò thấp hơn. Chỉ có khoảng chục cựu lãnh đạo Anh đi theo con đường này từ những năm 1700.

Cho đến nay, di sản của cựu Thủ tướng Cameron đối với Brexit và các quyết định chính trị khác vẫn còn gây tranh cãi sâu sắc.

Tốt nghiệp đại học danh tiếng Oxford, ông Cameron đã lãnh đạo đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền vào năm 2010 sau 13 năm quyền lực rơi vào tay phe đối lập. Ông lãnh đạo nước Anh trong 6 năm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, đảng của ông đã chia sẻ quyền lực với đảng Dân chủ Tự do trong một liên minh không mấy dễ dàng.

Ông Cameron trở thành lãnh đạo Văn phòng số 10 phố Downing ở tuổi 43 với tư cách là một trong những thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh. Nhiều nhà quan sát vào thời điểm đó đã so sánh sức hút của ông với cựu Thủ tướng Tony Blair của Công đảng.

Đối với nhiều người, nền kinh tế “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt và quyết định tổ chức cuộc bỏ phiếu Brexit của ông vẫn là những cột mốc quan trọng trong thời gian ông nắm quyền, với tác động sâu rộng lên xã hội Anh sau này.

Dưới thời Thủ tướng Cameron, chính phủ Anh đã cắt giảm sâu phúc lợi xã hội và các chi tiêu công khác cho y tế và giáo dục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Lời hứa của ông về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU, một nỗ lực nhằm xoa dịu những người Bảo thủ nổi loạn và xua đuổi đảng Độc lập cánh hữu của Vương quốc Anh, đã đánh dấu sự sụp đổ của ông. Phe “ở lại” EU của ông Cameron đã bị đánh bại, chỉ giành được 48% phiếu bầu so với 52% của phe “rời đi” được sự ủng hộ từ những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, trong đó có cựu Thủ tướng Boris Johnson.

Vương quốc Anh rời EU vào năm 2020 sau một tiến trình hỗn loạn và những tranh cãi thương mại thời hậu Brexit tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị ở Bắc Ireland.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Cameron đã dẫn dắt các mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Anh và Trung Quốc, chủ trì “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Trung – Anh khi ông có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.

Lập trường của ông hiện bị nhiều người ở Anh, trong đó có Thủ tướng đương nhiệm Sunak, chỉ trích là sai lầm vì ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế. Trong một tuyên bố, ông Cameron thừa nhận ông không đồng tình với nhà lãnh đạo Sunak về một số quyết định nhưng nhấn mạnh rằng ông sẽ ủng hộ ông Sunak khi Vương quốc Anh tiến tới cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Phan Anh

Giám đốc FBI Wray: ‘Rất đáng lo ngại’ về những kẻ khủng bố thâm nhập nước Mỹ

Giám đốc FBI Christopher Wray, trong cuộc điều trần tại Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện hôm thứ Tư (15/11), đã bày tỏ “rất đáng lo ngại” về khả năng những kẻ khủng bố thâm nhập vào nước Mỹ từ biên giới phía Nam giáp Mexico.

Dân biểu Michael McCaul (Đảng Cộng hòa, Texas) trong cuộc điều trần đã hỏi ông Wray về suy nghĩ của ông đối với số lượng kỷ lục những vụ chạm trán người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới phía Nam, cũng như số lượng gia tăng các vụ chạm trán những người nhập cư bất hợp pháp có tên trong Danh sách Theo dõi Khủng bố.

Ông Wray đáp rằng: “Chắc chắn những con số đó khiến chúng ta lo lắng. Dù vậy, tôi nghĩ ở một vài khía cạnh nào đó, điều quan trọng là phải nhận ra rằng chỉ riêng các con số đó thậm chí không thực sự nói lên vấn đề. Tất cả chúng ta đều đã từng chứng kiến một số lượng nhỏ những kẻ khủng bố nước ngoài đã gây tổn thất nhiều như thế nào. Ý tôi là, đôi khi mọi người điên rồ đến mức cố tình quên rằng chỉ có 19 người đã giết chết 3.000 người”. Ông Wray muốn đề cập đến vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Cũng trong cuộc điều trần nêu trên, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, Dân biểu Mark Green (Đảng Cộng hòa, Tennessee) đã đặt ra câu hỏi rằng liệu có hay không FBI đảm bảo những kẻ khủng bố đã được xác nhận hoặc đang là tình nghi, trong đó có những tên từ nhóm Hamas, đã không nằm trong nhóm đã vào nước Mỹ bất hợp pháp và không bị các quan chức Tuần tra Biên giới bắt giữ.

“Chắc chắn, nhóm người mà ông đang nói đến là nguồn cơn khiến chúng tôi rất lo ngại. Đó là lý tại sao chúng tôi đang rất tích cực sử dụng tất cả 56 tổ công tác chống khủng bố hỗn hợp của chúng tôi”, ông Wray nói.

Trong bài phát biểu khai màn phiên điều trần đã được chuẩn bị trước, ông Wray nói: “Cho đến lúc này, chúng tôi chưa có thông tin để khẳng định Hamas có ý định hoặc khả năng thực hiện các hoạt động khủng bố bên trên nước Mỹ, mặc dù chúng tôi không thể và cũng không xem nhẹ khả năng đó, nhưng chúng tôi đặc biệt quan ngại về khả năng những người ủng hộ Hamas tham gia vào các hành vi bạo lực nhân danh nhóm Hồi giáo này”.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cũng đã bày tỏ những quan ngại tương tự như ông Wray trong bài phát biểu có chuẩn bị trước mở màn phiên điều trần nêu trên.

Ông Alejandro Mayorkas tuyên bố: “Mối đe dọa của nhân tố ‘sói đơn độc’ nỗ lực khai thác cuộc xung đột giữa Israel và Hamas và xúi giục gây bạo loạn bằng tư tưởng thù hận là đặc biệt đáng quan ngại”.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ hồi tháng Mười cũng đã công bố số liệu cho thấy 13 người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ và chạm trán lực lượng Tuần tra Biên giới là nằm trong Danh sách Theo dõi Khủng bố. Con số này là nhiều hơn tổng số người nhập cư bất hợp pháp nằm trong Danh sách Theo dõi Khủng bố bị bắt giữ từ năm 2018 đến năm 2020, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Cũng trong tháng Mười, một chỉ lệnh nội bộ của Bộ An ninh Nội địa, đã âm thầm thừa nhận rằng mối đe dọa khủng bố tràn qua biên giới phía Nam vào nước Mỹ đang là một vấn đề an ninh quốc gia.

Xuân Thành

Related posts