Covid-19: Dân Paris tìm lại cà phê vỉa hè, chủ quán chồng chất nỗi lo

Thu Hằng

Quán cà phê nổi tiếng ở Paris, Café de Flore, quận 6, ngày 02/06/2020, khi được mở cửa trở lại đón khách ở ngoài hiên, vửa hè. AFP – MARTIN BUREAU

Phải chờ đến 2 tháng rưỡi, người dân Paris mới được tìm lại thói quen gọi một ly cà phê đen nóng, đọc báo và ngắm người qua lại. Cho đến giữa tháng Sáu, vùng Ile-de-France, trong đó có Paris, vẫn bị xếp « Mầu Cam », có nguy cơ cao về dịch Covid-19 nên hàng quán chỉ được mở ngoài hiên, vỉa hè và phải tuân thủ hàng loạt biện pháp dịch tễ chặt chẽ.

Nhiều quán cà phê trên đại lộ Raspail, quận 14, Paris, xếp thêm bàn ghế ra sát vỉa hè. Hai người phụ nữ nhâm nhi tách cà phê ngay cạnh lối lên xuống của trạm tầu điện ngầm Raspail, tận hưởng những ngày nắng hiếm hoi ở Paris và vui mừng vì được gặp lại nhau sau hơn 2 tháng phong tỏa.

Đây đúng là cảm giác nhẹ người vì có thể được gặp bạn bè, ngồi nhâm nhi cà phê vỉa hè. Đây là lần đi uống cà phê đầu tiên của tôi kể từ khi hàng quán được phép mở cửa trở lại ở không gian mở (từ ngày 02/06), tôi không có cơ hội đi uống cà phê và hôm nay thật dễ chịu vì trời nắng mà lại không nóng quá. Phải nói là thật dễ chịu khi quán cà phê ngoài trời được hoạt động trở lại.

Ở những nơi có vỉa hè rộng, có nhiều cây cối như ở đây, tôi nghĩ là những chiếc bàn, ghế được kê ở không gian công cộng không gây vướng víu, khó chịu cho người đi bộ. Nếu được phép thì nên tận dụng vì các hàng quán đã không thể tận dụng được không gian khép kín bên trong. Tôi nghĩ đây là điểm hay”.

Khu đại lộ Raspail, giao với đại lộ Montparnasse, nổi tiếng với những quán cà phê lớn. Đây cũng là khu vực nhộn nhịp cuộc sống về đêm với những nhà hát, rạp chiếu phim và hàng quán. Quán cà phê – nhà hàng Mâm Son là một địa chỉ mới, ở số 103 đại lộ Montparnasse, quận 6 Paris. Một quyết định đáng ngạc nhiên trong thời dịch. Chị Phương Tú Violette, chủ quán, giải thích với RFI Tiếng Việt:

Chúng tôi đã có kế hoạch để mở cửa Mâm Son từ tháng Ba, nhưng rất tiếc là vì dịch nên phải lùi sang tháng Sáu. Mọi công tác đều bị chậm do dịch. Các nhà phân phối, rồi bên sửa chữa đều bị chậm do ảnh hưởng từ dịch. Nhưng vì tất cả các chi phí, kể cả khi đóng cửa, chúng tôi đều phải trả dù các đối tác cho trả chậm, nhưng mà cứ ngày nào chúng tôi không mở cửa, chúng tôi cũng vẫn phải trả từng đó chi phí, cộng với nhân viên, rồi ê-kíp cũng phải thuê và tất cả đã phải tạm ngừng trong một khoảng thời gian dài như thế. Cho nên, ngay khi Pháp dỡ lệnh phong tỏa ngày 02/06, ban lãnh đạo đã có kế hoạch để mở cửa ngay lập tức để có thể quảng bá được hình ảnh của nhà hàng, nhất là nhà hàng Việt Nam trong khu Montparnasse này”.

Hàng quán được sử dụng không gian công cộng miễn phí đến hết tháng Chín

Từ ngày 02/06, giai đoạn hai của thời hậu phong tỏa chống dịch, thành phố Paris cho phép hàng quán sử dụng không gian chung để mở rộng diện tích kinh doanh. Trả lời nhật báo Le Parisien ngày 30/05, đô trưởng Anne Hidalgo hy vọng giải pháp này có thể giúp bù đắp phần nào cho hàng quán ở Paris, vôn thất thu vì phải đóng cửa chống dịch Covid-19:

Ý tưởng của thành phố là đồng hành cùng với các hàng quán ở Paris mở cửa trở lại vào ngày 02/06 qua việc cho phép họ sử dụng miễn phí một phần không gian công cộng, dĩ nhiên là phải tuân thủ một số quy định và ký vào bản quy định tôn trọng sự bình yên của dân cư khu phố, như không làm ồn vào buổi tối và kết thúc kinh doanh vào 22 giờ.

Trên trang web của thành phố Paris, mọi chủ nhà hàng, quán cà phê có thể truy cập để tải bản cam kết và gửi đề xuất về địa điểm mà họ cần sử dụng, ví dụ như một chỗ đỗ xe hay một khoảng hiên. Ở một số nơi khác, có thể sẽ là đề xuất cấm phương tiện giao thông trong hẳn một con phố để cho phép một hoặc nhiều nhà hàng, quán cà phê phục vụ khách ở ngoài đường. Các biện pháp này có hiệu lực suốt mùa hè, đến hết ngày 30/09.

Đây có thể là sự hỗ trợ hiệu quả của thành phố. Tôi mong là các chủ hàng quán gửi cho chúng tôi những đề xuất hay, đồng thời cũng phải tôn trọng các cam kết để người dân trong khu vực và các hàng quán có thể chung sống hài hòa. Nói chung là người dân rất yêu những hàng quán, cửa hiệu trong khu phố của họ vì đó là một phần của cuộc sống Paris”.

Kế hoạch trợ giúp của thành phố Paris được các nhà hàng, quán bar, cà phê hưởng ứng vì họ mất đến 90% doanh thu trong tháng Tư và khoảng 70% trong tháng Năm, theo ông Pascal Brun, cố vấn và là cựu tổng giám đốc của tập đoàn Frères Blancs. Do không được kinh doanh trong không gian khép kín, nên việc được phép cơi nới và sử dụng miễn phí không gian chung cũng là một giải pháp giúp các hàng quán tăng thêm doanh thu, theo nhận xét với RFI Tiếng Việt của một khách hàng tại quán cà phê trên đại lộ Raspail:

Tôi cho rằng điều quan trọng là các nhà hàng, quán cà phê có thể được kê bàn ghế ở không gian chung. Rất tội cho họ bởi vì, chỉ hai ngày sau khi được phép hoạt động ở ngoài trời, thì thời tiết thay đổi, trời trở lạnh, rồi mưa liên tục. Vì thế, đối với họ, tận dụng thêm được một chút không gian công cộng là điều quan trọng.

Đối với tôi, các quán cà phê còn hơn cả quan trọng, có ý nghĩa sống còn với người dân Paris, như tôi chẳng hạn, tôi đọc, tôi viết trong các quán cà phê. Đó là điều mà tôi nóng lòng ngóng đợi trong thời gian phong tỏa. Thời gian đầu phong tỏa thật sự là nặng nề đối với tôi, sau đó tôi học được nhiều điều với giai đoạn hiếm có này. Tôi gặp bạn bè qua các phương tiện kỹ thuật số hiện nay, nhưng không hề giống như khi được gặp nhau thật. Và Paris với ánh nắng như hôm nay đã là một món quà rồi!”.

Tuy nhiên, do phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được áp dụng trong giai đoạn tình trạng khẩn cấp dịch tễ, nên số bàn cũng bị giảm đi. Thêm vào đó là những quy định về vệ sinh an toàn trong thời dịch, theo giải thích của chị Phương Tú Violette, quán Mâm Son:

Có rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bình thường Pháp đã rất khắt khe trong vấn đề về vệ sinh, nhưng vì dịch Covid-19 vừa rồi, chính phủ Pháp cũng yêu cầu các nhà hàng phải thực hiện những tiêu chí mới dành cho khách hàng, ví dụ nhân viên phải đeo khẩu trang, đeo găng tay hay khi tiếp xúc với khách hàng phải có khoảng cách, rồi khoảng cách giữa các bàn, giữa các khách hàng cũng phải có khoảng cách nhất định khiến cho số bàn của quán ở ngoài hiên bị giảm đi. Và hiện tại, chúng tôi vẫn chưa được phép đón khách ở bên trong mặc dù có khoảng 150 chỗ bên trong nhà hàng.

Khó khăn thì rất nhiều nhưng chúng tôi cũng tìm cách khắc phục, vì may mắn ở khu Montparnasse này, chúng tôi là nhà hàng Việt Nam duy nhất. Mâm Son là một ý tưởng rất là mới và lạ so với các nhà hàng, các quán Việt Nam vẫn được nghĩ là căng tin hay đồ ăn nhanh hay là những món ăn không đắt tiền. Chúng tôi muốn là khi ẩm thực Việt Nam đã ngon như vậy, chúng tôi muốn mang thêm những kỹ thuật, cách trang trí mà chúng tôi học được từ phương Tây, từ ẩm thực Pháp để nâng giá trị ẩm thực Việt Nam và đã được không chỉ khách hàng cộng đồng người Việt ở Paris mà còn cả khách hàng Pháp ở những khu xung quanh rất đón nhận.

Cũng rất may mắn là Mâm Son có khu vực hiên trước cửa khá rộng, trong khi các nhà hàng xung quanh như La Rotonde, Le Dôme hay là La Coupole chưa mở cửa nên chúng tôi đang có khách từ những khu xung quanh đến đây. Ngoài ra, vì không gian trong quán cũng rộng nên chúng tôi có thể nhận một vài khách với điều kiện bảo đảm được khoảng cách giữa các khách hàng”.

Đóng cửa vì thiếu khách du lịch

Khác với Mâm Son, khai trương trong mùa dịch, nhiều hàng quán đành đóng cửa, tranh thủ trùng tu. Các hàng quán ở khu du lịch sầm uất còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác, như giải thích với RFI Tiếng Việt của ông chủ quán cà phê Le Petit Plateau, ở số 1 Quai aux Fleurs, quận 4 Paris, ngay sau nhà thờ Đức Bà:

Chúng tôi mở lại cửa từ thứ Ba 02/06 vừa qua, thế nhưng kết quả rất kém vì không có khách du lịch nào, thậm chí người dân Paris cũng chẳng đến vì một phần lớn trong số họ vẫn làm việc từ xa, những người khác thì ở nhà coi con hai buổi mỗi tuần. Tình hình khá là phức tạp, thêm vào đó, thời tiết cũng không thuận lợi cho các hàng quán cà phê. Vì thế, mở cửa trở lại cuối cùng lại khiến chúng tôi tốn kém hơn là đóng cửa, nên chúng tôi quyết định đóng cửa vào tối Chủ Nhật 07/06 và chờ đến ngày 22/06.

Thực ra, chúng tôi cũng không biết là có đáng mở cửa trở lại vào ngày 22/06 hay không vì một phần lớn khách hàng của chúng tôi là khách du lịch. Cửa hàng của chúng tôi nằm trong khu phố du lịch, ít dân cư sinh sống, nên trừ dịp cuối tuần còn có một số khách, trong tuần thì khá khó khăn”.

Các nước trong khối Schengen đồng loạt mở cửa biên giới bên trong vào ngày 15/06, tiếp theo là mở cửa biên giới bên ngoài vào ngày 01/07. Tuy nhiên, ông chủ quán cà phê gần nhà thờ Đức Bà Paris không tỏ ra lạc quan:

Dù biên giới được mở cửa trở lại vào ngày 15/06 nhưng tôi không nghĩ là công dân các nước châu Âu đổ xô sang các nước khác, hay đi du lịch Paris vào phút chót. Nhìn vào những gì đang diễn ra ở các nước, tôi nghĩ là việc đầu tiên sẽ là mọi người đi làm trở lại, chứ không phải là đi du lịch.

Trước đó, việc kinh doanh của chúng tôi đã gặp khó khăn kể từ năm ngoái, khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở nhà thờ Đức Bà Paris. Thế nhưng, tình hình hiện nay còn bi đát hơn cả. Bữa trưa, chúng tôi chỉ có khoảng 20 khách, thay vì khoảng 100 khách như trước. Trong ngành kinh doanh ăn uống, còn có quy định mở cửa và đóng cửa hàng ngày nên chúng tôi buộc phải có ít nhất một nhân viên phụ trách mở cửa và một người khác đóng cửa vì không thể bắt một người làm việc đến tận 15 giờ mỗi ngày. Vì thế chi phí cho nhân viên quá cao so với doanh thu hàng ngày của quá”.

Khi du khách quốc tế chưa trở lại, Paris là của riêng người Paris và người dân Pháp. Khám phá Paris trong những ngày dịch đem lại một cảm giác khó tả, vừa êm đềm, vừa lạ lẫm, nhưng hơn cả vẫn là mong muốn Paris trở lại nhộn nhịp như xưa.

Related posts