- Gia Huy
Liên Hợp Quốc đã bảo vệ nhóm quá khích cực tả Antifa và các tổ chức tương tự, cho biết các chuyên gia của tổ chức này cảm thấy quan ngại sâu sắc về việc Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr mô tả các thành viên Antifa như “những kẻ khủng bố trong nước”.
Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva hôm 19/6 đã chia sẻ hình ảnh lá cờ của Antifa trên tài khoản Twitter chính thức, nói rằng các chuyên gia của họ “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi miêu tả Antifa và các nhà hoạt động chống phát xít nhưng những kẻ khủng bố trong nước.”
Văn phòng Liên Hợp Quốc cho rằng mô tả như vậy là “làm hủy hoại các quyền” của Antifa và các nhóm chống phát xít khác như “quyền tự do ngôn luận và hội họp hòa bình” tại Mỹ.
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc đưa ra sau khi ông Barr cáo buộc Antifa và các nhóm cực đoan khác liên quan đến các cuộc bạo loạn và bạo lực trong các cuộc biểu tình George Floyd gần đây. Cái chết của Floyd đã khích động các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ kêu gọi cải tổ các hoạt động của cảnh sát.
Chính quyền liên bang, trong đó có ông Barr, đã quy kết hoạt động bạo lực cho các các tổ chức cực đoan như Antifa. Tổng chưởng lý trước đó trong một tuyên bố hôm 31/5 đã cáo buộc bạo lực “do Antifa và các tổ chức tương tự gây ra trong vụ bạo loạn là khủng bố trong nước và sẽ bị xử lý tương thích.”
Ông nói rằng Bộ Tư pháp (DOJ) có bằng chứng cho thấy Antifa và các nhóm tương tự khác đã xúi giục hoạt động bạo lực, và nói rằng chính quyền liên bang đang thực hiện các cuộc điều tra toàn diện đối với một số cá nhân có quan hệ với nhóm cực đoan.
“Chúng tôi đang thực hiện một số cuộc điều tra và chủ yếu nhắm vào một số cá nhân liên quan đến Antifa,” ông Barr nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 8/6.
Trước đó, hôm 31/5, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng chính quyền của ông xác định Antifa như một tổ chức khủng bố.
Một trong các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại là bà Fionnuala Ní Aoláin, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Bà Ní Aoláin bày tỏ lấy làm tiếc về phản ứng của Hoa Kỳ đối với các cuộc biểu tình trong một tuyên bố riêng:
“Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ quyền tự do ngôn luận, lập hội, và hội họp hòa bình. Thật đáng tiếc là Hoa Kỳ đã chọn phản ứng đối với các cuộc biểu tình theo cách hủy hoại các quyền cơ bản này.”
Bà nói thêm rằng “Việc sử dụng lỏng lẻo thuật ngữ khủng bố sẽ hủy hoại các cuộc biểu tình hợp pháp và làm giảm đi quyền tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ, vốn là một đặc trưng của các nguyên tắc hiến pháp của Hoa Kỳ và là một ngọn hải đăng chỉ đường.”
Nguồn gốc của nhóm Antifa có thể truy ngược về phong trào “chống phát xít” Đức, là một bộ phận trong các hoạt động mặt trận của Liên Xô nhằm khích động cuộc cách mạng cộng sản tại một quốc gia châu Âu.
Tại Mỹ, nhóm này tuyên bố rằng các thành viên của họ đang chống lại chủ nghĩa phát xít, nhưng rất hiếm khi họ đối đầu với những kẻ phát xít thực sự. Thay vào đó, các thành viên của họ là những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa xã hội và những người cực tả khác, quy kết cho các đảng và các cá nhân không đi theo ý thức hệ của họ là “những kẻ phát xít” để biện minh cho việc họ sử dụng bạo lực chống lại những người này.
Nhóm này thường quảng cáo rầm rộ các cuộc tấn công bạo lực của mình vào các nhóm đối lập, đặc biệt là những người ủng hộ ông Trump mà họ gắn nhãn là “những kẻ phát xít”.
*Cập nhật: Đến ngày 22/6, trang Twitter của LHQ đã xoá bức ảnh về Antifa.
Gia Huy (theo The Epoch Times)