Tin VN sáng thứ Sáu: Đã chi 395 tỷ đồng cho đổi mới giáo dục; 17.278 giáo viên bỏ việc

Cướp tiền ảo Bitcoin, công an được giảm án vì ‘nhân thân tốt’

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: vtc.vn)

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (từng là cán bộ công an phường tại quận 5, TP.HCM) được giảm án từ 12 năm tù xuống còn 10 năm 6 tháng tù về tội Cướp tài sản.

Ngày 1/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ dàn cảnh tai nạn giao thông cướp Bitcoin (tiền ảo) trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

HĐXX tuyên y án sơ thẩm tù chung thân đối với bị cáo Hồ Ngọc Tài (SN 1989) và Trần Ngọc Hoàng (SN 1983, cùng ngụ TP.HCM).

Bị cáo Nguyễn Quốc Dũng (từng là cán bộ thuộc một phòng nghiệp vụ của Công an TP.HCM) bị tuyên y án bản sơ thẩm với mức phạt 17 năm tù về tội Cướp tài sản.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (từng là cán bộ công an phường tại quận 5, TP.HCM) bị tuyên 10 năm 6 tháng tù về tội Cướp tài sản (tại phiên sơ thẩm hồi tháng 5/2023, bị cáo Tuấn bị tuyên 12 năm tù).

Lý do giảm án, HĐXX cho rằng bị cáo Tuấn phạm tội với vai trò giúp sức cho Tài, với vai trò thụ động, không đáng kể… Cấp sơ thẩm xử phạt 12 năm tù là có phần nghiêm khắc. Xét thấy, bị cáo Tuấn có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có con nhỏ… nên HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Theo cáo trạng, Hồ Ngọc Tài và Lê Đức Nguyên quen biết Lê Đức Nguyên khi cùng tham gia đầu tư tiền ảo.

Năm 2018, nghe Nguyên tư vấn, Tài đã bán 1.000 Bitcoin trị giá 100 tỷ đồng để kinh doanh các loại tiền ảo mới nổi như Aureus, Ifans… trên các sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế, nhưng thua lỗ hết.

Cho rằng nguyên nhân thua lỗ là do đầu tư theo định hướng của Nguyên nên Tài rủ Hoàng hẹn gặp Nguyên. Tuy nhiên, Nguyên không đồng ý gặp mặt.

Tài thuê thám tử tư với giá 25 triệu đồng tìm được nơi ở của anh Nguyên, đồng thời gắn định vị trên xe của anh Nguyên để theo dõi. Tài cũng rủ thêm nhiều người và hứa sẽ chia 30% số Bitcoin lấy được. Trong đó, 2 cựu công an Dũng và Tuấn cũng tham gia.

Ngày 11/5/2020, Tài rủ Hoàng bay từ TP. Đà Nẵng vào TP.HCM gặp nhóm của mình để bàn bạc cách thức tiếp cận, tìm cách lắp định vị trên xe của Nguyên để theo dõi.

Trưa ngày 17/5/2020, nhóm Tài biết được ô tô của Nguyên đang di chuyển trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (hướng từ TP. Bảo Lộc về TP.HCM) nên dàn cảnh để xe của nhóm Tài đâm vào đuôi xe Nguyên.

Sau va chạm, Nguyên và em vợ là Vũ Minh Hiếu (ngụ TP. Thủ Đức) xuống kiểm tra xe thì bị dùng súng khống chế.

Nhóm Tài bắt và chuyển vợ con của Nguyên sang một ô tô khác rồi dùng ống kim tiêm chứa mực đỏ đe dọa chích vợ của Nguyên, buộc nạn nhân chuyển tiền ảo sang ví điện tử của Tài.

Tài và Hoàng còn yêu cầu nạn nhân gọi về cho anh ruột yêu cầu chuyển 1.000 Bitcoin qua ví điện tử của Tài. Do nghe tiếng Nguyên la hét ở đầu dây bên kia nên anh trai của Nguyên không chuyển tiền. Vì vậy, nhóm Tài bỏ nạn nhân xuống đoạn đường vắng thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức) rồi tẩu thoát.

Cùng ngày, nhóm Tài bán hơn một nửa số tiền ảo được 18,8 tỷ đồng.

Hai cựu công an là Nguyễn Quốc Dũng được hưởng lợi 412 triệu đồng, Nguyễn Anh Tuấn được 50 triệu đồng…

Theo kết quả giám định, số tiền điện tử của anh Nguyên bị chiếm đoạt là 168 Bitcoin, quy đổi tổng trị giá hơn 37 tỷ đồng cùng một số tài sản khác khoảng 45 triệu đồng.

Phạm Toàn

TP.HCM: Nữ công an chiếm đoạt 8,6 tỷ đồng của đơn vị

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương tại tòa. (Ảnh: quochoitv.vn)

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương đã làm giả các chứng từ tạm ứng và sử dụng các chứng từ giả để nhận tiền khen thưởng phong trào từ phòng tài chính công an TP.HCM, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng.

Ngày 2/11, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1984, công an đã loại ngũ) 16 năm tù vì 3 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thu Hương công tác tại Đội Dân vận, phụ trách công tác kế toán của Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của công an TP.HCM.

Từ ngày 18/9/2017 đến ngày 13/11/2021, bị cáo Hương đã làm giả 47 bộ chứng từ tạm ứng, 138 quyết định khen thưởng để nhận hơn 8 tỷ đồng tiền khen thưởng từ Phòng tài chính công an TP, rồi chiếm đoạt số tiền này.

Năm 2021, khi Phòng Phong trào phát sinh các quyết định khen thưởng thực tế trùng với các quyết định đã tạm ứng nên chuyển sang Phòng Tài chính xử lý thì phát hiện hành vi sai phạm của Hương. Hương và gia đình đã nộp lại số tiền gần 10 tỷ đồng.

Về động cơ phạm tội, bị cáo Hương nói do bản thân “đua đòi, muốn có tiền tiêu xài cá nhân, mua sắm, đi du lịch nên đã phạm tội”.

Minh Long

Đã chi 395 tỷ đồng cho đổi mới giáo dục; 17.278 giáo viên bỏ việc

Một lớp học tại điểm trường tiểu học Bản Nà Đang (xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa). Cả thầy và trò 25 người, trong đó 21 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. (Ảnh: Ngọc Thỏa/Đài TT-TH/http://langchanh.thanhhoa.gov.vn/)

Nghịch lý diễn ra khi 395 tỷ đồng đã chi cho đổi mới giáo dục, song tình trạng thiếu giáo viên đang không ngừng tăng lên. Chỉ tiêu tuyển giáo viên dôi dư trong khi tính đến tháng 9 này, cả nước đã có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Giải trình về một số vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục tại kỳ họp 6 Quốc hội XV, sáng 1/11, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay tính đến hôm nay, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. “Con số này tăng không ngừng, vì riêng đầu năm học vừa rồi số học sinh tăng lên rất nhiều”, ông Sơn nói, dẫn số liệu của đại biểu tỉnh Bình Dương làm chứng, rằng trong năm học mới tỉnh này tăng 35.000 học sinh.

Song song với việc giáo viên thiếu hụt là tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp diễn. Theo ông Sơn, đến tháng 9 này, cả nước có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ, các tỉnh vẫn còn 64.000 chỉ tiêu tuyển giáo viên chưa dùng.

Theo ông Sơn, số giáo viên thiếu nhiều như trên một phần là do số trẻ đi học tăng lên, còn số chỉ tiêu dư quá nhiều là vì “còn nhiều lý do, có nơi dành để trừ vào 10% cắt giảm, nếu cần có sẵn để trừ. Nhưng cũng có những nơi không có nguồn để tuyển”.

“Với giáo viên mầm non chẳng hạn, nhiều tỉnh tuyển mà không có người ứng tuyển vì công việc áp lực, lương thấp”, ông Sơn nói. “Đây là vấn đề lớn cần phải đưa ra các giải pháp, một mặt vừa chuẩn bị nguồn tuyển nhưng cũng cần sớm có sự điều chỉnh về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp đồng bộ khác”.

Trong 3 năm qua, các địa phương đã sắp xếp, từ đó giảm hơn 3000 điểm trường. Theo ông Sơn, đây là con số đáng kể để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ em tốt hơn nhưng cũng không thể tăng mãi việc sắp xếp điểm trường. Thêm hơn 27.800 chỉ tiêu giáo viên dự kiến sẽ được giao cho các tỉnh trong năm 2023-2024.
395,2 tỷ đồng đã chi cho đổi mới giáo dục

Về vấn đề sách giáo khoa, ông Sơn cho hay số tiền chi cho đổi mới giáo dục tính đến nay là 213.449 tỷ đồng. Trước các ý kiến băn khoăn đối với con số trên, ông Sơn cho rằng đó là con số thống kê cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Chi trực tiếp cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình, thẩm định SGK, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, là 395,2 tỷ đồng.

Về việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK, ông Sơn gián tiếp từ chối khi cho hay: “Từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới. Vấn đề được giao, Bộ sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau”.

Từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với tổng số lượng 194 triệu bản sách.

Vé máy bay Tết 2024 lên cao, nhiều người khó về thăm nhà

Các hãng hàng không Việt Nam mở bán vé máy bay Tết Nguyên đán 2024, tuy vậy giá vé ở tất cả các chặng bay nội địa đều cao, nhiều chặng lên đến 10 – 11 triệu đồng/vé khứ hồi khiến người dân khó về quê.

Khảo sát qua các trang web bán vé máy bay trực tuyến có thể thấy giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024 trên nhiều chặng bay đang dao động từ 4,5 – 10 triệu đồng/vé khứ hồi tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí), báo VTC đưa tin.

Cụ thể, giá vé khứ hồi chặng đi ngày 9/2/2024 (tức chiều 30 Tết) và chặng về ngày 16/2/2024 (mùng 7 Tết) chuyến TP.HCM – Hà Nội của hãng VietJet Air có giá 5.538.000 đồng/vé, Vietnam Airlines: 5.987.000 đồng/vé, Bamboo Airways: 7.203.000 đồng/vé và Vietravel Airlines: 6.130.640 đồng/vé.

Giá vé khứ hồi chặng TP.HCM – Vinh (Nghệ An) của VietJet Air là 5.632.800 đồng/vé; Bamboo Airways có giá 7.154.000 đồng/vé và Vietnam Airlines: 9.928.000 đồng/vé.

Còn chặng TP.HCM – Hải Phòng, vé bay của VietJet Air giá 6.043.200 đồng; Vietravel Airlines: 3.832.000 đồng; Bamboo Airways:6.267.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.010.000 đồng.

Chặng bay Hà Nội – Nha Trang ngày 11/2 (mùng 2 Tết), ngày về 17/2 (mùng 8 Tết) của VietJet Air có giá 5.877.000 đồng; Bamboo Airways: 6.688.000 đồng và Vietnam Airlines: 7.130.000 đồng.

Cũng đi ngày 11/2 và về 17/2, chặng bay Hà Nội – Đà Lạt của VietJet Air có giá 4.613.400 đồng; Bamboo Airways: 7.154.000 đồng. Cá biệt giá vé của hãng hàng không Vietnam Airlines, cao nhất lên tới 9.956.000đồng.

Còn chặng bay Hà Nội – Phú Quốc trong ngày này, giá vé của VietJet Air là 5.693.400 đồng; Vietnam Airlines: 8.318.000 đồng; Vietravel Airlines: 11.070.440 đồng.

Kinh tế suy thoái, người dân khó về quê ăn Tết Nguyên đán

Giá vé máy bay cao ngất không chỉ khiến người dân phải đắn đo khi đặt vé về quê ăn Tết mà cũng khiến nhiều khách du lịch băn khoăn trước khi xuống tiền để đi xa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Chị Phạm Thị Thảo, đại diện của một đại lý vé máy bay tại phường Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết năm nay giá vé máy bay cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Do kinh tế khó khăn, tỷ lệ người lao động mất việc nhiều, thu nhập hạn chế nên đến thời điểm này vẫn rất ít khách đặt vé. Hiện phòng vé bán được số lượng rất thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với năm ngoái”, chị Thảo nói.

Chị Nguyễn Thị Huyền quê Hà Tĩnh và chồng Nguyễn Văn Đức quê Nghệ An đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Dĩ An (Bình Dương) chia sẻ từ năm 2019 đến nay, gia đình anh chị không thể về quê mỗi dịp Tết Nguyên đán vì nhiều lý do khác nhau.

Đầu năm nay, cặp vợ chồng đã chủ động lên kế hoạch về quê đón Tết 2024, gom góp ít kinh phí để chuẩn bị cho chuyển đi. Nhưng khi khảo sát giá vé máy bay thì anh chị lại giật mình, đắn đo hủy kế hoạch.

Cứ đến Tết, hàng không lại căng thẳng chuyện có tăng tần suất bay, chậm trễ chuyến, giá vé cao… khiến nhiều người mỏi mệt. Nhưng Tết 2024 loại hình vận tải như đường sắt, xe khách, thậm chí thị trường thuê xe tự lái, bất ngờ sôi động, theo Tuổi Trẻ.

Nhiều doanh nghiệp vận tải dự báo sẽ tốt hơn hơn khi lượng khách hàng không sẽ chuyển sang di chuyển các loại hình khác nhiều hơn.

Năm nay Bamboo Airways giảm mạnh máy bay, tính tới ngày 29/10 chỉ còn 15 máy bay, tương tự Pacific Airlines có 8, Vietravel Airlines chỉ còn 3.

Thiếu hụt máy bay nên nguồn cung sẽ khá căng thẳng. Chưa kể các chặng bay ngắn như TP.HCM – Nha Trang, Phan Thiết hoặc Đà Nẵng đang mất dần lợi thế khi cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển, khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn là đi máy bay.

Đức Minh

Quảng Nam chi hơn 40 tỷ đồng để giảm thu phí tham quan Hội An

Hội An nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tang Trung Kien/Shutterstock)

Hơn 40 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 chuyển sang năm 2023 được tỉnh Quảng Nam sử dụng để kéo dài việc giảm phí tham quan một số điểm tại Hội An bị ảnh hưởng do đại dịch, nối dài thời gian thực hiện quy định này từ năm 2021 tới 2023.

Ngày 30/10, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định phân bổ cho UBND TP. Hội An nguồn tiền để hỗ trợ giảm thu phí tham quan. Số kinh phí phân bổ là 40,033 tỷ đồng, lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 chuyển sang năm 2023.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, khoản chi trên được thực hiện theo Nghị quyết số 18 ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định về tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm tại TP.Hội An và mức hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết 18 kết thúc khi hết tháng 12/2021 nhưng được kéo dài sang năm 2022 theo Nghị quyết số 86 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh.

Cụ thể, Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh quy định mức giảm đối với phí tham quan Đô thị cổ Hội An là 10.000 đồng/người/công trình; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm 35.000 đồng/người/lượt; Di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh 15.000 đồng/người/lượt.

Đồng thời HĐND tỉnh đồng ý với 3 khoản hỗ trợ khác, gồm:

Hỗ trợ tổ chức chuỗi sự kiện (truyền thông, xúc tiến, quảng bá…) kích cầu du lịch Quảng Nam là không quá 0,5 tỷ đồng/sự kiện, tổng mức hỗ trợ là 10 tỷ đồng (ưu tiên thực hiện tại TP. Hội An);

Hỗ trợ 13 di tích tư nhân (trong 19 di tích thuộc ô vé tham quan phố cổ Hội An) với mức 5 triệu đồng/di tích/tháng để bù một phần chi phí, đảm bảo duy trì mở cửa các di tích đón khách tham quan, tổng mức hỗ trợ 0,39 tỷ đồng;

Hỗ trợ các đoàn có từ 100 khách trở lên tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan du lịch có lưu trú (khách MICE) tại Quảng Nam (tặng hoa, quà lưu niệm, hướng dẫn viên du lịch) tùy theo số lượng khách, tổng mức hỗ trợ 0,5 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Hội An chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí hơn 40 tỷ đồng nói trên đúng mục đích.

Khu vực 1 vùng khoanh đỏ là nơi khách mua vé để vào tham quan. (Hình ảnh: Di sản văn hóa Hội An)

Đầu tháng 4/2023, UBND TP. Hội An thông báo từ ngày 15/5 tới tất cả người Việt, trừ người Hội An có lý do chính đáng, khi vào phố cổ Hội An sẽ buộc phải mua vé, thay vì chỉ khách quốc tế, khách đi theo tour mua vé. Mức giá vé là 120.000 đồng/vé với khách quốc tế, 80.000 đồng/vé với khách nội địa.

Trước ý kiến trái chiều về việc người Việt phải mua vé vào phố cổ Hội An, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Lanh cho hay việc thu phí tham quan là việc thích hợp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ di sản và được UNESCO ủng hộ. Hội An vẫn áp dụng phí tham quan đối với khu vực 1, là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt với hơn 1.107 di tích cổ. Tuy nhiên, trong bình quân khoảng 15.000 lượt người ra vào/ngày, chỉ 40% lượng người qua các chốt kiểm soát vào quầy mua vé, chủ yếu khách quốc tế.

Theo công bố, nguồn thu từ vé tham quan đang là nguồn thu ngân sách chủ yếu của Hội An. Khoảng 50-70% tiền thu được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân.

“Chi phí trùng tu di tích là rất lớn. “Rẻ” nhất cho việc trùng tu một di tích hiện nay 5 tỷ đồng thì tiền trích lại từ bán vé mỗi năm chỉ đủ trùng tu 7 – 10 căn.

Trong khi hiện Hội An có khoảng 155 (chiếm 14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão” – ông Lanh nói, theo Tuổi Trẻ ngày 4/4/2023.

Nguyễn Sơn

Lận đận xe đạp và văn hóa nhận quà của Nghệ An

Trong tổng số 164 xe đạp đợt này, 50 xe đã đến tay các em học sinh nghèo Quảng Bình một cách vui vẻ, Hà Tĩnh sẽ trao vào chủ nhật tuần tới. Riêng 54 xe tặng cho học sinh Nghệ An (Anh Sơn và Con Cuông) thì lận đận mãi không thôi.

Sau khi tôi lên tiếng về sự ngăn cản đối với nhà trường và học sinh nhận quà là xe đạp cũ phục chế, thì ngày 31/10 việc tặng xe đã được khơi thông. Nhưng đáng buồn thay, tất cả các nhãn logo R4K trên thân xe đã bị xé bỏ hết.

Ai đã làm việc này, và vì sao?

Chương trình R4K do tôi sáng lập, điều hành, trực tiếp tiếp nhận, thu gom xe đạp cũ, mở xưởng phục chế, rồi cùng các bạn tình nguyện viên mang đi trao tặng cho học sinh nghèo. Mạnh thường quân khắp nơi ủng hộ bằng tấm lòng và khả năng mà họ có, từ công sức đến tài chính.

R4K là viết tắt của Rebike For Kids, được thành lập tháng 5/2020, dịch nghĩa là “Hồi sinh xe đạp tặng học sinh đến trường”. Logo R4K là tên gọi chương trình do tôi và một số bạn bè nghĩ ra, được anh Vũ Hải ở Hà Nội thiết kế. Khi mang logo đi đăng ký ở cục Sở hữu trí tuệ thì họ yêu cầu chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Và hiện giờ Nhãn hiệu R4K đã được chứng nhận bảo hộ trí tuệ.

Một cái logo đã được nhà nước cấp đăng ký sở hữu trí tuệ, mang một thông điệp nhân ái và trong sáng đến thế, hà cớ gì lại bị xé bỏ? Và ai cho phép các vị làm như thế? Hay các vị không muốn tương thân tương ái và ý thức trách nhiệm sẽ được lan tỏa trong cộng đồng? Nói rằng giáo dục học sinh về những giá trị nhân văn tốt đẹp mà lại đi hành xử như thế, thử hỏi các vị có đang nói đi đôi với làm?

Tôi thật sự bất bình và lấy làm xấu hổ với lối hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa và coi thường pháp luật của những người đã làm ra việc xấu xí này.

Là một người con lớn lên từ đồng đất, hiểu được nỗi khổ của những học sinh nghèo trên bước đường đến trường và bằng khả năng của mình, chúng tôi muốn đồng hành, chia sẻ với các em để đỡ đi phần nào những gian lao. Chúng tôi thật sự không cần ai biết đến mình, chỉ muốn âm thầm làm việc và lan tỏa những giá trị nhỏ bé, nhưng cách hành xử rất tệ của các vị buộc tôi phải lên tiếng.

Làm xe chỉ là để tặng cho học sinh có phương tiện đến trường, nhưng với những món quà tình cảm mà chúng tôi trao nhau, cách hành xử thấp kém của quý vị đã khiến cho ý nghĩa của nó bị hủy hoại không ít.

Muốn giáo dục cho học sinh ý thức tôn trong pháp luật, biết trân trọng tình cảm và sống thẳng ngay thì chính mình phải làm gương trước hết. Nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra trong việc này, tôi chưa thấy điều ấy hiện diện trong các vị.

Văn hóa là thứ không mất tiền mua, nhưng phải học thì mới có được.

P/S: Xin chúc các em học sinh đến trường thật vui, luôn biết thương yêu và chia sẻ cùng nhau.

Trần Quyết Thắng

Related posts