Tin thế giới sáng thứ Tư 26/6: Vụ án bà Mạnh Vãn Châu kéo dài sang năm sau

Vụ án bà Mạnh Vãn Châu kéo dài sang năm sau

Vụ án dẫn độ Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), sẽ kéo dài cho tới ít nhất ngày 30/4 năm sau. Theo SCMP, quyết định này của một tòa án Canada nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.

Theo lịch biểu cũ, các phiên điều trần đối với trường hợp của bà Châu sẽ kết thúc vào tháng Mười năm nay. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các tòa án ở Vancouver đã phải đình chỉ hoạt động và khiến vụ án của con gái người sáng lập Huawei kéo dài thêm thời gian.

Vào ngày 1/12/2018, khi đang nối chuyến bay tại Sân bay Quốc tế Vancouver để đến Mexico từ Hồng Kông, bà Châu đã bị chính quyền Canada bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của chính phủ Hoa Kỳ. CFO của Huawei bị Mỹ cáo buộc thực hiện các hành vi sai trái, vi phạm lệnh cấm vận của Washington đối với Iran.

Châu Âu bắt đầu cứng rắn với Trung Quốc

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Trung Quốc tại Bruxelles (Bỉ), ngày 22/06/2020. REUTERS – YVES HERMAN

Bên cạnh mối quan tâm chính là các chủ đề về thúc đẩy các hoạt động khôi phục kinh tế trong nước sau dịch, các báo Pháp hầu hết đều chú ý đến cuộc đối thoại thượng đỉnh qua video giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu với thủ tướng và chủ tịch Trung Quốc hôm qua thứ Hai, 22/06/2020. Cũng giống như hầu hết các tờ báo khác, nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận: “Châu Âu cao giọng trước Trung Quốc”.

Trong cuộc họp thượng đỉnh qua video kéo dài 1 giờ này, châu Âu đã không khách sáo che giấu thất vọng về quan hệ hai bên và thẳng thắn hiếm thấy nêu với Bắc Kinh các vấn đề “nhạy cảm” mà trước đó người ta vẫn thấy EU né tránh sợ làm mếch lòng Trung Quốc. Theo Les Echos, trong lúc Bruxelles triển khai các chính sách cảnh giác hơn đối với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng virus corona và tình hình tồi tệ đi ở Hồng Kông càng làm quan hệ hai bên thêm dè chừng nhau hơn.

Trong cuộc hội đàm cấp cao này, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã có lời lẽ “đặc biệt cứng rắn với lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng, quan hệ kinh tế, nhân quyền, quy chế về Hồng Kông cũng như về vấn đề khí hậu”.

Nhìn chung là các lãnh đạo châu Âu đều tỏ thất vọng. Châu Âu nhận thấy quan hệ hai bên thiếu sự qua lại và bây giờ không cần vội thúc đẩy mà phải thay đổi trước về chiều sâu.  

Việc Bắc Kinh thắt chặt quản lý Hồng Kông cũng khiến “Liên Âu tỏ lo ngại về một nước Trung Quốc ngày càng trở nên ngạo mạn và hung hăng”, tờ báo nhận xét.  Chính vì thế mà chủ tịch Hội Đồng Châu Âu nhấn mạnh đến mối “lo ngại sâu sắc” về nguyên tắc một đất nước 2 chế độ  với Hông Kông đang bị đe dọa. Bà Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu  thì khẳng định “với Châu Âu, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là không thể thương lượng”.

Les Echos nhận thấy, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhiều năm qua Châu Âu đã tích tụ khá nhiều thất vọng. “Từ giờ trở đi EU bắt đầu triển khai chiến lược phòng thủ rõ nét hơn trước Bắc Kinh” và, “trong khi tìm kiếm mối quan hệ tương tác có tính xây dựng với Bắc Kinh về nhiều chủ đề đa phương, Châu Âu giờ dường như đang quyết tâm nâng tầm cuộc chơi trước một đối tác từ giờ được đánh giá là  đối thủ mang tính hệ thống”, nhật báo kinh tế nhận định.

Đây là một sự thay đổi rõ rệt, không chỉ giọng điệu, mà còn cả về chiến lược với Trung Quốc của Liên Âu vốn trước đây vẫn bị đánh giá là nhu nhược và bất lực trước Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là để xem từ lời nói đến hành động thực tế như thế nào trong khi mà Liên Âu vốn vẫn có điểm yếu là thiếu đoàn kết và thiếu các phương tiện gây áp lực.

Trong khi đó thì “Trung Quốc của Tập Cận Bình trước tiên vẫn nhìn vào mối quan hệ dựa trên sức mạnh với câu hỏi Bắc Kinh luôn đặt ra : Đối thủ có cách nào để trừng phạt chúng ta?”  Theo như phân tích của chuyên gia về Trung Quốc của Pháp François Godement, trong bài trả lời phỏng vấn trên Les Echos, cũng về chủ đề cuộc đối thoại EU – Trung Quốc.

Covid-19  chưa bị đẩy lùi mà còn lăm le quay lại

Liên quan đến đại dịch Covid-19, các thông tin đang trở lại đầy lo lắng trên các báo. Trong khi dịch đang dần được đẩy lùi ở châu Âu, đa phần các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang theo đuổi các kế hoạch giải tỏa và mở lại cửa biên giới, thì ở nhiều nơi tiến triển của dịch vẫn đầy lo nghại đặc biệt sự xuất hiện trở lại ổ dịch lớn trong lò mổ ở Đức.

Thông tin được hầu hết các báo đăng tải với đầy lo ngại. Le Monde đưa tin “hơn 1300 ca nhiễm virus corona phát hiện tại lò mổ Gustersloh đang gây lo ngại ở Đức, khiến những người ủng hộ giải tỏa nhanh phải suy nghĩ lại”. Theo Le Monde, từ đầu dịch đến nay nhiều lò mổ được xác định là những ổ lây truyền Covid-19 ở Đức. Nhưng trường hợp mới phát hiện lần này gây lo ngại đặc biệt. « Trước hết đó là lò giết mổ gia súc lớn nhất châu Âu. Thứ hai là số lượng ca nhiễm rất lớn. Đến ngày 21/06, tức 4 ngày sau khi phát hiện ổ dịch, tại lò mổ này đã ghi nhận được hơn 1.300 ca nhiễm trên tổng số gần 7.000 nhân viên của công ty. Cuối cùng, bởi vì đây là lần đầu tiên sau hai tháng gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trong cả nước, chính quyền Đức đặt vấn đề có thể cho phong tỏa trở lại vùng dịch.

Trong khi đó xã luận báo La Croix kêu gọi “Cảnh giác”, nhất là với nước Pháp. Đại dịch Covid-19 đúng là có vẻ chững lại ở Châu Âu. « Mong muốn lớn của mọi người đều là sang trang giai đoạn khó khăn. “Bối cảnh chung khiến người ta nghĩ rằng dịch đã tắt. Trẻ em đã trở lại trường học, rạp phim mở cửa lại, các công ty lớn đẩy nhanh nhịp độ trở lại. trong các bệnh viện, các con số tử vong và người nhập viện cũng đã thuyên giảm”.

Thế nhưng virus vẫn lan truyền, ở Pháp và châu Âu, đặc biệt là nhiều nơi khác. Tổ chức Y tế Thế giới đầu tuần này đã cảnh báo « đại dịch tiếp tục tăng tốc trên thế giới ». Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê giờ là tâm dịch, ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, dịch vẫn còn hoành hoành, ở Trung Quốc bóng ma về làn sóng dịch thứ hai đang hiển hiện. Châu Phi dường như tránh được đại họa nhưng vẫn còn đó nỗi lo….

Xã luận tờ báo nhấn mạnh, phải luôn đề cao cảnh giác, nhất là khi « giả thuyết về dịch trở lại vào mùa thu đã được hội đồng khoa học của chính phủ Pháp nhận định là cực kỳ nhiều khả năng. Chúng ta vẫn phải sống chung với Covid -19 ».

Lũ lụt lớn ở miền Nam Trung Quốc trong 80 năm

Lũ lụt lớn ở miền Nam Trung Quốc trong 80 năm

Miền Nam Trung Quốc đã chứng kiến đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong 80 năm, nhiều video cho thấy lượng lũ lớn tràn ngập 10 tỉnh và thành phố, đe dọa phá hủy đập Tam Hiệp, theo Taiwan News.

Khu vực sông Dương Tử của Trung Quốc đang vào mùa lũ, thượng nguồn nơi đập Tam Hiệp chặn ngang đang chứng kiến mức lũ cao nhất kể từ năm 1940.

Dự báo thời tiết của Trung Quốc đã đưa ra mức cảnh báo cao nhất về lũ lụt và mưa cho vùng trung và hạ lưu của sông Dương Tử đến Quý Châu. Lượng mưa dự kiến đạt cực đại vào thứ Ba và thứ Tư (23 và 24/6). Cảnh báo lũ lụt đã được ban hành tại hơn 10 tỉnh thành Trung Quốc, bao gồm Quý Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và Quảng Tây.

Tòa Bạch Ốc tái chỉ trích Trung Quốc gây đại dịch virus corona

Nhà Trắng tái chỉ trích Trung Quốc gây đại dịch virus corona
Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany trong một buổi họp báo

Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của dịch virus corona gây nên cái chết của hơn 470.000 người trên toàn cầu và hơn 120.000 cái chết tại Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (22/6). 

“Tổng thống không bao giờ hối hận về việc quy trách nhiệm cho Trung Quốc – khi chỉ ra rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc này và trong quá trình đó, đứng lên bảo vệ [thanh danh cho] quân đội Mỹ hiện đang bị Trung Quốc đổ tội [lan truyền dịch bệnh] thông qua chiến dịch phát tán thông tin sai lệch của họ”, bà Kayleigh McEnany nói.

Hồi tháng 3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng đặt nghi vấn quân đội Mỹ đưa Covid-19 vào Vũ Hán trên dòng trạng thái Twitter của mình, một phần trong chiến dịch phát tán tin giả của Trung Quốc xoay quanh dịch bệnh.

Bà cũng phản hồi trước một loạt câu hỏi về việc ông Trump sử dụng thuật ngữ “Kung Flu” để chỉ nCoV – một cách nói chơi chữ ghép từ “Kung Fu” và “Flu (cúm)” – trong cuộc vân động tranh cử ở Tulsa của ông vào tuần trước, vốn bị nhiều người cho là một bình luận phân biệt chủng tộc. 

Khi được hỏi tại sao ông Trump sử dụng thuật ngữ này, bà nói: 

“Tổng thống không (sử dụng cụm từ phân biệt chủng tộc). Những gì tổng thống làm là chỉ ra thực tế rằng nguồn gốc của virus là Trung Quốc”. 

“Rất công bằng khi chỉ ra điều này khi Trung Quốc đang cố gắng viết lại lịch sử một cách lố bịch, đổ lỗi cho quân đội Mỹ reo rắc dịch Covid-19 tại Vũ Hán. Đây là những gì Trung Quốc đang cố gắng làm. Và Tổng thống Trump hiện đang nói rằng, ‘Không, Trung Quốc, tôi sẽ gọi con virus này đúng theo nơi bắt nguồn của nó”.

Sử dụng một cụm từ như vậy, bà khẳng định cách nói này không phải muốn ám chỉ người Mỹ gốc Á mà là Tổng thống Trump muốn “liên kết con virus này với nguồn gốc khởi phát của nó”, bà McEnany trích lời ông Trump.

“Một điều quan trọng là chúng tôi cần toàn diện bảo vệ cộng đồng người gốc Mỹ gốc Á của chúng ta ở Mỹ và trên toàn cầu. Họ là những con người tuyệt vời và sự lây lan của virus không phải là lỗi của họ dưới bất kỳ hình thức nào. Họ đang hợp tác chặt chẽ với chúng tôi để đánh bại con virus này. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng. Điều này rất quan trọng”, bà McEnany nói. 

“Vì vậy, đây không phải là một cuộc thảo luận về người Mỹ gốc Á, người mà tổng thống trân trọng như công dân của đất nước vĩ đại này; đó là một bản cáo trạng đối với Trung Quốc khi đã để con virus này xổng đến đây”, bà nói. Bà McEnany cũng chỉ ra một điểm rằng các phương tiện truyền thông đã đổ lỗi cho ông Trump khi sử dụng thuật ngữ “virus Trung Quốc”“virus Vũ Hán”, trong khi chính họ sử dụng những thuật ngữ này.

“Thời báo New York gọi nó là ‘coronavirus Trung Quốc’, Reuters thì gọi nó là ‘virus Trung Quốc’, CNN thì gọi là ‘coronavirus Trung Quốc’ vào ngày 20/1, Washington Post hôm 21/1 gọi nó là ‘coronavirus Trung Quốc’ và tôi có hơn một chục những ví dụ khác như vậy”, bà nói. 

Bà McEnany cáo buộc rằng các kênh truyền thông đang cố gắng chơi đùa với các thuật ngữ về con virus này, trong khi họ nên đặt trọng tâm vào thực tế là Trung Quốc đã để con virus này xổng ra khỏi đại lục. 

“Một cụm từ đã bị giới truyền thông hiện nay lên án mạnh mẽ [khi được sử dụng bởi Tổng thống Trump], nhưng hiện chính cụm từ đó lại được giới truyền thông sử dụng. Tôi có thể đưa ra thêm nhiều ví dụ … và chúng ta có thể tiếp tục mãi như vậy. Vì vậy, trong khi các phương tiện truyền thông muốn tập trung vào phần danh pháp, tổng thống Trump sẽ tập trung vào việc hành động”, bà nói.

Máy bay ném bom Trung Quốc đột nhập không phận Đài Loan

Các máy bay phản lực của Trung Quốc, bao gồm ít nhất một máy bay ném bom đã đột nhập khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan vào hôm 22/6, trước khi bị không quân Đài Loan cảnh báo. Quân đội Đài Loan cho biết, đây là vụ chạm trán lần thứ 8 như vậy trong hai tuần gần đây.

Vụ việc xảy ra sau một ngày Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn giám sát cuộc thử nghiệm máy bay huấn luyện mới. Không quân Đài Loan cho biết máy bay Trung Quốc tham gia vụ đột nhập không phận là máy bay ném bom H-6 và máy bay chiến đấu J-10.

Trung Quốc: Phía Nam sông lũ lụt, phía Bắc núi lửa tỉnh giấc, giang san đầy nguy cơ

Ngọn núi lửa đã nằm im 500.000 năm, tưởng chừng không còn khả năng tạo dung nham đã thức tỉnh dưới lòng đất Trung Nguyên.

Trong tình hình đại dịch Covid – 19 không ngừng lây lan, thiên tai đại họa, lũ quét ngập lụt liên tục xảy ra tại các nơi trên khắp Trung Quốc, thì một ngọn núi lửa đã ngủ 500.000 năm ở tỉnh Hắc Long Giang bỗng hồi sinh trở lại. Dung nham magma trong lòng núi lửa đã được “sản xuất” trở lại. Điều này đã được phát hiện bởi một nghiên cứu chính thức của Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi trạng thái “nạp” này đạt 40% nó sẽ phun trào.

Ngày 18/6, Daily Mail của Anh đưa tin, các giáo sư từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã sử dụng hình ảnh từ tính để phát hiện ra núi lửa Vĩ Sơn của khu vực núi lửa Ngũ Đại Liên Trì ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, vẫn đang hoạt động, mặc dù nó chưa tới mức phun trào nhưng cần phải theo dõi sát.

Núi lửa Vĩ Sơn là một trong những ngọn núi thuộc khu vực núi lửa Ngũ Đại Liên Trì, lần phun trào cuối cùng của nó xảy ra cách đây khoảng 500.000 năm.

Vị trí Ngũ đại Liên trì tại chấm đỏ trên bản đồ, thuộc địa phận tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

Được biết, ngọn núi Vĩ Sơn này từ lâu đã được biết tới là ngọn núi lửa đã dừng phun trào, nó dường như không thể phun trào hay có các hoạt động địa chất liên quan. Các nhà khoa học Trung Quốc gần đây đã phát hiện có hai hồ chứa magma khổng lồ dưới bề mặt núi.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng hình ảnh từ tính để phát hiện ra một cấu trúc điện trở có độ phân giải cao ba chiều, sâu 20km bên dưới núi lửa Vĩ Sơn trong khu vực núi lửa Ngũ Đại Liên Trì. Đồng thời, nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng, núi lửa Vĩ Sơn ở khu vực Ngũ Đại Liên Trì hiện đang ở trạng thái hoạt động nhất định.

Nhóm nghiên cứu đã thu được hình ảnh ba chiều bên dưới núi lửa Vĩ Sơn, hình ảnh cho thấy có magma ở giữa lớp vỏ ngoài và bên trong của trái đất. Số liệu hiển thị rằng lớp magma này đã bị nóng chảy ít nhất 15%.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố trên trang web chính thức rằng, nếu núi lửa Vĩ Sơn là một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động thì bên trong nó phải ở trạng thái nguội, và sẽ không xuất hiện magma nóng chảy. Nhưng, ở đây, hai hồ chứa magma được kết nối với nhau thông qua các kênh dọc và magma ở lớp giữa liên tục được chuyển đến tầng trên của lớp vỏ trái đất.

Theo thống kê chính thức từ Trung Quốc, mức độ nóng chảy của hai hồ chứa magma của núi lửa Vĩ Sơn đã đạt ít nhất 15% và ở trạng thái hoạt động “nạp”. Nếu mức độ tan chảy của hồ chứa magma đạt tới khoảng 40%, nó sẽ đạt đến ngưỡng phun trào. Nghiên cứu cho rằng cần phải tiếp tục theo dõi hoạt động của núi lửa trong khu vực để dự đoán khả năng phun trào.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đông Bắc Trung Quốc là khu vực có nhiều ngọn núi lửa mới nhất ở Trung Quốc, bao gồm núi lửa núi Trường Bạch nổi tiếng và khu vực núi lửa Ngũ Đại Liên Trì với 14 ngọn núi lửa.

Bài viết này đã được đăng trên tạp chí Địa chất hàng tháng tại Hoa Kỳ. Nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết: “Với mức độ tan chảy hiện tại của magma tại đây và những hiện tượng địa chấn, vi chấn khu vực xung quanh ta thấy, núi lửa Vĩ Sơn rất có thể đang ở trạng thái có magma đang hoạt động”.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy sự hình thành của núi lửa Trường Bạch và núi lửa Ngũ Đại Liên Trì có mối tương quan nhất định. Núi lửa Trường Bạch phun trào vào năm 946 sau Công nguyên (nghĩa là cũng gần với thời điểm Vĩ Sơn hoạt động), và được coi là vụ phun trào mạnh nhất từng được ghi nhận. Trong thời gian 2002-2005, núi lửa núi Trường Bạch cũng có những dấu hiệu hoạt động trở lại, thu hút sự chú ý của công chúng và cộng đồng khoa học. Vậy thì vào năm 2020, Vĩ Sơn của Ngũ Đại Liên Trì hoạt động trở lại cũng là điều có thể.

Mỹ chuẩn bị công bố áp thuế nhôm đối với Canada

Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tái áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu nhôm từ Canada, Reutersdẫn báo cáo từ Bloomberg cho biết. Dự kiến, vào thứ Sáu (26/6), Mỹ sẽ công bố tái áp dụng mức thuế quan 10% đối với nhôm từ Canada, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/7.

New Zealand thu giữ 90 triệu USD tài sản của tội phạm mạng Nga

Cảnh sát New Zealand đã tịch thu tài sản trị giá 140 triệu đô la New Zealand (khoảng 90,68 triệu USD) liên quan đến một người đàn ông Nga bị nghi rửa hàng tỷ đô la tiền kỹ thuật số. Cảnh sát cho biết họ đã tịch thu tài sản do một công ty ở New Zealand nắm giữ, chủ sở hữu công ty là Alexander Vinnik, người này bị cả Pháp và Mỹ truy nã với cáo buộc chủ mưu rửa tiền của một đường dây bitcoin, theo Reuters.

Tình báo Mỹ: Tướng Trung Quốc đã ra lệnh tấn công lính Ấn Độ để ‘dạy một bài học’

Tướng Trung Quốc Triệu Tông Kỳ

Tờ US News dẫn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết, một tướng Trung Quốc đã ra lệnh cho cấp dưới tấn công lính Ấn Độ tại thung lũng Galwan hôm 15/6, dẫn đến một cuộc đụng độ dữ dội khiến hàng chục người thiệt mạng.

Nguồn tin cho biết, tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc quân đội Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch tấn công tại khu vực tranh chấp trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở phía bắc Ấn Độ và tây nam Trung Quốc.

Theo nguồn tin này, ông Triệu có quan điểm rằng Trung Quốc không được tỏ ra yếu đuối để tránh bị chèn ép từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ, trong đó có Ấn Độ. Ông Triệu coi cuộc đụng độ vào tuần trước là cách Trung Quốc “dạy cho Ấn Độ một bài học”. Nguồn tin cho biết ông Triệu cũng là người phụ trách trong các cuộc đụng độ trước đó với Ấn Độ.

Thông tin tình báo Mỹ trái ngược hẳn với những tuyên bố của chính quyền Trung Quốc về vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/6 đổ lỗi rằng Ấn Độ đã khiêu khích và xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc. Trong khi đó, tình báo Mỹ cho rằng vụ xung đột ác liệt hôm 15/6 không phải là sự cố vượt khỏi tầm kiểm soát như các vụ đụng độ trước đây, mà dường như là một kế hoạch của Bắc Kinh nhằm gửi một thông điệp răn đe đến Ấn Độ.

Tuy nhiên, kế hoạch đó dường như phản tác dụng, vì vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn Ấn Độ suốt 1 tuần sau đó. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khiến Ấn Độ “biết điều” hơn trong các cuộc đàm phán tương lai không chỉ vô ích, mà còn đẩy Ấn Độ đến gần hơn với Mỹ.

Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã gây áp lực cho Ấn Độ hủy bỏ kế hoạch hợp tác với tập đoàn Huawei, gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc, trong việc xây dựng mạng 5G. Sau sự cố đầu tuần trước, nhiều người dân Ấn Độ đã xóa ứng dụng mạng xã hội TikTok và phá hủy các điện thoại được sản xuất tại Trung Quốc.

“Những điều này trái ngược với những gì Trung Quốc muốn”, nguồn tin nói. “Đây không phải là một chiến thắng cho quân đội Trung Quốc”.

Các quan chức quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ nhiều giờ vào hôm 22/6 để đàm phán về vụ việc. Hiện vẫn chưa rõ vai trò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vụ xung đột dữ dội tuần trước, mặc dù giới phân tích am hiểu cách Trung Quốc ra quyết định nói rằng ông Tập gần như chắc chắn biết về kế hoạch trên.

Những tháng gần đây, quân đội hai nước tập trung lực lượng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế tại khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát, gây ra mối lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa hai bên. Công ty tình báo địa lý tư nhân Hawkeye 360 tuần trước công bố hình ảnh vệ tinh hồi cuối tháng 5 cho thấy Trung Quốc điều xe thiết giáp chở quân và pháo tự hành lên biên giới.

Các nhà phân tích bình luận rõ ràng vụ việc đã không xảy ra như Trung Quốc mong muốn. Hoa Kỳ cho rằng ông Triệu Tông Kỳ đã tổ chức lễ truy điệu cho những binh lính đã thiệt mạng trong vụ đụng độ, nhưng truyền thông nhà nước không đưa tin. Thay vào đó, các kênh truyền thông đã xóa các bài đăng đề cập đến “thất bại” và “sỉ nhục” khi mô tả những binh lính Trung Quốc đã chết hoặc bị thương.

Hoa Kỳ vẫn giữ im lặng về vụ xung đột, có khả chính quyền Trump tin rằng Ấn Độ và các nguồn lực kinh tế lớn của nước này đang ngày càng chuyển hướng về Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo tối 18/5 đăng trên Twitter: “Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới người dân Ấn Độ vì những người đã ngã xuống trong vụ xung đột gần đây với Trung Quốc”.

Các phóng viên đã hỏi Tổng thống Donald Trump về vụ việc ngay trước khi ông rời Washington vào chiều thứ Bảy (20/6) để tổ chức một cuộc mít tinh ở Tulsa, Oklahoma.

“Đó là một tình huống rất căng thẳng. Chúng tôi đang thảo luận với Ấn Độ. Chúng tôi đang thảo luận với Trung Quốc. Họ gặp vấn đề lớn ở đó”, ông Trump đáp. “Họ xung đột với nhau, và chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp họ”.

Nồng độ kháng thể ở ‘bệnh nhân Covid-19 hồi phục’ nhanh chóng bị suy yếu

Nồng độ của một kháng thể được tìm thấy ở “bệnh nhân Covid-19 hồi phục” đã nhanh chóng suy yếu trong 2-3 tháng sau khi cấy cho cả bệnh nhân có triệu chứng và không triệu chứng, theo một nghiên cứu của Trung Quốc. Kết quả này đặt ra câu hỏi liệu khả năng miễn dịch nCoV của loại kháng thể này sẽ được bao lâu. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Tự nhiên ngày 18/6.

Trung Quốc phóng vệ tinh Bắc Đẩu

Trung Quốc đã hoàn tất việc phóng vệ tinh Bắc Đẩu-3 (BeiDou-3) lên quỹ đạo vào sáng nay (23/5). Khoảng 20 phút sau khi phóng, vệ tinh đã đạt đến quỹ đạo được chỉ định, tờ SCMP dẫn thông báo của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết. Bắc Đẩu-3 sẽ phối hợp với các vệ tinh thuộc hệ thống Bắc Đẩu được phóng trước đó sau khi hiệu chỉnh quỹ đạo và tiến hành một loạt thử nghiệm.

Vụ phóng được thực hiện vào lúc 8h43 (giờ Hà Nội) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B đã đưa vệ tinh lên quỹ đạo, hoàn thành thiết lập hệ thống định vị toàn cầu mang tên Bắc Đẩu. Tháng trước, Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 5B từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, mang theo nguyên mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm thế hệ tiếp theo của nước này. Sau gần một tuần quay quanh Trái Đất, bộ phận lõi (core stage) của Trường Chinh 5B rơi ngược trở lại Trái Đất.

Anh tìm thấy hào sâu 4500 năm tuổi gần di chỉ đá Stonehenge

Các nhà khảo cổ đã khai quật các điểm quanh Stonehenge, khu di chỉ cự thạch nổi tiếng ở Tây Nam nước Anh, và họ đã tìm thấy kết quả đặc biệt: đường hào 2 km bao quanh Durrington Walls, vùng Wiltshire. Có độ sâu tới 5 mét, rộng 10 mét, điểm khảo cổ mới tìm thấy này nằm cách Stonehenge 3 cây số, theo Reuters và BBC.

Các phát hiện ban đầu cho thấy có thể có tới 20 hào sâu, bao quanh điểm tôn thờ của người sống vào thời kỳ Đồ đá và có liên quan đến đền đá (henge). Theo các nhà nghiên cứu từ một loạt đại học gồm St Andrews, Birmingham, Warwick, Glasgow, và Đại học Wales Trinity Saint David thì tuổi của công trình hào đất mới tìm ra này là khoảng 4500 năm.

Tiếng nổ lớn bí ẩn cùng xuất hiện ở Thành Đô và Thẩm Dương, cách nhau 2.100km

Thẩm Dương phía Đông Bắc Trung Quốc và Thành Đô phía Tây Nam cách nhau hơn 2.100km theo đường chim bay

Dân cư ở hai địa danh này bị làm cho khiếp sợ, đã lên mạng hỏi han xem đây là hiện tượng gì.

Vào lúc 11h45 sáng ngày hôm qua (23/6), tại Thẩm Dương, Liêu Ninh và Thành Đô, Tứ Xuyên xuất hiện tiếng ồn lớn gần như cùng lúc và thậm chí người dân còn cảm giác được chấn động. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã hỏi rằng chuyện gì xảy ra. Các từ khóa tìm kiếm “Tiếng ồn lớn ở Thẩm Dương” và “Tiếng ồn lớn ở Thành Đô” cũng nhanh chóng xuất hiện trên Weibo. Tuy nhiên, đến giờ nguyên nhân phát ra tiếng ồn lớn vẫn chưa được làm rõ, các quan chức địa phương cũng chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào.

Ảnh chụp màn hình Weibo đưa thông tin về tiếng ồn lớn.

Theo News.ltn, vào lúc 11h45 sáng nay, ở Thẩm Dương và Thành Đô, vốn cách nhau hơn 2.100km, xuất hiện tiếng ồn lớn gần như đồng thời. Hai tiếng động lớn làm rung chuyển các tòa nhà và nhiều cư dân mạng Weibo đều để lại những chia sẻ tương tự, “chấn động rất mạnh, sóng xung kích phải vô vùng lớn”, “cảm giác cả không khí cũng rung chuyển”, “cả tòa nhà đang rung chuyển”, “tiếng ồn lớn ở Thẩm Dương” và “tiếng ồn lớn ở Thành Đô” đã được tìm kiếm rất nhiều trên Weibo liên tục cho đến khoảng 1h chiều.

Người dùng mạng Trung Quốc hỏi nhau về tiếng ồn lớn.

Nhiều cư dân mạng tại các địa phương khác nhau ở Thẩm Dương, bao gồm quận Hoàng Cô, quận Thiết Tây và Đại Đông, đều nói rằng đã nghe thấy một tiếng động lớn. Một người dân sống ở quận Hoàng Cô, Thẩm Dương nói rằng cô ấy đang nấu ăn vào thời điểm đó, “đột nhiên nghe thấy một âm thanh lớn từ bên ngoài cửa sổ truyền đến và cửa sổ theo đó không ngừng rung động, giống như vừa có một tiếng sấm lớn vậy”. Nhiều người ở Thành Đô cũng cho biết họ nghe thấy tiếng động lớn.

Về vấn đề này, Weibo chính thức của Cục địa chấn Liêu Ninh trưa nay cho biết các nhân viên đã nghe thấy một tiếng ồn bất thường ở khu vực Tam Đài Tử của Thẩm Dương, theo xác minh ban đầu “đó không phải địa chấn”, nhân viên Cục quản lý ứng phó khẩn cấp Thẩm Dương và Thành Đô đều nói rằng trước mắt “họ đã biết về tiếng ồn xuất hiện bất thường đó và đang tiến hành điều tra xác thực”.

Tuy nhiên, do khoảng cách đường thẳng giữa Thẩm Dương và Thành Đô là hơn 2.100km và thời gian bay mất 4 giờ, tiếng ồn lớn đồng thời từ hai thành phố cũng khiến người dùng mạng Trung Quốc không ngừng suy đoán. Một số người cho rằng đó là tiếng nổ của máy bay chiến đấu, cũng có thể là âm thanh của chuyến bay thử nghiệm trên tàu sân bay, thậm chí là đơn vị tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được gọi là Pháo binh Thứ hai đang thực hiện thử nghiệm vũ khí, cũng có một số người nghi ngờ rằng đó là do một vụ phun trào núi lửa gây ra.

Related posts