Tin thế giới sáng thứ Năm: Ông chủ Trung Quốc ở Zimbabwe bắn nhân viên vì đòi tiền lương

Zimbabwe: Ông chủ Trung Quốc bắn nhân viên vì đòi tiền lương

Người dân Zimbabwe phản đối động thái mở một mỏ khai thác đá tại một ngôi làng ngay bên ngoài thủ đô Harare của nhà đầu tư Trung Quốc vào năm 2019 (ảnh: chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=FwwtrZLAS9g).

Một ông chủ Trung Quốc, người quản lý một mỏ vàng ở miền trung Zimbabwe đã bắn và làm bị thương hai cựu nhân viên da đen khi hai người này yêu cầu trả tiền lương.

Cảnh sát đã bắt giữ người Trung Quốc này với tội danh cố ý giết người, truyền thông Zimbabwe đưa tin hôm 23/6.

Zhang Xuelin, quốc tịch Trung Quốc, 41 tuổi, là chủ sở hữu và Tổng giám đốc của một mỏ vàng gần thành phố Gweru ở miền trung Zimbabwe, bị cáo buộc đã bắn và làm bị thương Wendy Chikwaira 31 tuổi và Kennedy Tachiona 39 tuổi, theo trang Anadolu Agency.

Zhang trước đó đã sa thải hai người nhân viên này. Vào ngày 21/6, hai người nhân viên đã tiếp cận Zhang để đòi tiền lương. Cuộc nói chuyện đã biến thành một cuộc cãi lộn và kết thúc bằng việc Zhang bắn hai cựu nhân viên này.

Tachiona bị nhiều vết thương do súng bắn và được đưa vào bệnh viện tư ở thành phố Gweru còn Chikwaira hiện đã được xuất viện.

Nói về vụ việc, người đứng đầu Công đoàn người lao động và đồng minh khoáng sản kim cương (ZDAMWU) của Zimbabwe hôm 23/6 cho biết, vụ bắn súng hôm 21/6 diễn ra chỉ một tuần sau khi một chủ nhân người Trung Quốc khác đã chĩa súng vào một nhân viên cũng do cãi vã về tiền lương ở thị trấn Zvishavane thuộc tỉnh Midlands của Zimbabwe.

“Kể từ khi người Trung Quốc xâm chiếm lĩnh vực khai thác ở Zimbabwe, các vụ đánh đập, quấy rối và đối xử tệ với người lao động của các chủ nhân có vũ trang đang đầy rẫy và điều đáng lo ngại hơn là những chủ nhân này khoe khoang về mối liên hệ chính trị của họ”, người đứng đầu công đoàn, ông Justice Chinhema nói với tờ New Zimbabwe.

Ông Justice Chinhema cũng cảnh báo tất cả các chủ nhân người Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác nên ngừng sử dụng “cách thức và thói quen” vốn đã dưỡng thành ở Trung Quốc trong xử lý các tranh chấp lao động tại Zimbabwe.

“Trong một thời gian dài, chúng ta đã chịu đựng những hành động tàn bạo của những kẻ tự xưng là ‘bạn bè mọi lúc’, đối với những người lao động vô tội và những công dân yêu chuộng hòa bình của đất nước này và giờ đây, chúng tôi đã đạt đến giới hạn của sự chịu đựng”, ông cho biết.

Trung Quốc duy trì sự hiện diện ở Zimbabwe thông qua các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bắc Kinh nói rằng các dự án BRI của mình là cơ hội giúp các quốc gia đang phát triển mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng và từ đó góp phần phát triển kinh tế. Trên thực tế, BRI là một bẫy nợ, khiến các quốc gia tham gia BRI phải phụ thuộc vào Bắc Kinh, từ đó nâng tầm ảnh hưởng và quyền lực của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Mỹ: Nhiều nước hủy thỏa thuận với Huawei, hướng đến ‘các nhà mạng 5g đáng tin cậy’

Mỹ: Nhiều nước hủy thỏa thuận với Huawei, hướng đến ‘các nhà mạng 5g đáng tin cậy’
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tại một cuộc họp báo về an ninh mạng hôm 29/4 (ảnh: Chính phủ Mỹ).

Trong một thông cáo báo chí đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư (24/6), Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã chỉ trích nhà mạng Huawei của Trung Quốc đem đến rủi ro an ninh cho các quốc gia mà gã khổng lồ công nghệ này muốn thầu mạng 5G, đồng thời nhấn mạnh đến xu thế chung của nhiều nước là hợp tác với “các nhà cung cấp mạng 5G đáng tin cậy”.

“Làn sóng đang quay lưng lại với Huawei khi người dân thế giới đang dần thức tỉnh trước nguy cơ từ chính quyền giám sát hàng loạt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, ông Pompeo tuyên bố. 

Ngoại trưởng Pompeo cho biết các thỏa thuận giữa Huawei với các nhà khai thác viễn thông trên toàn cầu “đang bốc hơi”, bởi nhiều quốc gia hiện chỉ cho phép các “nhà cung cấp đáng tin cậy” xây dựng mạng 5G tại nước họ. 

Ông trích dẫn một số ví dụ bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Thụy Điển, Estonia, Romania, Đan Mạch và Latvia. Vị ngoại trưởng cũng dẫn ví dụ về việc Hy Lạp đã đồng ý chọn Ericsson thay vì Huawei trong việc phát triển cơ sở hạ tầng 5G tại nước này.

Trước đó vào năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump ban lệnh cấm các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng thiết bị của một vài nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó có Huawei, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia khi các thiết bị này có thể gắn cửa hậu (backdoor) tuồn thông tin ra bên ngoài. Đây cũng là lý do Mỹ cấm Huawei tham gia công tác thiết lập mạng lưới 5G trên toàn nước Mỹ, đồng thời khuyên các đồng minh quốc tế từ chối không để Huawei xây dựng mạng 5G tại nước họ.

Song song, ông Pompeo cũng bày tỏ sự vui mừng khi liệt kê một số doanh nghiệp viễn thông lớn nhất toàn cầu đang dần trở thành “Các doanh nghiệp viễn thông sạch”. 

“Chúng tôi đã thấy điều này với tập đoàn Orange ở Pháp, Jio ở Ấn Độ, Telstra ở Úc, SK và KT ở Hàn Quốc, NTT ở Nhật Bản và O2 ở Anh”, ông Pompeo cho hay. 

“Vài tuần trước, 3 công ty viễn thông lớn ở Canada đã quyết định hợp tác với Ericsson, Nokia và Samsung, bởi vì dư luận Canada đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc cho phép Huawei xây dựng mạng 5G tại nước này”, ông Pompeo nói thêm.

Bản thông cáo cũng dẫn ví dụ của các tập đoàn viễn thông lớn như Telefónica ở Tây Ban Nha và O2 ở Anh như các doanh nghiệp xây dựng được những mạng 5G sạch sẽ, bên cạnh Telefónica Deutschland ở Đức cùng Vivo ở Brazil với cam kết không nhập các thiết bị từ các nhà sản xuất thiếu sự tin cậy [như Huawei]. Hãng Telefónica, trong bản tuyên ngôn của mình, cũng nhấn mạnh “an ninh là yếu tố quan trọng nhất”, một quan điểm đã được CEO và chủ tịch của hãng này nhắc lại gần đây.

Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận:

“Xu hướng ủng hộ một mạng 5G an toàn và bảo mật đang gia tăng. Khi càng nhiều quốc gia, công ty và người dân thế giới băn khoăn tự hỏi liệu họ nên tin cậy ai để giao phó những dữ liệu nhạy cảm nhất của mình, thì câu trả lời ngày càng trở nên rõ ràng: Không phải là chính quyền giám sát hàng loạt của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Chính quyền Trump liệt kê 20 công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát, chuẩn bị áp lệnh trừng phạt

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh “Giữ nước Mỹ tiếp tục vĩ đại” tại Đại hội tưởng niệm cựu chiến binh Arizona ở Phoenix, bang Arizona, ngày 19/2/2020 (ảnh: Gage Skidmore / Flickr: https://www.flickr.com/photos/gageskidmore/49567616357).

Hãng tin Reuters hôm thứ Tư (24/6) đọc được một văn bản cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình Nghị viện danh sách 20 công ty thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc, từ đó đặt nền móng cho các lệnh trừng phạt tài chính mới của Hoa Kỳ.

Reuters cho biết một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ đã tiết lộ thông tin này với điều kiện giấu tên và nói rằng văn bản đó đã được trình lên Nghị viện.

Văn bản liệt kê danh sách 20 công ty mà Nhà Trắng kết luận là được quân đội Trung Quốc chống lưng, trong đó có Tập đoàn Truyền thông Di động Trung Quốc (China Mobile Communications Group) và Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Telecommunications Corp), Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (Aviation Industry Corp of China), Tập đoàn viễn thông Huawei Technologies và doanh nghiệp sản xuất camera giám sát Hikvision.

Reuters cho biết việc xác định tính chất của các doanh nghiệp trên là do Bộ Quốc phòng thực hiện theo một văn bản luật vào năm 1999 về việc lập danh sách các các công ty “thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát” bởi quân đội Trung Quốc.

Danh sách của Lầu Năm Góc không kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc, tuy nhiên văn bản luật năm 1999 quy định tổng thống có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cho phép ông có quyền xử phạt bất kỳ công ty nào có trong danh sách và đang hoạt động tại Hoa Kỳ.

Thông tin về danh sách 20 công ty Trung Quốc được tiết lộ trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng căng thẳng về hàng loạt vấn đề, từ thương mại, đối ngoại, công nghệ, Hồng Kông, Biển Đông,… Chính quyền Tổng thống Trump hồi tháng 5 đã công bố một văn bản dài 16 trang, trong đó đề ra “cách tiếp cận chiến lược” đối với các mối đe dọa từ chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Trung Quốc lại đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ ẩu đả

Điểm tin thế giới tối 24/6: Trung Quốc lại đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ ẩu đả
(Ảnh chụp màn hình Youtube/Channel 4 News)

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay tuyên bố, cuộc đụng độ dữ dội ở biên giới Trung – Ấn xảy ra vào đầu tuần trước là lỗi của phía Ấn Độ, trái với quan điểm của New Delhi, theo Reuters.

“Các hành động của phía Ấn Độ đã vi phạm thỏa thuận của hai nước và là sự khiêu khích đơn phương”, Bộ Trung Quốc đăng trên tài khoản truyền thông xã hội.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trước đó cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, trước đó tờ US News dẫn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết, tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc quân đội Trung Quốc, đã lệnh cho cấp dưới tấn công lính Ấn Độ để “dạy cho nước này một bài học”.

Triều Tiên hoãn kế hoạch quân sự chống Hàn Quốc

Reuters dẫn tin từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, Bình Nhưỡng quyết định đình chỉ những kế hoạch hành động quân sự chống Hàn Quốc sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un chủ trì cuộc họp trực tuyến với Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 23/6.

Yonhap đưa tin, quân đội Triều Tiên đã gỡ bỏ khoảng 10 loa tuyên truyền gần khu vực phi quân sự (DMZ) vào hôm nay. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng xác nhận rằng một số trang web tuyên truyền chính thức của Triều Tiên đã gỡ một số bài viết chỉ trích Hàn Quốc.

Hiện chưa rõ tại sao Triều Tiên lại bất ngờ đình chỉ kế hoạch quân sự chống Hàn Quốc như vậy, khi trước đó Bình Nhưỡng có một loạt động thái leo thang căng thẳng với Seoul.

Chuyên gia Anh cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai

Các chuyên gia y tế ở Anh hôm nay cảnh báo nguy hiểm từ làn sóng Covid-19 thứ hai trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson nới lệnh phong tỏa để thúc đẩy nền kinh tế, theo Reuters.

“Tình hình dịch ở Anh trong tương lai rất khó đoán, song bằng chứng có sẵn chỉ ra rằng nguy cơ bùng phát dịch ở địa phương đang tăng và làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ là rủi ro thực sự”, các chuyên gia y tế viết trong lá thư ngỏ được xuất bản trên Tạp chí Y học Anh.

Bức thư có chữ ký của các chuyên gia y tế hàng đầu như chủ tịch Đại học Giải phẫu Hoàng gia Derek Alderson, chủ tịch Đại học Y Bác sĩ Hoàng gia Andrew Goddard và chủ tịch Đại học Cấp cứu Y khoa Hoàng gia Katherine Henderson.

“Nhiều yếu tố về cơ sở hạ tầng cần thiết để kiểm soát virus bắt đầu được thực hiện, nhưng vẫn còn đó những thách thức đáng kể”, các chuyên gia viết.

Các chuyên gia cũng kêu gọi chính quyền “tập trung vào những khu vực yếu kém” để ngăn làn sóng dịch thứ hai, hạn chế mất mát và khôi phục kinh tế nhanh nhất có thể.

Iran tuyên bố sẽ đàm phán nếu Mỹ xin lỗi

Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay tuyên bố, nước này sẽ sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington xin lỗi vì đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và bồi thường cho Tehran.

Iran nhiều lần từ chối lời đề nghị đàm phán của Mỹ nếu Washington không đáp ứng điều kiện mà Tehran đặt ra. Tổng thống Rouhani hôm nay tuyên bố rằng lời kêu gọi đàm phán từ Washington chỉ là “nói suông” và “dối trá”.

Căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, được ký vào năm 2015. Washington đã áp nhiều lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Honduras phải thở oxy

Bác sĩ quân y hôm 23/6 nói rằng Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez phải thở oxy sau khi nhập viện tuần trước vì Covid-19.

Bác sĩ, trung tá Juan Diaz cho hay tình hình sức khỏe của Tổng thống vẫn ổn nhưng xen kẽ là các triệu chứng sốt, khó thở. “Đã có một sự cải thiện rõ ràng”, ông Diaz nói.

Ông Diaz cho biết thêm, sau khi Tổng thống ho, khó thở và có các dấu hiệu viêm nhiễm, các bác sĩ tại bệnh viện đã điều chỉnh thuốc cho ông, áp dụng cả thở oxy, song hiện chưa rõ ông Hernandez có tiếp tục thở oxy hay không.

Trung Quốc : Chiếc mặt nạ đã rơi !

Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa, ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong) khi chủ trì “World Peace Forum” ở Bắc Kinh hôm 16/06/2020 đã tuyên bố: “Sẽ không còn lãnh đạo toàn cầu trong những thập niên tới, vai trò của các tổ chức quốc tế giảm sút, trật tự thế giới sẽ là một trật tự xấu”. Nhận định này cách xa cả ngàn dặm so với « cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh » của Tập Cận Bình, trong khi ông Diêm là một trong những nhà tư tưởng chính của ngành ngoại giao Trung Quốc.

Vô số điểm nóng hiện nay: xung đột đẫm máu Ấn-Trung trên rặng Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), Bắc Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc với Hàn Quốc, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông bất chấp sự phản đối của G7, nhiều vụ tập trận bất thường xung quanh Đài Loan…
Đặc biệt các vụ đụng độ liên tục xảy ra tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các láng giềng, chủ yếu là Việt Nam. Và từ tháng Năm, Bắc Kinh tăng áp lực kinh tế lên Úc để trừng phạt việc Úc đòi hỏi mở điều tra quốc tế về dịch virus corona. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd nhận định, lần đầu tiên từ 50 năm qua, hòa bình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là vấn đề cốt yếu trong khu vực. Trong đó Đài Loan là hồ sơ nhạy cảm nhất: hải quân Mỹ và Trung Quốc thường xuyên đi qua eo biển, và hồi tháng Tư, có lần chiến hạm đôi bên chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét.
Bắc Kinh liên can đến tất cả các xung đột nói trên. Tạp chí Foreign Policy ghi nhận hôm 18/06: “Những chiếc găng, hoặc mặt nạ đã rơi xuống. Ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc trong đại dịch corona đã nhường chỗ cho việc đấu đá với số lượng láng giềng ngày càng nhiều”.

Related posts