Tin thế giới sáng thứ Sáu 26/6

Nga:  Cử tri được mời bỏ phiếu theo phương pháp Putin

Đại dịch làm thiệt hại 12.000 tỷ đô la cho kinh tế thế giới, Les Echos trích số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Le Figaro báo động : Suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn tiên liệu và không chừa một ai. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh trường hợp Trung Quốc.  Tỷ lệ tăng trưởng năm 2019 của đại cường kinh tế thứ hai thế giới, vì chiến tranh thương mại với Mỹ, đã xuống thấp, với 6,1%, năm 2020 này, sẽ không hơn 1%.

Trang nhất của Le Monde, cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đề hai tựa với nội dung được triển khai ở trang trong: Thế giới chạy đua tìm vắc-xin, một cuộc chiến khốc liệt và Putin tự thưởng một cuộc trưng cầu dân ý đúng kích thước, với mục đích tăng thêm quyền lực và tiếp tục cầm quyền sau 2024.

Thông tín viên của nhật báo độc lập từ Moscow cho biết thêm, trong suốt một tuần lễ kể từ ngày 25, một cuộc bỏ phiếu được dàn dựng kỹ lưỡng để cho phép tổng thống Nga cầm quyền mãi mãi. Theo thăm dò ý kiến, chỉ có 42% người Nga tin là bầu cử trong sạch. Một loạt sự kiện bất thường được ghi nhận: quan sát viên đại diện các đảng phái không được vào phòng phiếu, người đi bầu chỉ cần ký tên, không cần ghi số căn cước. Chưa hết: nhiều nhân chứng than phiền trên báo là giới công chức bị sức ép phải đi bầu, nếu không sẽ bị sa thải. Le Monde cũng biết những tiết lộ tương tự của nhiều nhà giáo và nhân viên các công ty công hay bán công. Nhiều công chức, do lo sợ, phải cung cấp địa chỉ của thân nhân và cam kết sẽ vận động ít nhất 10 người đi bầu.

Tại Moscow, kênh truyền hình độc lập Nga Dojd cho biết nhiều người hưu trí được ghi tên vào danh sách cử tri xin ủy nhiệm, mà không được hỏi ý kiến. Người làm “dịch vụ” này được thù lao từ 50 đến 75 rúp.

Trump sợ thất cử hơn đe dọa hạt nhân 

Bán đảo Triều Tiên, Hồng Kông là hai điểm nóng ở trang thời sự Châu Á. Trước hết Le Figaro trích dẫn hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội. Theo “phiên bản” của John Bolton, Donald Trump vì muốn được rảnh tay đối phó với vụ án “móc ngoặc với Nga” đang diễn ra tại Washington, với cuộc điều trần của cựu giám đốc FBI Robert Muller trong đêm trước khi gặp Kim Jong Un, nên đóng kịch phá đàm phán. Tổng thống Mỹ đứng dậy bỏ phòng họp, ngay khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên đề nghị một thỏa hiệp tối thiểu: phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, để đánh đổi giảm nhẹ lệnh cấm vận. Bị sỉ nhục, nhà lãnh đạo trẻ ôm mối hận lên xe lửa về nước. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên khước từ mọi nỗ lực mời gọi của bộ Ngoại Giao Mỹ và liên tiếp phóng tên lửa khiêu khích, cũng như đe dọa sẽ gây xáo trộn chiến dịch tái tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng.

Vì sao Kim Jong Un bất ngờ bỏ ý định leo thang khiêu khích Hàn Quốc ? Hư thực ra sao ? Đó là câu hỏi của Le Monde.

Sau khi gây căng thẳng, phá hủy toà nhà làm văn phòng liên lạc hai miền Nam Bắc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở cửa đối thoại với Seoul. Theo Le Monde, mọi hành động của Bình Nhưỡng trước ngày 25/06, ngày mà cách nay 70 năm đã khai màn chiến tranh Nam Bắc Hàn, đều có ý nghĩa biểu tượng. Thông báo của KCNA như sau: Quân Ủy Trung Ương tạm ngưng mọi hành động quân sự chống miền Nam và vấn đề này sẽ được tái xét trong cuộc họp lần sau, khi bàn về tăng cường khả năng răn đe. Công thức khá mơ hồ không cho phép phỏng đoán Bình Nhưỡng hủy bỏ, tạm ngưng hay dời lại các hành động quân sự ?

Libération giới thiệu “vụ án cuối cùng xét tội Đức quốc xã”, tựa trên trang nhất. Bị can là Druno Drey, 93 tuổi, lính canh SS một trại tập trung người Do Thái, ra toà tại Hambourg, vì tham gia thảm sát 5.230 tù nhân.

Hồng Kông: chạy tiếp hay đương đầu với cường quyền? 

Hồ sơ Châu Á của nhật báo thiên tả là Hồng Kông: Những người chạy trốn chế độ cộng sản nay bị đảng truy đuổi. Phóng sự của Libération kể lại câu chuyện của một gia đình họ Vương, mà cả ba thế hệ đều hận cộng sản Mao.

Năm 1949, có đôi vợ chồng trẻ chọn vùng đất mang tên Hương Cảng làm chổ dung thân khi Mao tiến vào Bắc Kinh. Bốn mươi năm sau, đến lượt cô con gái tên Josy nhìn trên màn ảnh TV xe tăng quân đội Trung Quốc tấn công các sinh viên biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Josy, năm nay 62 tuổi, là một nhà tranh đấu nhiệt tình,  với con gái tên Saya, luôn có mặt trong các cuộc xuống đường vì dân chủ. Bà không tin là nền dân chủ, tự do ở Hồng Kông tiêp tục tồn tại cho đến 2047. Josy lo âu trước chiến thuật “luộc ếch bằng lửa nhỏ, đun nồi nước lạnh” của Bắc Kinh. Lúc đầu là nhà bên cạnh có chủ mới là người đại lục, rồi đến anh thợ hớt tóc, rồi đến trẻ con vào học cùng trường với con gái Saya, cuối cùng thì Trung Quốc cài người khắp nơi với “vận tốc” trung bình mỗi ngày có 150 người Hoa lục sang định cư.

Chạy nữa hay kháng cự ? Theo Josy, đây là đề tài tranh luận, bàn bạc thường nhật trong gia đình. Thế hệ trẻ, hãnh diện với bản sắc Hồng Kông, chọn con đường tranh đấu. Tranh đấu bằng cách nào? Trả lời: Với tinh thần sáng tạo, dân Hồng Kông sẽ tìm ra cách đương đầu với áp bức.

Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang 

Tại Istanbul, bốn công dân Thổ bị bắt, bị cáo buộc làm gián điệp “quân sự và chính trị” cho Pháp. Báo chí thân chính quyền khai thác rôm rả, đăng ảnh toà lãnh sự Pháp tại Istanbul, kèm theo danh sách tên riêng của các nhân viên ngoại giao bị cáo buộc là điệp viên Pháp. Theo Le Monde, hành động này là dấu hiệu xung khắc nghiêm trọng giữa hai nước, trên danh nghĩa là đồng minh. Bởi vì, trong lãnh vực tình báo, nước bị “nhắm” bao giờ cũng phải thông báo cho nước bị cáo buộc là thủ phạm danh sách điệp viên bị lộ, để có biện pháp bảo vệ nhân viên của mình. Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng thông lệ này.

Trở lại tình hình đại dịch Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos loan báo bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran chịu chi ra 6 tỷ euro cải thiện lương bổng cho nhân viên bệnh viện, trong bối cảnh đàm phán với các công đoàn sẽ kết thúc vào giữa tuần tới. Trong khi đó, cũng theo Les Echos, nỗi lo đại dịch vẫn còn dài : hiện tượng ổ dịch bùng dậy và số ca dương tính tăng vọt ở nhiều nước làm các chính quyền sở tại lo âu. Cụ thể là việc số người chết ở Châu Mỹ La Tinh đã lên hơn 100.000 và mỗi ngày có thêm 10.000 người bị lây nhiễm ở Ấn Độ không cho phép lạc quan.

Related posts