Nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông nổi tiếng Hoàng Chi Phong cho rằng anh sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu bị luật an ninh quốc gia Hồng Kông nhắm đến, theo bản tin ngày 26/6 của Reuters.
“Có lẽ tôi sẽ là mục tiêu chính của luật mới. Nhưng điều khiến tôi lo lắng không phải là tôi có nguy cơ bị giam giữ, mà là sự thật không lạc quan rằng luật mới sẽ đe dọa tương lai của thành phố, chứ không chỉ là cuộc sống của cá nhân của tôi”, Phong nói với Reuters.
“Tôi đã kêu gọi thế giới sát cánh với Hồng Kông và thúc giục Trung Quốc rút lại điều luật tà ác này”, thủ lĩnh phong trào Ô dù cho biết thêm.
Trong suốt phong trào dân chủ của người dân Hồng Kông, Hoàng Chi Phong đã nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, gặp gỡ các chính trị gia của Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận và cáo buộc Phong là “bàn tay đen” của các thế lực nước ngoài.
Hôm 21/6, tờ Tân Hoa Xã đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc sẽ có phiên họp từ ngày 28-30/6 tại Bắc Kinh, làm dấy lên đồn đoán về khả năng đây là thời điểm chính quyền đại lục ban hành luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hồng Kông. Luật này cấm các hoạt động ly khai, khủng bố, lật đổ nhà nước, cấu kết với các lực lượng bên ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia.
Theo Reuters, các nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền, tổ chức phi chính phủ và người nước ngoài có thể trở thành mục tiêu của luật an ninh Hồng Kông vì ở bên Trung Quốc đại lục, các tiếng nói bất đồng có thể bị buộc tội “kích động lật đổ nhà nước”.
Nhiều lãnh đạo trên thế giới chỉ trích luật an ninh mà Bắc Kinh muốn áp cho Hồng Kông, cho rằng động thái này sẽ bọp nghẹt các quyền tự do của thành phố.
Hôm 22/6, EU cảnh báo Trung Quốc sẽ gánh chịu “hậu quả tiêu cực” nếu thông qua luật an ninh Hồng Kông.
Phản ứng trước kế hoạch của Bắc Kinh, Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (25/6) đã phê chuẩn một dự luật cho phép chính quyền Mỹ tăng cường xử phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của đặc khu Hồng Kông.