Mưa lũ lớn liên tục xảy ra tại Trung Quốc thời gian qua khiến đập Tam Hiệp đứng trước nguy cơ bị vỡ. Câu hỏi về sự an toàn và tác dụng của con đập lớn nhất thế giới lại một lần nữa được đặt ra. Người ta cho rằng vì cuồng ngạo, Bắc Kinh đã quyết làm Tam Hiệp bất chấp cảnh báo về hậu quả, và họ đang phải trả giá vì điều này.
Epoch Times cho hay, các nhà khoa học đã cảnh báo về lỗ hổng cấu trúc của Đập Tam Hiệp ngay từ khi nó mới được đề xuất xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ trước. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn cho thực hiện dự án vì tin rằng nó sẽ đem lại lợi ích kinh tế và hình ảnh sự vĩ đại cho họ.
Khi những cơn mưa xối xả quét qua nhiều tỉnh ở Trung Quốc, một chuyên gia thủy văn cảnh báo rằng Đập Tam Hiệp có thể bị vỡ dưới áp lực nước gia tăng, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người sống gần con đập.
Lũ lụt lan rộng đã ảnh hưởng đến ít nhất 11,2 triệu người tại 26 tỉnh và thành phố của Trung Quốc ở khắp miền trung và miền nam của nước này kể từ khi mưa lớn bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng Sáu. Hơn 9.300 ngôi nhà đã bị phá hủy và 171.000 ngôi nhà khác bị hư hại nặng. Thiệt hại tài chính đã vượt quá 24,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ USD), theo con số thống kê của chính quyền địa phương.
Nếu đập Tam Hiệp không thể chống chọi thì hạ lưu sông Dương Tử, nơi có dân cư trù mật, sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng, một cư dân tên Liu ở quận Qijiang, phía tây nam thành phố Trùng Khánh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Áp lực từ hai đầu
Tam Hiệp được xây dựng với mục tiêu điều hòa dòng chảy của sông Dương Tử và tạo ra năng lượng sạch, tuy nhiên, theo Epoch Times, dự án khổng lồ trị giá 180 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25,4 tỷ USD) đã bị ảnh hưởng bởi tham nhũng và cái giá phải trả cho việc tàn phá môi trường. Việc di dời hơn 1 triệu người để lấy mặt bằng phục vụ dự án Tam Hiệp cũng đã khiến người dân bất bình.
“Dù cho Tam Hiệp có thể đóng vai trò ngăn chặn lũ lụt trong tình hình hiện tại hay không, hay chính quyền đã lừa dối người dân [về tác dụng của con đập] ngay từ đầu, thì câu trả lời đã khá rõ trong suốt những năm qua”, ông Wang Weiluo, một nhà thủy văn học Trung Quốc đang cư trú ở Đức, nói với Epoch Times.
Sông Dương Tử chảy qua 11 tỉnh và khu vực ở miền trung và miền tây Trung Quốc, bao gồm Tây Tạng, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc và Thượng Hải. Ông Wang cho biết, nhiều khu vực thuộc lưu vực Dương Tử nằm thấp hơn mặt nước của đập vì thế sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trong tình huống xấu xảy ra.
Hôm 23/6, Fan Xiao, một kỹ sư cao cấp của Cục Khai thác Tài nguyên Khoáng sản Tứ Xuyên nói với Epoch Times rằng cấp trên quán triệt ông rằng “không được trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài” về đập Tam Hiệp.
Tuy nhiên, ông Fan đã viết nhiều báo cáo về các vấn đề xung quanh đập Tam Hiệp. Trong một bài báo vào năm 2004, ông viết về vấn đề an toàn hồ chứa của đập, đề cập tới tình huống động đất và sạt lở. Trong một bài viết khác vào năm 2016, ông đã đặt câu hỏi về khả năng giảm thiểu lũ lụt của đập sau khi lưu ý về cái giá phải trả cho việc phá hủy môi trường sống để xây đập.
Ông Wang cho biết, có mâu thuẫn lớn giữa đầu phía trên và đầu phía dưới của đập Tam Hiệp. Phía trên Tam Hiệp muốn xả nước khi có mưa lớn, trong khi đó, phía dưới không thể đối phó được trong trường hợp có thêm nước lũ.
Tam Hiệp chịu sức ép từ cả hai đầu, ông Wang nói. Hiện tại, hồ chứa của đập này đang giữ mực nước thấp hơn chuẩn để đảm bảo an toàn cho nó.
Lỗi hệ thống
Các báo cáo về Tam Hiệp trên các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc trong những năm qua cho thấy xu hướng giảm dần niềm tin về tính an toàn cũng như tác dụng của con đập.
Năm 2003, một bài viết trên Tân Hoa Xã nói rằng đập Tam Hiệp có thể chịu được các trận lụt trong 10.000 năm, nhưng vào năm 2007, con số này đã được giảm xuống 1000 năm, sau đó là 100 năm vào năm 2008, và vào năm 2010 một MC của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) trích dẫn tài liệu của Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang, nơi giám sát trực tiếp dòng chảy sông Dương Tử, nói rằng người dân không thể đặt hết hy vọng vào đập Tam Hiệp.
Tính toàn vẹn về cấu trúc của con đập đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi vào năm ngoái sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp rõ ràng đã bị cong, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể bị vỡ.
Mặc dù công ty điều hành đập Tam Hiệp bác bỏ những lo ngại trên bằng cách chỉ ra những điểm không chính xác tiềm ẩn trong hình ảnh vệ tinh của Google, nhưng sau đó, họ thừa nhận trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội rằng con đập đã dịch chuyển 1,05 inch so với trước, tuy nhiên trấn an người dân rằng sự dịch chuyển này nằm trong biên độ cho phép.
Các nhà chức trách cho biết họ đang xả nước lũ tại khoảng 980 hồ chứa nước dọc theo sông Dương Tử, trong khi, trên bề mặt, họ tỏ ra do dự đối với việc thực hiện quyết định xả nước bên trong đập Tam Hiệp, cho dù mực nước trong hồ đã vượt quá 2 mét so với chuẩn an toàn. Mặc dù vậy, cư dân mạng gần đây đã chia sẻ một video cáo buộc chính quyền đã bí mật xả nước đập mà không thông báo trước, đe dọa hoàn cảnh sống của người dân.
Ông Wang đang kêu gọi những người sống gần đập Tam Hiệp chuẩn bị các phương án để tự bảo vệ mình trong trường hợp xấu. Ông nói rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về việc đập vỡ, và mọi cái chết chỉ là một con số” đối với chế độ này.
Ông Chen, một người dân ở tỉnh Tứ Xuyên, lo lắng rằng một điều gì đó thảm khốc hơn có thể xảy ra với Trung Quốc trong tương lai vì sai lầm trong quản lý của chính quyền.
“Chính phủ đã biến [đập] này thành một dự án trình diễn”, ông Wang nói với NTD. “Sau những hậu quả tai hại, người dân luôn là đối tượng lãnh hậu quả”.