Tin thế giới thứ Tư 1/7: Trung Quốc tự tin đủ sức đối phó với Mỹ ở biên giới Ấn Độ và Biển Đông

Trung Quốc tự tin đủ sức đối phó với Mỹ ở biên giới Ấn Độ và Biển Đông

Binh sĩ Trung Quốc diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh nhân 70 năm quốc khánh, ngày 01/10/2019. AFP – GREG BAKER

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang làm cho tình hình ở châu Á thêm nóng bỏng. Tại Biển Đông, ngay sau khi ASEAN khẳng định UNCLOS là cơ sở để giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, Bắc Kinh ra thông báo tổ chức tập trận trong năm ngày từ 01-05/07 ở quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, Hoa Kỳ lần đầu tiên điều ba hàng không mẫu hạm đến tập trận cũng tại khu vực Biển Đông trong những ngày qua.

Xa hơn một chút ở Nam Á, cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới Ấn – Trung trên dãy Himalaya sau vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội hai bên hôm 15/06 đang bước vào vòng thứ ba. Trong khi chờ đợi, cả hai bên ồ ạt gởi quân tăng viện đến biên giới. Trung Quốc thông báo điều chiến đấu cơ Su-30 và oanh tạc cơ H-6. Để đáp trả, Ấn Độ cho triển khai dàn tên lửa phòng không Akash trên khu vực Ladakh.

Trong cuộc xung đột biên giới Ấn – Trung này lại thấp thoáng bóng dáng Mỹ. Giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định những chuyển động này của Ấn Độ diễn ra ngay sau tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cho rằng Hoa Kỳ sẽ giảm bớt quân số ở Đức và điều sang triển khai tại những nơi khác nhằm « đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc nhắm vào Ấn Độ và các nước Đông Nam Á ».

Từ những quan sát trên, Bắc Kinh cho rằng Washington chỉ dùng New Dehli như một quân bài chiến lược để chống Trung Quốc khi kích động phe chủ nghĩa dân tộc. Giới quân sự Trung Quốc không loại trừ khả năng Hoa Kỳ dùng chiến thuật gởi lực lượng đến hỗ trợ Ấn Độ và chống các đội quân Trung Quốc ở Biển Đông, sao cho New Dehli có thể tiếp tục gia tăng các cuộc giao tranh và kềm chân Trung Quốc ở biên giới.

Đây sẽ là một sự ảo tưởng nếu tin vào một kịch bản như thế, giới chuyên gia Trung Quốc cảnh báo. The EurAsian Times dẫn lời ông Wei Dongxu, chuyên gia quân sự, khẳng định Hoa Kỳ chỉ sẽ lợi dụng tình thế để kềm chế Trung Quốc và sẽ chẳng bao giờ chốt quân ở biên giới Ấn Độ.

Chiến lược vây hãm Trung Quốc này của Mỹ được cho là quá kém. Bất chấp các căng thẳng biên giới Ấn – Trung và những cuộc đối đầu ở Biển Đông, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện là rất thấp. Thế nên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc khi trả lời báo mạng EurAsian Times tỏ vẻ tự tin về khả năng có thể đối đầu với Mỹ trên tất cả các mặt trận nhờ vào các chiến lược răn đe của quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Chỉ có điều, chưa có lúc nào tinh thần bài Trung Quốc trên thế giới mạnh mẽ như lúc này kể từ vụ đàn áp đẫm máu phong trào Thiên An Môn năm 1989. Sau việc để đại dịch Covid-19 bùng phát lan rộng ra khắp thế giới, chính sách ngoại giao hung hăng, những hành động gây hấn ở biên giới với Ấn Độ và nhất là thái độ quyết đoán độc chiếm Biển Đông càng làm cho tinh thần bài Trung Quốc càng lớn.

Điển hình là lần đầu tiên, ASEAN đưa ra một lập trường cứng rắn về các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông khi khẳng định UNCLOS là cơ sở để giải quyết các bất đồng. Câu hỏi đặt ra : Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một liên minh quân sự Ấn Độ và Hoa Kỳ thật sự được hình thành ? Với giới chuyên gia Trung Quốc, đây có lẽ sẽ là một cơn ác mộng chiến lược cho Bắc Kinh.

Bắc Kinh khẩn cấp ra luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông

Cờ Trung Quốc-Hồng Kông được những người thân Bắc Kinh trương lên chào mừng Hoa Lục thông qua, ban hành luật an ninh cho đặc khu hành chính ngày 30/06/2020. REUTERS – TYRONE SIU

Hôm 30/06/2020, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua luật liên quan đến an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Luật được ban hành ngay trước ngày kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được Anh trao lại cho Trung Quốc, ngày 01/07/1997.

Đối với Bắc Kinh, luật cho phép bảo vệ Hồng Kông chống lại các hoạt động “lật đổ”, “ly khai”, “khủng bố”. Đối với giới bảo vệ nhân quyền, với luật này, Bắc Kinh có thể thẳng tay đàn áp mọi hình thức đối lập về chính trị tại cựu thuộc địa Anh Quốc.

Luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông được soạn thảo chỉ trong vòng sáu tuần. Hơn 7 triệu người Hồng Kông không hề hay biết về nội dung của luật. Việc thông qua luật liên quan đến Hồng Kông, nhưng hoàn toàn không có sự tham gia của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Đây là điều chưa từng có.

 Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) giữ im lặng vào thời điểm luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, trong lúc các đảng phái, báo chí thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, cũng như rất nhiều báo địa phương khác, đồng loạt đăng tải thông tin này.

Đảng Demossito giải thể do sợ bị luật an ninh nhắm đến

Theo AFP, chỉ vài giờ sau khi luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hồng Kông được Trung Quốc thông qua, đảng Demossito đã tuyên bố giải thể do lo ngại bị luật mới nhắm đến. Trước đó, bốn nhà lãnh đạo trẻ của đảng là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow), La Quán Thông (Nathan Law) và Jeffrey Ngo, đã từ chức.

Sau Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu lấy làm tiếc về việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông và lo ngại về những hậu quả của đạo luật mới này đối với đặc khu hành chính. Trong khi đó, Đài Loan cảnh báo công dân về những rủi ro có thể xảy ra khi đến Hồng Kông, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân đặc khu hành chính.

Mỹ bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt cho Hồng Kông

Một góc đặc khu hành chính Hồng Kông nhìn từ ngoài vịnh, ngày 29/06/2020. REUTERS – TYRONE SIU


Để trả đũa việc Bắc Kinh ra luật về an ninh Hồng Kông, chính quyền Mỹ kể từ ngày 29/06/2020, bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt dành cho đặc khu, trước hết với việc đình chỉ xuất khẩu sang Hồng Kông các vũ khí, thiết bị quân sự và các công nghệ lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục tiêu dân sự và quốc phòng.  

Theo AFP, trước ngày Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật an ninh cho Hồng Kông (30/06), ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua ra thông báo cho biết bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ không cho phép bán các phương tiện phòng vệ, các thiết bị quân sự, sang Hồng Kông, tương tự như với Trung Quốc. Theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, Washington cũng sẽ có các biện pháp để giới hạn việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và các công nghệ lưỡng dụng, tương tự như với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc phủ nhận các quyền tự do của Hồng Kông bắt buộc chính quyền Donald Trump phải xem xét lại chính sách đối với vùng lãnh thổ này”. Ông Pompeo cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét các biện pháp khác.

Hồi tháng trước, tổng thống Mỹ đã đưa ra cảnh báo rút Quy chế đặc biệt của Hồng Kông, nếu chính quyền Trung Quốc ra luật an ninh quốc gia, can thiệp trực tiếp vào đặc khu, từ bỏ nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”, quay lưng lại với các cam kết quốc tế của Bắc Kinh về Hồng Kông.

Phản ứng lại quyết định của Mỹ, hôm nay, 30/06, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định «  Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể cản trở được Trung Quốc thúc đẩy việc cải thiện nền lập pháp Hồng Kông về phương diện an ninh quốc gia ». Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ có cách trả đũa.

Trả lời Reuters, cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông, ông Kurt Tong cho biết hiện tại quyết định trừng phạt nói trên không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ thương mại của Mỹ với Hồng Kông, bởi kinh tế Hồng Kông về cơ bản là một nền kinh tế dựa vào dịch vụ hơn là sản xuất.

Theo giới chuyên gia, việc tước bỏ hoàn toàn Quy chế đặc biệt với Hồng Kông là một quyết định rất khó khăn, bởi cũng sẽ mang lại các tổn thất lớn cho chính nước Mỹ. Hiện tại, khoảng 1.300 công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Hồng Kông, trong đó có nhiều tập đoàn tài chính lớn, và 85.000 công dân Mỹ sinh sống tại đặc khu hành chính này. 

Trung Quốc thừa nhận xả đập Tam Hiệp

Sau khi các video xuất hiện cuối tuần qua cho thấy các thành phố ở hạ lưu đập bị ngập lụt và người dân lo ngại họ đang phải hy sinh để cứu đập, chính quyền Trung Quốc hôm 29/6 cuối cùng đã thừa nhận rằng đợt xả lũ lần đầu tiên ở đập Tam Hiệp trong năm nay, theo Taiwan News.

Do lượng mưa lớn ở giữa và thượng lưu sông Dương Tử, dòng nước chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đã tiếp tục tăng. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 29/6 đưa tin các nhà vận hành đã mở hai đập tràn của đập Tam Hiệp vào sáng cùng ngày, đánh dấu lần xả lũ chính thức đầu tiên của con đập lớn nhất thế giới trong năm nay. Vào lúc 8h, 34 máy phát điện của đập hoạt động đầy đủ và gần đạt công suất tối đa.

Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc dự báo từ 1/7 đến 2/7, sẽ có mưa vừa đến mưa to gần các nhánh ở thượng nguồn sông Trường Giang. Đến 3/7, lượng mưa lớn và mưa giông sẽ xảy ra ở thượng nguồn sông Gia Lăng và thượng lưu sông Hàn.

Kênh truyền thông Trung Quốc cũng cảnh báo một đợt lũ mới đang tiến về khu vực hạ lưu đập Tam Hiệp, nơi có diện tích trên một triệu km2 và Hồ chứa Tam Hiệp có thể trải qua đợt ngập lụt mới từ đầu đến giữa tháng 7.

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc sáng nay phát cảnh báo màu xanh về mưa lớn ở miền nam và tây nam Trung Quốc từ 8h ngày 30/6 đến 8h ngày 1/7.

Nhật Bản và Đài Loan chỉ trích Bắc Kinh

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay nói rằng động thái “đáng tiếc” của Trung Quốc khi thông qua luật an ninh Hồng Kông có thể làm xói mòn độ tin cậy trong chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, theo Reuters.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nước liên quan để giải quyết vấn đề này một cách hợp lý”, ông Suga nói.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên rằng cũng giống như người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế, ông “quan ngại sâu sắc” về động thái của Bắc Kinh.

Trong khi đó, người phát ngôn Nội các Đài Loan Evian Ting bày tỏ, việc Bắc Kinh thông qua luật mới sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do, nhân quyền và ổn định của Hồng Kông. Chính phủ Đài Loan lên án mạnh mẽ và chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ đối với người dân Hồng Kông trong cuộc chiến vì dân chủ và tự do”.

Đảng Demosisto của Hoàng Chi Phong giải tán

image.png

Đảng Demosisto của Hoàng Chi Phong hôm nay thông báo giải tán sau khi chính quyền Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông.

“Sáng nay chúng tôi đã nhận được thông tin và chấp nhận sự rút lui của Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Chu Đình. Sau nhiều lần cân nhắc nội bộ, chúng tôi đã quyết định giải tán và ngừng mọi hoạt động”, đảng Demosisto đăng trên Twitter.

Bắc Kinh quan ngại việc Ấn Độ cấm ứng dụng Trung Quốc

Bắc Kinh hôm nay bày tỏ sự quan ngại về việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu là của Trung Quốc, theo Al Jazeera.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay nói với các phóng viên rằng Ấn Độ phải có trách nhiệm duy trì các quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ luật pháp và quy định quốc tế và địa phương”, ông Triệu tuyên bố.

Bộ công nghệ Ấn Độ đã ban hành một chỉ thị, trong đó nêu rõ các ứng dụng này là có “định kiến về chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng” của Ấn Độ. Trong số 59 ứng dụng bị cấm, có TikTok của Bytedance và WeChat của Tencent, hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc.

Trung Quốc điều tàu chiến lớn đến đảo Phú Lâm trước cuộc tập trận

Trung Quốc điều tàu chiến lớn đến đảo Phú Lâm trước cuộc tập trận
Tàu đổ bộ lớp Yuzhao (Loại 071), loại tàu được Trung Quốc điều đến đảo Phú Lâm trước cuộc tập trận

Trung Quốc vừa neo đậu tàu chiến hạng 071 tại Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, theo thông tin từ BenarNews, một trang đa ngôn ngữ chuyên đưa tin về các nước Đông Nam Á.

Tờ báo này nhận định, con tàu này nhiều khả năng sẽ được sử dụng trong một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn trong tuần này. Hôm thứ Bảy (27/6), Trung Quốc tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tập trận trên Biển Đông từ ngày 1 đến 5/7.

Ảnh chụp vệ tinh mà tờ BenarNews thu thập được cho thấy một con tàu ăn khớp với các đặc điểm của tàu dạng 071 đang neo đậu tại đảo Phú Lâm hôm 27/6. Trước đó 2 ngày, không thấy con tàu xuất hiện trong khu vực.

Tàu dạng 071 là một bến tàu đổ bộ có khả năng chuyên chở máy bay trực thăng, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, xe lội nước và các vật tư khác phục vụ chiến dịch đổ bộ. Tàu loại này thường xuất hiện trong các cuộc diễn tập của Hải quân Trung Quốc.

Đảo Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa và là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Hiện đảo này đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Đảo Phú Lâm là điểm dừng chân thường xuyên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) và các đội tàu đánh cá bán quân sự khét tiếng, lực lượng chuyên đi khẳng định yêu sách chủ quyền của nước này. Tuy nhiên, các tàu chiến hải quân hiếm khi xuất hiện ở bến cảng đảo Phú Lâm, theo dữ liệu vệ tinh hiện có của BenarNews. Đây là lần đầu tiên tàu 071 xuất hiện trong khu vực. 

Ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Washington nhận định:

“Nhưng đây là một phần đáng lo ngại. Những khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đã diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian dịch bệnh và Bắc Kinh dường như muốn leo thang thay vì hạ nhiệt tình hình”, ông nói với BenarNews.

Việc neo đậu của tàu chiến Trung Quốc diễn ra sau khi Hoa Kỳ tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn với hai tàu sân bay ở Biển Philippines hôm Chủ nhật, một phần trong chính sách của Mỹ nhằm đối kháng với thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh để bành trước và củng cố các yêu sách trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau khi ASEAN ra tuyên bố chung gần đây trong đó yêu cầu giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1984, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã bày tỏsự ủng hộ đồng thời yêu cầu Trung Quốc không được coi Biển Đông là ‘đế chế’ của riêng mình.

Hoa Kỳ cũng đã tiến hành một cuộc tập trận song phương với Nhật Bản vào tuần trước. Singapore cũng đã tiến hành các cuộc tập trận với Mỹ và Nhật Bản, lần lượt vào hai ngày 17 và 22/6.

Ông Maduro yêu cầu đại sứ EU phải rời Venezuela trong 72 giờ

Tổng thống Venezuela Maduro yêu cầu trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Caracas, bà Isabel Brilhante Pedrosa, phải rời Venezuela trong 72 giờ nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của EU, theo AFP.

“Chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa trong vòng 72 giờ, bà ấy sẽ được thu xếp một máy bay để rời Venezuela, nhưng chúng tôi sẽ dàn xếp mọi thứ với EU”, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 29/6 tuyên bố, sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt 11 quan chức Venezuela.

Tuy nhiên, không phận nước này đang cấm các chuyến bay thương mại do ảnh hưởng của Covid-19, nên chưa rõ bà Pedrosa sẽ rời đi bằng cách nào.

Tờ Al Jazeera cho biết, vào hôm 29/6, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 11 quan chức Venezuela, với lý do hành động của họ chống lại các hoạt động dân chủ của Quốc hội nước này. Trong số các quan chức Venezuela bị EU trừng phạt hôm 29/6 có nghị sĩ đối lập Luis Parra, người được chính quyền Maduro hậu thuẫn làm chủ tịch Quốc hội thay thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.

Related posts