Luật an ninh Hồng Kông: Người vi phạm có thể lĩnh mức án chung thân

Quý Khải

Chỉ một giờ trước khi bước sang ngày hôm nay (1/7), ngày kỷ niệm 23 năm Anh chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc, chính quyền thành phố cảng này đã công bố nội dung chi tiết luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, trong đó tuyên bố những kẻ phạm tội, nếu bị kết án, có thể bị  tù chung thân.

Các điều khoản của luật đã thổi bùng sự sợ hãi rằng thành phố cảng này, nơi đã được cam kết quyền tự trị và tự do cao độ sau khi được bàn giao về Trung Quốc, sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của sự cai trị độc tài toàn trị, hãng tin The Epoch Times nhận định.

Luật an ninh mới cấp cho Bắc Kinh một quyền lực rộng lớn khi nhắm vào các cá nhân có hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực hải ngoại. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thiết lập một văn phòng an ninh để hướng dẫn và giám sát chính quyền Hồng Kông trong việc thi hành luật, tiến hành chỉ đạo trong các “trường hợp phức tạp”, ví dụ như những ca có sự tham dự của nước ngoài. Đáng chú ý, cơ quan này sẽ được quyền miễn trừ tài phán của chính phủ Hồng Kông, tức đứng bên ngoài luật pháp Hồng Kông.

Luật an ninh định nghĩa 4 tội danh chính theo nghĩa rộng. Các hoạt động khủng bố, lấy ví dụ, sẽ bao gồm việc làm dấy khởi các mối đe dọa đến chính quyền trung ương, chính quyền Hồng Kông hoặc các tổ chức quốc tế “nhằm đạt được các mục tiêu chính trị”; “tổ chức hoặc điều hành các tổ chức khủng bố”; và tiến hành “các biện pháp nguy hiểm khác để gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng”.

Cấu kết với các thế lực hải ngoại bao gồm việc thu thập thông tin tình báo cho các tổ chức bên ngoài hoặc nước ngoài; nhận tài trợ hoặc hỗ trợ từ bên ngoài để can thiệp vào các chính sách của Trung Quốc và Hồng Kông; làm suy yếu các cuộc bầu cử địa phương; áp đặt chế tài; và “kích động thù hận” đối với chính quyền. Các cá nhân cư trú bên ngoài Hồng Kông vi phạm luật an ninh cũng sẽ bị truy tố, theo Điều 38.

Nhà chức trách có thể thu giữ giấy thông hành (VD: hộ chiếu, CMND,…) của người vi phạm, đóng băng hoặc tịch thu tài sản, yêu cầu được cấp thông tin từ các tổ chức nước ngoài và nghe trộm điện thoại các nghi phạm trong quá trình điều tra.

Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có thể bị yêu cầu xóa thông tin gây tổn hại hoặc hợp tác với các cơ quan chức năng trong một cuộc điều tra hình sự, theo điều 43.

LIHKG là một trong những diễn đàn trực tuyến phổ biến nhất nơi người biểu tình hội tụ để thảo luận trước kế hoạch tổ chức biểu tình. Sau khi luật an ninh được thực thi, LIHKG Picks, một nhóm tình nguyện giám sát nội dung liên quan đến biểu tình từ nền tảng này và dịch chúng sang tiếng Anh, thông báo rằng các quản trị viên ở Hồng Kông của nó đã khóa tài khoản và công việc của họ sẽ được chuyển ra nước ngoài. “Chúng tôi sẽ … tiếp tục chừng nào chúng tôi còn có thể”, nhóm tình nguyện viết trên Twitter.

Chính quyền Trung Quốc có thẩm quyền tối cao đối với các vụ án an ninh. “Chính phủ Trung ương Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có trách nhiệm bao quát toàn diện đối với các vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến Đặc khu hành chính Hồng Kông”, theo nội dung Điều 2 của luật.

Các thẩm phán có thể bị cấm thụ lý các vụ án nếu lời nói và hành động của họ bị coi là “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Luật cũng quy định rằng văn phòng an ninh sẽ “thắt chặt quản lý” các hãng thông tấn phi chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài.

Nhiều lo ngại xoay quanh tương lai Hồng Kông đang treo lơ lửng trên đầu thành phố. Vài giờ sau khi Bắc Kinh chính thức thông qua luật, nhiều nhóm ủng hộ dân chủ, bao gồm cả Demosisto do nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng Hoàng Chi Phong đồng sáng lập, đã tuyên bố giải thể.

“Kịch bản tồi tệ nhất không còn là một viễn cảnh chính trị trừu tượng – nó đang liên tục gõ vào cửa trước của Hồng Kông”, ông Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện nghiên cứu Heritage Foundation, nói trong một tuyên bố. Ông nói thêm rằng, “Bắc Kinh đang làm tổn hại uy tín quốc tế của nó khi cố gắng thuyết phục thế giới rằng điều nó đang làm là ‘khôi phục trật tự’ tại Hồng Kông”.

Trong một tuyên bố, Dan Garrett, một học giả và tác giả người Mỹ, người đã theo sát phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông, cho rằng luật mới sử dụng các thuật ngữ rất mơ hồ, ví như việc bảo vệ “sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng”, và rằng đây chỉ đơn thuần là các nỗ lực biện minh cho các việc kết án chính trị các tiếng nói bất đồng.

Bằng cách theo đuổi một hoặc hai nhân vật chủ chốt ủng hộ dân chủ như nhà hoạt động Hoàng Chi Phong và ông trùm truyền thông địa phương Jimmy Lai, chính quyền này có thể ngăn chặn một cách có hiệu quả các nhà chí trích khác cất lên tiếng nói. 

“Đây là sự kết thúc của Hồng Kông và chính thức mở ra giai đoạn tồn tại của một Hồng Kông do chính quyền cộng sản chiếm đóng”, ông Garrett nhân định, đồng thời nói thêm rằng sẽ có “thêm rất nhiều cuộc phản kháng nữa” trước khi Luật có hiệu lực.

“[Luật an ninh quốc gia] trên thực tiễn đã đối xử với Hồng Kông như một vùng đất của những kẻ khủng bố đang nổi dậy, một lãnh thổ thù địch cần phải bình định”, ông nói. “Giờ đây sẽ xuất hiện một quốc gia Hồng Kông lưu vong, một quốc gia sẽ không từ bỏ cuộc chiến vì quê hương của mình”.

Related posts