Trung Quốc phóng một vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị dẫn đường Bắc Đẩu 3 vào quỹ đạo hôm 23/6, hoàn tất một dự án được thiết kế nhằm độc lập quân sự và tạo giá trị thương mại đã kéo dài 20 năm và ngốn mất 10 tỷ USD của Bắc Kinh.
Vụ phóng được thực hiện tại trung tâm vệ tinh Tây Xương, ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) xác nhận tên lửa đẩy Trường Chinh 3B đã đưa thành công vệ tinh Bắc Đẩu 3 vào quỹ đạo và nó đã ổn định quỹ đạo địa tĩnh (GEO) ngay sau đó.
Vệ tinh cuối cùng của Bắc Đẩu 3 này dự kiến được phóng vào hôm 16/6, nhưng do sự cố kỹ thuật từ một tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo nên vụ phóng được dời sang ngày 23/6. Sự cố được phát hiện trong quá trình kiểm tra định kỳ trước khi cất cánh từ điểm phóng Tây Xương. Tên lửa đẩy được sử dụng cho vụ phóng này là Trường Chinh 3B, đây là loại tên lửa chính mà Trung Quốc dùng đưa các vệ tinh lên quỹ đạo.
Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu 3 bao gồm 27 vệ tinh trên Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO), 5 vệ tinh Bắc Đẩu trên Quỹ đạo địa tĩnh (GEO) và 3 vệ tinh Bắc Đẩu trong Quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO). Đây là thế hệ vệ tinh định vị dẫn đường thứ ba của Trung Quốc. Trước đó là Bắc Đẩu 1, đã ngừng hoạt động vào năm 2012, và Bắc Đẩu 2 bao gồm 16 vệ tinh vẫn đang hoạt động. Theo chuyên trang Space News, Trung Quốc phóng vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu đầu tiên vào năm 2000 để thử nghiệm và cung cấp các dịch vụ trong nước. Tổng cộng đã có 55 vệ tinh Bắc Đẩu được phóng trong 20 năm qua.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ định vị, điều hướng và thời gian trên toàn cầu (PNT), các hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu nhằm cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu. Có ước tính rằng Bắc Kinh đã đổ hơn 10 tỉ USD cho dự án nhằm chiếm lĩnh thị phần không trung.
Theo Reuters, tính đến năm 2019, hơn 70% điện thoại di động lưu hành tại Trung Quốc, bao gồm của các hãng như Huawei, Oppo, Xiaomi, Vivo và Samsung được cài hệ thống định vị Bắc Đẩu. Hàng triệu taxi, xe buýt và xe tải ở Trung Quốc cũng sử dụng Bắc Đẩu.
“Một mặt nào đó thì nó là cơ sở hạ tầng toàn cầu, là sự thay thế tiềm năng cho người dùng thương mại và dân sự trên Trái đất so với GPS của Mỹ. Sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng trao sự ảnh hưởng cho bất kỳ ai kiểm soát cơ sở hạ tầng đó”, Tiến sĩ Bleddyn Bowen, giảng viên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Leicester ở Anh cho biết.
“Nhưng với việc sẽ sớm trở thành một trong bốn nhóm Hệ thống định vị toàn cầu (GNSS) cùng tồn tại, Trung Quốc sẽ tạo được bao nhiêu lợi ích về mặt dân sự và thương mại so với các hệ thống định vị khác trên thế giới, bởi vì các quốc gia và các công ty có thể chọn dùng các cơ sở hạ tầng khác nếu Trung Quốc không cho họ sử dụng theo cách họ muốn”, Bowen nói.
Bowen cho rằng lợi ích chính của hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc nhằm để hiện đại hóa hỏa lực quân sự của nước này và tích hợp sức mạnh không gian vào lực lượng tấn công trên cạn và các hệ thống vũ khí tên lửa tầm xa thông thường.
“Tuy nhiên, để thực sự tận dụng được điều này, quân đội Trung Quốc phải phân bổ rất nhiều máy thu và điều đó sẽ mất nhiều thời gian, và các lực lượng hiện đại hóa của nó cần phải quen với việc tiến hành các hoạt động quân sự khả năng tương thích không gian. Hoa Kỳ và các đồng minh đã có 30 năm kinh nghiệm và đã tích lũy rất nhiều kỹ năng về cách sử dụng GPS trong chiến đấu. Trung Quốc không thể nào nhận rằng làm được điều đó”.
Một điều lạ là vụ phóng thử Bắc Đẩu 3 hôm 23/6 được truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin một cách khác thường. Các vụ phóng từ các điểm phóng tàu vũ trụ ở đất liền Trung Quốc thường hạn chế quyền truy cập và các cảnh quay trực tiếp. Đa phần các góc nhìn cho thấy tên lửa được lắp sẵn vào bệ phóng LC2 ở điểm Tây Xương.
Như nhiều vụ phóng vệ tinh Bắc Đẩu khác từ Tây Xương, tên lửa đẩy trong vụ phóng hôm 23/6 có thể đã rơi xuống gần khu vực có người ở phía dưới.
Nhiều cảnh quay đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy rõ một luồng khói màu cam bốc lên từ những bụi cây gần một hồ chứa, các mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trường Chinh 3 rơi xuống gần một hồ chứa ở quận Dư Khánh, thuộc tỉnh Quý Châu.
Việc các phần của tên lửa Trung Quốc bị rơi trong khi phóng nay không còn là chuyện hiếm. Hồi tháng 3, sau một vụ phóng từ điểm Tây Xương, các phần của tên lửa đẩy Trường Chinh 3B rơi trở lại Trái đất. Theo hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội, khúc tên lửa có đường kính 2,25 m một đầu cắm xuống mặt đất và một đầu của nó nhô lên.
Một vụ rơi tên lửa trong vụ phóng tương tự vào tháng 11/2019 đã làm tan hoang một ngôi nhà ở Khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc.
Những vụ tên lửa rơi đã khiến cư dân xung quanh khu vực lo lắng, bởi trong khói từ đống đổ nát bốc ra có những chất độc hại. Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã có những cuộc thảo luận và bày tỏ ý kiến vì sao những vụ rơi như vậy lại hay xảy ra và cư dân mạng thường suy tính đến việc người dân nên được bồi thường ra sao. Việc Trung Quốc phát triển các tên lửa đẩy mới và mở rộng đáng kể số lần phóng vệ tinh vào quỹ đạo dẫn đến gia tăng các sự cố như vậy.
Ba điểm phóng vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc gồm Tây Xương và Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, Thái Nguyên ở tỉnh Thiểm Tây, được thiết lập trong thời chiến tranh Lạnh. Các điểm này được chọn nằm sâu trong đất liền như một biện pháp bảo vệ tạm thời trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và Liên Xô khi đó. Điều này phần nào giải đáp được việc vì sao các vụ tên lửa Trung Quốc rơi thường lao xuống đất liền chứ không phải đại dương.
Năm 2016, Trung Quốc đã mở trung tâm vệ tinh Văn Xương nằm ven biển tỉnh Hải Nam, miền Nam nước này. Cho đến nay, Văn Xương được sử dụng riêng cho các tên lửa mới hơn là Trường Chinh 5 và Trường Chinh 7.
Như vậy, trên bề mặt Trung Quốc đã hoàn tất hệ thống định vị Bắc Đẩu thế hệ thứ 3, đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực định vị toàn cầu nhưng các sự cố cho thấy Trung Quốc vẫn rất vất vả để chạy theo Mỹ.