Biên giới Ấn-Trung: Bắc Kinh thổi bùng lửa xung đột để dập tắt bất đồng nội bộ?

Biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn tại biên giới, đốt ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại New Dehli, Ấn Độ ngày 22/06/2020. REUTERS – Adnan Abidi

Trọng Thành


Giữa tháng 6/2020 vừa qua, xung đột bùng phát tại vùng biên giới với Ấn Độ-Trung Quốc, gây tổn thất lớn về nhân mạng cho cả hai phía, lần đầu tiên kể từ năm 1975. Mặc dù hai bên duy trì đàm phán, đối thoại, nhưng nguy cơ bùng nổ đụng độ lớn trong thời gian tới tiếp tục treo lơ lửng. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao lại xảy ra xung đột đẫm máu giữa Trung Quốc với Ấn Độ vào thời điểm này?

Nguyên cớ có thể dẫn đến xung đột thì có nhiều: tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, thiếu căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp tại một khu vực hơn trăm nghìn cây số vuông tại vùng biên giới Ấn – Trung, không khí dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ, hay thế đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ cùng các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đang thành hình, mà New Delhi là một bên tham gia, để ngăn chặn các tham vọng bá quyền của Trung Quốc…

Tuy nhiên, các nguyên nhân nói trên dường như chưa đủ để giải thích cho việc căng thẳng tại vùng biên giới Ấn – Trung đột ngột bùng phát thành xung đột đẫm máu. Bởi từ trước đến nay, Bắc Kinh vẫn chủ trương chiến lược lấn dần, giành thế thượng phong tại “các vùng xám” (mà Biển Đông là một ví vụ tiêu biểu), kiềm chế không để căng thẳng vượt ngưỡng thành xung đột, để bất chiến tự nhiên thành. Vậy tại sao xung đột với Ấn Độ lại bùng lên? Tại sao Bắc Kinh lại quyết định để xung đột bùng phát với New Delhi, đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc?

Theo nhiều chuyên gia, nhà quan sát, một lý do cơ bản khiến Trung Quốc quyết định gây hấn với Ấn Độ là do khủng hoảng nội bộ có khả năng đã vượt tầm kiểm soát, vị thế của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình suy yếu, thậm chí lung lay, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 từ Vũ Hán lan ra khắp thế giới, kinh tế Trung Quốc gặp khó do chiến tranh thương mại với Mỹ. Giết gà để dọa khỉ: xung đột với Ấn Độ có thể chính là thủ đoạn bất đắc dĩ của lãnh đạo tối cao nhằm dập tắt mọi tiếng nói chỉ trích trong nội bộ. Mục “Theo dòng thời sự” của RFI hôm nay xin giới thiệu một số phân tích theo hướng này.

***

Trước hết xin giới thiệu nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc hàng đầu tại Ấn Độ, ông Jayadeva Ranade, chủ tịch trung tâm tư vấn Centre for China Analysis and Strategy, tác giả cuốn “China Unveiled: Insights into Chinese Strategic Thinking” (tạm dịch là : Trung Quốc lộ diện: giải mã tư duy chiến lược của Bắc Kinh).

Cuộc tấn công “đã được lập kế hoạch”

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo The Hindu, ngày 07/06/2020, về lý do đằng sau hành động của Trung Quốc tại thung lũng Galwan, vùng biên giới với Ấn – Trung, nơi xẩy ra các đụng độ đẫm máu (“ China’s internal pressures are driving Xi Jinping’s tough stance on border, says veteran Beijing watcher, Jayadeva Ranade”), chuyên gia Ấn Độ bác bỏ cách lý giải của bộ trưởng Quốc Phòng Rajnath Singh, theo đó căng thẳng song phương xuất phát từ quan niệm khác nhau về Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Chuyên gia Jayadeva Ranade nhấn mạnh là ông thiên về quan điểm cho rằng việc quân đội Trung Quốc xâm nhập sang vùng Ấn Độ kiểm soát là hoàn toàn có chủ ý và “đã được lập kế hoạch từ trước”.

Chuyên gia Ấn Độ lưu ý là chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bất mãn ngày càng gia tăng trong nước, với số lượng người thất nghiệp tăng vọt (từ 20 triệu lên 70 triệu), giới trí thức, sinh viên, cán bộ về hưu bất bình với chế độ độc tài cá nhân của ông Tập Cận Bình… Có nhiều dấu hiệu cho thấy trong tầng lớp cán bộ cao cấp và trung cấp, có nhiều người không chấp nhận cách điều hành hiện nay của ông Tập Cận Bình. Bản thân Quân Đội Trung Quốc, vốn rất ít thể hiện quan điểm, hồi đầu tháng 5, đã công bố một bài viết dài, tỏ ra lo ngại về viễn cảnh kinh tế ảm đạm. Dân chúng ngày càng mất tin tưởng vào “Giấc mộng Trung Hoa”, với viễn cảnh kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ vào năm 2049, không đủ tin tưởng là nhóm cầm quyền hiện nay hành động “một cách hiệu quả”, và “kiểm soát được tình hình”.

Chuyên gia Ấn Độ cho rằng chính quyền Tập Cận Bình có chính sách cứng rắn hơn với bên ngoài, với Ấn Độ, với Biển Đông, hay với Đài Loan, chính là nhằm xua tan các hoài nghi, bất mãn trong dân chúng.

“Phục hồi các vùng đất bị mất” – cơ hội níu kéo Giấc mộng Trung Hoa?

Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây báo New India Express, ngày 27/06, nhà Trung Quốc học Jayadeva Ranade cho biết thêm: “hoạt động triển khai quân sự quy mô rất lớn của Trung Quốc có thể là để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc khỏi các vấn đề trong nước và sự bất mãn ngày càng tăng đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Có những đòi hỏi chưa từng có yêu cầu ông Tập phải từ chức, vì nhiều chính sách của ông ta, trong đó có cách xử lý sai vụ dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Mọi người đang mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, và bắt đầu đặt câu hỏi về lời hứa của ông về ‘‘Giấc mộng Trung Hoa’’, khi Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia khá giả toàn diện vào năm 2021 – dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc (tức là năm tới)”. “Phục hồi chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất do các hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc nước ngoài” là một cam kết của ông Tập Cận Bình trong chủ trương Giấc mộng Trung Hoa. Cổ vũ cho các hoạt động quân sự trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng dường như là ngọn cờ duy nhất mà ông Tập khả dĩ có thể giương lên, để quy tụ niềm tin trong xã hội Trung Quốc.

Đọc thêm : Con đường Tơ lụa : Giấc mơ của Trung Hoa, Ác mộng của Ấn Độ
Trong bài tổng thuật mới đây về tình hình nội bộ Trung Quốc trên Le Monde (“En Chine, la ‘‘pensée Xi Jinping’’ ne fait pas l’unanimité”, ngày 16/06/2020), nhà báo Frédéric Lemaitre ghi nhận thái độ phản ứng ngày càng dữ dội của nhiều trí thức Trung Quốc đối với chế độ Tập Cận Bình. Tình hình khác hẳn thời điểm cách nay hơn 2 năm, khi ông Tập còn được nhất loạt tung hô, tư tưởng Tập Cận Bình về “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa” được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc.

Cựu giáo sư trường Đảng: Đảng Cộng Sản, “thây ma chính trị”, Tập Cận Bình, “thủ lĩnh mafia”

Trên các mạng xã hội, trong những ngày gần đây lân truyền một phát biểu ghi âm lên án trực diện lãnh đạo tối cao Trung Quốc, của bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư Trường Đảng trung ương Trung Quốc. Phát biểu dường như được đưa ra trong một “cuộc họp bí mật của thành phần những người có vai vế trong hàng ngũ chế độ cộng sản”. Cựu giáo sư Trường Đảng Trung Quốc  một mặt khẳng định “sức sống của xã hội Trung Quốc”, “người Trung Quốc tài năng”, mặt khác lên án ông Tập Cận Bình là người “cản trở sự tiến lên của đất nước và của chính Đảng Cộng Sản”.

Báo Đài Loan Taiwan News, ấn bản Anh ngữ (trong bài “Chinese professor calls CCP ‘‘political zombie’’, Xi ‘‘mafia boss’’”, ngày 16/06) dẫn lời của cựu giáo sư Thái Hà, gọi Đảng Cộng Sản Trung Quốc là “một thây ma chính trị”, và chủ tịch Tập Cận Bình là “một trùm mafia” điều khiển đất nước, và dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ hoàn toàn, nếu lãnh đạo tối cao không bị lật đổ. Theo Taiwan News, phát biểu ngày 03/06/2020 của giáo sư Thái Hà đã được trang mạng China Digital Times xác thực, bản dịch Anh ngữ được đưa lên mạng ngày 12/06.

Mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc dường như đã ở mức thượng tầng của hệ thống quyền lực, theo ghi nhận của báo chí Đài Loan. Bài “Signs of infighting surface among Chinese leadership”, Taiwan news, 08/06/2020, cho biết mâu thuẫn giữa hai nhân vật quyền lực nhất trong chế độ cộng sản Trung Quốc hiện rõ giữa ban ngày trong cách đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau về thực trạng kinh tế Trung Quốc. Trong kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, một năm trước thời điểm mà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành xã hội khá giả toàn diện, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra con số thống kê khẳng định, có đến 600 triệu người dân Trung Quốc vẫn đang sống với mức thu nhập hàng tháng 1.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 140 đô la Mỹ), có nghĩa là ở mức nghèo (không đủ để thuê được một căn phòng ở tại một đô thị cấp hai). Cũng trong dịp họp này, thủ tướng Trung Quốc kêu gọi phục hưng lại “nền kinh tế vỉa hè”, mà theo ông sẽ mang lại cơ hội cho sự phục hồi kinh tế. Chính sách này hoàn toàn đi ngược lại chủ trương chính thống hiện nay, coi “kinh tế vỉa hè” là đi ngược lại với một xã hội văn minh. Khoảng một tuần sau, các phát biểu của thủ tướng đồng loạt bị báo chí chính thống dỡ bỏ.

Ủng hộ dân nghèo: Phát biểu của thủ tướng bị báo chí Nhà nước cắt bỏ

Nhà quan sát về tình hình Trung Quốc lâu năm, nhà hoạt động nghiệp đoàn cánh tả Vincent Kolo, trong bài “China: Has the pandemic strengthened or weakened Xi Jinping?” (trên trang mạng chinaworker.info, ngày 21/06/2020) cũng ghi nhận tình trạng thất nghiệp chưa từng có tại Trung Quốc, do khủng hoảng kinh tế. Ngoài con số 26 triệu dân thành phố thất nghiệp (theo số liệu chính thức, mà chắc chắn là thấp hơn nhiều so với thực tế), “không có số liệu nào nói về thất nghiệp ở thành phần lao động nhập cư”. Theo Vincent Kolo, trong số 290 triệu người lao động, có hộ khẩu nông thôn, ra thành thị làm việc, chỉ có 129 triệu người, ít hơn một nửa trở lại xí nghiệp, do đại dịch.

Vincent Kolo ví tuyên bố của thủ tướng Lý Khắc Cường, thừa nhận 600 triệu dân Trung Quốc có thu nhập thấp, chẳng khác nào ”một trái bom chính trị”, trong bối cảnh chế độ Trung Quốc cố tình bưng bít thông tin. Việc thủ tướng Trung Quốc cổ vũ cho việc phát triển “kinh tế vỉa hè” để tạo điều kiện cho người dân nghèo, có thể tham gia các hoạt động buôn bán nhỏ, để có việc làm, thúc đẩy kinh tế, nhưng ngay lập tức bị hệ thống chính trị kiểm duyệt, loại bỏ, càng làm nổi bật chính sách đô thị hóa mang tính phân biệt đối xử, đầy kỳ thị đối với dân nghèo hiện nay của chế độ Tập Cận Bình. Nhà quan sát Vincent Kolo dự đoán mối quan hệ giữa hai lãnh đạo cao nhất trong chế độ Trung Quốc sẽ có thể trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới.

Đọ sức Tập – Lý tại Bắc Đới Hà?

Về mâu thuẫn trên thượng đỉnh quyền lực tại Trung Quốc, nhà nghiên cứu Pháp Jean-Paul Yacine có loạt bài đáng chú ý (ba kỳ) trên trang mạng chuyên về Trung Quốc, questionchine.net, mang tựa đề “Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải chăng đang xung khắc? Một thách thức đối với sự bền vững của chế độ” (Xi Jinping et Li Keqiang à couteaux tirés? Un défi à la résilience de l’appareil, 17/06/2020).

Nhà nghiên cứu Jean-Paul Yacine chú ý đến đợt phản công của phe cánh lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, chống lại các tuyên bố của thủ tướng họ Lý, đứng đầu là ông Hoàng Khôn Minh (Huang Kunming), lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của Đảng. Tổng cục Thống kê, vốn trực thuộc chính phủ, cũng ngay lập tức ra thông báo cải chính cách đánh giá của thủ tướng về thu nhập của người Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Pháp Jean-Paul Yacine, dường như lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đang tìm mọi cách dập tắt mọi ý kiến bất đồng trong nội bộ, trước hết là của người đứng đầu chính phủ, trước khi ban lãnh đạo Trung Quốc bước vào cuộc họp kín quan trọng hàng năm tại Bắc Đới Hà, trong dịp cuối hè. Lãnh đạo họ Tập dường như lo ngại bị thủ tướng Lý Khắc Cường lấn át, vào thời điểm phương thức điều hành độc đoán của Tập Cận Bình rõ ràng đang để lại những hệ quả ngày càng nghiêm trọng cho xã hội Trung Quốc. 

Related posts